‘Triết lý giáo dục phổ thông VN đang đi ngược với thế giới’
“Hiện nay giáo dục đại học nước ta còn yếu kém so với thế giới nhưng cách làm của chúng ta tương đồng với họ. Trong khi đó, triết lý giáo dục phổ thông đang đi ngược lại với thế giới”.
GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, bày tỏ sự trăn trở như trên với ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhân dịp ông Thưởng đến thăm, chúc mừng 20-11 gia đình ông.
Tại buổi gặp gỡ, ông Võ Văn Thưởng đã gửi tặng bình hoa tươi thắm cùng lời chúc sức khỏe và chúc mừng 20-11 đến gia đình GS Quân.
Ông Võ Văn Thưởng (phải), Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trò chuyện với GS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Ông Võ Văn Thưởng đánh giá cao sự đóng góp của GS Quân trong sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.
“Ở cương vị bộ trưởng Bộ GD&ĐT hay khi đã về nghỉ theo chế độ chính sách, thầy luôn dành thời gian, tâm huyết góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục. Thời gian gần đây, thầy vẫn thường xuyên tham dự các hội thảo, hội nghị và có những ý kiến để xây dựng chính sách phát triển ngành cũng như xây dựng đội ngũ chăm lo cho thế hệ học sinh, sinh viên” – ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Võ Văn Thưởng, sự nghiệp giáo dục của đất nước luôn được Đảng quan tâm. Cứ một đến hai nhiệm kỳ, trung ương đều đưa ra nghị quyết đề cập những vấn đề quan trọng đến sự phát triển giáo dục.
Video đang HOT
Ông Võ Văn Thưởng (bìa trái) gửi tặng gia đình GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, bình hoa tươi thắm. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Ngành giáo dục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Vì thế ngành giáo dục phải cố gắng nhiều hơn nữa trong giai đoạn hiện nay. “Cho nên hy vọng các nhà quản lý, các nhà khoa học, các thầy cô đã và đang gắn bó với sự nghiệp giáo dục sẽ tiếp tục góp ý ở nhiều cấp độ khác nhau để ngành giáo có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình” – ông Võ Văn Thưởng khẳng định.
Trước sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, GS Trần Hồng Quân bày tỏ niềm xúc động.
GS-TS Trần Hồng Quân (trái) bày tỏ sự xúc động, niềm vui mừng khi nhận được sự quan tâm của ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Trò chuyện với trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, GS Quân cho hay trong thời đại hiện nay, ngành giáo dục phải phát triển nhiều hơn nữa. Trong đó, giáo dục phổ thông giữ vai trò nền tảng, giáo dục đại học phải tăng tốc. Vì giáo dục đại học có phát triển thì đất nước mới giàu mạnh.
Nguyên bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết giáo dục là một vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm do đó nhận được nhiều ý kiến khen chê từ dư luận. Tuy nhiên đó là tín hiệu đáng mừng, bởi có tranh cãi, có phản biện mới nhìn ra những hạn chế, từ đó tìm giải pháp khắc phục.
“Hiện nay giáo dục đại học nước ta còn yếu kém so với thế giới nhưng cách làm của chúng ta tương đồng với họ. Trong khi đó, triết lý giáo dục phổ thông đang đi ngược lại với thế giới” – GS Quân bày tỏ sự trăn trở.
Đơn cử, học sinh Việt Nam khi tham gia các cuộc thi quốc tế về học thuật luôn đoạt giải cao so với các nước. Thế nhưng tư duy tự chủ, phản biện, chinh phục kiến thức, nghiên cứu sáng tạo thì học sinh chúng ta lại thiếu. Bởi chúng ta đang đào tạo học sinh chỉ biết học và chấp nhận. Trong khi đó, tại các nước có nền giáo dục phát triển, triết lý giáo dục khai phóng được họ đưa vào từ cấp 1.
“Nhiều phụ huynh cho con sang nước ngoài du học, thấy chương trình toán dễ hơn nước mình, họ băn khoăn, lo lắng thậm chí còn cho rằng sai lầm khi cho con du học. Tuy nhiên, thực tế ở các nước khác, những học sinh cấp 2 đã tự viết và trình bày quan điểm về một số vấn đề như phân biệt chủng tộc hay điều gì đáng tự hào ở tổ quốc của anh. Triết lý giáo dục của họ không coi trọng những kiến thức mang tính học thuật mà đi sâu vào thực tiễn. Vì thế, tôi nghĩ giáo dục phổ thông đang tồn tại nhiều vấn đề mang tính cơ bản” – GS Quân chia sẻ.
