Trung Quốc công bố sách trắng về Tân Cương
Trung Quốc ca ngợi thành công của các chương trình dạy nghề và việc làm ở Tân Cương trong sách trắng mới công bố.
Sách trắng về Tân Cương do chính phủ Trung Quốc công bố hôm nay ca ngợi các chương trình đào tạo việc làm, đồng nghĩa với cải thiện cuộc sống ở khu tự trị.
Tân Cương đã “triển khai mạnh mẽ các dự án việc làm, tăng cường đào tạo nghề, mở rộng các kênh và năng lực việc làm”, sách trắng có đoạn, thêm rằng việc đào tạo nghề cho hàng triệu người ở đây đã cải thiện chất lượng của lực lượng lao động. “Tân Cương đã xây dựng được một lực lượng lao động lớn dựa trên tri thức, kỹ năng và sự sáng tạo, đáp ứng các yêu cầu của kỷ nguyên mới”, sách trắng viết.
Một trạm an ninh gần nơi được cho là trung tâm đào tạo nghề ở ngoại ô thành phố Hòa Điền, Tân Cương, Trung Quốc, ngày 30/5/2019. Ảnh: AFP.
Sách trắng cho hay công tác đào tạo ở các trung tâm đào tạo nghề gồm dạy viết và nói tiếng phổ thông Trung Quốc, đào tạo tay nghề lao động và phổ cập các kiến thức về cuộc sống đô thị. Sau khi được đào tạo, người dân ở Tân Cương đã bắt đầu hoạt động kinh doanh hoặc làm việc trong các nhà máy.
Thống kê cho thấy mỗi năm từ 2014-2019, Tân Cương đã tổ chức “các khóa đào tạo” cho trung bình 1,29 triệu lao động thành thị và nông thôn, đồng thời cho biết các chính sách việc làm đã “đáp ứng được nhu cầu của người dân và cải thiện đời sống của họ”. Sách trắng cũng cảnh báo về tồn tại một số lao động tay nghề thấp và “những kẻ khủng bố, ly khai và tôn giáo cực đoan” tìm cách lôi kéo người dân không học tiếng Trung Quốc, “từ chối tiếp cận khoa học hiện đại và từ chối nâng cao kỹ năng nghề của họ”.
Hải quan Mỹ đầu tuần này công bố hạn chế mới đối với bông và sản phẩm may mặc từ Tân Cương do lo ngại chúng được sản xuất bởi “lao động cưỡng bức”. Thông báo do Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đưa ra dưới dạng Lệnh hủy bỏ (WRO), trên thực tế không phải là lệnh cấm nhập khẩu, nhưng hàng hóa bị thuộc dạng WRO sẽ bị trả về hoặc tiêu hủy nếu CBP xác định chúng được sản xuất bởi lao động bị cưỡng bức.
Quyền thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ Ken Cuccinelli cáo buộc các trung tâm đào tạo nghề ở Tân Cương là “trại tập trung” và với động thái siết các sản phẩm từ Tân Cương mới đây, cơ quan này đang chống lại một loại hình “nô lệ hiện đại” được Trung Quốc sử dụng để sản xuất hàng hóa, sau đó nỗ lực nhập khẩu vào Mỹ.
Trước cáo buộc đưa người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung, Trung Quốc khẳng định các cơ sở là “trung tâm đào tạo nghề” và họ đang phản ứng hợp pháp với mối đe dọa từ chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.
Tổng thống Mỹ Trump tháng trước ký ban hành Đạo luật Chính sách Nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ, trong đó kêu gọi trừng phạt những người chịu trách nhiệm giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương, gồm Bí thư đảng ủy Tân Cương Trần Toàn Quốc.
Video đang HOT
Bắc Kinh từng nhiều lần cảnh báo sẽ hành động trả đũa nếu ông Trần bị nhắm mục tiêu trừng phạt, gọi các động thái của Washington về Tân Cương là “can thiệp thô bạo” vào vấn đề nội bộ của nước này.
Bắc Kinh đầu tuần này tuyên bố sẽ có “hành động kiên quyết” đáp trả các động thái liên quan cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Trong sách trắng về Tân Cương hồi tháng 3/2019, Trung Quốc cũng khẳng định chính quyền mạnh tay trấn áp đối với chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan theo đúng luật pháp ở khu tự trị này và cho biết gần 13.000 phần tử khủng bố bị bắt ở đây kể từ 2014.
