Trò thạo tiếng Anh hơn thầy là đáng mừng
Tại Hà Nội, việc thí điểm mô hình dạy Toán bằng tiếng Anh hiện đã và đang được áp dụng cho các trường chuyên trực thuộc các trường ĐH của Bộ GD&ĐT. Trước thực tế, nhiều giáo viên còn hạn chế về tiếng Anh, dẫn đến tâm lý e ngại khi phải nhờ cậy học sinh “bổ trợ” thêm vốn từ vựng, nhiều người tỏ ra e ngại. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đây lại là một tín hiệu đáng mừng.
Dân trong nghề cũng lâm thế “bí”
Có một thực tế là nhiều học sinh trường chuyên có tư duy tốt, đặc biệt là môn khoa học tự nhiên, nên khả năng tiếp thu môn học này bằng tiếng Anh khá tốt. Nhiều em có quá trình học ngoại ngữ nhiều năm ở các lớp học dưới, nên kiến thức về môn Toán lẫn ngoại ngữ đều rất phong phú. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh tỏ ý lo ngại khi cho rằng, nếu các giáo viên dạy môn tự nhiên bằng tiếng Anh, nhưng lại nói không chuẩn, không truyền tải rõ ràng kiến thức môn học cho học sinh, thì sẽ gây tác dụng ngược.
Nhiều giáo viên còn hạn chế về tiếng Anh dẫn đến nhiều người mang tâm lý e ngại khi tiếp xúc với học sinh. (ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc trò thạo tiếng Anh hơn thầy dạy Toán là chuyện bình thường, bởi đây là hai vấn đề khác nhau. Cái gốc của vấn đề vẫn là kiến thức Toán học, còn tiếng Anh chỉ là công cụ để truyền đạt, nên việc trò thạo tiếng hơn thầy không có vấn đề gì. Chia sẻ về điều này, em Vũ Quang Hùng – Trường THPT chuyên ngữ (Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia) cho biết, nhiều bạn không học ở các trường chuyên nên không biết, thực tế có nhiều học sinh lớp Toán, lớp Lý giải bài nhanh hơn các thầy, cô dạy Toán. Song, dù trò có giỏi thì cũng chỉ mạnh ở một vài lĩnh vực nào đó, còn giáo viên lại là “kho” kiến thức tổng hợp, khi cần thắc mắc, sẽ có ngay giải đáp. Hơn nữa, chúng em đặc biệt hứng thú với những thầy, cô biết tạo môi trường thân thiện, sáng tạo khi giảng bài như: Đưa một số hoạt động vào bài giảng, đặc biệt là hoạt động nhóm, để chúng em có cơ hội chia sẻ, nâng cao kiến thức.
Tỏ thái độ thông cảm với áp lực của các giáo viên, cô Mỹ Anh (Trung tâm Anh ngữ IBEST (quận Đống Đa) cho biết, ngoài việc dạy tiếng Anh ở trung tâm thì cô nhận phiên dịch thêm. Tuy nhiên, khi nhận những “sô” có quá nhiều từ chuyên ngành thì bản thân cũng thấy lúng túng. Nếu may mắn tìm được tài liệu tham khảo thì lại khó ở chỗ, mỗi người phát ngôn lại dùng từ theo cách khác nhau, nên đôi khi, cùng một từ tiếng Anh cũng không biết nên dịch nghĩa nào cho đúng. “Vì thế, tôi rất thông cảm với cái khó của giáo viên khi giảng dạy bởi sử dụng tiếng Anh cơ bản đã vất vả, nay lại phải am hiểu các thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Thà là thầy cứ dạy bằng tiếng Việt, nếu có khả năng diễn giải bằng ngoại ngữ thì nên khuyến khích còn không thì thôi…” – cô Mỹ Anh nêu quan điểm.
Cần nâng chuẩn đào tạo cho ngành sư phạm
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, nên xem việc trò giỏi hơn thầy là điều đáng mừng. Vấn đề là cần có sự thay đổi trong phương pháp giáo dục, truyền tải kiến thức khi xác định giáo viên là những người hướng dẫn, định hướng các bài học để trò có sức sáng tạo, rèn luyện tư duy. Chỉ có kiểu thầy giảng bài, trò ghi lại, rồi học thuộc cách giải, mới e ngại trò giỏi hơn thầy. Vì thế, hãy biến việc dạy học thành những buổi trao đổi kiến thức giữa thầy và trò, tạo môi trường giao tiếp thoải mái thì chắc chắn hiệu quả sẽ tăng. Không nên đặt nặng vấn đề khuôn phép mà quan trọng là thầy và trò cùng hợp tác và hiểu bài.
Ông Nhĩ cũng cho rằng, các giáo viên nên chủ động trau dồi kiến thức ngoại ngữ, bởi chương trình học hiện nay hầu như không có sự thay đổi hoặc có cũng không đáng kể. “Ví dụ như việc dành khoảng 1 năm đầu đại học để dạy tiếng Anh rồi mới đào tạo nghiệp vụ. Theo đó, giáo trình từng bộ môn cũng cần được biên soạn song ngữ, in đậm các từ vựng của thuật ngữ chuyên ngành để sinh viên thuận lợi trong việc tiếp thu kiến thức…” – ông Nhĩ nhấn mạnh.
Theo LĐTĐ