Trở lực ngăn Biden đảo ngược ‘Nước Mỹ trước tiên’ của Trump
Biden coi chính sách thương mại “Nước Mỹ trước tiên” của Trump là “Nước Mỹ đơn độc”, nhưng ông khó thay đổi nó khi đối mặt làn sóng hoài nghi trong nước.
Kể từ khi trở thành Tổng thống đắc cử, Joe Biden ngày càng cho thấy đưa nước Mỹ trở lại vai trò “anh cả” thế giới là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của ông. Ý định này đã được Biden thể hiện một cách khéo léo qua những lựa chọn nội các.
Những bộ trưởng, cố vấn được đề cử của Biden “sẵn sàng lãnh đạo thế giới và không rời bỏ nó. Nước Mỹ đang trở lại”, ông nói tại buổi công bố các ứng viên nội các mới hôm 24/11.
Charles R Hankla, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia, cho rằng chính sách thương mại là lĩnh vực cấp thiết nhất trong sự trở lại với vũ đài thế giới của Mỹ. Trong 4 năm qua, Tổng thống Donald Trump đã phá vỡ các thỏa thuận đa phương, phát động các cuộc chiến thương mại và gây tổn hại tới hoạt động của các tổ chức thương mại thế giới.
Tất cả những điều này đã tạo điều kiện cho Trung Quốc nổi lên, lấp chỗ trống mà Mỹ để lại. Điều này có thể thấy qua các cuộc đàm phán thương mại của Bắc Kinh với nhiều quốc gia châu Á gần đây, theo ông Hankla.
Hồi tháng 11, các quốc gia ở khu vực châu Á đã chính thức ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được xem là hiệp ước thương mại tự do khu vực lớn nhất thế giới chiếm gần 1/3 dân số thế giới. Trung Quốc tham gia hiệp định này, nhưng Mỹ thì không.
“Biden mong muốn nước Mỹ trở lại thời kỳ giống như ‘kỷ nguyên vàng’ sau Thế chiến II, khi Mỹ đóng vai trò lãnh đạo thế giới, giúp tạo ra và duy trì các nguyên tắc, thể chế thúc đẩy toàn cầu hóa”, phó giáo sư Hankla cho hay.
Joe Biden trong buổi họp trực tuyến ở Wilmington, bang Delaware hôm 4/12. Ảnh: Washington Post.
Nhưng sau 4 năm Trump thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và rút lui khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu, Hankla cho rằng việc đưa Mỹ trở lại sẽ khó hơn nhiều so với Biden nghĩ, khi ngày càng nhiều người Mỹ ở cả cánh hữu và cánh tả đều hoài nghi về thương mại tự do.
Với chính sách thương mại được dán nhãn “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Trump được áp hàng loạt biện pháp thuế quan đối với nhiều sản phẩm như nhôm, thép và ở rất nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc. Nhưng cái giá mà Mỹ phải trả cũng không rẻ.
Các đòn thuế quan của Trump đã khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ thiệt hại hàng chục tỷ USD. Chúng cũng gây tổn hại nghiêm trọng đối với nông dân và các nhà sản xuất Mỹ, do cánh cửa xuất khẩu hàng hóa Mỹ tới Trung Quốc và nhiều nơi khác bị đóng lại. Không chỉ vậy, chính phủ cũng phải chi hàng chục tỷ USD để cứu trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
“Nước Mỹ trước tiên” cũng là lý do cho hàng loạt quyết định rút khỏi các thỏa thuận thương mại của Tổng thống Trump, như Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TPP), và tập trung vào các thỏa thuận song phương hơn đa phương.
Bên cạnh việc phủ nhận lợi ích của các thỏa thuận thương mại tự do đối với công ty Mỹ, việc theo đuổi “Nước Mỹ trước tiên” cũng khiến quốc gia này ngày càng đứng ngoài các quy tắc thương mại toàn cầu.
Phó giáo sư Hankla nhận định đây là “tin xấu” với Washington, bởi khi Mỹ không còn ngồi ở bàn đàm phán, các cường quốc khác sẽ tìm cách thiết lập những điều khoản thương mại và đàm phán với các đồng minh của Mỹ.
Video đang HOT
“Vì vậy có rất nhiều lý do quan trọng để Mỹ quay lại với thế giới. Thương mại toàn cầu thậm chí có thể là chìa khóa giúp Mỹ phục hồi sau đại dịch. Nhưng để làm được điều đó, Biden sẽ phải dẫn dắt được hai nhóm, có thể được xem là cái gai đối với phe của ông”, phó giáo sư Hankla viết.
Đầu tiên là phe dân túy, bảo thủ với phần lớn là cử tri thuộc tầng lớp lao động, những người từng ủng hộ chính sách chống thương mại toàn cầu của Trump năm 2016. Giống như Trump, họ có xu hướng nhìn nhận thương mại qua lăng kính chủ nghĩa dân tộc, trong đó họ xem “người thắng sẽ có tất cả”. Điều đó đồng nghĩa họ hiểu thương mại không phải là mang lợi ích cho tất cả các bên mà là cuộc cạnh tranh tìm ra người chiến thắng.
Nhiều cử tri thuộc tầng lớp lao động có tay nghề không cao có cảm giác bị nền kinh tế mới bỏ lại phía sau và bị chính phủ bỏ quên. Thương mại tự do đã trở thành mục tiêu chỉ trích của họ, giúp thúc đẩy đảng Cộng hòa chuyển sang chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ.
Hankla cho rằng nếu đảng Cộng hòa tiếp tục nắm Thượng viện vào tháng 1 tới, điều này đồng nghĩa sức mạnh ngày càng tăng của phe cánh hữu dân túy sẽ tiếp tục khiến nhiều người Mỹ thuộc đảng Cộng hòa hoài nghi về thương mại.
“Điều này sẽ trói tay Biden khi đàm phán về các thỏa thuận thương mại mới hoặc thực hiện các bước khác cần có sự thông qua của Thượng viện”, Hankla nhận định.
Nhưng phó giáo sư này thêm rằng ngay cả khi Dân chủ kiểm soát Thượng viện, Biden cũng nhiều khả năng phải thuyết phục được các cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động, khi muốn duy trì thế đa số trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2022. “Dù thế nào, họ vẫn sẽ là lực lượng đáng gờm ngay cả khi Trump rời nhiệm sở”, Hankla viết.
Tổng thống Donald Trump tại buổi vận động tranh cử ở bang Arizona hồi tháng 10. Ảnh: AFP.
Nhưng những người cánh hữu dân túy không phải là nhóm duy nhất hoài nghi về thương mại. Phe cánh tả dân túy , do Thượng nghị sĩ Bernie Sanders lãnh đạo, từ lâu ủng hộ hạn chế thương mại nước ngoài.
Động cơ của họ khác so với cánh hữu dân túy, khi tập trung nhiều hơn vào tác động của thương mại và hợp tác đối với quyền của người lao động và môi trường. Tuy nhiên, điểm tương đồng là họ cũng gồm rất nhiều người trẻ thuộc tầng lớp lao động của Mỹ, những người tạo nên cánh tả của đảng Dân chủ.
Trong các cuộc bầu cử sơ bộ, Biden đã đánh bại Sanders và nhiều người khác có quan điểm hoài nghi về thương mại. Tuy nhiên, ông sẽ phải tập thích nghi với nguồn năng lượng mới đang lan tỏa trong phe cánh tả ở Mỹ, trong đó có cả quan điểm của họ về thương mại.
Hankla nhận định những người cánh tả dân túy thậm chí sẽ xuất hiện mạnh mẽ hơn nhiều phe cánh hữu ở Washington, từ các thành viên Quốc hội tới các nhóm lợi ích chính của đảng Dân chủ như các liên đoàn lao động.
Với những lý do này, giới quan sát cho rằng Biden sẽ khó có thể quay trở lại chính sách thương mại hội nhập, hợp tác toàn cầu như trước. Song Hankla cho rằng “Biden có thể không thể mở rộng cánh cửa thương mại toàn cầu, nhưng ông ấy có thể cố gắng để nó không bị đóng thêm nữa”.
Những lựa chọn 'chưa có tiền lệ' cho nội các của Biden
Một số đề cử hàng đầu cho danh sách nội các tương lai của Biden có thể làm nên lịch sử nếu được Thượng viện Mỹ thông qua.
Kể từ khi được công bố đắc cử, Joe Biden đã có nhiều động thái để thực hiện cam kết khi tranh cử là xây dựng một chính quyền phản ánh sự đa dạng của nước Mỹ. Thượng nghị sĩ Kamala Harris đã phá vỡ rào cản lớn khi trở thành nữ phó tổng thống đắc cử đầu tiên của quốc gia này.
Ngoài bà Harris, chính quyền tương lai của Biden có một số cái tên khác có thể tạo ra "những cái đầu tiên" trong lịch sử Mỹ nếu được Thượng viện xác nhận.
Adewale Adeyemo phát biểu trong buổi giới thiệu đề cử của Joe Biden ở Wilmington, bang Delaware hôm 24/11. Ảnh: NYTimes.
Adewale "Wally" Adeyemo đang đứng trước cơ hội trở thành thứ trưởng tài chính da màu đầu tiên của Mỹ. Ông Adeyemo hiện là chủ tịch Quỹ Obama và từng là cố vấn cấp cao về kinh tế quốc tế cho tổng thống Barack Obama.
Adeyemo cũng từng đảm nhận vai trò phó cố vấn an ninh quốc gia, phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, chánh văn phòng đầu tiên của Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng, cố vấn cấp cao và phó chánh văn phòng tại Bộ Tài chính.
Carlos Elizondo, người được Biden đề cử cho vị trí thư ký phụ trách các vấn đề xã hội của Nhà Trắng. Ảnh: Washington Post.
Carlos Elizondo đã được Biden đề cử cho vị trí thư ký phụ trách các vấn đề xã hội của Nhà Trắng. Ông là người Mỹ gốc Tây Ban Nha đầu tiên được đề cử cho vị trí này.
Elizondo từng là trợ lý đặc biệt cho tổng thống Obama và là thư ký cho gia đình Biden trong suốt 8 năm ông làm phó tổng thống Mỹ. Dưới thời chính quyền tổng thống Bill Clinton, Elizondo từng làm việc ở cả Nhà Trắng và Văn phòng Trưởng Lễ tân Mỹ.
Avril Haines phát biểu tại buổi giới thiệu đề cử của Biden ở Wilmington, bang Delaware hôm 24/11. Ảnh: AFP.
Avril Haines sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vị trí giám đốc tình báo quốc gia (DNI). Haines từng là trợ lý và phó cố vấn an ninh quốc gia chính cho cựu tổng thống Obama. Bà cũng từng là chủ trì Ủy ban Đại diện của Hội đồng An ninh Quốc gia, chịu trách nhiệm hoạch định các chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia cho chính quyền.
Haines đã từng là cố vấn pháp lý cho Hội đồng an ninh Quốc gia, là phó cố vấn của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện khi Biden đang là chủ tịch.
Alejandro Mayorkas phát biểu tại buổi giới thiệu đề cử của Biden ở Wilmington, bang Delaware hôm 24/11. Ảnh: AFP.
Với việc Biden lựa chọn Alejandro Mayorkas cho vị trí Bộ trưởng An ninh Nội địa, người Mỹ có thể lần đầu tiên có một người nhập cư gốc Latinh trở thành lãnh đạo cho cơ quan quan trọng này. Mayorkas từng là thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa (DHS) dưới thời chính quyền Obama và từng là giám đốc Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) thuộc DHS.
Khi làm việc tại USCIS, Mayorkas phụ trách giám sát việc thực hiện chương trình DACA dưới thời tổng thống Obama, nhằm bảo vệ những đứa trẻ nhập cư trái phép vào Mỹ trước nguy cơ bị trục xuất. Tổng thống Donald Trump đã đề nghị chấm dứt chương trình DACA vào năm 2017, nhưng không được Tòa án Tối cao thông qua.
Cecilia Rouse tại buổi giới thiệu đề cử của Biden ở Wilmington, bang Delaware hôm 24/11. Ảnh: NYTimes.
Biden cũng khiến nhiều người bất ngờ khi lựa chọn một phụ nữ da màu làm chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế. Nếu được Thượng viện xác nhận, Cecilia Rouse sẽ trở thành nữ chủ tịch da màu đầu tiên của hội đồng này.
Rouse từng là trưởng Khoa Công vụ và Công tác quốc tế của Đại học Princeton, đồng thời là giáo sư về kinh tế và công vụ tại đại học này. Rouse trước đây là thành viên của Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời tổng thống Barack Obama. Bà cũng từng làm việc trong Hội đồng Kinh tế Quốc gia của chính quyền Bill Clinton, với vai trò trợ lý đặc biệt cho tổng thống.
Neera Tanden, người được đề cử vị trí giám đốc Văn phòng Quản lý Ngân sách của Mỹ. Ảnh: AP.
Neera Tanden có thể trở thành người phụ nữ da màu, gốc Nam Á đầu tiên trở thành giám đốc Văn phòng Quản lý Ngân sách của Mỹ. Tanden từng là CEO và chủ tịch Trung tâm Tiến bộ Mỹ, đồng thời là CEO của Trung tâm Quỹ Hành động vì Tiến bộ Mỹ.
Tanden trước đây làm việc trong chính quyền Bill Clinton và Barack Obama. Bà từng là cố vấn cấp cao về cải cách y tế tại Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ, từng là giám đốc về chính sách đối nội cho chiến dịch của tổng thống Obama. Bà cũng từng đảm nhận vị trí giám đốc chính sách cho chiến dịch tranh cử đầu tiên của Hillary Clinton và làm việc tại văn phòng của thượng nghị sĩ Hillary.
Janet Yellen khi còn là chủ tịch FED hồi năm 2017. Ảnh: AFP .
Đề cử "chưa có tiền lệ" cuối cùng trong nội các của Biden là Janet Yellen. Nếu được Thượng viện thông qua, bà Yellen sẽ làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Yellen, 74 tuổi, từng là nữ chủ tịch đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) từ năm 2014 tới 2018. Trước đó, bà có 4 năm giữ chức phó chủ tịch hội đồng quản trị, sau đó là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco. Yellen cũng từng là chủ tịch của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng từ năm 1997 tới 1999.
Lựa chọn nữ giới cho các vị trí lãnh đạo cấp cao dường như là một phần trong cam kết của Biden về "nội các đa dạng". Ông đã công bố nhóm truyền thông Nhà Trắng gồm toàn bộ thành viên nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ hôm 29/11, đồng thời đang cân nhắc chọn cựu thứ trưởng quốc phòng Michele Flournoy làm nữ lãnh đạo đầu tiên của Lầu Năm Góc.
Mùa bầu cử Mỹ 2020: Vô cùng kịch tính và quá nhiều bất ngờ Mặc dù chắc chắn sẽ vẫn còn nhiều tranh cãi về mặt pháp lý trong những ngày tới đây, nhưng ông Joe Biden đã tuyên bố đã sẵn sàng dẫn dắt nước Mỹ vượt qua những thách thức hiện nay. Ông Joe Biden và vợ vẫy chào những người ủng hộ tại Wilmington, bang Delaware, Mỹ, ngày 7/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN) Ngày 7/11 (giờ...