Trịnh Công Sơn đã yêu, sống hết mình nhưng nỗi buồn thân phận đè nặng
“Sơn đã sống hết mình, đã yêu hết mình, nhưng nỗi buồn của thân phận vẫn đè nặng lên anh.
Nỗi buồn của nghệ sĩ muôn đời vẫn là vậy”, nhạc sĩ Hồng Đăng từng viết.
Nhân dịp giỗ đầu nhạc sĩ Hồng Đăng, bà Lê Anh Thuý – vợ cố nhạc sĩ kết hợp với NXB Hội Nhà văn cho ra mắt cuốn sách Chân trời gọi nắng. Sách được chia làm 3 phần, gồm những bài viết của nhạc sĩ về gia đình ông, về cái Tết đầu tiên của ông ở Hà Nội, về đồng nghiệp, hoạt động âm nhạc Việt Nam và những tác phẩm ca khúc nổi bật của ông.
Nhân 22 năm ngày mất Trịnh Công Sơn (1/4/2001 – 1/4/2023), VietNamNet trích đăng bài viết của cố nhạc sĩ Hồng Đăng về Trịnh Công Sơn in trong cuốn sách này.
“Sau cái chết của hai người bạn thân: Giáo sư Hoàng Thiệu Khang và nhà lý luận mỹ học Thái Bá Vân, Sơn như suy sụp hẳn. Mỗi lần nhắc đến tên hai người, một nỗi xót xa như cứ lặn vào đuôi mắt.
Một cuộc đời vốn phiêu lãng từ bé, Sơn đã để lại sau lưng mình gót chân của tài hoa. Quê ở Huế nhưng sinh ở Đắk Lắk, Sơn ngao du trong cuộc đời này, gánh nỗi buồn thân thế từ những Tuổi đá buồn, Diễm xưa, Cho một người nằm xuống, Phôi pha…
Từ những năm 70, trong vòng những thành phố đi đâu cũng đầy vết chân ngoại bang, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn, ông về dạy ở B’lao, Lâm Đồng. Và nghiệp cầm ca bắt đầu từ đấy. Và hàng trăm ca khúc của ông ra đời chiếm một vị trí đáng kể trong tâm tư mọi người.
Trịnh Công Sơn có một mạch đi riêng, một cách cấu tứ riêng, một giai điệu riêng và một tâm hồn lãng đãng cũng rất riêng. Mới nghe có thể có nhiều người không hiểu, nhưng càng nghe lâu càng thấy thấm. Và giọng hát Khánh Ly của một thời đã gây ấn tượng mạnh mẽ về những tác phẩm của Sơn.
Từ những ngày chiến tranh, Trịnh Công Sơn đã nối mạch đi của mình với mọi người trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Và bây giờ cứ mỗi lần hát Nối vòng tay lớn, người ta lại nhớ đến những tháng ngày khắc nghiệt và hào hùng đó. Có lẽ ít nhạc sĩ nào lại để lại một ấn tượng sâu như thế, đậm như thế trong tấm lòng những người Việt xa xứ, cũng như những người hàng ngày vẫn đến quanh anh.
Ngôi nhà riêng ở phố Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch hiện nay) ở thành phố, cũng như gian nhà xưa kia ở Nguyễn Trường Tộ thành phố Huế, vẫn có một vị men hấp dẫn nhiều người. Thành phố Huế có thể tự hào, rất tự hào vì người con trai của mình. Nhiều bài ca nổi tiếng đã ra đời từ đây.
Trong những ngày cuối của chiến tranh, những giai điệu Trịnh Công Sơn loáng thoáng được nghe đâu đó quanh Hà Nội, Hải Phòng, vẫn bị xem như một món ăn cấm, nhưng nhiều người đều tò mò và thú vị trước món ăn lạ miệng. Phải đến hai năm sau giải phóng, anh mới có dịp bước chân ra Hà Nội. Và kỷ niệm của Hà Nội cũng đã để lại trong anh những ấn tượng ngọt ngào.
“… Hà Nội mùa thu/Cây cơm nguội vàng/Cây bàng lá đỏ/… Mùi hoa sữa về/Thơm từng cơn gió” – bài hát viết ở khách sạn Đồng Lợi đường Nam Bộ có một hương vị quyến rũ, nhẹ nhàng, thanh thoát.
