Triết lý nào cho sự tồn tại của trường chuyên?
Thách thức cuối cùng dành cho trường chuyên là làm thế nào để những học sinh lớn lên từ đây sẽ mang tài năng của mình trở lại phục vụ xã hội.
Học sinh có năng lực cao được đào tạo chuyên sâu theo thiên hướng cá nhân có tiềm năng phát triển vượt bậc ở các bậc học cao hơn. Không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada, Đức, Singapore và Nhật Bản đều duy trì hệ thống trường chuyên vì lý do này.
Nhiều cựu học sinh chuyên ở các nước đã trở thành những nhà nghiên cứu, nhà phát minh, doanh nhân và nghệ sỹ nổi tiếng. Trường chuyên đã trở thành nơi ươm mầm tài năng cho các địa phương và là mục tiêu, ước mơ và niềm tự hào của nhiều thế hệ học sinh.
Những câu hỏi đặt ra nếu duy trì trường chuyên
Ở Việt Nam, cũng như những nước kể trên, trường chuyên là một dịch vụ công được tài trợ bởi ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh hệ thống giáo dục công lập vẫn còn nhiều khó khăn và xã hội hoá giáo dục đang mở rộng, câu hỏi đặt ra “Liệu Nhà nước có nên tiếp tục đầu tư để duy trì hệ thống trường chuyên với ngân sách cao gấp 2 – 3 lần những trường công lập khác?” là hoàn toàn chính đáng.
Nếu Nhà nước quyết định đầu tư vào trường chuyên thì mục tiêu là gì? Hướng tới đối tượng nào? Kết quả có được đánh giá thường xuyên không? Thông qua những tiêu chí gì? Có gắn liền với ngân sách hay không? Và có tạo ra lợi ích xã hội tương xứng với mức đầu tư vượt trội nói trên?
Các Sở GD-ĐT có thể ban hành tài liệu hướng dẫn ôn thi vào trường chuyên, lập quỹ hỗ trợ học sinh nghèo và yêu cầu các nhà trường đưa thông tin tới cha mẹ học sinh (Ảnh: Thanh Tùng)
Hơn nữa, là một dịch vụ công được đầu tư bằng nguồn lực của xã hội thì bất kỳ học sinh nào, dù giàu hay nghèo, ở nông thôn hay thành thị, đều có quyền được tiếp cận trường chuyên.
Chừng nào vẫn còn khoảng cách giữa các khu vực địa lý và các cộng đồng về điều kiện sống, thông tin và cơ hội học tập, thì việc các trường chuyên có đến được với học sinh nghèo và học sinh vùng sâu vùng xa hay không cũng là mối quan tâm lớn đối với người dân. Đây cũng là một thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định giáo dục.
Video đang HOT
Chính sách tuyển sinh chỉ thu hút được con em những gia đình có thu nhập cao không những góp phần tạo bất công trong xã hội mà còn tạo ra một môi trường thiếu sự đa dạng và xa rời thực tế.
Trong những năm gần đây, một số trường chuyên mở rộng tuyển sinh với bậc THCS (không chuyên). Với số lượng đông đảo học sinh đăng ký dự tuyển, các trường đưa ra yêu cầu đầu vào ngặt nghèo, đề cao điểm số và thành tích học tập từ tiểu học.
Ví dụ như tại Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, học sinh phải có điểm học bạ gần như tuyệt đối cho 5 năm ở bậc tiểu học mới đạt tiêu chuẩn tham gia thi tuyển vào bậc THCS. Những tiêu chí đó gây áp lực điểm số cho trẻ nhỏ từ quá sớm, cổ xuý văn hoá “học gạo”, gây tiêu cực trong việc “xin điểm”, và nguy hiểm hơn nữa là không khuyến khích sự khám phá và mắc lỗi của học sinh.
Mở rộng phát triển bản thân cho học sinh
Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, nếu tiếp tục duy trì trường chuyên thì vai trò cần thiết nhất của hệ thống này là tạo ra một môi trường học tập nâng cao và chuyên sâu, thúc đẩy nghiên cứu và sáng tạo trong dạy và học. Môi trường học tập này cũng phải tạo động lực và kích thích sự phát triển của mọi tài năng trẻ, trên nền tảng giá trị đạo đức và xã hội tiên tiến và nhân văn, và vì mục tiêu xã hội.
Để thực hiện tốt vai trò này, trường chuyên nên thu hẹp lại ở bậc phổ thông trung học, cải tiến phương pháp đào tạo, tăng cường phát triển tài năng qua tìm tòi và nghiên cứu. Trường chuyên phải mở rộng phát triển bản thân cho học sinh qua giáo dục ngoại khoá, nhân cách và kỹ năng. Đội ngũ giáo viên và lãnh đạo nhà trường cần được tuyển chọn kỹ lưỡng và đào tạo để liên tục nâng cao chuyên môn, được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng dựa trên kết quả.
