Trung Quốc: Dạy giảm cân trong trường đại học
Một trường đại học Trung Quốc đã đi đầu trong cuộc chiến chống béo phì ở giới trẻ. Khoá dạy giảm cân và “ giữ dáng” một cách khoa học kỳ vọng mang lại cho sinh viên sự tự tin trong cuộc sống.
ảnh minh họa
Dạy giảm cân theo cách khoa học
Ruan Weiguo, giáo viên Vật lý Đại học Khoa học Chính trị và Luật Đông Trung Quốc (tại Thượng Hải) quyết định mở lớp dạy giảm cân trong học kỳ vào tháng 3 tới.
Học sinh tham gia lớp học có thể nhận 2 tín chỉ và cùng lúc học giảm cân và tạo dáng cơ thể.
“Mỗi học kỳ, có một hoặc hai sinh viên thừa cân hoặc béo phì trong lớp của tôi. Những sinh viên này thường có kết quả kém trong các bài thi giáo dục thể chất” – Ruan, chuyên ngành văn hoá thể thao và dạy bóng rổ, cho biết.
Điểm thể dục thấp sẽ kéo điểm trung bình học tập xuống và hình dáng cơ thể không gọn gàng cũng có thể ảnh hưởng tới sự tự tin trong cuộc sống – Ruan nhận xét.
“Mục tiêu số 1 của tôi là giúp sinh viên đi theo lối sống lành mạnh, rèn luyện ý chí và xây dựng sự tự tin” – Ruan nói.
Ruan cho biết, khóa học giảm cân, lần đầu tiên được mở trong trường, hữu ích cho những sinh viên cảm thấy khó khăn với trọng lượng của họ.
Khoá học, được đặt tên là “Dinh dưỡng thể thao và kiểm tra trọng lượng một cách khoa học”, sẽ lựa chọn 24 sinh viên từ 70 người đăng ký.
Video đang HOT
“Số sinh viên đăng ký khoá học này vượt xa sự mong đợi của tôi” – Ruan nói.
“Tôi chưa bao giờ tham gia một lớp thể dục chuyên về giảm béo trước đây, tôi rất thích thú” – Ruan Chunyan, 20 tuổi, sinh viên khoa Luật Hình sự cho biết.
Nội dung học bao gồm lí thuyết giảm cân và thực hành.
Sinh viên phải học lí thuyết về dinh dưỡng, các giải pháp kiểm soát trọng lượng và sinh lí học thể thao. Họ cũng cần tham gia các bài tập aerobic sau giờ học để tăng cường thể lực và khéo léo.
“Bệnh” phổ biến trong giới trẻ
“Tôi sẽ lập “hồ sơ giảm cân” để theo dõi sự tiến bộ của mọi sinh viên” – Ruan cho biết – “Sinh viên phải ghi công thức thực phẩm của họ hàng ngày cùng với thời gian tập luyện”.
Zhai Yong, 20 tuổi, chuyên ngành Luật Quốc tế, háo hức chờ đợi được tiếp nhận học chương trình này. “Thói quen ăn uống của tôi không lành mạnh và tôi hiếm khi chơi thể thao” – Zhai nói – Tôi hy vọng giảm từ 90 kg xuống 75 kg theo sự hướng dẫn khoa học”.
Bên cạnh kiểm soát cân nặng, Ruan cũng kỳ vọng khoá học giúp sinh viên yêu thích thể thao và thái độ sống tích cực.
“Tôi không đơn giản cho điểm dựa vào trọng lượng thừa mà sinh viên giảm được” – giảng viên thể dục Ruan cho biết – “Quá trình giảm cân quan trọng hơn điểm số. Tôi giúp họ rèn luyện tinh thần kỷ luật cho cuộc sống tương lai của họ”.
Béo phì đã trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng tại Trung Quốc. 30% người lớn Trung Quốc thừa cân và 11,9% ở mức béo phì – theo Liang Xiaofeng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Trung Quốc.
30 năm trước, thừa cân hay béo phì ở thanh thiếu niên là chuyện hiếm tại Trung Quốc. Vì vậy không có sự tồn tại của các trung tâm giảm cân. Tuy nhiên, các trung tâm này đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây trước tình trạng trẻ béo phì gia tăng nhanh.
Hồi tháng 6, báo cáo về Béo phì trẻ em tại Trung Quốc, được biên soạn bởi một số đơn vị, trong đó có Trường Sức khoẻ Cộng đồng thuộc ĐH Bắc Kinh, dự đoán, nếu không can thiệp, tỉ lệ trẻ quá cân hoặc béo phì từ 7 – 18 tuổi sẽ đạt mức 28% vào năm 2030.
Theo Giaoducthoidai.vn
Xác định chỉ tiêu mới sẽ làm giảm chất lượng đào tạo?
Quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh mới áp dụng cho các trường đại học gây ra nhiều ý kiến tranh luận, đặc biệt việc tính cả giảng viên thỉnh giảng và ưu tiên cho các trường được kiểm định.
Theo quy định mới, các trường sẽ được tự chủ hơn trong việc xác định chỉ tiêu đào tạoẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Có luồng ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT đã "rộng cửa" cho các trường tăng quy mô đào tạo và tạo kẽ hở để các trường lách, từ đó có nguy cơ giảm sút chất lượng. Trong khi đó, ý kiến khác cho quy định mới phù hợp với thực tiễn.
