Trọng dụng nhân tài – cơ chế chưa bắt nhịp thực tiễn: Kỳ 1 – Dè dặt với nhân tố mới
Cùng với đổi mới công tác thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách về thu hút nhân tài nhằm tạo điều kiện tốt nhất để những người tài có cơ hội cống hiến cho xã hội.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số bộ ngành, địa phương đã không giữ chân được người tài, gây nên sự thiếu niềm tin, giảm tính hấp dẫn của các chính sách “trải thảm đỏ” mà các cơ quan và đơn vị sự nghiệp công lập đang mời gọi.
Hà Nội tuyên dương thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các đại học, học viện trên địa bàn năm 2018
Để đảm bảo an toàn, người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị hành chính thường chọn những người có thâm niên để giao trọng trách. Còn những người trẻ – mặc dù có năng lực, trình độ cao hơn, nhưng vì lý do “thiếu kinh nghiệm” nên vẫn chưa được tin tưởng.
Người tài thiếu cơ hội thể hiện
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, bởi vậy, trọng dụng nhân tài một cách hợp lý, hiệu quả là cách tạo điều kiện tốt nhất để những người tài có cơ hội đóng góp cho xã hội. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, tại Kết luận 86-KL/TW, ngày 24/01/2014 về “Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”, Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ Trung ương đến cấp huyện… Trước đó, từ năm 1997, Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thực hiện các Kết luận và Nghị quyết trên, những năm qua, nhiều cơ quan ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ để thu hút những người có trình độ cao.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc từ các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước đã được tuyển dụng làm công chức, viên chức không qua thi tuyển; phần lớn đã được bố trí công tác phù hợp với trình độ, chuyên môn, phát huy tốt năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ và được bổ sung vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài vẫn chưa được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả chưa như mong đợi. Nói như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thì các chính sách này còn tùy thuộc vào khả năng của từng bộ ngành, địa phương, có nơi khá thành công, có nơi thì không. Bên cạnh đó, việc sử dụng và tạo điều kiện cho người tài có môi trường phát huy tốt khả năng còn nhiều khó khăn, bất cập.
Đặc biệt, trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác thu hút người tài cũng như tại các cuộc họp, hội nghị bàn giải pháp triển khai vấn đề này, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đều nhấn mạnh đến việc các cấp uỷ đảng phải đổi mới tư duy, mạnh dạn trao trọng trách để tạo điều kiện cho lớp trẻ cống hiến.
Nhưng trên thực tế, dù đã “trải thảm đỏ” đón các tài năng trẻ về cơ quan, đơn vị, nhưng ở một số nơi, người đứng đầu các đơn vị này chưa thật sự quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhân tài phát huy hết tài năng, sở trường. “Thậm chí, có nơi sếp còn sợ nhân viên giỏi hơn mình, rồi nảy sinh tâm lý đề phòng”- một chuyên gia trong lĩnh vực hành chính công thừa nhận.
Trong chừng mực nào đó, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trẻ đảm nhận những cương vị quan trọng cũng gây không ít xì xào, chính điều này đã tạo ra tâm lý e dè trong việc cân nhắc bổ nhiệm cán bộ trẻ thuộc diện tài năng.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn, một số nơi, người đứng đầu tại cơ quan, đơn vị hành chính công thường chọn những người có thâm niên để giao trọng trách, còn những người trẻ – mặc dù có trình độ cao hơn, nhưng vì lý do “thiếu kinh nghiệm” nên chưa được lãnh đạo tin tưởng.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS. Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội chỉ ra thực tế: giới trẻ và những người có tài thường không thích vào khu vực công bởi khu vực này đang có nhiều bất ổn về chế độ đãi ngộ.
Video đang HOT
Ông Thông cũng cho rằng, nhân tài phải được cống hiến và mong muốn được cống hiến trong khu vực công chứ không phải thu hút để sai vặt, pha trà rót nước… “Nhưng thực tế họ ít được giao việc vì các “bề trên” ngồi đó cả rồi, các cháu phải đợi các chú về mới đến lượt…”- ông Thông nhận xét.
Từ góc độ quản lý, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng cho biết, nhiều nơi “nhân tài” chưa nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên, không được dạy thêm những kiến thức thực tiễn. “Ông lãnh đạo không tốt còn quy chụp các bạn ngay.