Chính sách tuyển sinh nên áp dụng kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển theo mô hình toàn diện (holistic) đang được áp dụng rộng rãi ở các nước phát triển và các trường trung học, đại học hàng đầu thế giới. Điểm học bạ và thành tích học tập được đánh giá cùng với điểm thi tuyển và các thành phần khác như thư giới thiệu, bài luận và phỏng vấn trong một vòng tuyển sinh.
Việc xét tuyển toàn diện đòi hỏi một hệ thống đánh giá khoa học, công minh và đồng bộ. Điều này có nghĩa là hội đồng tuyển sinh phải có toàn quyền quyết định theo đúng tiêu chí và tiêu chuẩn quy định, mà không đại diện hay bị ảnh hưởng bởi bất kỳ lợi ích nào. Như vậy thì sự công bằng nói trên mới được đảm bảo.
Trường chuyên phải vì lợi ích xã hội
Giáo dục tinh hoa trên thế giới đều có một hạn chế chung là chưa đến được với người nghèo cho dù có xét tuyển thay thi tuyển, vì cả hai phương thức đều đòi hỏi học sinh phải chuẩn bị từ sớm, theo các “lò” luyện và đầu tư vào thành tích ngoại khoá. Để khắc phục tình trạng này, các Sở GD-ĐT có thể ban hành tài liệu hướng dẫn ôn thi, lập quỹ hỗ trợ học sinh nghèo và yêu cầu các nhà trường đưa thông tin tới cha mẹ học sinh.
Bài học từ Singapore về việc dựa vào kết quả học tập của học sinh ở cuối cấp để nhận biết những em có năng lực đặc biệt và định hướng cho các em thi chuyên cũng là một cách để mở rộng tiếp cận cơ hội học tập tới nhiều đối tượng học sinh.
Nếu trường chuyên là đầu tư của toàn xã hội thì nó phải mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Thách thức cuối cùng dành cho trường chuyên là làm thế nào để những học sinh lớn lên từ đây sẽ mang tài năng của mình trở lại phục vụ xã hội. Có lẽ không có sự ràng buộc nào tốt hơn là sự cam kết từ bên trong mỗi con người. Và vì vậy, hãy bắt đầu bằng việc xác định rõ cho từng học sinh sứ mệnh của trường chuyên: giáo dục vì lợi ích của xã hội.
Đề xuất bán trường chuyên: Học trường chuyên tôi được gì và mất gì?
Học chuyên, tôi ý thức rất rõ năng lực của bản thân và con cái. Nếu con bình thường, không ép con học mọi cách để vào chuyên, bởi làm vậy là đang "giết" con mình.
"Bọn chuyên", học lệch và rất "ngố". Đó là câu nói mà tôi được nghe khá nhiều ở ngoài đời và cả trên mạng. Thực sự, với những người đã trải nghiệm môi trường học chuyên như tôi (gần như cả 3 cấp đều học chuyên) cảm thấy câu nhận xét đó khá ấu trĩ, chẳng khác kiểu "thầy bói xem voi".
Năm lớp 5, tôi chính thức bước vào môi trường chuyên-học chuyên Toán của huyện. Cả huyện tôi hồi đó tổ chức kỳ thi để lấy 1 lớp khoảng hơn 40 học sinh vào lớp chuyên Toán. Trước khi đi thi, chúng tôi không được ôn và cũng không có áp lực gì. Tâm lý ai cũng thoải mái, như làm bài thi học kỳ trên lớp. Khi vào lớp chuyên, chúng tôi - những đứa trẻ ở nhiều xã trong huyện nhanh chóng kết thân và thương yêu nhau như chị em trong nhà.
Học chuyên thực sự đã cho chúng tôi rất nhiều thứ
Tôi còn nhớ những buổi trưa ở lại trường để chiều học, đứa nào cũng mang một nắm cơm, đứa "ăn sang" thì có thêm quả trứng, vài con tép còn toàn cơm muối vừng. Chúng tôi góp vào ăn cùng nhưng lúc nào cũng cảm thấy bữa ăn sao mà ngon đến thế.
Buổi sáng, chúng tôi được học chương trình trên lớp như những lớp bình thường khác. Còn hầu như tất cả các buổi chiều, chúng tôi được học chương trình nâng cao. Sau một thời gian, vài bạn trội hơn sẽ được chọn để ôn luyện thi đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh. Vì thế những người được chọn đi thi cũng không thấy quá áp lực và người không vào đội tuyển cũng thấy vui vẻ vì đã thể hiện đúng năng thực sự của mỗi người.
