Triệt xóa đường dây đưa người dưới 16 tuổi sang bên kia biên giới
Công an tỉnh Nghệ An vừa triệt xóa đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Lào. Điều đáng nói, phần lớn những nạn nhân này, kể cả nạn nhân dưới 16 tuổi sau khi bị lừa bán sang Lào cho một người đàn ông Trung Quốc, đều bị tịch thu hộ chiếu và buộc phải lên mạng lừa đảo đầu tư tiền điện tử…
Sa bẫy nơi xứ người
Khoảng đầu tháng 6 năm 2022 Lê Bảo Tín (SN 1994, trú tại khối 3, thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) gọi điện qua ứng dụng Messenger cho Nguyễn Thái Sơn (SN 1987, trú tại bản Khe Choang, xã Châu Khê, huyện Con Cuông) để hỏi có việc gì làm không, cho đi làm cùng với. Nguyễn Thái Sơn nói có công việc ở bên Lào, đi thì sang làm với Sơn. Tuy nhiên, Nguyễn Thái Sơn không nói cụ thể là sang Lào làm việc gì, lương bao nhiêu. Thời gian đó Lê Bảo Tín không có công ăn việc làm, vừa li hôn vợ xong, tâm trạng không tốt nên đồng ý sang Lào làm việc với Nguyễn Thái Sơn.
Đến cuối tháng 6/2022, Lê Bảo Tín gặp Nguyễn Thái Sơn, để làm hộ chiếu và các giấy tờ liên quan để đi Lào. Đến đầu tháng 7 năm 2022 Lê Bảo Tín đi cùng Nguyễn Thái Sơn sang tỉnh BOKEO (Lào). Khi đến địa điểm làm việc, Nguyễn Thái Sơn đưa Lê Bảo Tín đến gặp ông chủ người Trung Quốc, ông chủ này giới thiệu công việc của Lê Bảo Tín và Nguyễn Thái Sơn là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam trên mạng. Cụ thể là kêu gọi đầu tư tiền điện tử rồi chiếm đoạt.
Cơ quan điều tra lấy lời khai đối tượng Lê Bảo Tín.
Sau khi nói về công việc phải làm, ông chủ đưa cho Lê Bảo Tín hợp đồng làm việc, nội dung công việc trong hợp đồng thời gian làm việc 8 tháng, mỗi tháng ông chủ trả lương 17 triệu với điều kiện mỗi tháng phải lừa được 140 triệu. Nếu lừa được thì được hưởng thêm 3 triệu tiền thưởng, làm không đủ chi tiêu thì phải làm bù, nếu không làm việc thì phải gọi gia đình gửi sang 35 triệu mới được về. Do không có tiền để về nên Lễ Bảo Tín phải ký hợp đồng làm việc.
Từ bị hại trở thành kẻ buôn người
Quá trình làm việc, Lê Bảo Tín biết nếu đưa được người Việt Nam sang Lào làm việc thì được ông chủ người Trung Quốc trả cho 35 triệu một người nên bắt đầu liên lạc về nhà để lừa đưa người sang làm việc. Lê Bảo Tín đã thực hiện 3 lần đưa người sang Lào cho ông chủ người Trung Quốc để lấy tiền.
Theo đó, lần thứ nhất vào khoảng cuối tháng 8/2022, Lê Bảo Tín liên hệ với Phạm Minh Y. (SN 1996, trú tại khối 6, thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông) qua ứng dụng Messenger và rủ Phạm Minh Y. sang Lào làm việc. Khi nghe Lê Bảo Tín nói làm việc mỗi tháng được17 triệu đồng, Phạm Minh Y. đã đồng ý. Cùng thời điểm đó Nguyễn Thái Sơn đang chuẩn bị đưa 4 người đi làm việc tại Lào nên Lê Bảo Tín nói Nguyễn Thái Sơn đưa Phạm Minh Y. sang Lào giúp. Ngay sau đó, Nguyễn Thái Sơn đã đưa Phạm Minh Y. và 4 người khác sang Lào bàn giao cho ông chủ người Trung Quốc.