Những 'điểm nóng' đẩy Mỹ - Trung vào vòng xoáy Chiến tranh Lạnh
Đóng cửa tổng lãnh sự quán là bước tiếp theo trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung, đẩy quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Mỹ hôm 21/7 yêu cầu nước này đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Houston trong 72 giờ. Bắc Kinh gọi đây là "sự leo thang chưa từng có", "khiêu khích chính trị đơn phương", phá hoại quan hệ song phương và cảnh báo sẽ có hành động đáp trả.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stillwel sau đó cho rằng Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một trung tâm tình báo của quân đội nước này, trong khi Tổng thống Donald Trump dọa đóng cửa thêm một số lãnh sự quán Trung Quốc tại Mỹ.
Tổng thống Trump (trái) và Chủ tịch Tập gặp nhau tại Nhật Bản năm 2019. Ảnh: Reuters.
Những phát biểu này cho thấy quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang ở mức thấp nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây hơn 40 năm. Căng thẳng song phương đã leo thang trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng, thương mại, công nghệ và nhân quyền kể từ khi Trump lên nắm quyền, dù ông chủ Nhà Trắng nhiều lần ca ngợi quan hệ cá nhân với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Các quan chức chính quyền Trump cũng đang xem xét lệnh cấm nhập cảnh đối với toàn bộ thành viên đảng Cộng sản Trung Quốc và người thân, nhưng biện pháp này mới ở dạng dự thảo và vẫn có thể bị bác bỏ. Dự thảo cũng cho phép Mỹ thu hồi thị thực của các đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc và thành viên gia đình họ. Nếu được thông qua, nó sẽ dẫn tới những hành động đáp trả của Bắc Kinh nhằm vào công dân Mỹ tại Trung Quốc.
"Tôi nghĩ quan hệ hai nước đang lao dốc không phanh. Nó có nguyên do, nhưng hai bên dường như không có biện pháp ngoại giao để ngăn chuyện đó tiếp diễn. Tình trạng đối đầu bắt nguồn từ những thách thức cụ thể và có thể giải quyết, sau đó nhảy vọt lên xung đột về ý thức hệ và các giá trị quốc gia", Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung thuộc Hiệp hội châu Á có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Craig Allen, chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, cho biết ông rất lo lắng với căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai cường quốc đang nắm 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. "Nếu chúng ta chỉ gào thét vào mặt nhau và đóng sập mọi cảnh cửa, thế giới sẽ trở nên bất ổn và doanh nghiệp không thể lên kế hoạch vận hành hiệu quả", ông nói.
Hàng loạt vấn đề đã đẩy hai nước vào thế đối đầu, trong đó nguồn gốc và cách xử lý Covid-19, cũng như loạt động thái phân biệt nhằm vào Trung Quốc đã trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington trong những tháng qua.
Tổng thống Trump và cấp dưới liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc kể từ khi Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán hồi tháng 12/2019. Họ cũng liên tục sử dụng các từ ngữ mang tính miệt thị như "virus Vũ Hán", "virus Trung Quốc" và "Kung Flu".
Ông chủ Nhà Trắng hôm 4/7 khẳng định Trung Quốc "phải chịu toàn bộ trách nhiệm". Washington cũng quyết định cắt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cáo buộc cơ quan này đã làm ngơ trước những sai sót của Bắc Kinh trong giai đoạn đầu dịch bệnh. Bộ Tư pháp Mỹ hồi đầu tuần cáo buộc tin tặc Trung Quốc tìm cách đánh cắp dữ liệu nghiên cứu vaccine chống Covid-19.
Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc của Washington, đồng thời chỉ trích cách ứng phó của chính quyền Trump và đưa ra giả thuyết lính Mỹ đã mang nCoV đến Vũ Hán hồi tháng 10/2019.
Chiến tranh thương mại là một trong những trọng tâm của đối đầu Mỹ - Trung. Tổng thống Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 một phần nhờ cam kết mang lại việc làm cho người Mỹ, chấm dứt tình trạng Trung Quốc lợi dụng nước này bằng thâm hụt thương mại.
Sau khi lên nắm quyền, ông chủ Nhà Trắng đã áp thuế với nhiều hàng hóa Trung Quốc và khiến Bắc Kinh đáp trả, dẫn tới cuộc chiến kéo dài hơn hai năm nay. Hai bên đã đạt thỏa thuận nhằm giảm căng thẳng hồi tháng 1, nhưng phần lớn khoản thuế vẫn chưa được nới lỏng.
Hai nhóm tàu sân bay Mỹ diễn tập trên Biển Đông hôm 17/7. Ảnh: US Navy.