Tôi còn nhớ, là học sinh lớp chuyên Toán, nhưng tôi và nhiều bạn lại cực kỳ yêu thích các môn Văn, Sử, Địa... Chúng tôi mong đợi các tiết học này để được nghe thầy cô giảng, để được thể hiện bản thân với môn học. Có những bài Văn chúng tôi làm, khi đọc trước cả lớp, cô giáo đã rưng rưng nước mắt. Hay có những hôm làm bài tập nhóm môn Sử, Địa, thầy cô còn mượn để làm mẫu khi dạy các lớp khác. Và thực sự, không có sự phân biệt giữa môn "chuyên" và không chuyên và tình cảm dành cho thầy cô dạy môn "chính" và "phụ". Đến tận bây giờ, sau gần 40 năm ra trường, thầy trò chúng tôi vẫn có sự kết nối, chia sẻ thân tình.
Học chuyên, chúng tôi không chỉ có học và học. Mà tất cả các hoạt động của trường, chúng tôi đều tham gia không thiếu thứ gì. Thậm chí, trong các cuộc liên hoan văn nghệ, tổ chức cắm trại... chúng tôi thường xuyên là lớp dẫn đầu khối, không phải được thầy cô ưu tiên, mà theo nhận xét của các thầy "bọn" chuyên đã làm gì thì làm ra trò".
Tôi còn nhớ như in buổi biểu diễn văn nghệ của lớp tôi trước toàn trường, chúng tôi đã tự sáng tác một vở kịch theo thể "phổ thơ" và gái đóng giả trai rất ngầu. Trong suốt 15 phút chúng tôi biểu diễn cũng là từng ấy thời gian không ngớt tiếng cười, tiếng vỗ tay tán dương của cả sân trường đông kín học sinh và thầy cô.
Học chuyên thực sự đã cho chúng tôi rất nhiều thứ, mà có lẽ đến bây giờ, tôi luôn thầm cảm ơn. Đó là những bài Toán khó thầy cô khuyến khích chúng tôi làm. Tôi còn nhớ, có bài Toán đã ám ảnh tôi đến cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Đứng đâu tôi cũng có thể vẽ hình trên đất để tìm lời giải và thực tế, có những bài tôi đã tìm lời giải trong cả giấc mơ.
Làm bài khó đã rèn cho chúng tôi khả năng tư duy, tập trung cao độ. Chúng tôi làm nó với sự thích thú và khi tìm ra lời giải, thì sung sướng như "tìm ra châu Mỹ". Làm bài khó còn rèn cho chúng tôi tính kiên nhẫn, không thấy "dễ làm, khó bỏ". Khi chưa giải quyết xong việc gì đó, chúng tôi khó có thể nào an tâm và phải cố gắng, nỗ lực làm cho bằng xong công việc của mình.
Học khó cũng giúp chúng tôi có cái nhìn lạc quan trong cuộc sống sau này. Một bài toán khó đến đâu, nếu nỗ lực cố gắng chắc chắn sẽ tìm ra lời giải. Cũng có lẽ vì thế, sau này khi nhìn một sự việc, chúng tôi luôn cố gắng và tin tưởng luôn có cách giải quyết.
Và học chuyên, thực sự cho chúng tôi một sự tự tin nhất định sau khi ra đời. Tự tin vì những vốn kiến thức, vốn sống được thầy cô trang bị cho từ trong nhà trường. Tự tin vì cảm thấy bản thân không bị chênh vênh, chới với trước bất kỳ sự việc hay vấn đề nào. Tự tin vì chúng tôi luôn tin việc gì rồi cũng sẽ có cách giải quyết, nếu luôn cố gắng.
Cũng vì học chuyên, nên chúng tôi ý thức rất rõ năng lực bản thân và của con cái. Nếu con có năng khiếu, năng lực thực sự, tôi luôn khuyến khích và cổ vũ con tìm tòi, khám phá bản thân. Và trường chuyên là môi trường tốt, tôi mong muốn được gửi gắm những đứa con như vậy.
Nhưng ngược lại, nếu năng lực của con chỉ bình thường, chúng tôi không cố ép mọi cách để con được vào những môi trường như thế. Bởi chúng tôi hiểu, vào đó là bắt con làm một việc quá nặng so với sức của nó, là đang "giết" con mình.
Đến giờ, sau gần nửa cuộc đời, tôi vẫn luôn cảm thấy may mắn vì đã có quãng thời gian được trải nghiệm, được sống hết mình ở một môi trường mà mình luôn yêu quý và ao ước./.
Tranh luận bỏ trường chuyên: Nhân tài dễ tự mãn Một học sinh ngay từ sớm đã được gia đình, nhà trường tạo điều kiện, trải thảm để đón, rước thì sớm sinh tự mãn, cao ngạo, kiêu căng là dễ hiểu. Nói thêm về đề xuất đóng cửa hoặc bán trường Amsterdam cho tư nhân, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng...