Triều Tiên bắt giữ 16 ngư dân để trả đũa Trung Quốc?
Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng việc Triều Tiên bắt cóc 16 ngư dân Trung Quốc có thể là nhằm trả đũa Bắc Kinh vì ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc sau vụ thử hạt nhân thứ 3 của Bình Nhưỡng hồi tháng 2.
Các binh sĩ Triều Tiên làm nhiệm vụ tại thị trấn Simuiju giáp ranh với Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay đưa tin Triều Tiên đã thả một tàu cá Trung Quốc và thủy thủ đoàn, vốn bị bắt giữ kể từ hôm 5/5, sau khi chủ tàu lên tiếng nói rằng những kẻ bắt cóc có vũ trang đã đòi gần 100.000 USD tiền chuộc cho 16 ngư dân.
Vụ bắt giữ tàu cá là căng thẳng mới nhất trong mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng. Bắc Kinh là đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng và cũng là nhà cung cấp viện trợ chính. Nhưng Trung Quốc đã công khai chỉ trích vụ thử hạt nhân hồi tháng 2 của Triều Tiên cũng như các hành động khiêu khích khác, và bỏ phiếu ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Chuyên gia Cui Zhiying, từ Đại học Tongji ở Thượng Hải, nói với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đang dần chuyển từ các đồng minh truyền thống sang các mối quan hệ song phương bình thường. Vì thế, những vụ việc như vụ bắt giữ tàu cá đang được tiết lộ thường xuyên hơn.
Còn chuyên gia Jin Qiangyi, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á tại Đại học Yanbian, cho rằng trong quá khứ Trung Quốc có khuynh hướng xử lý các vụ tranh cãi như vậy một cách kín tiếng và Triều Tiên đã lợi dụng chính sách này.
“Có thể Triều Tiên đang trả đũa Trung Quốc sau khi Liên hợp quốc áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt sau vụ thử hạt nhân thứ 3″, ông Jin nói thêm.
Ông Jin cũng đề nghị chính phủ Trung Quốc phải có thái độ cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng để đảm bảo sự an toàn của các ngư dân, nếu không những vụ việc như thế này có thể tái diễn.
Video đang HOT
Tờ Thời báo Hoàn cầu trước đó cho biết nhóm bắt cóc “nhiều khả năng từ quân đội Triều Tiên” và rằng họ đã dỡ các thiết bị định vị và liên lạc của tàu cá Trung Quốc.
Trong một động thái cho thấy mối thân tình Trung-Triều ngày càng sứt mẻ, truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay đã lên tiếng cảnh báo Bình Nhưỡng.
Thời báo Hoàn cầu hôm nay viết rằng vụ việc đã gây phẫn nộ trong công chúng Trung Quốc, khi “mối quan hệ thân thiết truyền thống giữa hai nước ngày càng căng thẳng”.
Tờ báo nghi ngờ rằng quân đội Triều Tiên đã lợi dụng sự không rõ ràng của biên giới trên biển để thực hiện một màn kịch nhanh gọn bằng cách bắt giữ các ngư dân Trung Quốc.
“Việc thực thi luật pháp của chúng ta tại các vùng biển liên quan phải được căng tường nhằm chống lại các vụ bắt giữ tùy tiện và lặp đi lặp lại của Triều Tiên. Nếu vùng biển của đất nước và sự an toàn của các ngư dân bị đe doạ, chúng ta nên đáp trả và chấm dứt điều đó”, tờ Beijing News viết.
Còn trên tờ Beijing Times, Jia Xudong, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế, một tổ chức nghiên cứu chính sách thuộc Bộ ngoại giao, đã kêu gọi Triều Tiên chấm dứt việc bắt giữ “bừa bãi” các tàu cá Trung Quốc và “tống tiền” các ngư dân nước này.
Theo Dantri
Đằng sau sự nhiệt tình ra mặt giúp Đài Loan của Trung Quốc
Không chỉ có Đài Loan phẫn nộ vì hành động nổ súng của Cảnh sát biển Philippines vào một tàu cá của hòn đảo này mà Trung Quốc đại lục cũng sôi sục chẳng kém. Đằng sau "thiện chí" đó là gì?
Người thân của ngư dân thiệt mạng trong vụ Cảnh sát biển Philppines nổ súng vào tàu cá Đài Loan khóc thương người xấu số
Vụ lực lượng tuần duyên Philippines bắn vào một tàu cá Đài Loan, gây ra cái chết của ngư dân Hung Shih-cheng, 65 tuổi và làm hư hỏng nặng con tàu đang khiến cả Đài Loan sôi sục phẫn nộ, đòi công lý phải được thực thi.
Mã Anh Cửu - Tổng thống hòn đảo này hôm 11/5 đã ra tối hậu thư với Manila: "Nếu chính phủ Philippines không có phản ứng tích cực trong vòng 72 giờ, Đài Loan sẽ ngừng việc thuê mướn lao động Philippines, rút đại diện của chính quyền ở Philippines, và đề nghị đại diện của Philippines ở Đài Bắc về nước".
Những phản ứng tích cực mà Đài Bắc muốn Manila phải làm đó là xin lỗi, làm rõ sự thật, trừng phạt người chịu trách nhiệm, bồi thường cho cái chết của ngư dân và thiệt hại với tàu cá, cũng như bắt đầu đàm phán với Đài Loan về một thỏa thuận ngư nghiệp càng sớm càng tốt.
Ngay hôm sau (ngày 12/5), Đài Loan đã phái 4 tàu của lực lượng hải quân và cảnh sát biển ra vùng biển gần Philippines để tăng cường tuần tra với quyết tâm bảo vệ ngư dân.
Trước những động thái mạnh mẽ này của Đài Bắc, Manila cũng không thể nói "cứng" được nữa. Phát ngôn viên Tổng thống Philippines - bà Abigail Valte hôm 11/5 cho biết, hiện đội tuần tra cảnh sát biển liên quan đến vụ việc đã bị đình chỉ công tác và nhà chức trách đang tiến hành "điều tra minh bạch và công bằng". Bà Valte cũng bày tỏ hi vọng rằng quan hệ kinh tế với Đài Bắc sẽ không bị ảnh hưởng.
Thái độ mềm mỏng này của Manila khác hẳn khẩu khí hôm 10/5 của phát ngôn viên lực lượng Cảnh sát biển Philippines - Trung tá Armand Balilo khi tuyên bố: "Nếu có ai đó bị thiệt mạng, họ xứng đáng nhận được sự thông cảm của chúng tôi nhưng một lời xin lỗi thì không". Bởi theo ông Balilo, vụ việc xảy ra trong vùng biển chủ quyền của Philippines và phía cảnh sát biển Philippines đang thực hiện chức trách ngăn chặn các hành vi đánh bắt thủy sản trái phép, họ chỉ nổ súng để tự vệ khi một tàu cá Đài Loan định đâm vào họ.
Theo các chuyên gia, sự cứng rắn quyết liệt của chính quyền Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu trong vụ này cũng chịu khá nhiều áp lực từ phe đối lập và truyền thông hòn đảo này.
Tờ China Times gọi vụ việc là một "vụ án hình sự" và yêu cầu Manila phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
"Hành động thiếu văn minh của Philippines đã vi phạm công ước hàng hải, chính phủ Đài Loan cần ra tay mạnh mẽ để bảo vệ quyền lời ngư dân và ngăn chặn một thảm kịch tương tự", China Times hùng hồn trong một bài xã luận.
Còn tờ Apple Daily thì nói người dân Đài Loan "giận dữ đòi trả nợ máu". Theo báo này, người Đài Loan đã tấn công một số website của chính phủ Philippines, làm chúng tê liệt tạm thời.
Trong khi đó, phía bên kia eo biển Đài Loan, Trung Quốc đại lục cũng sôi sục chẳng kém. Sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh lên tiếng tỏ ra chia sẻ với Đài Loan và lên án Philippines đã "hành động tàn bạo" cũng như yêu cầu Philippines điều tra vụ việc và sớm có lời giải thích, dàn "hỏa lực mồm" của truyền thông Trung Quốc cũng lập tức khai hỏa.
Từ Nhân dân nhật báo - một tờ báo chính thống đến Thời báo Hoàn Cầu - một phiên bản của tờ Nhân dân nhật báo đồng thời là một công cụ tuyên truyền sặc mùi hiếu chiến của Bắc Kinh cũng đều đòi Manila phải "trả giá" cho vụ nổ súng này.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 11/5 còn nặng lời "mắng mỏ" chính quyền Mã Anh Cửu đã quá "nhu nhược và bất lực" trước Philippines trong vụ bắn tàu cá Đài Loan, đồng thời kêu gọi giới chức Trung Quốc hãy "làm nhiều hơn nói", cảnh cáo Manila và phái chiến hạm hộ tống tàu cá kéo ra vùng biển tranh chấp trên Biển Đông để trả đũa Philippines. Như để giải thích cho sự nhiệt tình thái quá của mình, bài báo trên Thời báo Hoàn Cầu còn kẻ cả nói Đài Loan "nhỏ bé và nhạy cảm, làm gì cũng phải tính đến phản ứng của Mỹ" nên Bắc Kinh phải ra mặt.
Tuy nhiên, ở Đài Loan, không phải không có những tiếng nói tỉnh táo. Lâm Trung Bân, một cựu Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan nhận định, việc Trung Quốc lên án Philippines trong vụ nổ súng này với những lời lẽ khắc nghiệt chỉ là một phần trong chiêu tâm lý chiến của Trung Quốc nhằm chiếm cảm tình của người dân Đài Loan và tạo thêm áp lực cho Tổng thống Mã Anh Cửu trong việc tìm kiếm một hành động cân bằng cùng Philippines và Mỹ để đối phó với Trung Quốc mà thôi.
Cũng không ngoại trừ, đây sẽ là cái cớ để Trung Quốc "đục nước béo cò", hợp thức hóa việc tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Theo Dantri
Hoàn Cầu: Nhật cấp tàu cho Việt Nam "đối phó Trung Quốc" Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) hô hoán rằng, Nhật đang ráo riết vận động một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á bao vây Trung Quốc, bất chấp thực tế chính họ đang đẩy căng thẳng liên tục leo thang. Hôm nay 8/5, tờ Hoàn Cầu dẫn nguồn tin từ báo Sankei của Nhật cho biết: Chính phủ Nhật Bản ngày...