Triều Tiên công bố ảnh Trái Đất chụp từ tên lửa mới
Triều Tiên hôm nay công bố hàng chục bức ảnh Trái Đất từ khí quyển chụp bằng thiết bị gắn trên tên lửa đạn đạo phóng cuối tuần trước.
Ảnh chụp Trái Đất từ khí quyển do Rodong Sinmun đăng. Ảnh: Yonhap.
Rodong Sinmun, nhật báo của đảng Lao động Triều Tiên, hôm nay đăng 58 bức ảnh màu chụp Trái Đất cùng bình luận “vụ phóng thử tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung đến xa Pukguksong-2 một lần nữa diễn ra thành công”.
Trang bìa tờ báo đăng ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un tươi cười, xung quanh ông là các quan chức cấp cao, tướng Kim Rok-gyom, chỉ huy Lực lượng Chiến lược, và tên lửa Pukguksong-2 bay vút lên từ một bệ phóng di động, để lại vệt khói xám.
“Lãnh đạo đáng kính Kim Jong-un nói ông thực sự vui mừng khi được nhìn ảnh Trái Đất theo thời gian thực do máy ảnh gắn trên tên lửa chụp (từ khí quyển)”, tờ báo viết. “ Thế giới nhìn thật đẹp”.
Theo Yonhap, đáng chú ý là 5 bức ảnh ở trang thứ ba, được cho là chụp khi tên lửa đi vào khí quyển.
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên công bố ảnh chụp Trái Đất từ tên lửa. “Triều Tiên công bố ảnh dường như để thể hiện sự tự tin về công nghệ đưa tên lửa trở lại khí quyển”, Yang Uk, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện Diễn đàn Quốc phòng Hàn Quốc, Seoul, nhận định.
Như Tâm
Video đang HOT
Theo VNE
Pukguksong-2, tên lửa thay đổi cuộc chơi của Triều Tiên
Tên lửa Pukguksong-2 với nhiều cải tiến vượt trội có thể giúp Triều Tiên tiến gần hơn tới khả năng sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Triều Tiên vừa phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2. Ảnh: SCMP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm qua ra lệnh triển khai tác chiến tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 sau khi chứng kiến mẫu tên lửa này phóng thử thành công, theo KCNA. Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng động thái này đánh dấu việc Triều Tiên đã sở hữu một loại tên lửa có thể "thay đổi cuộc chơi" ở khu vực Đông Á.
Chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên trước đây dựa chủ yếu vào tên lửa tầm trung Musudan, nhưng loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng này đã bộc lộ điểm yếu về độ tin cậy sau một loạt vụ phóng thử thất bại hồi năm ngoái. Chuỗi phóng thử tên lửa thất bại đó chỉ chấm dứt khi Bình Nhưỡng chuyển sang phát triển Pukguksong-2, theo Telegraph.
"Động cơ nhiên liệu lỏng trên các tên lửa tầm trung và tầm xa của Triều Tiên rất nguy hiểm bởi nó có tính ăn mòn và bay hơi rất cao", Lance Gatling, chuyên gia quốc phòng kiêm chủ tịch Tập đoàn Nghiên cứu Nexial ở Tokyo, Nhật Bản, cho biết. "Triều Tiên chưa chắc có khả năng lưu trữ nhiên liệu này trong thời gian dài, nên họ thường nạp nhiên liệu vào tên lửa ngay trước khi phóng".
Những vụ phát nổ của tên lửa Musudan ngay sau khi phóng đã thể hiện mức độ rủi ro của loại nhiên liệu lỏng này. Điểm khác biệt của Pukguksong-2 so với Musudan là nó sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, giúp tên lửa ổn định hơn, giảm thiểu thời gian nạp nhiên liệu trước khi phóng.
Nhiên liệu mà tên lửa Pukguksong-2 sử dụng nhiều khả năng là ammonium perchlorate, loại nhiên liệu rất ổn định, dễ dàng lưu trữ, có thể giúp tên lửa khai hỏa bất cứ lúc nào, ông Gatling nói.
"Đó là loại vũ khí thay đổi cuộc chơi bởi tên lửa nhiên liệu rắn có thể được bảo quản ở nhiệt độ môi trường trước khi phóng, thời gian chuẩn bị cho vụ phóng cũng rất ngắn", ông cho biết.
Theo John Schilling, chuyên gia quốc tế về chương trình tên lửa Triều Tiên, tên lửa Pukguksong-2 được triển khai trên xe vận chuyển kiêm bệ phóng di động (TEL) chạy bằng bánh xích, giúp nó có khả năng cơ động băng đồng tốt hơn rất nhiều so với hệ thống TEL bánh lốp của các loại trên lửa trước đó.
Ông Kim Jong-un ra lệnh triển khai tác chiến Pukguksong-2 sau khi chứng kiến tên lửa phóng thử thành công. Ảnh: SCMP
Triều Tiên hoàn toàn có thể nạp sẵn nhiên liệu cho tên lửa Pukguksong-2 trên xe phóng trong các địa điểm bí mật dưới lòng đất, sau đó lợi dụng đêm tối, địa hình cơ động đến vị trí thuận lợi và khai hỏa trong thời gian rất ngắn. Schilling ước tính tên lửa Pukguksong-2 có thể khai hỏa chỉ trong 5 phút sau khi nhận lệnh báo động, so với thời gian 30-60 phút của tên lửa Nodong.
Tên lửa Pukguksong-2 sử dụng nhiên liệu rắn, nên nó không cần các xe bồn chứa nhiên liệu lỏng đi theo để nạp nhiên liệu. Một bệ phóng tên lửa cùng vài xe bồn đi theo là dấu vết dễ bị vệ tinh phát hiện hơn rất nhiều so với một xe phóng Pukguksong-2.
Bởi vậy, vệ tinh và các loại radar của Mỹ và đồng minh sẽ có rất ít thời gian để phát hiện trước một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Điều này giúp Bình Nhưỡng tăng đáng kể khả năng ngụy trang, sống sót cho vũ khí trước khí tài do thám cũng như đòn tấn công phủ đầu của đối phương, Schilling nhận định.
Tên lửa Pukguksong-2 từng xuất hiện trong lễ duyệt binh hồi tháng 4 của Triều Tiên. Quan sát hình ảnh tên lửa này, Michael Duitsman, chuyên viên tại Trung tâm Nghiên cứu cấm phổ biến vũ khí (CNS), chỉ ra những đường vân trên thân nó là dấu hiệu của loại vật liệu composite gia cố bằng sợi thủy tinh hoặc carbon. Vật liệu này giúp tên lửa nhẹ hơn mà vẫn đảm bảo độ bền trong quá trình phóng.
Tầng đẩy nhẹ sẽ giúp Triều Tiên tăng tầm bắn cũng như giảm trọng lượng cho tên lửa Pukguksong-2, tạo điều kiện để gắn đầu đạn hạt nhân tấn công các mục tiêu xa hơn, Duitsman nhận định.
Đường vân trên thân chứng tỏ Pukguksong-2 được chế tạo từ vật liệu đặc biệt. Ảnh: Reuters
Theo Kim Dong-yub, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul, vụ phóng thử tên lửa Pukguksong-2 mới nhất nhiều khả năng là một nỗ lực của Triều Tiên nhằm ổn định hóa hệ thống trước khi triển khai tác chiến.
Kim cho rằng thông qua vụ thử này, Bình Nhưỡng có thể cũng đang kiểm nghiệm động cơ cùng các thành tố khác để có thể phát triển một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn có thể bắn tới Mỹ. Loại ICBM này nhiều khả năng sẽ được đẩy bằng cụm nhiều động cơ của tên lửa Pukguksong-2.
Tình báo Mỹ và Hàn Quốc ước tính tên lửa Pukguksong-2 có tầm bắn khoảng 3.000 km, thấp hơn một chút so với tầm bắn 3.500 km của Musudan. Với việc thử nghiệm thành công động cơ nhiên liệu rắn của loại tên lửa này, các kỹ sư Triều Tiên trong tương lai nhiều khả năng sẽ tập trung tăng tầm bắn cho nó.
Việc Triều Tiên triển khai tác chiến tên lửa Pukguksong-2 chỉ sau hai lần phóng cho thấy Bình Nhưỡng rất tự tin vào độ tin cậy và hiệu năng hoạt động của tên lửa này. Điều đó cũng là dấu hiệu chứng tỏ quốc gia này đang tiến gần hơn bao giờ hết tới việc sở hữu một loại ICBM đáng tin cậy, có thể đe dọa các thành phố trên lục địa Mỹ, Gatling cảnh báo.
Trí Dũng
Theo VNE
Hội đồng Bảo an sắp họp khẩn về Triều Tiên Hội đồng Bảo an sẽ họp khẩn vào ngày 23/5 bàn cách phản ứng với việc Triều Tiên phóng thử tên lửa cuối tuần trước. Tên lửa Pukguksong-2 trong vụ phóng thử hồi tháng 2. Ảnh: Reuters. "Do vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 21/5, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đề nghị tham vấn khẩn cấp. Cuộc họp sẽ...