Video đang HOT
Thấy việc đưa người sang Lào làm việc khá dễ dàng, lại được trả thù lao cao, nên khoảng cuối tháng 9/2022, Lê Bảo Tín tiếp tục dùng tài khoản Facebook tên là “Lê Bảo Tín” liên hệ với Cao Xuân T. (SN 1992, trú tại khối 3, thị trấn Con Cuông) và Trần Văn Ph. (SN 1992, trú tại khối 6, thị trấn Con Cuông) giới thiệu về công việc và thu nhập của mình khi làm việc tại Lào và rủ hai người này qua làm việc cùng.
Thấy người anh cùng quê giới thiệu việc làm hấp dẫn, lương cao, Cao Xuân T. và Trần Văn Ph. đồng ý, sau đó Phạm Văn Th. (SN 1998, trú tại khối 5, thị trấn Con Cuông), Nguyễn Hùng M. (SN 2000, trú tại khối 7/8, thị trấn Con Cuông) và Phạm Phương H. (SN 2003, trú tại khối 1, thị trấn Con Cuông) chủ động liên hệ với Lê Bảo Tín để xin theo sang Lào làm việc. Quá trình liên lạc, Lê Bảo Tín giới thiệu với những người này sang Lào làm việc trên mạng, lương mỗi tháng 17 đến 20 triệu. Tuy nhiên, Tín không nói rõ khi sang Lào phải làm lừa đảo nên Phan Văn Th., Nguyễn Hùng M. và Phạm Phương H. đồng ý. Sau đó có Phạm Sỹ Đ., bạn của Th., trú tại thị trấn Con Cuông do Nguyễn Thái Sơn giới thiệu cũng được Lê Bảo Tín đưa sang Lào làm việc.
Sau khi thấy con mồi đã sập bẫy, Lê Bảo Tín liền báo và ứng tiền từ ông chủ người Trung Quốc để đưa 5 người này sang với tổng số tiền 175.000.000 đồng. Lê Bảo Tín gửi về cho Trần Văn Ph. 10.000.000 đồng để Ph. và T. làm hộ chiếu và tiền ăn đi Lào; gửi cho Phan Văn Th. 10.000.000 đồng để Th. làm thủ tục xuất nhập cảnh cho M., H. và Th.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, Cao Xuân T., Trần Văn Ph. cùng 3 nạn nhân đón xe sang Lào gặp Lê Bảo Tín. Tại đây, Tín dẫn những người này đi gặp ông chủ người Trung Quốc để ký hợp đồng. Khi gặp ông chủ, thông qua Nguyễn Thái Sơn làm phiên dịch, ông chủ nói rõ với những người này sang dây là làm việc lừa đảo, lương mỗi tháng 17 triệu, hợp đồng làm việc 8 tháng, nếu ai không đồng ý thì phải trả 35 triệu đồng chi phí đi lại do người đàn ông này đã bỏ ra. Do Cao Xuân T., Trần Văn Ph., Phan Văn Th., Nguyễn Hùng M., Phạm Phương H. và Phạm Sỹ Đ. không có tiền nên phải làm việc, ký hợp đồng. Trước khi vào làm việc, những người này được phát mỗi người một tài khoản trên mạng xã hội. Sau đó những người này dùng nó để lừa đảo theo hướng dẫn của ông chủ. Mỗi ngày một người phải lừa được 2 người mở tài khoản và lừa được 3 triệu đồng, mỗi tháng một người phải lừa được 140 triệu, một nhóm phải lừa được 1 tỷ đồng mới đủ chỉ tiêu, nếu không đạt sẽ phải làm bù.
Lừa bán cả em rể
Đến khoảng đầu tháng 10/2022 cách 1 tuần sau thời điểm nhóm người đầu tiên sang, Hồ Anh T. (SN 1998), Lương Thanh L. (SN 2007), Trần Lĩnh Th. (SN 2004), Bùi Khắc Ph. (SN 2004), Đào Văn L. (SN 1994, cùng trú tại thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) chủ động nhắn tin qua ứng dụng Messenger với Lê Bảo Tín đề xin sang Lào làm việc. Lê Bảo Tín cũng giới thiệu sang làm việc trên máy tính, lương tháng 17 đến 20 triệu, những người này Lê Bảo Tín cũng không nói cụ thể sang Lào sẽ bị làm tại công ty lừa đảo, bị tạm giữ hộ chiếu, bị quản lý theo dõi, cũng không nói rõ nếu muốn về thì phải đóng 35 triệu, vì thế những người này không biết nên đã đồng ý đi.
Khi những người trên đồng ý đi, Lê Bảo Tín gửi về cho Hồ Anh T. 10.000.000 đồng để lo thủ tục xuất nhập cảnh cho T., Lương Thanh L., Trần Lĩnh Th., Bùi Khắc Ph.
Điều đáng nói, trong nhóm người bị Tín đưa sang bán cho ông chủ người Trung Quốc tại Lào có Đào Văn L., là em rể của Tín. Vì thế, Lê Bảo Tín gửi riêng cho L. 6.000.000 đồng để làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Đến ngày 10/10/ 2022, Hồ Anh T., Lương Thanh L., Trần Lĩnh Th., Bùi Khắc Ph., Đào Văn L. đón xe từ thành phố Vinh (Nghệ An) để đi Viêng Chăn do Lê Bảo Tín đặt xe. Khi đến Viêng Chăn thì nhóm người này ngủ lại một đêm rồi Lê Bảo Tín đặt xe cho những người trên đi đến tỉnh BOKEO để làm việc. Sau khi đưa người sang, Nguyễn Thái Sơn đã làm việc với công ty, đưa lại cho Lê Bảo Tín số tiền 47.000.000 đồng, trong đó đã trừ chi phí của 3 người trong tổng số 10 người theo giao kèo giữa Lễ Bảo Tín và Nguyễn Thái Sơn. Bởi trước đó, theo thỏa thuận giữa Tín và Sơn, cứ đưa được 10 người thì phải cho Nguyễn Thái Sơn tiền của 3 người, tương đương 105.000.000 đồng. Sau đó Lê Bảo Tín và Nguyễn Thái Sơn bắt những người này phải lừa đảo trên mạng, lương mỗi tháng 17 triệu đồng, nếu ai không đồng ý thì phải trả 35 triệu. Do những người này không có tiền nên đã đồng ý ký hợp đồng làm việc và cũng được phát một quyển sổ hướng dẫn cách thức lừa đảo như thế nào. Các kịch bản đã được ghi chép đầy đủ trong quyền sổ đó.
Lời khai của đối tượng tại cơ quan điều tra
Do bị ép buộc làm việc với chỉ tiêu công việc ông chủ Trung Quốc giao khoán nhiều và thường xuyên bị quản lý giám sát, theo dõi nên một số người không chịu đựng được đã bỏ trốn về quê hoặc gọi về cho gia đình gửi tiền sang trả cho ông chủ người Trung Quốc để được thả về Việt Nam.
Sau nhiều tháng bị áp lực vì sự kiểm soát chặt chẽ của người đàn ông Trung Quốc, hàng loạt nạn nhân đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc. Đến ngày 26/3/2023, Phạm Văn Y., Hà Anh T., Nguyễn Hùng M., Lương Thanh L., Phan Văn Th., Phạm Sỹ Đ. đã làm đơn tố cáo Lê Bảo Tín cũng như hành trình bị đối tượng này lừa bán sang Lào.
Sau khi tiếp nhận tin báo, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã giao cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh nhanh chóng xác minh thông tin, thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ. Từ các tài liệu thu thập được, ngày 28/3/2023, dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Cơ quan CSĐT đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lê Bảo Tín để điều tra về hành vi mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi.
Tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An, bước đầu Lê Bảo Tín khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, dù biết những người Việt Nam do Lê Bảo Tín đưa sang Lào làm việc sẽ bị ông chủ người Trung Quốc thu giữ hộ chiếu, bắt ép lừa đảo, bị quản lý theo dõi giám sát nhưng vẫn rủ rê để đưa 11 người sang Lào làm việc. Trong số đó, có nhiều nạn nhân dưới 16 tuổi. Khi đưa được 11 người sang Lào, Lê Bảo Tín được lên làm quản lý và trực tiếp quản lý những người Lê Bảo Tín đưa sang. Quá trình làm việc, chỉ tiêu công việc ông chủ giao cho mỗi ngày phải lừa được ít nhất 2 người mở tài khoản và phải lừa được 3 triệu đồng một nhóm, một tháng mỗi người nếu lừa được 140 triệu thì được thưởng 3 triệu, cả nhóm phải lừa được 1 tỷ đồng một tháng nếu không lừa được thì phải tăng ca, làm thêm giờ.