Về Hà Nội, Trần Tiến dẫn Trịnh Công Sơn đến tôi và mấy đứa rủ nhau đến nhà Văn Cao. Mấy chén rượu nhạt tao ngộ làm Sơn rất cảm động. Nghe tin nhau từ lâu, bây giờ mới biết mặt, nỗi vui của những người đồng nghiệp biết quý trọng tài năng của nhau là một trong những nhân tố kích thích Sơn những chặng đường sau này với: Chiều trên quê hương tôi, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Em còn nhớ hay em đã quên…
Mỗi ca khúc của Trịnh Công Sơn có một đời sống riêng và vô số đời sống muôn màu ấy đã tạo thành một Trịnh Công Sơn khoan hòa, hồn hậu, sâu sắc mà dáng dấp vẫn có vẻ tiên phong đạo cốt. Trong các tác giả viết ca khúc của Việt Nam, Trịnh Công Sơn là người duy nhất được giải thưởng Đĩa vàng ở Nhật Bản năm 1972 với số lượng phát hành trên hai triệu đĩa. Và hàng loạt tuyển tập xuất bản: Tuổi đá buồn, Khói trời mênh mông, Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Một cõi đi về, Huyền thoại mẹ, Em còn nhớ hay em đã quên, Những bài ca không năm tháng đã đưa Trịnh Công Sơn lên vị trí của những người tên tuổi có trọng lượng vào bậc nhất.
Điều đó không phải dễ với một nghệ sĩ. Và cũng hàng loạt băng nhạc, đĩa tiếng, đĩa hình, cũng như đêm diễn của Trịnh Công Sơn với những gương mặt nổi đình đám của giới ca sĩ Việt Nam đã tạo cho anh một ấn tượng khó lòng phai mờ. Giới trẻ yêu anh, giới lớn tuổi cũng kính trọng anh, và cả các em bé vẫn ngày ngày hát những câu hát quen của Trịnh Công Sơn với một lòng mến mộ sâu sắc.
Cái may mắn nhất của Trịnh Công Sơn là đã tạo được một ấn tượng về nhân cách, về tâm hồn, về trình độ đối với mọi người quanh anh, đặc biệt đối với các em trong gia đình. Một gia đình Huế, vẫn giữ được những tập tục đáng quý của một nề nếp xưa, biết kính trọng, biết yêu thương và biết giúp đỡ. Hầu như các em út, từ em trai em gái, em dâu, em rể đều bao bọc quanh Trịnh Công Sơn một tấm lòng vị tha. Mọi người đều biết quý người anh nghệ sĩ của mình và đều biết bảo vệ, nâng niu, chăm sóc cho Sơn.
Công lao của các em không nhỏ trong việc đào tạo, gìn giữ một tài năng, điều đó không mấy người có. Những may mắn cuối đời của Sơn về nghệ thuật, về uy tín, về lòng kính trọng, kể cả về vật chất vẫn không đủ làm anh vui hơn trong cuộc đời, và những lần nói với chúng tôi Sơn vẫn tỏ ra không những rất yêu các em mà còn rất biết ơn. Em trai của Sơn là Tịnh, Hà… em gái Tâm, Vĩnh Trinh… cũng như các em khác đã bôn ba nhiều nơi để lo bảo đảm cho ông anh mình một cuộc sống sung túc, khỏi lo lắng đến miếng cơm manh áo của đời thường.
Sơn đã sống hết mình, đã yêu hết mình, nhưng nỗi buồn của thân phận vẫn đè nặng lên anh. Nỗi buồn của nghệ sĩ muôn đời vẫn là vậy”.
Hồng Nhung hát ‘Nhớ mùa thu Hà Nội’
Khi gen Z làm mới nhạc Trịnh
Một lần nữa, âm nhạc của Trịnh Công Sơn lại trở thành chủ đề bàn luận, thậm chí tranh luận, khi những nghệ sĩ trẻ tiếp tục có cách khai triển khác lạ quanh những ca khúc vốn đã quá quen tai với công chúng.
Khác với đa số những lần trước chỉ đơn lẻ từng nghệ sĩ quyết định 'mở lối' làm mới nhạc Trịnh, lần này, có hẳn một dự án với sự tham gia của 6 nghệ sĩ trẻ.
Mỹ Anh hát "Nhìn những mùa thu đi".
1. Sáu nghệ sĩ này đều thuộc thế hệ Gen Z (thuật ngữ chỉ thế hệ sinh năm 1997 - 2012). Đó là Mỹ Anh, Juky San, Kiên Trịnh, Hoàng Duyên, Obito và Hoàng Dũng.
