Triển khai tốt Chương trình mới: Yếu tố nhân lực có vai trò quyết định
Sau một năm triển khai chương trình SGK mới với lớp 1, 2, 6 thì nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đã có cho mình những kinh nghiệm quý báu.
Trong đó, vấn đề chuẩn bị đội ngũ là yếu tố vô cùng quan trọng.
Hiện tại, các em học sinh lớp 1, lớp 2 đang học SGK mới theo Chương trình GDPT 2018. Ảnh: Đình Tuệ.
Đội ngũ nhân lực là yếu tố quyết định
Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, thầy Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) nhấn mạnh, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được xây dựng công phu và có sự chuẩn bị từ vài năm trước khi được ban hành chính thức.
Nhà trường cũng có sự chuẩn bị về số lượng giáo viên, nâng cao trình độ, tìm hiểu kỹ chương trình. Trường THCS Thái Thịnh cũng là một trong các trường dạy thử nghiệm SGK lớp 6. Giáo viên có cơ hội được tiếp xúc với chủ biên và tác giả của các cuốn sách, nhất là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Thầy Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh.
“Sự thay đổi rõ nét nhất chính ở cách tiếp cận bằng hoạt động đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, làm tiết học trở nên mới lạ, lấy kiến thức là mục tiêu hàng đầu. Nhờ đó, sau một năm học mà thời gian học trực tuyến kéo dài gần hết năm học, học sinh cũng có cơ hội thể hiện khả năng của mình. Từ đó giúp hình thành những năng lực, phẩm chất của mình.
Nhà trường cũng xác định quan điểm là lấy chương trình làm gốc; việc thực hiện SGK là sự cụ thể hóa các chương trình. Qua đó, công tác quản lý cũng thay đổi theo. Giáo viên sẽ bám vào chương trình làm sao để các bộ môn cụ thể đạt được các mục tiêu chương trình quy định với lớp 6; tiếp theo là các lớp 7, 8, 9″ – thầy Cao Cường nói.
Cũng theo thầy hiệu trưởng, khi xuất hiện các bộ môn mới có sự tích hợp như Khoa học tự nhiên; Lịch sử – Địa lý, các thầy cô dạy Vật lý, Hóa học và Sinh học đã tham gia các khóa bồi dưỡng để đạt yêu cầu, được cấp chứng chỉ có thể giảng dạy tốt môn Khoa học tự nhiên, tức một giáo viên sẽ có thể dạy được cả 3 môn. Nhà trường sẽ tiếp tục bồi dưỡng tiếp tục cho những năm tiếp theo. Sau mỗi năm thực hiện sẽ có những đúc kết nhất định để rút kinh nghiệm cho việc thực hiện chương trình mới với lớp 7 từ năm học 2022-2023.
Video đang HOT
Khi triển khai chương trình GDPT 2018, giáo viên cần hết sức linh hoạt và đổi mới phương pháp giảng dạy để có được tiết học lý thú cho học sinh.
Phân tích điểm khó khăn khi triển khai chương trình mới ở một số nơi, thầy Nguyễn Cao Cường cho rằng, có thể các trường chưa kịp chuẩn bị về mặt đội ngũ với việc chạy chương trình mới. Nhiều nơi vẫn bố trí 2-3 giáo viên dạy một môn tích hợp như Khoa học tự nhiên hay Lịch sử – Địa lý. Thực tế có nhiều địa phương, nhận thức của một bộ phận giáo viên chưa đầy đủ dẫn đến không nghiên cứu kỹ chương trình. Từ đó, khi thực hiện SGK mới nên có sự lúng túng khi có sự thay đổi về mặt mục tiêu và chậm đổi mới phương pháp giảng dạy; điều này dẫn tới cơ hội thể hiện năng lực của học sinh bị ảnh hưởng.
UBND quận và Phòng GD&ĐT Đống Đa cũng rà soát để cung cấp các trang thiết bị dạy học phục vụ dạy học tổng thể với cả 4 khối lớp. Đi cùng việc dạy chương trình SGK mới thì khâu đánh giá học sinh cũng có sự khác biệt. Việc đánh học sinh đang thực hiện theo Thông tư 22 đối với lớp 6, có nhiều điểm mới. Trong đó thay đổi nhận thức của học sinh và phụ huynh.
Trước đây nhiều người còn phân biệt môn chính – môn phụ thì giờ đây đã có sự bình đẳng giữa các môn học. Việc khen thưởng học sinh cũng được quy định rõ, làm cho đích đến của học trò không phải là các danh hiệu mà tạo ra áp lực cho phụ huynh và học sinh nữa. Nhờ tháo được “nút thắt” này, học trò không còn định kiến rằng phải học tốt môn này mà xem nhẹ môn kia mà sẽ tạo ra một hệ sinh thái rất toàn diện trong tất cả các môn học và các hoạt động.
Khắc phục khó khăn để đạt mục tiêu
Với hơn 503 học sinh đang theo học, Trường Tiểu học Phú Phương (Ba Vì, Hà Nội) được đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất khang trang, nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác dạy và học, nhất là khi triển khai chương trình SGK mới với lớp 1, 2 và sắp tới là lớp 3.
Học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Phú Phương – huyện Ba Vì trong giờ học môn Tiếng Việt.
Cô Nguyễn Thị Lương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2021-2022 trường đạt chuẩn mức độ 2, kiểm định chất lượng đạt cấp độ 3. Diện tích toàn trường khoảng 7.050m2, hiện có 15 lớp ở 5 khối, mỗi khối 3 lớp. Khi triển khai dạy chương trình SGK mới, các thầy cô áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy học để đạt hiệu quả nhất cho học sinh.
Với học sinh lớp 1, nhất là môn Tiếng Việt. Trẻ đọc thông viết thạo khá nhanh. Trong thời gian học trực tuyến, nhiều em phải học bằng điện thoại nên hạn chế hơn khi tiếp thu bài. Học sinh khối 1 thường được bố trí lịch học online vào buổi tối để bố mẹ có thể hỗ trợ về thiết bị. Thầy cô cũng tổ chức tốt chuyên đề, thao giảng, rút kinh nghiệm ở tất cả các môn. Tích cực sinh hoạt chuyên môn, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bài dạy và phối hợp với phụ huynh qua Zoom.
Đầu tháng 4 khi được đi học lại, các cô cũng thấy kết quả khảo sát khá tốt, dù so với năm ngoái không cao. Số em kém nhận thức ở khối 1 chỉ có hai em. Các cô bồi dưỡng thêm vào cuối buổi cho các em học yếu kém, nhất là khối 1, 2 để các em sớm bắt kịp với bạn bè.
Học sinh khối 2 đã quen hơn với phương pháp giảng dạy mới của cô giáo.
Cũng theo cô Lương, từ ngày 19 tới 31/5 sau khi các em thi xong tất cả các môn học cuối năm, nhà trường sẽ tổ chức một số hoạt động cho học sinh như liên hoan ca khúc măng non, chào mừng Sinh nhật Bác Hồ, thi rung chuông vàng, giáo dục học sinh rèn kỹ năng sống…
“Điểm khó khăn của nhà trường là chưa có hệ thống bể bơi di động để phổ cập bơi. Học sinh chủ yếu đi học bơi ở những nơi khác. Trong thời gian tới, nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành từ lãnh đạo các cấp và nhân dân để hoàn thiện hơn nữa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy học của thầy trò nhà trường” – cô Lương bày tỏ.
