Triệu chứng khác nhau giữa sốt xuất huyết và Covid-19
Virus gây sốt xuất huyết và Covid-19 có thể khiến người bệnh gặp các triệu chứng tương tự ở giai đoạn đầu như sốt, đau đầu.
Covid-19 là bệnh truyền nhiễm chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn nhỏ tạo ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc thở. Trong khi đó, sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới thường xảy ra khi chuyển mùa.
Khởi phát ban đầu của cả hai bệnh đều có các triệu chứng giống nhau. Hai bệnh này đều do virus gây ra và có một số dấu hiệu phổ biến, bao gồm sốt, ớn lạnh, ho, cảm lạnh, đau họng, đau nhức cơ thể và suy nhược dữ dội. Do đó, ban đầu, bạn có thể nhầm lẫn giữa 2 bệnh này.
Cách virus lây lan
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ , cả sốt xuất huyết và Covid-19 đều có thể có những triệu chứng nhẹ, tự khỏi và bệnh nhân có thể tự phục hồi tại nhà. Tuy nhiên, chúng cũng có thể diễn biến nghiêm trọng, khiến bệnh nhân tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết do một trong 4 loại virus liên quan gây ra là virus Dengue 1, 2, 3 và 4. Vì vậy, một người có thể bị nhiễm virus Dengue nhiều lần trong đời. Virus sốt xuất huyết lây sang người qua vết đốt của muỗi nhiễm bệnh, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti.
Trong khi đó, Covid-19 là bệnh đường hô hấp do SARS-CoV-2 gây ra. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện liệu các kháng thể được tạo ra từ nhiễm trùng SARS-CoV-2 có thể bảo vệ chống lại bệnh hay không. Virus gây bệnh Covid-19 lây lan chủ yếu qua các giọt bắn đường hô hấp được tạo ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
Cả hai bệnh không liên quan tuổi tác. Bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc Covid-19 hoặc sốt xuất huyết. Bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính tiềm ẩn khác nhau như tim, bệnh thận hoặc tiểu đường có nhiều nguy cơ bị biến chứng hơn.
Bệnh sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người này sang người khác. Trong khi đó, virus gây Covid-19 rất dễ lây lan, nếu các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, khử trùng, giãn cách, không được thực hiện.
Sốt xuất huyết được coi là có nguy cơ cao hơn đối với những người sống ở các khu vực nhiệt đới. Covid-19 có thể tấn công con người bất cứ địa điểm nào.
Virus sốt xuất huyết do muỗi lây lan trong khi SARS-CoV-2 lây qua giọt bắn khi nói, ho, hắt hơi. Ảnh: IndiaTimes .
Phân biệt triệu chứng
Theo India Times, Covid-19 có thể xuất hiện các triệu chứng phổ biến bao gồm sốt cao, ớn lạnh, ho, cảm lạnh, đau họng, khó thở, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi và suy nhược dữ dội. Các triệu chứng thông thường của bệnh sốt xuất huyết bao gồm sốt rất cao, đau đầu dữ dội, đau khớp và cơ bắp.
Thời gian ủ bệnh của Covid-19 có thể kéo dài đến 14 ngày, trung bình là 4-5 ngày kể từ khi tiếp xúc virus. Trong khi đó, sốt xuất huyết có thời gian khởi phát lâu hơn và thậm chí xuất hiện muộn nhất là 22-25 ngày sau khi tiếp xúc virus.
Một trong những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết là suy nhược và đau đầu. Hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết đều gặp các triệu chứng về đường tiêu hóa là buồn nôn và tiêu chảy.
Nếu bạn đang có các triệu chứng như khó thở, đau ngực và khó thở, mất vị giác và khứu giác, đó không phải là bệnh sốt xuất huyết. Các triệu chứng này có liên quan Covid-19.
Vì Covid-19 là bệnh về đường hô hấp, một số triệu chứng như viêm và kích ứng cổ họng, thay đổi giọng nói và ho có thể xuất hiện. Các triệu chứng này không phổ biến ở bệnh nhân sốt xuất huyết.
Người bệnh sốt xuất huyết cũng có thể xuất hiện các nốt mẩn đỏ trên cơ thể, từ cánh tay đến mặt. Trong khi đó, các nốt này không có ở bệnh nhân Covid-19.
