Trở ngại cho chính sách quay lại châu Á-TBD của Mỹ
Chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ lại vấp phải trở ngại mới từ chính nội bộ nước này. Ngày 14/11, tại Hạ viện, 151 thành viên đảng Dân chủ đã viết thư ngỏ gửi Tổng thống Barack Obama, thúc giục ông không tiếp tục thúc đẩy quyền đàm phán nhanh cho phép phê chuẩn các thỏa thuận tự do thương mại.
Bộ trưởng Thương mại các nước châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ họp về TPP tại Indonesia ngày 4/10. Ảnh: AFP/TTXVN
Quyền thúc đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại của Nhà Trắng đã hết hạn năm 2007, nên chính quyền và những người ủng hộ quyền này ở quốc hội đang tìm cách khôi phục quyền đàm phán nhanh cho tổng thống.
Nhà Trắng đang rất muốn thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận cho phép Mỹ và 10 quốc gia nằm trong vành đai Thái Bình Dương khác không chỉ trao đổi thương mại với mức thuế quan bằng 0% mà còn tự do trao đổi trong các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, dự án công và quyền sở hữu trí tuệ.
Dù Quốc hội đã nỗ lực thỏa hiệp để thông qua các thỏa thuận tự do thương mại gần đây (với Panama, Colombia và Hàn Quốc năm 2011), nhưng TPP lại là một hiệp định ở đẳng cấp khác. Hiệp định này có quy mô rộng và gây tranh cãi tới mức các nhà đàm phán lo ngại rằng những sửa đổi của quốc hội đối với hiệp định có thể khiến Mỹ thất hứa với các đối tác đàm phán và cản trở việc thông qua hiệp định.
Video đang HOT
TPP vẫn thường được mô tả là một trụ cột kinh tế thương mại trong chính sách tái can dự của Washington với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiệp định này không có Trung Quốc nhưng lại có Nhật Bản. Với hiệp định này, Mỹ muốn lôi kéo các nước vào quỹ đạo của hệ thống kinh tế Mỹ. Điều đáng tiếc cho tới nay là hiệp định chưa lôi kéo được các đồng minh lâu đời nhất của Washington ở khu vực như Thái Lan và Philippines, trong khi quan chức cả hai phía Trung Quốc và Mỹ đều bắn tín hiệu về sự sẵn sàng để Trung Quốc tham gia hiệp định. Mục đích của Washington không phải đóng cửa hoàn toàn với Trung Quốc, nhưng muốn tạo ra sân chơi mà Trung Quốc hay bất kỳ một nước nào khác muốn tham gia phải tuân thủ luật chơi.
Những nỗ lực gần đây của Mỹ nhằm kết thúc đàm phán hiệp định vào cuối năm đang đối mặt với trở ngại, khi ngay cả những thành viên trong đảng Dân chủ cũng bị chia rẽ về vấn đề này. Xét trên bình diện toàn cầu, đây là thời điểm khó khăn cho các chính trị gia để đưa ra những nhượng bộ quá lớn liên quan đến các nền kinh tế nội địa của họ.
Thực tế, nhiều phe nhóm đã đứng lên chống lại hiệp định này ở mỗi quốc gia tham gia đàm phán. Trong khi các quốc gia phát triển ngày càng lo ngại rằng họ sẽ phải “làm mềm” đi các yếu tố cứng rắn của hiệp định để cho phép các nước nhỏ hơn tham gia, thì các nước nhỏ lại tỏ ra nghi ngờ về việc liệu các nước lớn có lấy đi những biện pháp bảo hộ cuối cùng đối với nền kinh tế của họ hay không. Khi các lực lượng phản đối gia tăng, Mỹ lại không thể làm gì để giúp xoa dịu điều này. Tháng 10 vừa qua, việc chính phủ Mỹ cạn ngân sách đã buộc ông Obama phải hủy chuyến thăm Indonesia, nơi ông dự định quảng bá hiệp định này với các nhà lãnh đạo thế giới.
Tuy nhiên, không nên vội vã kết luận rằng những cản trở trên đây đã khiến TPP “chết từ trong trứng nước”. TPP vẫn có cơ hội đạt được sau khi các nhà đàm phán thỏa hiệp và nhượng bộ trên phiên bản TPP gốc đầy tham vọng. Mỹ vẫn muốn tiếp tục can dự mạnh mẽ vào quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở châu Á, Mỹ Latinh, và cường quốc này biết rằng họ phải chấp nhận một cuộc mặc cả lớn với các đối tác thương mại vì một thị trường tiêu thụ rộng lớn cho hàng hóa của họ.
Theo Báo tin tức
Mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược Việt-Ấn
Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Manohan Singh (Man-mô-han Xinh), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 19 đến ngày 22/11/2013.
Ấn Độ có trên 5.000 năm lịch sử, là một trong những cái nôi văn minh của loài người và là nước đa văn hóa, chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ. Với diện tích 3,3 triệu km2, dân số 1,24 tỷ người, Ấn Độ là nước lớn nhất ở Nam Á. Nền kinh tế Ấn Độ lớn thứ 4 thế giới tính theo sức mua bình quân, với GDP đạt gần 2000 tỷ USD. Ấn Độ đang thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 12 với mục tiêu tăng trưởng trung bình 9%/năm. Tuy nhiên, Ấn Độ đang gặp phải một số khó khăn như: tăng trưởng kinh tế trong năm tài khóa 2012 - 2013 chỉ đạt trên 5%, đồng tiền mất giá.
Trong thực hiện chính sách đối ngoại, Ấn Độ ưu tiên thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với các nước lớn; tăng cường, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng ; triển khai mạnh chính sách Hướng Đông, trong đó coi trọng quan hệ với các nước Đông Nam Á , nâng cấp quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược; phát huy vai trò trên trường quốc tế và Liên hợp quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam Preeti Saran hôm 15/11. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ hình thành từ những thập niên đầu thế kỷ 20, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlan Nehru đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/1/1972; thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện bước vào thế kỷ 21 vào năm 2003. Tháng 7/2007, hai bên chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Hơn 40 năm qua, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ không ngừng phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu; quan hệ song phương mở rộng trên tất cả các lĩnh vực. Ấn Độ có nhiều đảng phái chính trị khác nhau, nhưng đều có cảm tình và coi trọng quan hệ với Việt Nam. Chính phủ Ấn Độ luôn khẳng định coi ViệtNam là trụ cột quan trọng trong chính sách "Hướng Đông". Hai nước có nhiều điểm tương đồng và lợi ích chung, thường xuyên hợp tác, ủng hộ lẫn nhau và chia sẻ quan điểm trên nhiều vấn đề tại các diễn đàn khu vực và đa phương.
Tuy nhiên, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước chỉ đạt 3,94 tỷ USD năm 2012, 5 tháng đầu năm 2013 đạt trên 2,2 tỷ USD. Hai bên nhất trí phấn đấu nâng kim ngạch thương mại đạt 7 tỷ USD vào năm 2015 và theo hướng giảm nhập siêu của Việt Nam. Ấn Độ hiện có 73 dự án đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực với vốn đăng ký hơn 253 triệu USD, đứng thứ 30/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tính đến tháng 6/2013. Mới đây, Tập đoàn điện TATA được chỉ định làm nhà thầu dự án điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam từ trước đến nay. Ngược lại, Việt Nam đầu tư sang Ấn Độ 3 dự án tổng vốn đang ký 23,6 triệu USD.
Hợp tác khoa học, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục được đẩy mạnh. Hai Chính phủ đã ký Hiệp định về hợp tác Khoa học và Kỹ thuật năm 1978. Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Việt Nam và Bộ KH&CN Ấn Độ đã thành lập tiểu ban Việt Nam - Ấn Độ về KH&CN. Đến nay, hai bên đã tiến hành 9 khóa họp tiểu ban, triển khai được 13 dự án nghiên cứu chung thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ vật liệu, khoa học biển và các công nghệ then chốt khác. Trong chương trình hợp tác về công nghệ sinh học 2012, phía Ấn Độ đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều chuyên gia và cán bộ nghiên cứu... Ngoài ra, Ấn Độ giúp Việt Nam nhiều chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn với hơn 150 suất học bổng các loại hàng năm, cả song phương và đa phương, trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đào tạo nông nghiệp, tin học, tiếng Anh và viễn thám. Ấn Độ mở Trung tâm đào tạo tiếng Anh ở Đà Nẵng và nhất trí mở Trung tâm đào tạo tiếng Anh tại Học viên Ngoại giao Việt Nam.
Trong những năm qua, Việt Nam và Ấn Độ không ngừng đẩy mạnh giao lưu văn hóa tại mỗi nước. Hai nước đã gia hạn chương trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ và triển khai thành công "Năm hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ 2012" với nhiều hoạt động sôi nổi tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Hai bên đang thúc đẩy mở Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội và khôi phục Tháp Chàm tại Mỹ Sơn. Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu nhân dân, trong đó có việc kết nghĩa giữa các thành phố của hai nước... cũng được thúc đẩy.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và tăng cường quan hệ gắn bó với Ấn Độ, một đối tác truyền thống, quan trọng của Việt Nam trong khu vực; mở rộng và làm sâu sắc nội hàm của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, đưa hợp tác song phương trên 5 trụ cột chính của quan hệ đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, thực chất, thúc đẩy hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Chuyến thăm còn nhằm thúc đẩy và mở rộng quan hệ giữa Đảng ta với các đảng phái chính trị tại Ấn Độ, giữa Quốc hội và nhân dân hai nước, tạo nền tảng chính trị phát triển quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, về việc tăng cường phối hợp và hợp tác trên các diễn đàn đa phương.
Theo Thanh Hải
Báo Tin tức
Trung - Ấn sắp thiết lập đường dây nóng quân sự Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thiết lập đường dây nóng quân sự để tăng cường trao đổi giữa sở chỉ huy lực lượng vũ trang hai nước và thắt chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng. Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ canh gác tại khu vực biên giới chung. Đây là nội dung đưa ra trong Hiệp định hợp tác...