Họ cùng nhau tụ lại trong dự án có tên "EP GenZ và Trịnh" - một dự án âm nhạc của Universal Music Vietnam và Galaxy EE lập ra, với mục đích được cho là để tri ân cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lấy cảm hứng từ 2 bộ phim gây xôn xao dư luận gần đây: "Trịnh Công Sơn", "Em và Trịnh".
Poster dự án "EP GenZ và Trịnh".
Có thể nói, di sản âm nhạc của Trịnh Công Sơn để lại là một "mỏ vàng" để nhiều nghệ sĩ trẻ khai thác. Ai cũng có quyền làm mới âm nhạc Trịnh Công Sơn, và thế hệ thuộc Gen Z cũng không là ngoại lệ. Chỉ có điều, bất cứ cuộc làm mới nhạc Trịnh nào cũng là một thử thách, thậm chí các nghệ sĩ phải đứng trước những ý kiến tranh luận gay gắt, những phản biện thẳng thắn.
Cũng xin giải thích thêm, "EP" trong tên dự án là viết tắt của Extended Play - một hình thức như đĩa mở rộng, khoảng 4 - 5 bài. Theo đó, "EP Gen Z và Trịnh" gồm MV 5 ca khúc: "Mưa hồng", "Diễm xưa", "Nắng thủy tinh", "Nhìn những mùa thu đi" và "Tuổi đá buồn" do 6 giọng ca trẻ vừa nhắc tên ở trên thể hiện.
Đó là những cái tên tài năng, yêu nghệ thuật, ghi dấu ấn trong lòng công chúng với những sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. Mỗi người đều có một màu giọng riêng, một tư duy âm nhạc mới mẻ và trên hết là tình yêu chung dành cho âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Khi tham gia dự án này, tất cả họ đều coi đây là cơ hội khi được cùng góp sức để giữ gìn, làm mới một trong những kho tàng âm nhạc giá trị của Việt Nam.
2. Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn tìm kiếm những ca sĩ mới để thể hiện những ca khúc của mình. Vì thế chúng ta ngày nay mới được biết đến những giọng ca thuộc nhiều thế hệ đã hát nhạc Trịnh và để lại những dấu ấn cá nhân, như Khánh Ly, Hồng Nhung.
Và trong vòng khoảng 20 năm qua, sau ngày nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn nằm xuống, tiếp tục có thêm những ca sĩ trẻ tìm đến nhạc Trịnh Công Sơn để hát và làm mới những bài hát đã trở nên thân quen với số đông công chúng. Trong số đó, có thể kể tới những ca sĩ, từ Hà Trần đến Bùi Lan Hương, Hà Lê...
Mỗi người trên hành trình tìm kiếm lối đi mới qua di sản âm nhạc mà Trịnh để lại đều phải bước qua nhiều chông gai, và đều được dư luận "soi" nhiều chiều. Nhiều bình luận về sự làm mới của Bùi Lan Hương, Hà Lê với một số ca khúc của Trịnh Công Sơn, như "Mưa hồng", "Diễm xưa", "Ở trọ"... thậm chí có thể gây "sát thương" tâm hồn những người nhạy cảm trong một thời gian dài.
Thế nhưng, vượt qua những "tiếng bấc, tiếng chì", một số nghệ sĩ vẫn tạo dấu ấn cá nhân với nhạc Trịnh. Để bây giờ, nhắc đến Bùi Lan Hương, có ý kiến nhận định, sau Hồng Nhung thì Bùi Lan Hương là người hát hay nhất nhạc Trịnh Công Sơn. Hay với ca sĩ Hà Lê, anh cũng tạo được dấu ấn của mình trong cách làm mới nhạc Trịnh với cách phối mới, cách thể hiện khác biệt. Không chỉ được một bộ phận công chúng đón nhận, Hà Lê còn được đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ủng hộ với những nhận xét tích cực.
3. Mỹ Anh (con gái ca sĩ Mỹ Linh) thử sức với "Nhìn những mùa thu đi" - một bài hát của Trịnh Công Sơn, qua những thế hệ người hát trước, thường được biết đến với màu sắc buồn trữ tình. Nhưng khi giọng ca 21 tuổi Mỹ Anh vang lên, đó lại là một nỗi buồn vẫn man mác, da diết, khắc khoải, nhưng cũng có gì đó bình thản, an nhiên hơn.