Chính quyền Trump cũng đẩy mạnh hoạt động thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Washington liên tục tiến hành các chiến dịch tuần tra bảo đảm tự do hàng hải và triển khai nhiều oanh tạc cơ tuần tra trên Biển Đông.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã hai lần diễn tập hiệp đồng trên Biển Đông trong tháng 7. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 cũng ra thông cáo dẫn lời Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong đó lần đầu tiên bác bỏ phần lớn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc từ lâu đã bị Mỹ cáo buộc đánh cắp công nghệ. Chính quyền Trump đẩy mạnh nỗ lực đối phó Bắc Kinh bằng cách áp đặt nhiều hạn chế với tập đoàn công nghệ Huawei, cho rằng nó là bình phong để Trung Quốc xâm nhập mạng lưới viễn thông các nước khác nhằm chiếm lợi ích chiến lược.
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu đã bị giữ tại Canada từ tháng 12/2018 và đối mặt nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc lừa đảo. Chính phủ Anh tuần trước tuyên bố cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G tại nước này sau nhiều lần bị Mỹ gây áp lực.
Chính quyền Trump nhiều lần cáo buộc truyền thông nhà nước Trung Quốc là công cụ tuyên truyền, đồng thời áp dụng quy chế quản lý như cơ quan ngoại giao với hàng loạt hãng tin Trung Quốc tại Mỹ, giới hạn số nhân viên và buộc họ kê khai toàn bộ tài sản.
Trung Quốc đáp trả bằng cách ngừng cấp thị thực cho phóng viên của nhiều hãng tin Mỹ, cảnh báo họ có thể áp dụng thêm nhiều hạn chế với báo chí Mỹ. Tờ New York Tiems hồi đầu tháng 7 đã thông báo dời văn phòng tại Hong Kong đến thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Nhà Trắng đã tiến hành các bước hạn chế visa với hàng nghìn nghiên cứu sinh và sinh viên Trung Quốc liên quan đến những trường đại học có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Điều này cũng có thể dẫn tới những hạn chế lớn hơn về giáo dục và Bắc Kinh có thể đáp trả bằng lệnh cấm visa với công dân Mỹ.
Hong Kong cũng là điểm nóng trong quan hệ song phương. Tổng thống Trump hồi tháng 11/2019 thông qua đạo luật trừng phạt những quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong liên quan tới hoạt động trấn áp người biểu tình đòi dân chủ tại đặc khu.
Ông chủ Nhà Trắng hồi tháng 5 ký sắc lệnh tước những ưu đãi thương mại của Hong Kong. Hong Kong bây giờ được đối xử như Trung Quốc đại lục, không đặc quyền, không ưu đãi kinh tế đặc biệt và không xuất khẩu công nghệ nhạy cảm. Bắc Kinh đã phê phán những biện pháp này và dọa trả đũa.
Toàn cảnh Hong Kong nhìn từ đỉnh Victoria. Ảnh: Reuters.
Bộ Ngoại giao Mỹ đầu tháng 7 thông báo trừng phạt nhiều quan chức Trung Quốc, trong đó có bí thư đảng ủy Trần Toàn Quốc, vì "vi phạm nhân quyền với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakhstan và các nhóm thiểu số khác" ở Tân Cương.
Trung Quốc tuyên bố áp các biện pháp trả đũa đối với "những tổ chức và cá nhân liên quan của Mỹ, những người hành xử tệ trong các vấn đề liên quan đến Tân Cương", nhưng không cho biết hành động cụ thể.
Đài Loan cũng là vấn đề gây đối đầu Mỹ - Trung từ nhiều năm nay, thậm chí còn đẩy cao căng thẳng kể từ khi Trump lên nắm quyền. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải sử dụng vũ lực, trong khi Mỹ không chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng vẫn ủng hộ hòn đảo.
Chính quyền Mỹ đã phê duyệt hàng loạt hợp đồng vũ khí với tổng trị giá nhiều tỷ USD cho Đài Loan trong ba năm qua, đồng thời nhiều lần triển khai tàu chiến và máy bay đi qua eo biển Đài Loan. Trung Quốc tỏ ra giận dữ và cảnh báo sẽ đáp trả, cũng như liên tục diễn tập sát đảo Đài Loan với các khí tài hiện đại nhất biên chế.
Trung Quốc trừng phạt 'trả đũa' quan chức Mỹ Trung Quốc trừng phạt ba nghị sĩ cấp cao và một đại sứ Mỹ, nhằm trả đũa lệnh trừng phạt của Washington với bí thư đảng ủy Tân Cương. Phát biểu tại họp báo thường kỳ hôm nay ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Bắc Kinh đã trả đũa Washington bằng việc áp...