Đặc biệt, nếu nhiều thành viên trong gia đình bạn đều có các triệu chứng tương tự, khả năng cao đó là Covid-19 vì nó rất dễ lây, trong khi sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp.
Ngoài ra, Covid-19 về bản chất nghiêm trọng và phức tạp hơn nhiều, có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng.
Ở người bệnh sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo biến chứng nặng bao gồm: Đau bụng; nôn (ít nhất 3 lần trong 24 giờ); chảy máu mũi hoặc nướu; nôn ra máu; cảm thấy rất mệt, bồn chồn hoặc cáu kỉnh.
Trong khi đó, các dấu hiệu chuyển nặng ở bệnh nhân Covid-19 bao gồm: Khó thở; đau dai dẳng hoặc tức ngực; nhầm lẫn, không tỉnh táo; da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt.
Sốt là triệu chứng phổ biến ở cả người mắc Covid-19 và sốt xuất huyết. Ảnh: Asianetnews.
Làm gì khi bị sốt nghi do Covid-19 hoặc sốt xuất huyết?
Bất kể lý do gây sốt là gì, bạn có thể điều trị tại nhà trước. Bạn không cần nhập viện nếu có các triệu chứng nhẹ của sốt xuất huyết hoặc Covid-19.
Thông thường, các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết bắt đầu sau 5-6 ngày kể từ khi bị sốt. Covid-19 cũng có thể có biến chứng sau 3-4 ngày bị sốt.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp và thời tiết giao mùa, việc đồng nhiễm (tức là mắc cả Covid-19 và sốt xuất huyết) là yếu tố nguy cơ cao. Chúng còn có thể kéo dài thời gian hồi phục và gây ra nhiều biến chứng cho người bệnh.
Dưới đây là một số cách để ngăn ngừa nguy cơ đồng nhiễm và bảo vệ bạn an toàn:
- Tiếp tục tuân theo các biện pháp phòng Covid-19 phù hợp, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tránh những nơi đông người.
- Không sử dụng nước tại các nguồn có thể dẫn đến ô nhiễm và là nơi sinh sản của muỗi.
- Sử dụng thuốc chống muỗi và mặc quần áo kín.
- Thực hiện chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để tăng cường khả năng miễn dịch, bảo vệ sức khỏe.
Khu vực nào có nguy cơ lây lan virus khi nới lỏng giãn cách?Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, để sống chung an toàn với Covid-19 thời gian tới, người dân sẽ cần lưu ý về độ bao phủ vaccine tại những nơi mình đi đến.
Sốt xuất huyết vào mùa ở miền Bắc
Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng nhanh chóng trong tháng 9 tại các tỉnh phía bắc, chuyên gia cảnh báo bệnh đã vào mùa.
Hà Nam, Hà Nội ghi nhận số lượng ca sốt xuất huyết tăng vọt trong tháng 9.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tại Hà Nội tiếp nhận 88 ca sốt xuất huyết từ ngày 10/9 đến 23/9. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 4-5 bệnh nhân, theo bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. 8 tháng trước đó, có rất ít bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện.
Thống kê đến ngày 20/9 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, thành phố ghi nhận 724 ca sốt xuất huyết cộng dồn trong năm 2021. Số người mắc có xu hướng tăng từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 với khoảng 60-70 ca một tuần, trong khi tháng 6-7 chỉ ghi nhận 30-40 ca một tuần. Song, mặt bằng chung, số ca mắc vẫn giảm 46% so với cùng kỳ năm 2020. Đại diện CDC Hà Nội nhận định hiện tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn chưa có diễn biến phức tạp, tuy nhiên nguy cơ có thể gia tăng, nhất là vào mùa mưa, tháng 10-11.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam tiếp nhận liên tiếp rất nhiều bệnh nhân từ các phường nội thành như Hai Bà Trưng, Minh Khai, Lê Hồng Phong trong tháng 9. Đại diện bệnh viện cho biết những nơi này mọi năm chỉ xuất hiện rải rác, nhưng năm nay có phường ghi nhận đến gần 100 ca, tăng cao hơn so với các thời điểm khác trong năm.
Trung tâm Y tế thành phố Phủ Lý, Hà Nam, phát hiện 61 ca từ ngày 21/7 đến ngày 15/8, tại 4 phường, xã gồm Hai Bà Trưng, Minh Khai, xã Liêm Tiết và Liêm Chung.
Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, điều trị hơn 100 ca sốt xuất huyết, từ tháng 7 đến nay. Đại diện bệnh viện ngày 27/9, cho biết các ca có xu hướng tăng dần trong nửa cuối tháng 8 và đầu tháng 9, chủ yếu ngụ tại TP Hạ Long, rải rác ở các phường Cao Thắng, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, tập trung nhiều ở phường Hồng Hải... Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau người nhiều ngày không đỡ, khi được bác sĩ khám mới phát hiện bị sốt xuất huyết.
Đại diện CDC Quảng Ninh nhận định số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng trên toàn tỉnh so với cùng thời điểm năm ngoái. Từ đầu năm đến khoảng giữa tháng 9, tỉnh ghi nhận 127 ca mắc sốt xuất huyết, dự kiến số ca mắc có thể tiếp tục tăng.
Thống kê của Bộ Y tế trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 43.952 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 13 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm hơn 9%, số ca tử vong tăng 10 trường hợp.
Bác sĩ Thư cho biết sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua đường muỗi đốt. Thời tiết nóng ẩm mưa nhiều, các khu vực đông dân cư, cơ sở hạ tầng chưa phát triển là những nơi muỗi sinh sôi. Hiện nay, dịch sốt xuất huyết chưa căng thẳng so với các năm trước. Tuy nhiên, người dân vẫn cần chú ý phòng bệnh, bên cạnh chống Covid-19 do sốt xuất huyết cũng có khả năng diễn tiến nặng dẫn tới tử vong.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngày 27/9. Ảnh: Thanh Sơn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tươi, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), cho biết triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, kèm theo đau đầu dữ dội vùng trán, sau nhãn cầu, đau cơ và khớp, sưng hạch bạch huyết hoặc phát ban, xuất huyết dưới da kèm nôn dai dẳng, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, chảy máu lợi hoặc chân răng...
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể biến chứng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng như: tràn dịch màng phổi, viêm phổi, sốc do thoát huyết tương nặng, chảy máu nội tạng, chảy máu não, tổn thương các tạng, tổn thương gan, rối loạn đông máu.
Hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Do bệnh lây từ người sang người qua đường muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi.
Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất như sau: loại bỏ vật trung gian truyền bệnh đó là muỗi aedes. Diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy quanh khu vực mình sinh sống. Thường xuyên vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết bằng những công việc như: đậy kín các dụng cụ chứa nước, không để cho muỗi vào đẻ trứng, cọ rửa và thay nước ít nhất một tuần một lần với các dụng cụ chứa nước xô, chum vại, lọ hoa, bể chứa đựng nước, đặc biệt lưu ý các loại cây cảnh thủy sinh trong nhà cũng cần được thay nước và cọ rửa bình mỗi tuần một lần.
Các dụng cụ chứa nước lớn hay các bể chứa nên thả cá ăn bọ gậy. Thu gom, hủy bỏ các loại phế thải có thể chưa nước như lốp xe cũ, chai lọ, vỏ đồ hộp, gáo dừa... Phòng chống muỗi đốt bằng các biện pháp như: dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo trên tường để giảm bớt chỗ trú ngụ của muỗi, làm rèm che cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động mạnh hơn vào ban ngày, đặc biệt lúc sáng sớm và chiều tối. Do đó cần mặc quần dài, áo dài tay đặc biệt khi làm vườn, ngủ màn kể cả ban ngày. Nên sử dụng các loại thuốc bôi chống muỗi vào sáng sớm và chiều tối, phun hóa chất diệt muỗi định kỳ tại nhà.
Cẩn trọng dịch 'kép': sốt xuất huyết và COVID-19 Hai bệnh sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Đặc biệt thời điểm giao mùa hiện nay, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng, làm dấy lên nỗi lo "dịch chồng dịch". Bên cạnh dịch COVID-19, những bệnh theo mùa cũng có thể khiến trẻ nguy kịch, thậm chí tử vong...