Chẳng hạn nói: học cho lắm bằng này, bằng nọ mà về làm cứ ngơ ngơ. Lãnh đạo nói thế là không phù hợp, các bạn tâm tư là sinh chuyện”- Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã thẳng thắn như vậy tại buổi trò chuyện với các nhân tài thuộc đề án 922 của TP diễn ra vào giữa năm 2018.
Tâm lý muốn ổn định, ngại thay đổi
Trao đổi với PLVN, TS. Phùng Thị Phong Lan (Khoa Khoa học hành chính và Tổ chức nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng: “Không thể phủ nhận yếu tố kinh nghiệm, nhưng nó có tác động quá lâu trong nền kinh tế tiểu nông của Việt Nam, do đó nó chi phối rất nhiều. Người ta hình dung rằng có kinh nghiệm, có thâm niên sẽ đồng nghĩa với việc năng lực tốt và đại đa phần cảm thấy rất e dè về những người trẻ vì cho rằng trẻ thế này, thế kia.
Mặc dù thời điểm hiện nay chúng ta cởi mở rất nhiều, giới trẻ được tiếp xúc với internet, với những công nghệ mới, giỏi tiếng Anh… tuy nhiên, những suy nghĩ cố hữu như vậy không phải là không còn ảnh hưởng và chi phối nhiều đến việc cân nhắc có hay không bổ nhiệm đối với những người trẻ…”.
“Hơn nữa, cùng thời điểm đó lại có nhiều trường hợp lợi dụng mối quan hệ cá nhân để được thăng tiến. Tức là khi xã hội còn đang nghi ngờ vào năng lực của người trẻ thì đồng thời có rất nhiều trường hợp cụ thể là sự can thiệp của “con ông cháu cha” vào những chức vụ thần tốc, khiến dư luận nảy sinh tâm lý nghi ngờ” – TS.Lan nói.
Về mặt lợi ích, một lý do khiến những người lãnh đạo không thật sự mặn mà trong việc trọng dụng người trẻ là bởi họ không đủ tự tin những nhân tố này sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy các thành quả mà họ đã dày công xây dựng. “Nhưng tâm lý nói chung là muốn sự ổn định và rất sợ những nhân tố mới, nhân tố trẻ có thể thay đổi quá trình đạt được lợi ích của họ”- TS. Lan nhìn nhận.
Do vậy, để nhân tài có điều kiện phát huy hết tài năng, phải biết “tùy tài mà dùng người”, “tài to ta dùng việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy”, dùng đúng năng lực, sở trường của họ – như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều quan trọng, khi đã trọng dụng người tài thì phải tin tưởng tuyệt đối, tránh nghi ngờ. Bởi hơn ai hết, những người có tài năng không chỉ khát khao được cống hiến mà còn mong muốn được tin tưởng giao trọng trách và được làm việc trong môi trường phù hợp.
Khánh Chi
Theo baophapluat
Sợ nhất, hôm nay giao ai xác định người tài, hôm sau con, cháu họ thành nhân tài
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn chia sẻ lo ngại trên khi nó về việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công.
Bộ Nội vụ đã tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án "Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài" và Hội thảo khoa học "Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công".
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, có nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các chính sách "trải thảm đỏ" nhằm thu hút người có tài năng về làm việc tại các cơ quan nhà nước, họ đã phát huy được năng lực, sở trường và bước đầu có những kết quả đóng góp tốt cho cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chính sách này trên thực tế chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Thực tế này đã được nhiều chuyên gia nêu ra từ lâu.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn. Ảnh: Hữu Chí
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, chủ trương thu hút người tài cho đất nước có mấy trăm năm nay rồi chứ không phải bây giờ mới có.
Nói vậy để thấy ngày xưa các cụ đã chú ý đến điều đó. Ngay Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra và vận dụng rất tốt, rất hay chủ trương này từ khi thành lập Nhà nước mới.
"Hiện nay, nói thu hút nhân tài thì ai cũng ủng hộ cả nhưng đi sâu vào thực hiện thì lại rất lúng túng, có khi lại bị lợi dụng, bẻ cong, xuyên tạc.
Có mấy vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách này. Đầu tiên phải xác định rõ thế nào là nhân tài? Ai là người xác định nhân tài? Cơ chế, chính sách để thu hút, mời gọi người ta vào đóng góp, cống hiến như thế nào? Và môi trường, vị trí làm việc ra sao?
Nếu đã là nhân tài thì cần xác định rõ là thu hút người đó vào chỗ nào, vị trí nào? Cái này liên quan đến xác định vị trí việc làm trong bộ máy chứ không thể chung chung được. Nôm na là đúng người, đúng chỗ", Tiến sĩ Sơn nói.
Theo Tiến sĩ Sơn, vấn đề nữa là cách thức, cơ chế sử dụng. Nhân tài là người giỏi. Nhưng nhân tài nhiều khi cũng khá vụng về, ngây ngô trong ứng xử đời thường.
Thậm chí, có khi họ thường có những biểu hiện khác thường (theo chuẩn đánh giá chung của một tập thể hay nhóm người nào đó) "Khác người"," Chí khí" hay" Ngạo khí" cũng là ở đây dù không phải tất cả đều như vậy.
Nhưng Nhân tài rất cần có không gian, môi trường thuận lợi cho họ tồn tại và cống hiến. Cần cho người ta cơ chế làm việc phát huy tối đa tư chất, trình độ cá nhân chứ đừng khống chế bằng các cơ chế hành chính thông thường.
Mặt khác, phải có cơ chế chính sách để người được thu hút yên tâm phục vụ. Họ phải được đánh giá, đãi ngộ xứng đáng như được trả lương đúng với năng lực cống hiến, đúng cho người có đóng góp xuất sắc,"nhả những sợi tơ vàng".
Vậy họ mới yên tâm, có điều kiện để phục vụ, cống hiến tốt cho xã hội, cho Nhà nước. Cần nói thêm cho rõ là điều quan trọng không chỉ nhăm nhăm vào lương cao.
"Lương lậu chỉ là một trong nhiều yếu tố để thu hút và giữ được nhân tài.
Có khi là sự tôn trọng, thái độ thực sự cầu thị của tập thể, của người trực tiếp sử dụng lại là quyết định". Tiến sĩ Sơn nói.
Theo ông, chủ trương này tốt, điều đó không cần phải bàn. Cái khó nhất bây giờ là thực thi nó.
"Vậy bây giờ ai xác định nhân tài? Sợ nhất giao cho ai xác định nhân tài hôm trước, hôm sau họ đưa con cháu ông vào bảo đấy là nhân tài.
Cái quan trọng nhất, khó nhất là đặt đúng, nêu trúng các tiêu chí thế nào là " Nhân tài". Có tiêu chí chung, nhưng cũng có tiêu chí rất cụ thể, đặc định, riêng biệt ở từng công việc, từng vị trí.
Có những trường hợp không phải nhân tài, đồng nghiệp đều biết cả, nhưng "đấu tranh"," kỳ đà cản mũi" có khi lại thành không biết "tránh đâu", vì đụng chạm đến lợi ích riêng chi phối.
Ta đã có nhiều ví dụ về thực trạng này rồi", Tiến sĩ Sơn chia sẻ.
Ông nhấn mạnh, vấn đề mấu chốt nhất vẫn là ở yếu tố con người. Ở những người cầm chịch trong thực hiện chủ trương này.
Nó bị lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, quan hệ thân hữu chi phối, quyết định hành vi của người thực hiện", Tiến sĩ Sơn đánh giá."Hiện nay, theo tôi, không chỉ riêng trong vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài mà ở đa số các chính sách khác thì dở nhất là việc thực thi.
Ông chia sẻ thêm: "Nhiều người cho rằng với cơ chế, điều kiện hiện nay bị ràng buộc bởi quá nhiều thứ, thì " Siêu nhân tài" có vào trong các cơ quan Nhà nước cũng khó sống, khó tồn tại, sớm muộn rồi cũng bị bật ra thôi bởi nếu không bị vướng cái này, cũng bị vướng cái khác.
Thậm chí bị phe nhóm cô lập, vô hiệu hóa, bị cài bẫy, bị "khoanh", không thể làm được gì.
Trái lại, những thứ kiểu như "Hòa đại nhân", uốn éo, xoay xở, nịnh bợ lại có cơ phát triển, leo cao, luồn sâu. Thực tế vừa qua có nhiều vụ việc xảy ra đã chứng minh rằng nhận định này, lo lắng này không phải không có căn cứ.
Vấn đề mấu chốt vẫn là ở "Yếu tố con người thực thi"".
Theo giaoduc.net
Trọng dụng nhân tài nhưng các cháu phải đợi các chú về mới đến lượt Nhân tài vào làm việc để cống hiến, không phải để bị sai vặt, pha trà rót nước nhưng thực tế ít được giao việc vì các 'bề trên' ngồi đó cả rồi, các cháu còn phải đợi các chú về mới đến lượt. Bộ Nội vụ hôm nay tổ chức hội thảo khoa học Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài...