Trở lại Lũng Cú
Mỗi lần lên Lũng Cú, ngắm nhìn cột cờ Tổ quốc vươn cao giữa trập trùng núi đá giăng thành nơi ải Bắc, tôi có ấn tượng rất đặc biệt.
Lá cờ rộng 54 mét vuông, tượng trưng cho 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam, bay giữa đất trời, vẫy gọi, thu hút. Những cột cờ đầu tiên đã được dựng lên ở đây bằng cây sa mộc từ thời Lý. Qua bao thay đổi thăng trầm, cột cờ Lũng Cú vẫn luôn là dấu mốc lịch sử, khẳng định chủ quyền của người Việt, biểu tượng cho khát vọng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của cha ông ta từ xa xưa.
Quang cảnh bản Lô Lô Chải- Lũng Cú.
Năm 2012, sau khi cột cờ Lũng Cú được tôn tạo lại, tôi đã có dịp lên đây. Trạm trưởng biên phòng Lý Mý Dình, khi ấy mới ba mươi tuổi, đã đưa tôi qua hơn 800 bậc đá lên đình cột cờ. Từ trên độ cao 1.470m so với mực nước biển, một vùng đất địa đầu bát ngát trong tầm mắt. Cột cờ sau khi tôn tạo năm 2010 có hình bát giác, cao 30m, mang dáng cột cờ Hà Nội, xung quanh 8 mặt chạm khắc hoạ tiết mặt trống đồng Đông Sơn và các biểu tượng minh họa các giai đoạn lịch sử của đất nước.
Lý Mý Dình người dân tộc Mông, gia đình gắn bó với vùng đất này qua nhiều đời. Vợ anh, Bùi Thị Hằng, là cô giáo người Kinh, từ Hưng Yên lên đây dạy học. Tình yêu của họ nảy nở trên mảnh đất này, trong cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất biên cương của Tổ quốc. Năm ấy, con gái đầu lòng của họ đã lên hai tuổi.
Lần này tôi trở lại, Lũng Cú đã có nhiều thay đổi. Khu vực xung quanh cột cờ được mở mang. Khách du lịch ngày một đông hơn. Hệ thống đường được nâng cấp. Một số công trình mới đang xây cất, trong đó có trường học mới không xa cột cờ. Một khu du lịch tâm linh khá đồ sộ đang được thi công… Lý Mỳ Dính, người sĩ quan biên phòng năm trước, đã chuyển công tác về đồn Phó Bảng. Qua điện thoại, Dính cho biết, vợ chồng anh có thêm một cháu trai. Cuộc sống của họ có thêm những niềm vui mới.
Chúng tôi lại có dịp gặp gỡ với các chiến sĩ biên phòng, hiểu thêm công việc của các anh trên mảnh đất cực Bắc này. Trò chuyện với thiếu tá Hà Văn Đô, chính trị viên Đồn biên phòng Lũng Cú, chúng tôi được biết: Nhiệm vụ của đồn trải rộng trên địa bàn các xã Lũng Cú và Ma Lé với 22 cột mốc, hàng chục ki lô mét biên giới. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên địa bàn trọng yếu này rất nặng nề.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, việc xây dựng chính quyển cơ sở, giúp nhân dân phát triển sản xuất trên địa bàn với trên 8.000 dân thuộc 11 dân tộc cũng là một trách nhiệm lớn. Hà Văn Đô mới 37 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc, nhiều năm bám trụ ở biên cương. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Lũng Cú như anh. Họ từ nhiều miền quê lên đây, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Như nhiều điểm biên giới chúng tôi đã đi qua, một lớp cán bộ, chiến sĩ mới đã tiếp bước cha anh, đảm đương trách nhiệm giữ gìn biên cương Tổ quốc.
Bản Lô Lô Chải.
Từ cột cờ Lũng Cú, lẩn này chúng tôi đi tiếp lên điểm cực Bắc, điều mà mấy lần trước chưa có dịp thực hiện. Chúng tôi theo đường tuần tra biên giới chừng 4 km qua bản Xéo Lủng, đến mỏm đất cuối cùng. Đây là nơi có cột mốc, bia chủ quyền và đài vọng cảnh cực Bắc. Sông Nho Quế chảy qua điểm này giữa hai bên là vách núi cao. Con đường nhỏ ra lượn trên mép núi chênh vênh đến điểm cực có toạ độ 2322′59 vĩ độ Bắc; 10519′21 kinh độ Đông. Một ngày nắng rất đẹp, cái nắng biên cương bâng khuâng trên những nếp nhà nhỏ, con đường và bóng những người dân đang làm nương. Một cảm giác xao xuyến. Tổ quốc bắt đầu ngay nơi chúng tôi đứng. Máu xương bao thế hệ người Việt đã đổ cho sự toàn vẹn đất đai bờ cõi tổ tiên để lại. (Xin được nói thêm, đây cũng mà điểm cực cuối cùng trong số bốn điểm cực- cực Bắc, cực Nam, cực Tây và cực Đông mà tôi và nhà báo Ngô Hà Thái đã cùng nhau có mặt trong các chuyến đi đến mọi miền đất nước).
Bản Lô Lô Chải ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú có một vẻ đẹp đặc sắc. Từ trên cao nhìn xuống, bản nằm giữa trập trùng núi đá, chìm ẩn trong mây như bức tranh thuỷ mặc. Chúng tôi đã vào thăm bản, đi trên những con đường nhỏ, ngắm nhìn những ngôi nhà lợp ngói âm dương, trình tường đất, mang đậm phong cách sống của người Lô.
Bản có 114 hộ với hơn 500 nhân khẩu này giờ được công nhận là làng văn hoá. Chúng tôi đến thăm nhà trưởng bản Sình Gì Gai, nhà đôi vợ chồng trẻ Dìu Di Thuế – Vàng Thị Mai, nhà ông bà Vàng Thị Đai – Dìu Dì Sâm… Qua câu chuyện, chúng tôi hiểu những thay đổi trong cuộc sống của bà con trong bản. Những năm gần đây, bên cạnh việc trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải, bà con trong bản với sự giúp đỡ của nhà nước, đã học làm du lịch, mở mang các dịch vụ. Đến nay, bản Lô Lô Chải đã có 21 gia đình làm các homestay đón khách. Bà con học tiếng Anh để có thể giao tiếp với khách nước ngoài. Bản có đội văn nghệ với các tiết mục mang đậm bản sắc Lô Lô biểu diễn cho khách du lịch và tham dự các hội diễn các nơi. Đời sống, thu nhập của bà con nâng lên rõ rệt.
Quang cảnh bản Lô Lô Chải – Lũng Cú.
Trong các lễ hội, màn trình diễn của người dân Lô Lô Chải không thể thể thiếu các tiết mục biểu diễn trống đồng. Đấy là câu chuyện có cội nguồn lịch sử. Theo sử sách, hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống lớn ở Lũng Cú để góp phần bảo vệ an ninh biên giới nơi mảnh đất địa đầu. Chính vì vậy người Lô Lô ở Lũng Cú đã biết sử dụng thành thạo những chiếc trống có nguồn gốc từ trống đồng Đông Sơn ấy. Công cuộc xây dựng và bảo vệ nước Việt ngàn năm từ lâu đã là một sự nghiệp chung của đồng bào tất cả các dân tộc qua nhiều thế hệ.
Liên quan đến câu chuyện nhiều ý nghĩa này, trong bài thơ Tiếng Trống Ở Lũng Cú, tôi viết :
Âm vang giữa đỉnh trời
Vách núi rung nhịp trống
Đá tiếp lời vang vọng
Lũng Cú bập bùng mây
Trống Mẹ và trống Cha
Trống Trời và trống Đất
Hồn vía người Lô Lô
Ngân lên theo tiếng nhạc
Và :
Trống gọi rồng thiêng đến
Muôn mạch đá về chầu
Cuộn thành giăng Ải Bắc
Từ lòng núi thẳm sâu
Trống của người giữ đất
Hoàng đế đã lệnh trao:
Thần dân hãy cảnh giác
Nơi xã tắc khởi đầu !
Lời người xưa lay động
Nhịp trống giục mê say
Muôn chỉ màu ngũ sắc
Hoà sắc trắng mây bay
Vẻ đẹp hoang sơ thác Bồ Gè, Thừa Thiên Huế
Giữa vách núi đá, chốn rừng hoang vắng thác Bồ Gè hiện ra hoang sơ, bình yên và thơ mộng đủ để làm cho con người ta quên đi mọi vất vả, lo toan giữa đời thường.
Từ thành phố Huế đi về trên tuyến QL 1A, đối diện với trụ sở UBND xã Lộc Tiến (Phú Lộc) rẽ vào chừng 3km sẽ bắt gặp thác Bồ Gè.
Con đường vào thác nhiều chỗ quanh co uốn lượn, bên trái là vách núi đá cao vút đan chẻ lởm chởm tạo nên một chút mạo hiểm khiến không gian trở nên hoang dã, heo hút. Cảm giác đang lẫn lộn thì thác Bồ Gè hiện ra trước mắt; một thác nước với vẻ đẹp hoang sơ dài tầm 500m, nằm giữa một thung lũng màu xanh của núi rừng bao phủ với từng tảng đá to nhỏ đang xen vào nhau hoà cùng làn nước trong xanh.
Thác Bồ Gè được thiên nhiên ưu đãi với làn nước xanh trong mát lạnh, đứng từ trên cao nhìn xuống ta sẽ dễ dàng nhìn thấy từng viên đá nhỏ bên dưới tạo nên sự lầm tưởng của nhiều người là thác cạn, nhưng thực tế điểm sâu nhất của thác cũng gần 4m, đủ cho những du khách thích cảm giác mạnh khi nhảy từ trên cao xuống. Thác là cả một dãy dài nhưng điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp của thác chính là 2 hồ lớn giữa lòng thác, mỗi hồ rộng khoảng 400m2. Trải dọc thác là 7 quán ăn uống được lợp bằng lá cây rừng, móng nền bằng gỗ được thiết kế theo kiểu nhà sàn.
Các món ăn được phục vụ ở đây cũng đơn giản và gần gũi như cá trê, ếch, gà, kỳ nhông; một vài dịch vụ thiết yếu khác như cho thuê áo quần tắm, áo phao, phao bơi... Du khách khi đến đây có thể tắm ở các hồ bên dưới hoặc ngược lên đầu nguồn, thoả thích tìm hiểu thiên nhiên và tự do ngâm mình trong dòng nước mát để tận hưởng cảm giác thư thái, thoải mái, dễ chịu.
Thác Bồ Gè đón khách tấp nập vào những ngày hè, nhất là các gia đình. Chưa thu phí dịch vụ, chưa có sự can thiệp của con người nên hàng chục năm qua, thác Bồ Gè vẫn giữ được dáng vẻ hoang sơ, thơ mộng của riêng mình
Di tích Đồn Cao - địa điểm lý tưởng chiêm ngưỡng thị trấn Đồng Văn Nói đến mảnh đất Cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều người đặc biệt nhớ những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt; nhiều địa điểm nổi tiếng, như: Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Dinh thự nhà Vương; những phiên chợ lùi đặc sắc, hay nếp nhà trình tường lặng lẽ bên hàng rào đá. Nhưng ít ai biết, trong lòng thị trấn...