Lê Bảo Tín cũng khai nhận, những lần đối tượng đưa người sang Lào thì đều ứng trước từ ông chủ Trung Quốc 175 triệu đồng. Trong đó, chi phí đưa 5 người tốp đầu qua hết 81 triệu đồng, còn 94 triệu đồng. Lê Bảo Tín tiếp tục lấy 94 triệu làm chi phí để đưa 5 người sau qua hết 52 triệu đồng. Sau khi đưa 5 người tốp sau qua, Tín được hưởng 47 triệu đồng. Tổng cộng 2 đợt Lê Bảo Tin được hưởng 89 triệu đồng.
Hiện, vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra, mở rộng.
Nhiều người vẫn sập bẫy "việc nhẹ, lương cao" ở nước ngoài
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An vừa chủ trì phối hợp với các lực lượng liên quan phá thành công chuyên án mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi, bắt giữ 1 đối tượng.
Ngày 20/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An đang tạm giữ hình sự đối tượng cầm đầu Lê Bảo Tín (SN 1994), trú tại thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông để điều tra, làm rõ về hành vi mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi.
Cơ quan Công an làm việc với Lê Bảo Tín
Theo kết quả điều tra tháng 7/2022, Tín sang nước ngoài để tìm việc làm. Tại đây, Tín được một đối tượng người ngoại quốc (Tín gọi đối tượng này là "ông chủ") thuê và trả lương 17 triệu đồng/tháng với điều kiện lập nhóm đa cấp lừa người Việt Nam mở tài khoản đầu tư tiền điện tử rồi chiếm đoạt.
Mặc dù biết rõ hoạt động của nhóm mà mình đang làm là lừa đảo, vi phạm pháp luật, tuy nhiên khi biết thông tin nếu dụ dỗ, lừa đưa được thêm người tham gia vào nhóm sẽ được trả 35 triệu đồng/người...
Tín đã liên lạc về quê dụ dỗ, lừa đưa người sang để hưởng tiền hoa hồng nói trên. Từ tháng 8/2022 đến đầu tháng 10/2022, Lê Bảo Tín đã 3 lần thực hiện hành vi trên và đưa 11 người sang nước ngoài làm việc.
Các nạn nhân bị Tín lừa bán cho "ông chủ" được tổ chức thành một nhóm và bị ép ký các hợp đồng để thực hiện hành vi lừa đảo, dụ dỗ các nạn nhân khác đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động, không cho ra khỏi cơ sở.
Quá trình làm việc được giao chỉ tiêu lừa đảo, dụ dỗ người chơi theo ngày cụ thể; nếu làm không được việc sẽ bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước.
Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ ngày 8/4/2023, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An chủ trì, phối hợp Công an huyện Con Cuông bắt Lê Bảo Tín về hành vi mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi.
Tại cơ quan Công an, đối tượng Lê Bảo Tín đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Hiện, 11 nạn nhân bị Tín lừa bán đã được trở về đoàn tụ với gia đình, chuyên án đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Công an Nghệ An khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi đi nước ngoài làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng. Trước khi nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó như thế nào, nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang nước ngoài làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan Công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.
Quen người đàn ông trên mạng, một phụ nữ bị lừa gần 400 triệu đồng Thông qua mạng xã hội Facebook, người phụ nữ ở Thanh Hóa có quen người đàn ông tự xưng đang làm việc tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Qua nói chuyện, người này khuyên nên đầu tư vào quỹ phúc lợi của Tập đoàn, sau đó thì cầm 370 triệu đồng của người phụ nữ rồi lặn mất tăm. Ngày 2/2, tin...