Trung Quốc giăng lưới bủa vây tài phiệt tham nhũng
Sau các quan chức, chính trị gia, nay chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc bắt đầu sờ gáy những ông trùm tài chính, kinh doanh khu vực tư nhân.
Quách Quảng Xương, chủ tịch tập đoàn Fosun. Ảnh: SCMP
Quách Quảng Xương, tỷ phú được ví như Warren Buffett của Trung Quốc, hôm qua bất ngờ xuất hiện trở lại trong cuộc họp thường niên của công ty Fosun International tại Thượng Hải, ba ngày sau khi có tin ông bị bắt giữ để hỗ trợ cuộc điều tra của cảnh sát. Không đề cập bất cứ điều gì liên quan tới cuộc điều tra, ông Quách chỉ tập trung vào những vấn đề chuyên môn của công ty, Strait Times dẫn lời nguồn tin giấu tên cho biết.
Quách, 48 tuổi, là người giàu thứ 17 Trung Quốc, với tài sản ròng khoảng 5,6 tỷ USD, theo Bloomberg. Ông là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Tập đoàn Fosun mà ông đứng đầu tham gia vào nhiều lĩnh vực, trong đó có dược phẩm, bất động sản, khai mỏ và cả giải trí. Hồi tháng 8, Quách trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau khi bị nêu tên trong một vụ án tham nhũng ở Thượng Hải. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Quách bị nghi ngờ “giúp đỡ” giám đốc một công ty nhà nước để đổi lấy lợi ích.
Chưa rõ số phận của tỷ phú này sẽ ra sao song việc ông biến mất mà không có lý do rõ ràng đã kịp khuấy đảo một làn sóng hoài nghi ở Trung Quốc. Giới đầu tư, kinh doanh cùng các nhà phân tích suy đoán, dường như chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng đang bắt đầu tìm kiếm các mục tiêu mới – những tài phiệt có máu mặt trong khối tư nhân và ngành tài chính, đặc biệt là trước bối cảnh thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa có bước tụt dốc thê thảm.
Citic Securities, công ty môi giới chứng khoán lớn nhất Trung Quốc, hồi đầu tháng thông báo không thể liên lạc với hai giám đốc điều hành của họ sau khi có các báo cáo rằng nhà chức trách yêu cầu những người này hỗ trợ điều tra.
Một số quản lý cấp cao của công ty trên cũng bị bắt giữ từ hồi tháng 8. Đây là một phần trong kế hoạch mà theo Xinhua là nhằm tập trung làm rõ “các cáo buộc về giao dịch nội gián và cố tình rò rỉ thông tin”.
Guotai Junan International, một công ty môi giới chứng khoán của nhà nước, tháng trước cho hay họ cũng không thể liên lạc được với ông Yim Fung, giám đốc điều hành công ty.
Theo Ronald Wan, giám đốc điều hành công ty Partners Capital International ở Hong Kong, vụ việc của ông Quách rõ ràng là dấu hiệu cho thấy nhà chức trách đang mở rộng phạm vi xem xét ra ngoài khu vực doanh nghiệp nhà nước. Động thái này khiến các nhà đầu tư thêm phần hoang mang.
“Rất nhiều công ty sẽ nằm trong danh sách bị điều tra và điều này như một hồi chuông cảnh báo đối với nhà đầu tư”, Wan đánh giá.
Video đang HOT
Theo Steve Tsang, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Nottingham, Anh, các tài phiệt kinh doanh ở Trung Quốc thường ít khi nhận được thiện cảm từ chính quyền. Thay vào đó, họ đóng vai trò như một công cụ để các lãnh đạo nhà nước đạt được những mục đích riêng của mình, trong đó quan trọng hơn cả là tiếp sức để giúp họ duy trì quyền lực.
“Các tài phiệt bản thân họ không phải là mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng. Nhưng họ có thể trở thành mục tiêu của chính quyền nếu họ có những hành động phương hại đến lợi ích cốt lõi của đảng, điển hình như việc gây mất ổn định nền kinh tế”, ông Tsang nói.
Tuy nhiên, bà Anne Stevenson-Yang, đồng sáng lập công ty tư vấn đầu tư J Capital Research ở Bắc Kinh, cho rằng khu vực tài chính và kinh doanh từ lâu đã nằm trong tầm ngắm và những biến động trên thị trường chứng khoán Trung Quốc năm qua là thời cơ tốt để chính quyền phát động điều tra tham nhũng đối với ngành này.
Ở một nền kinh tế mà các doanh nghiệp nhà nước chiếm ưu thế như Trung Quốc, không ít doanh nhân phải thực hiện các giao dịch ngầm với quan chức nhà nước để đổi lại những giấy phép quan trọng hay các hợp đồng béo bở, ông Zhang Tianyu, chuyên gia về quản trị doanh nghiệp tại Đại học Trung Quốc của Hong Kong, cho hay.
“Chính vì thế, các doanh nghiệp mới gặp rắc rối với chiến dịch chống tham nhũng”, Zhang nói.