Bản phối được nhà sản xuất Huỳnh Quang Tuấn cùng cộng sự thực hiện theo phong cách jazz swing cổ điển nhưng có hơi hướng tối giản để phù hợp hơn với giới trẻ. Bài hát thể hiện được sự mạnh bạo, đổi mới và sáng tạo của giới trẻ.
Tuy nhiên, sau khi ra mắt, "Nhìn những mùa thu đi" qua sự thể hiện của Mỹ Anh đã gây ra nhiều luồng ý kiến khen - chê trái chiều.
Tương tự như vậy, những "Gen Z" khác như Hoàng Dũng hát "Nắng thủy tinh", Juky San hát "Tuổi đá buồn", Hoàng Duyên hát "Mưa hồng"... cũng đối diện những ý kiến trái chiều.
Chắc hẳn, cả nhà sản xuất lẫn các ca sĩ trẻ khi nhận lời tham gia dự án "EP Gen Z và Trịnh" đã xác định chấp nhận những ý kiến trái chiều.
"Tôi biết khi nhận dự án này, chắc chắn sẽ có ý kiến trái chiều. Tôi đã nghiên cứu rất nhiều để dung hòa mọi thứ. Cũng may mắn khi tôi tìm được những giọng ca rất trẻ nhưng lại có sức nặng. Sức nặng ở đây là việc các bạn hát trong một tâm thế rất cầu toàn, tôn trọng", nhà sản xuất Huỳnh Quang Tuấn nói, đồng thời hy vọng: "Tôi chỉ mong sau này khi một ngày dài kết thúc, mọi người có thể bật album nghe và ngủ một cách thoải mái. Bạn có thể nghe bất cứ ở nơi nào, cả trong những chuyến đi du lịch, để âm nhạc của Trịnh len lỏi vào đời sống tinh thần của người trẻ. Khi cuộc sống hiện tại trôi qua quá nhanh và dồn dập, các bạn có thể sống chậm lại một chút để cảm nhận được vẻ đẹp và ý nghĩa nơi nhạc Trịnh".
Các bản phối trong "EP Gen Z và Trịnh" được thực hiện theo hai phong cách chủ đạo là Swing Jazz và RnB, kết hợp với chút lãng đãng hoài niệm của chất nhạc lo-fi.
4. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn hay của bất cứ nhạc sĩ nào, tất nhiên, không phải cứ "làm" là "mới". Nhiều khi làm mới lại là sự "phá hủy". Nhưng đứng trước những di sản âm nhạc để lại, thế hệ sau có quyền đón nhận, kế thừa và làm mới để lan tỏa và hòa hợp với xu thế thời đại. Riêng với âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng vậy. Giới trẻ ngày nay không mấy mặn mà với những bản nhạc và những giọng ca đi trước. Vì tâm thế của họ đã khác trước nhiều.
Ca sĩ Khánh Ly có lý khi nói rằng, đừng bao giờ so sánh người này với người kia, tội nghiệp nhất là so sánh một người 70 tuổi với một người 20 tuổi. Giới trẻ ngày nay có quyền hát theo cách họ nghĩ, họ cảm. Vì thế, hãy để cho họ hát.
Còn bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng bày tỏ sự vui mừng khi thấy có nhiều người trẻ hát nhạc Trịnh theo cách riêng của họ.
"Anh tôi khi còn sống luôn tìm kiếm những giọng ca mới hát theo cách riêng của thời đại họ. Tôi ủng hộ các bạn trẻ tìm được cảm hứng sáng tạo trên nhạc Trịnh và cứ hãy mạnh dạn ra mắt sản phẩm của mình. Dòng chảy âm nhạc phải luôn được tiếp nối qua các thế hệ", em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói.
Đúng vậy, dòng chảy nhạc Trịnh cần được tiếp nối. Chỉ có điều, cái gì hay sẽ đọng lại, còn dở thì sẽ bị đào thải.
Mộc San - Làn gió mới của nhạc Trịnh Ca sĩ Mộc San sẽ trình bày 15 ca khúc trong đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn nhân kỷ niệm 22 năm ngày mất của cố nhạc sĩ. Thời gian gần đây, trên các nền tảng âm nhạc xuất hiện một giọng ca mới của dòng nhạc Trịnh với những ca khúc có lượt nghe khủng như: Ru ta ngậm ngùi, Biển...