Lắng nghe những ý kiến của nhà giáo lão thành, ông Võ Văn Thưởng cám ơn những góp ý tâm huyết của GS Quân. Đây là những ý kiến quý báu góp phần phát triển giáo dục đào tạo trong thời gian tới.
Theo PLO
Ấm áp kỷ niệm của các thế hệ học sinh với thầy Văn Như Cương
Sáng ngày 6/10, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (1989-2019). Hàng nghìn giáo viên, học sinh các khoá đã cùng dự buổi lễ và có những chia sẻ ấm áp về người thầy, nhà giáo Văn Như Cương, người sáng lập trường.
Một tiết mục văn nghệ do học sinh của trường thực hiện
Tại buổi lễ, các thế hệ giáo viên, học sinh nhà trường đã ôn lại hành trình 30 năm hoạt động, dạy học.
Tháng 8/1988 thầy giáo Văn Như Cương gửi đơn xin thành lập trường dân lập tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc.
Khi đó, Bộ trưởng đã phải mở cuộc hội thảo để lấy ý kiến tham khảo của các chuyên gia. Nửa năm sau, UBND TP Hà Nội có quyết định thành lập trường. Đây cũng là ngôi trường dân lập đầu tiên của thời kỳ đó.
Các cô giáo Trường Lương Thế Vinh
Từ khi thành lập đến nay, PGS Văn Như Cương luôn duy trì triết lý giáo dục: "Có chí thì nên". Trường đề ra nhiều quy định nghiêm ngặt như: không nói xấu bạn bè, thầy cô giáo trên facebook; học sinh không được nhuộm tóc; đi học muộn 5 phút phải lao động công ích suốt 1 tiết; không văng tục, gây gổ, đánh nhau; thậm chí không được ăn kẹo cao su, bật điện thoại trong giờ học...
Những quy định trên từng gây tranh cãi, đặc biệt đã từng có ý kiến phụ huynh cho rằng, gia đình học sinh cảm thấy áp lực, sợ hãi trước những nội quy, kỷ luật khắt khe của trường. Khi đó, PGS Văn Như Cương đã nói: "Nhà trường không hà khắc, chỉ nghiêm khắc".
Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, học sinh các thế hệ đã chia sẻ kỷ niệm, lời dạy ấm áp của thầy giáo già có bộ râu bạc trắng. Thầy có những câu nói, lời dạy "để đời" cho các thế hệ học sinh, trong đó luôn hướng học sinh đến việc phải làm người tử tế.
Thanh Duy, cựu học sinh của trường nay du học ở Canada chia sẻ kỷ niệm: "Có lần, anh đi học muộn bị cô giáo cho đứng ngoài của lớp. Thầy Cương đi qua nhìn thấy đã hỏi han và sau khi biết nguyên nhân thầy đã xin cô cho anh vào lớp. Đó là một kỷ niệm không thể nào quên".
Cô Mỹ Hạnh, giáo viên dạy Toán 10 năm cũng là cựu học sinh của Trường Lương Thế Vinh chia sẻ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường cô đã rất trăn trở với lời dạy của thầy Cương: "Các em vào ĐH thầy vui. Duy chút băn khoăn, chút ngậm ngùi. Ít em mong muốn vào nghề sư phạm. Ai sẽ thay thầy lúc mấy mươi?". Vì câu nói đó của thầy, cô Hạnh đã lựa chọn nghề sư phạm và học xong quyết tâm quay lại trường, đứng trên bục giảng để thông qua các bài giảng, dạy học sinh những điều tử tế trong cuộc sống.
Trong khuôn khổ các hoạt động thành lập 30 năm ngày thành lập trường, thầy Nghiêm Ngọc Anh, cựu giáo viên của Trường Lương Thế Vinh cho rằng, với tên tuổi và đóng góp của PGS Văn Như Cương, trường nên đề xuất đổi tên cơ sở Tân Triều mang tên của nhà giáo Văn Như Cương.
Tuy nhiên, Phó hiệu trưởng nhà trường, bà Văn Liên Na cho biết, trước khi PGS Văn Như Cương mất, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu tách trường, mỗi đơn vị giáo dục ngoài công lập chỉ được thành lập một cơ sở. Khi đó, gia đình đã hỏi thầy Cương về việc đổi tên trường sau khi thầy qua đời nhưng ông không đồng ý vì tên Trường Lương Thế Vinh đã đồng hành với nhiều thế hệ giáo viên, học sinh.
NGUYỄN HÀ
Theo Tiền phong
Người thầy với triết lý giáo dục: Trước hết phải là người tử tế "Các em có thể trở thành người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc... nhưng trước hết phải là người tử tế". Những câu chuyện về người thầy Văn Như Cương Cách đây khoảng 30 năm, trong suy nghĩ của nhiều...