Minh chứng điển hình cho thực tế này là trường hợp của tỷ phú ngành khai khoáng Lưu Hán. Ông từng là người giàu thứ 230 ở Trung Quốc nhưng hồi tháng hai phải chịu án tử hình với cáo buộc giết người và điều hành một băng đảng “kiểu mafia”, theo cách gọi của truyền thông Trung Quốc.
Lưu cũng làm giàu chủ yếu dựa vào việc cấu kết với tham quan, trong đó có cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, người lĩnh án chung thân hồi tháng 6 vì tham nhũng và làm lộ bí mật quốc gia. Nhờ mối quan hệ rộng lớn trong giới quan chức tỉnh và trung ương, tập đoàn Hán Long của Lưu giành được nhiều hợp đồng và các dự án lớn. Theo Xinhua, đến năm 2013, tổng tài sản của Lưu lên đến 40 tỷ nhân dân tệ (6,6 tỷ USD).
Tỷ phú Từ Minh, người chết trong tù hôm 4/12, cũng là một trong những doanh nhân giàu lên nhờ cấu kết với quan chức chính phủ. Từ Minh có mối quan hệ gần gũi với gia đình Bạc Hy Lai, cựu ủy viên Bộ Chính trị và bí thư thành ủy Trùng Khánh. Mối liên kết này được cho là đã giúp Từ mở rộng đế chế kinh doanh và tăng khối tài sản cá nhân lên đến hơn một tỷ USD. Có thời gian Từ còn trở thành người giàu có thứ 8 Trung Quốc.
Dù vậy, nhà phân tích Ma Jingren từ Đại học Thâm Quyến lưu ý các cuộc điều tra gần đây không nên được nhìn nhân như một mũi dùi chĩa vào các mục tiêu thuộc ngành tài chính, kinh doanh hay khu vực tư nhân bởi tỷ lệ tham nhũng trong giới này được cho là vẫn còn tương đối thấp.
Chỉ có hơn 1% số tỷ phú góp mặt trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc của tạp chí Hurun Report trong 17 năm qua phải đi tù vì cáo buộc hối lộ, rửa tiền hay tội phạm kinh tế.
Trên trang web của mình, Hurun Report cho biết mới có 35 trong số hơn 3.000 tỷ phú mà tạp chí này giới thiệu trong Danh sách Người giàu Hurun gặp vướng mắc với pháp luật. Con số vi phạm lớn nhất, 11 người, thuộc về các tài phiệt ngành bất động sản, tiếp sau đó là các quản lý ngành tài chính với 9 người.
Theo Rupert Hoogewerf, người sáng lập Hurun, số lượng các tỷ phú bị điều tra hoặc có hành vi tham nhũng thấp hơn rất nhiều so với số lượng quan chức chính phủ hay lãnh đạo các tập đoàn nhà nước.
“Những thương vụ mua lại hay sáp nhập doanh nghiệp là nơi tiềm ẩn nhiều cơ hội cho các hành vi tham nhũng. Vì thế, cũng là lẽ tự nhiên khi chiến dịch chống tham nhũng điều tra cả các doanh nhân”, ông Ma nhấn mạnh. “Cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tư nhân nên được áp dụng cùng một tiêu chuẩn trong sạch”.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Tỉ phú Trung Quốc sống trong sợ hãi
Một số chuyên gia Trung Quốc nhận định nhiều doanh nhân nước này buộc phải kết nối với giới quan chức để làm ăn nên khó tránh rủi ro khi có biến động về quyền lực.
Tỉ phú Quách Quảng Xương phát biểu tại Thượng Hải sáng 14.12 - Ảnh: Hexun.com
Sáng 14.12, tỉ phú Quách Quảng Xương, Chủ tịch Fosun International, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc, đã bất ngờ tham dự sự kiện của công ty ở thành phố Thượng Hải, đánh dấu màn tái xuất sau khi "mất tích" từ trưa 10.12.
Một đại diện Fosun ngày 13.12 xác nhận ông Quách đang hỗ trợ giới tư pháp trong một cuộc điều tra và khẳng định cuộc điều tra đó phần lớn liên quan đến "vấn đề cá nhân" của ông Quách, nhưng từ chối cung cấp chi tiết, lập luận rằng đó là vấn đề "nhạy cảm", theo BBC.
Ngã ngựa hàng loạt
Khi xuất hiện ở Thượng Hải, nhân vật có biệt danh Warren Buffett của Trung Quốc cũng không đề cập đến cuộc điều tra mà chỉ đưa ra phát biểu chúc mừng tập đoàn, theo một số người tham dự sự kiện kể với tờ The Wall Street Journal. Trong khi đó, tạp chí Tài Kinh ngày 14.12 đưa tin ông Quách đã "hoàn tất" việc hỗ trợ điều tra và "đã về nhà an toàn". Hiện vẫn chưa rõ việc tỉ phú Quách, cũng là thành viên Chính hiệp Trung Quốc, xuất hiện trở lại có đồng nghĩa ông đã được "bình an vô sự" hay không trong bối cảnh có nhiều doanh nhân Trung Quốc bị "sờ gáy" vì liên quan đến những quan chức ngã ngựa trong chiến dịch chống tham nhũng.
Trước đó, tạp chí Tài Tân loan tin ông Quách bị thẩm vấn vì liên quan đến cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào ông Ngải Bảo Tuấn, cựu Phó thị trưởng Thượng Hải. Cách đây khoảng 4 tháng, một nhân vật thân cận với ông Quách lẫn ông Ngải là Chủ tịch Tập đoàn thực phẩm quốc doanh Bright Food Vương Tông Nam đã lĩnh án 18 năm tù giam vì tham nhũng. Vào tháng trước, doanh nhân Từ Tường, một nhà quản lý quỹ đầu tư được mệnh danh George Soros của Trung Quốc, cũng bị bắt giam vì nghi ngờ giao dịch nội gián trong khi 8 lãnh đạo của công ty chứng khoán hàng đầu Trung Quốc CITIC Securities cũng đang bị điều tra.
Tính đến nay, chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động từ khi lên nắm quyền lãnh đạo hồi tháng 11.2012, đã hạ bệ hơn 100 quan tham cấp bộ trưởng và nhiều doanh nhân có liên quan đến họ, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Tờ báo Hồng Kông này còn chỉ ra thảm cảnh của một số doanh nhân Trung Quốc liên quan đến quan chức bị ngã ngựa. Trong đó có tỉ phú Lưu Hán, Chủ tịch Tập đoàn Hán Long ở tỉnh Tứ Xuyên, người từng làm ăn với Chu Bân, con trai cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, vốn đã bị xử tù chung thân hồi tháng 7.2015 về nhiều tội danh. Ông Lưu bị tử hình hồi tháng 2 sau khi bị buộc tội giết người, điều hành một băng nhóm mafia...
Trong khi đó, doanh nhân Từ Minh (44 tuổi), ở thành phố Đại Liên, chết trong tù vào ngày 4.12, chỉ một tháng trước khi được thả. Giới chức khẳng định ông Từ qua đời do nhồi máu cơ tim dù cách đó 2 tháng tình trạng sức khỏe của ông được đánh giá "rất tốt". Ông Từ từng có quan hệ gần gũi với cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, vốn đã bị tuyên án tù chung thân hồi năm 2013 về nhiều tội danh.
Cá nằm trên thớt
Sau cái chết của ông Từ, ông Phùng Luân - Chủ tịch Công ty bất động sản tư nhân Trung Quốc Vantone Holdings, viết một bài bình luận trong đó có đoạn: "Một ông trùm kinh doanh tư nhân từng nói: "Trong mắt của một quan chức, chúng ta chẳng khác gì một con gián. Nếu ông ấy muốn giết chết hay giữ mạng sống của bạn, ông ấy có thể".
Trong khi đó, Giáo sư kinh tế Hồ Tinh Đẩu, tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, nhận định với SCMP: "Vấn đề nằm ở những mối liên hệ có vấn đề giữa kinh doanh và quản lý. Kinh doanh cần phải kết nối với quyền lực để phát triển và khi có sự thay đổi về người lên nắm quyền, việc kinh doanh sẽ chịu tổn hại". Ông Hồ cho rằng khi chính quyền Trung Quốc còn kiểm soát những nguồn lực quan trọng đối với doanh nghiệp, bao gồm vốn và đất đai, thì các doanh nghiệp nước này khó tránh xa chính trị và quyền lực nhà nước.
Hiện chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập được cho là đang tập trung vào ngành tài chính, vốn được xem là thành trì của nhiều nhóm lợi ích. Giáo sư Trang Đức Thủy thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng tình trạng chứng khoán Trung Quốc tụt dốc vừa qua cung cấp cơ hội tốt để vạch trần các nhóm lợi ích và "giới lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm tiêu diệt chúng".
Tuy nhiên, một số người ở Trung Quốc vẫn còn nghi ngờ về chiến dịch chống tham nhũng. Trong đó, một nhà nghiên cứu thuộc chính phủ Trung Quốc cho rằng chiến dịch chống tham nhũng hiện nay "như một phong trào chính trị". Ông này khẳng định với SCMP: "Không công bằng khi trừng phạt các doanh nhân vì họ thật sự không có lựa chọn - để nhận được sự chấp thuận kinh doanh, họ phải chi một khoản tiền nhất định".
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Phó bí thư thành ủy Bắc Kinh bị điều tra tham nhũng Ủy ban kiểm tra Kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 11.11 thông báo, bà Lã Tích Văn, phó bí thư thành ủy Bắc Kinh đang bị điều tra, theo Tân Hoa xã. Trung Quốc tiếp tục mạnh tay trong chiến dịch chống tham nhũng - Ảnh: Reuters Chỉ một ngày sau khi thông báo phó thị trưởng thành phố...