Triều Tiên: Hàn Quốc đã có bài học sau đợt đối đầu
Một quan chức cấp cao Triều Tiên hôm qua nói cuộc khủng hoảng quân sự vừa kết thúc trên bán đảo đã dạy cho Hàn Quốc bài học quan trọng rằng không nên tưởng tượng ra câu chuyện Bình Nhưỡng khiêu khích.
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so. Ảnh: Yonhap.
“Thông qua đợt tiếp xúc cấp cao khẩn cấp Bắc – Nam lần này, Hàn Quốc phải học được một điều quan trọng rằng họ sẽ mang đến đụng độ vũ trang nếu tạo ra một vụ việc vô căn cứ và kích động”, Hwang Pyong-so, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Triều Tiên, phát biểu trên kênh truyền hình trung ương Triều Tiên KCTV.
Ông Hwang không nói cụ thể nhưng dường như có ý nhắc đến việc Hàn Quốc khẳng định Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về vụ nổ mìn ở khu phi quân sự hôm 4/8, làm hai binh sĩ của Seoul bị thương.
Ông Hwang là người dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên tham gia cuộc đàm phán kéo dài gần ba ngày với Hàn Quốc, do ông Kim Kwan-jin, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Park Geun-hye, dẫn đầu.
Hai bên đã đạt được thỏa thuận về một số giải pháp hạ nhiệt căng thẳng, trong đó Bình Nhưỡng cần xin lỗi về vụ nổ mìn. Đổi lại, Hàn Quốc sẽ dừng chiến dịch phát thanh chống Triều Tiên ở dọc biên giới.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong những tuần gần đây lên cao, sau khi Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đứng sau vụ nổ mìn. Triều Tiên và Hàn Quốc còn đấu pháo ở biên giới hôm 20/8. Tuy nhiên, Triều Tiên phủ nhận trách nhiệm trong cả hai vụ việc.
Video đang HOT
Như Tâm
Theo VNE
Căng thẳng liên Triều trên báo chí Bình Nhưỡng
Gọi đối phương là "những kẻ cuồng chiến tranh", kể các câu chuyện cho thấy ý chí chiến đấu mãnh liệt của một bộ phận người dân là cách Triều Tiên truyền tải thông tin về những căng thẳng tại khu vực biên giới gần một tuần qua.
Đại diện Hàn Quốc và Triều Tiên sáng sớm nay đạt được thỏa thuận loại bỏ nguy cơ xung đột vũ trang khiến dư luận thế giới lo ngại suốt từ cuối tuần trước. Giới chức Triều Tiên cho biết họ lấy làm tiếc về vụ nổ mìn khiến hai lính Hàn Quốc bị thương hồi đầu tháng 8 và hứa hẹn những hành động khiêu khích sẽ không tái diễn. Đổi lại, Seoul nhất trí ngừng chương trình truyền thanh chống Bình Nhưỡng dọc biên giới. Triều Tiên khẳng định sẽ xóa bỏ tình trạng "cận kề chiến tranh" mà họ đưa ra với quân đội.
Theo KCNA Watch, một trang tin chuyên theo dõi những hoạt động diễn ra ở Triều Tiên, trước khi đôi bên đi đến thống nhất giải pháp tháo gỡ bế tắc, Bình Nhưỡng đã vận dụng tối đa các phương tiện truyền thông trong nước để truyền tải những thông tin có phần cường điệu về chuỗi sự kiện dẫn đến căng thẳng.
'Những kẻ cuồng chiến tranh'
Lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc họp khẩn của Ủy ban Quân sự Trung ương đảng Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Trong số các tin tức được đăng tải, đáng chú ý hơn cả là những bài viết với ngôn từ cứng rắn, gọi Hàn Quốc là "những kẻ cuồng chiến tranh".
"Cách đây không lâu, những con rối chiến tranh vin vào vụ nổ mìn ở khu phi quân sự để tái khởi động chiến dịch tuyên truyền dọc biên giới nhằm ra đòn chiến tranh tâm lý. Hôm nay, họ lại nã pháo vào lãnh thổ Triều Tiên, dựa trên những bằng chứng thiếu chắc chắn. Tất cả những hành động này đều được thúc đẩy bởi tham vọng điên rồ của những kẻ cuồng chiến tranh trong quân đội Hàn Quốc", KCNA hôm 20/8 đưa tin.
Một bài xã luận được các kênh truyền thông nhà nước đăng tải lại lên tiếng cảnh báo bán đảo Triều Tiên "đang đứng bên bờ vực chiến tranh", đồng thời cũng khẳng định hoạt động tuyên truyền bằng loa phóng thanh của Hàn Quốc là một "đòn chiến tranh tâm lý". Đi kèm với đó là bức ảnh chụp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì một phiên họp khẩn cấp với các lãnh đạo quân đội.