5% giảng viên thỉnh giảng là chưa nhiều
Dự thảo thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ TC, CĐ các ngành đào tạo giáo viên và trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ vừa công bố cho phép các trường được tính cả giảng viên (GV) thỉnh giảng thay vì chỉ tính GV cơ hữu như trước đây. Tuy nhiên, GV thỉnh giảng sau khi quy đổi chỉ được sử dụng với tỷ lệ giới hạn tùy theo khối ngành. Trong đó, khối ngành đào tạo giáo viên không sử dụng GV thỉnh giảng. Khối ngành nghệ thuật, GV thỉnh giảng được tính tối đa bằng 30% tổng GV cơ hữu quy đổi. Các ngành còn lại, tỷ lệ này tối đa là 5%.
Thay đổi này đã nhận được nhiều phản hồi khác nhau từ phía các trường. Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng điểm mới này có thể chấp nhận được vì tỷ lệ 5% không nhiều.
"Hầu như trường nào cũng có GV thỉnh giảng. Chẳng hạn lực lượng này ở Trường ĐH Bách khoa là những GV đã về hưu có nhiều kinh nghiệm, đại diện doanh nghiệp, chuyên gia bên ngoài có kinh nghiệm thực tế... Vì vậy điều chỉnh này đáp ứng đúng thực tế", tiến sĩ Thông nói.
Tuy nhiên, theo ông Thông, cần có cách quản lý chặt hơn chất lượng GV thỉnh giảng vì những người này có thể cùng lúc thỉnh giảng cho nhiều trường.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết rất tâm đắc về việc cho phép trường tự chủ xác định chỉ tiêu với ngành được kiểm định chất lượng, ngành đặc thù và tính cả GV thỉnh giảng. Theo ông Dũng, không chỉ giới hạn số lượng mà hệ số quy đổi của một GV thỉnh giảng cũng thấp hơn nhiều so với GV cơ hữu nên không ảnh hưởng nhiều với tiêu chí đảm bảo chất lượng.
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cũng nói quy định này chủ yếu sẽ tác động đến các trường ngoài công lập. Còn với các trường công lập gần như không ảnh hưởng nhiều vì trung bình lực lượng này chỉ chiếm 1 - 2% tổng số GV.
Dễ "lách" để có số liệu ?
Trong khi đó, một số ý kiến tỏ ý lo ngại quy định này sẽ dẫn tới tình trạng khó kiểm soát chất lượng GV thỉnh giảng dẫn đến việc tăng chỉ tiêu nhưng không đảm bảo chất lượng. Từ đó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mà còn tác động xấu đến thị trường lao động vốn đang có nhiều vấn đề như hiện nay.
Cán bộ tuyển sinh một trường ĐH tại TP.HCM nói: "Khi vận dụng thực tế, quy định này có thể dẫn đến trường hợp dễ dàng "lách" để có số liệu báo cáo, đặc biệt là người có trình độ tiến sĩ trở lên. Thực tế GV trình độ cao đang rất thiếu ở các trường ĐH, một người có thể tham gia thỉnh giảng ở nhiều trường khác nhau".
Từ đó cán bộ này cho rằng, cần xem xét lại việc tính cả GV thỉnh giảng khi xác định chỉ tiêu, vì những trường có quy mô đào tạo lớn dù tỷ lệ quy định 5% thì vẫn lên tới 200 - 300 người.
Tương tự, tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cũng cho rằng nếu quy định hiện hành (Thông tư 32/2015) rất chặt chẽ thì dự thảo thông tư mới khá thoáng. Trong một số trường hợp nếu muốn tuyển sinh bằng mọi cách thì sẽ khó đảm bảo chất lượng. Khi tăng chỉ tiêu mà số lượng người học không có sẽ dẫn đến đầu vào ĐH dễ hơn. Nếu không đảm bảo được chất lượng đào tạo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng thông tư mới "mở" cho các trường khi xét tới các điều kiện đảm bảo chất lượng nhưng "siết" hơn so với Thông tư 32 khi gắn với điều kiện về kiểm định chất lượng. "Các ngành đã kiểm định được tự chủ xác định chỉ tiêu nhưng không thể tăng vô tội vạ vì phải gắn với quá trình đảm bảo chất lượng. Giấy chứng nhận kiểm định chỉ có giá trị 5 năm, sau thời gian này nếu trường không đảm bảo sẽ không được công nhận lại".
Tuy nhiên, cán bộ đào tạo một trường băn khoăn về việc cho phép ngành đạt kiểm định được tự chủ xác định chỉ tiêu. "Với bộ tiêu chí kiểm định chất lượng còn "cào bằng" như hiện nay thì vẫn có tình trạng một trường không đảm bảo đội ngũ GV được công nhận đạt chuẩn. Nếu cho phép một đơn vị như vậy tự do xác định chỉ tiêu có thể nảy sinh những bất cập".
Theo TNO
Chọn ngành, chọn trường: Cẩn trọng kẻo bỏ học giữa chừng Các chuyên gia giáo dục khuyên các em cần cẩn trọng trong việc chọn ngành, chọn trường, đừng chọn theo trao lưu rồi bỏ học nửa chừng Việc tham gia các ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cũng là cách giúp học sinh phổ thông có cái nhìn toàn diện hơn về ngành nghề mình muốn theo học Thời điểm...