Triều Tiên điều binh sĩ và vũ khí lập lại chốt kiểm soát ở khu phi quân sự
Triều Tiên gần đây đã điều động binh sĩ và thiết bị đến Khu phi quân sự (DMZ) để khôi phục lại các trạm gác bị phá hủy sau thỏa thuận quân sự với Hàn Quốc vào năm 2018.
Hãng tin Yonhap dẫn lời các quan chức quân sự Hàn Quốc hôm (27/11) cho biết, quân đội Hàn Quốc đã phát hiện các hoạt động gia tăng ở khu vực biên giới, sau khi Triều Tiên tuyên bố sẽ nối lại tất cả các biện pháp quân sự bị tạm dừng theo thỏa thuận liên Triều năm 2018.
Vào năm 2018, Triều Tiên và Hàn Quốc mỗi bên đã cho phá hủy 10/11 trạm gác ở DMZ như một phần của thỏa thuận quân sự giữa 2 nước nhằm giảm thiểu căng thẳng và ngăn chặn các cuộc đụng độ bất ngờ.
Video đang HOT
Theo các quan chức quân sự Hàn Quốc, thông qua những bức ảnh được camera và thiết bị quang học nhiệt lắp đặt trong DMZ ghi lại, binh lính Triều Tiên được trang bị vũ khí hạng nặng đã tiến hành khôi phục các chốt canh gác bị hư hại ở một số địa điểm kể từ ngày 24/11.
“Chỉ có một số trạm gác đang được khôi phục, nhưng Triều Tiên sẽ cho khôi phục tất cả vì chúng là cơ sở thiết yếu để giám sát”, một quan chức quân sự cấp cao Hàn Quốc chia sẻ.
Phía Hàn Quốc tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Triều Tiên để phát hiện mọi dấu hiệu khiêu khích dọc biên giới 2 nước.
Triều Tiên đáp trả việc Hàn Quốc đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự
CHDCND Triều Tiên ngày 23/11 tuyên bố sẽ triển khai lực lượng vũ trang mạnh mẽ hơn cùng khí tài quân sự mới tới biên giới với Hàn Quốc, sau khi Seoul đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều kí kết năm 2018.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 23/11 dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng nước này nhấn mạnh, việc Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát là một bước thể hiện quyền tự vệ cũng như thực thi chủ quyền hợp pháp và công bằng, nhằm giám sát chặt chẽ và đối phó triệt để với các động thái quân sự của kẻ thù.
Tuy nhiên, Triều Tiên chỉ trích việc Hàn Quốc và Mỹ lên án các quyền hợp pháp của nước này là vi phạm các nghị quyết và là hành động bất hợp pháp của Liên hợp quốc.
Triều Tiên đồng thời gọi việc Hàn Quốc đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều là "hành động liều lĩnh", cho rằng đây là biểu hiện của thái độ thù địch mà Seoul nhắm tới Bình Nhưỡng.
Binh sĩ đứng gác tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom) thuộc Khu phi quân sự (DMZ) liên Triều. Ảnh: Reuters
Từ đó, phía Triều Tiên tuyên bố kể từ này sẽ "không bao giờ bị ràng buộc" bởi thỏa thuận quân sự giữa hai nước ký ngày 19/9/2018, đồng thời khôi phục ngay lập tức mọi biện pháp quân sự đã bị tạm dừng theo thỏa thuận này.
"Triều Tiên sẽ rút lại các bước đi quân sự từng được thực hiện nhằm ngăn chặn căng thẳng quân sự và xung đột trên mọi bình diện bao gồm trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời triển khai các lực lượng vũ trang mạnh hơn và khí tài quân sự loại mới trong khu vực dọc theo Đường phân định quân sự", KCNA đưa tin.
Triều Tiên cũng khẳng định, các lực lượng vũ trang nước này sẽ luôn duy trì thế trận áp đảo, tấn công và theo dõi chặt chẽ các động thái của Hàn Quốc trong thời gian tới.
Trước đó, hãng tin Yonhap ngày 22/11 đưa tin chính phủ Hàn Quốc đã thông qua đề xuất đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều ký kết hồi năm 2018 nhằm phản ứng trước việc Triều Tiên phóng một vệ tinh do thám quân sự. Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp nội các bất thường do Thủ tướng Han Duck-soo chủ trì.
Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) được hai miền Triều Tiên ký kết vào ngày 19/9/2018, kêu gọi dừng mọi hoạt động quân sự thù địch giữa hai bên, cũng như thiết lập các vùng đệm trên biển và biến khu vực phi quân sự (DMZ) thành vùng đất hòa bình, cùng nhiều biện pháp khác.
Hàn Quốc sẽ đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều? Hàn Quốc đang xem xét đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018 như một biện pháp phòng ngừa trước những hành động "khiêu khích" của Triều Tiên, Yonhap ngày 14/11 đưa tin. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-shik. Ảnh: Yonhap Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) kêu gọi thiết lập các vùng đệm và vùng...