Trong lúc cuộc đàm phán xuyên đêm nhằm tháo ngòi căng thẳng liên Triều chưa tìm được tiếng nói chung, hãng thông tấn KCNA hôm qua tiếp tục chỉ trích "một chiến dịch bôi nhọ" của truyền thông Hàn Quốc mà theo họ là nhằm mục tiêu "làm xấu đi hình ảnh trang nghiêm của Triều Tiên". TờRodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, cáo buộc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye "kích động xung đột".
Sẵn sàng chiến đấu
Một số bài viết khai thác khía cạnh người dân Triều Tiên chuẩn bị cho kịch bản chiến tranh. Một bài viết đưa tin Hội Phụ nữ Triều Tiên đã họp mặt ở thủ đô Bình Nhưỡng để thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền cũng như quyết tâm cống hiến cho tiền tuyến.
Bài báo kể về việc bà Kim Kum-nyo, một người dân bình thường sống tại Chungsong-dong, thay đổi nhận thức ra sao và hành động như thế nào để nuôi dạy con cái của mình trở thành những chiến sĩ quả cảm, hết lòng phụng sự các nhà lãnh đạo.
Một bài viết khác khẳng định những xung đột ở khu vực biên giới chỉ khiến cho ý chí của người dân và các quân nhân Triều Tiên "tăng cao gấp nghìn lần". Một số bài viết thì ca ngợi chính tinh thần sẵn sàng chiến đấu ấy là động lực để các tầng lớp lao động ở Triều Tiên tăng gia sản xuất, nâng cao năng suất lao động một cách thần kỳ.
KCNA hôm 23/8 dẫn lời Kim Hak Chol, một công nhân làm việc tại mỏ than Toksan, cho hay nhờ "tinh thần không nhân nhượng trước những kẻ hiếu chiến" mà năng suất lao động của anh tăng tới 200%. Trong khi đó, lượng sản phẩm xuất xưởng một ngày tại Nhà máy Dệt may Songdo cũng vượt chỉ tiêu tới 150%.
Hơn một triệu lính mới
Hình ảnh minh các tân binh đăng ký nhập ngũ được KCNA dùng để minh họa cho bài báo viết về việc hơn một triệu thanh niên Triều Tiên xung phong gia nhập quân đội. Ảnh: KCNA Watch
"Giận dữ với các đợt nã pháo từ phía những kẻ hiếu chiến Hàn Quốc, quân nhân và dân thường Triều Tiên đang rất nôn nóng để cho đối phương biết thế nào là tắm trong mưa đạn", KCNA hôm 23/8 đưa tin. "Thanh niên trên khắp Triều Tiên đang sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh thiêng liêng để bảo vệ tổ quốc với quyết tâm và niềm tin vững vàng sẽ đánh bại kẻ thù".
Theo cơ quan này, đến nay có hơn một triệu người tình nguyện nhập ngũ hoặc tái gia nhập quân đội và con số này vẫn "tăng lên từng giờ". Để minh họa, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên đăng tải bức ảnh các binh sĩ trẻ tuổi, cả nam lẫn nữ, đang xếp hàng đăng ký gia nhập quân đội, tay giương cao lá quốc kỳ.
Độc giả của KCNA cũng được cung cấp thông tin về làn sóng ủng hộ Triều Tiên đang bùng phát mạnh mẽ trên thế giới. Một bài viết đưa tin đảng Hòa bình và Thống nhất của Nga và đảng Xã hội của Benin, một nước ở Tây Phi, đều ra thông cáo thể hiện sự đồng thuận đối với Triều Tiên. Bài viết thêm rằng Washington và Seoul "đang bị cả thế giới phản đối gay gắt" bởi những hành vi khiêu khích nhằm vào Bình Nhưỡng.
Theo AP, hãng thông tấn có văn phòng ở Triều Tiên, bất chấp những thông tin có phần được thổi phồng thái quá xuất hiện tràn ngập trên mặt báo, cuộc sống của người dân tại thủ đô Bình Nhưỡng vẫn diễn ra bình lặng. "Người ta chỉ thỉnh thoảng nhìn thấy một vài xe tải chở quân lượn qua thành phố. Một xe bán tải ngụy trang bằng lưới đang đỗ gần ga tàu trung tâm", phóng viên Eric Talmadge miêu tả quang cảnh một góc nhỏ ở Bình Nhưỡng chiều hôm 22/8.
Vũ Hoàng
Theo Guardian
Làng Panmunjom - nơi liên Triều xoa dịu căng thẳng Panmunjom, ngôi làng ở giới tuyến phân cách hai miền Triều Tiên, là nơi đóng vai trò cầu nối để quan chức hai nước họp bàn giảm căng thẳng, đồng thời là điểm đến duy nhất trên thế giới du khách phải cam kết tự chịu trách nhiệm nếu bị kẻ địch tấn công. Panmunjom, hay còn có cách gọi là Bàn Môn...