Thời gian qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành tài liệu Giáo dục địa phương dành cho học sinh lớp 6. Tài liệu này rất quan trọng sẽ cùng đồng hành với các môn để tạo giá trị riêng của học sinh Hà Nội. Mỗi tỉnh/thành khác nhau cũng sẽ có cho họ bộ tài liệu Giáo dục địa phương mang đậm nét văn hóa riêng. Mục đích giúp học sinh hiểu và thêm tự hào về địa phương mình. Từ đó tạo ra sự giao lưu văn hóa giữa học sinh các địa phương và giúp lan tỏa nhiều giá trị tích cực.
Bộ GD&ĐT giải thích về sự sắp xếp môn Lịch sử trong Chương trình mới
Trước nhiều ý kiến xung quanh Lịch sử là môn lựa chọn trong chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT khẳng định: Chương trình mới đã cụ thể hóa đầy đủ chủ trương đổi mới giáo dục lịch sử, thực hiện những quan điểm, mục tiêu và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT...
Giai đoạn giáo dục cơ bản (9 năm): Lịch sử là môn bắt buộc
Ở cấp tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 3), nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội với tổng thời lượng cho cả 3 năm học là 210 tiết (so với với Chương trình GDPT 2006 chỉ có 140 tiết); ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc với tổng số 140 tiết.
Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục cơ bản
Chương trình môn Lịch sử và Địa lí không thay đổi về thời lượng so với Chương trình GDPT 2006. Tuy nhiên, chương trình mới được thiết kế theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lí và không gian xã hội, từ địa lí, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam đến địa lí, lịch sử của các nước láng giềng, khu vực và thế giới, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.
Ở cấp học THCS, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, là môn học bắt buộc ở tất cả các lớp, từ lớp 6 đến lớp 9, với tổng số 420 tiết, trong đó 50% thời lượng dành cho phân môn Lịch sử. Nội dung chương trình phân môn Lịch sử cấp THCS trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.
Nếu tính riêng phân môn Lịch sử thì chương trình không thay đổi về thời lượng so với môn Lịch sử trong Chương trình GDPT 2006. Tuy nhiên, nội dung giáo dục lịch sử, ngoài việc được thực hiện trong phân môn Lịch sử còn được tích hợp một cách phù hợp trong các bài học thuộc phân môn Địa lí trong cùng môn Lịch sử và Địa lí; bảo đảm liên thông với chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học và chương trình môn Lịch sử, chương trình môn Địa lí cấp trung học phổ thông; thống nhất, kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học và các môn học, hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông.
Bên cạnh đó, nội dung giáo dục lịch sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản còn được thực hiện trong môn Đạo đức (ở cấp tiểu học), Giáo dục công dân (ở cấp THCS), Nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 1 đến lớp 9. Trong đó, Lịch sử của các địa phương tiếp tục được đưa vào dạy học bắt buộc ở tất cả các lớp, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn lịch sử dân tộc Việt Nam.
Với cách thiết kế chương trình như trên, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12): Lịch sử là môn lựa chọn
Ở cấp THPT, Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn học (nhóm khoa học xã hội gồm 3 môn học: Lịch sử, Địa lí, Kinh tế và pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm 3 môn học: Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn học: Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật), trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học . Môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường THPT, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có.
Nội dung giáo dục lịch sử còn được lồng ghép trong nhiều môn học
Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại. Chương trình môn Lịch sử cấp THPT (với tổng thời lượng 315 tiết, so với Chương trình GDPT 2006 chỉ có 140 tiết) hệ thống hóa, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.
Cũng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, ở cấp THPT, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào Nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 10 đến lớp 12. Đồng thời, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Với cách tổ chức biên soạn, kết cấu các môn học, đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục nội dung Lịch sử, ngoài tổng giờ được học nội dung giáo dục lịch sử trong các môn được gia tăng, nội dung giáo dục lịch sử còn được tích hợp, lồng ghép trong các môn học khác một cách phong phú, thực tiễn, đa dạng và toàn diện hơn. Học sinh học theo chương trình mới được học nhiều hơn và sâu hơn theo phương pháp mới.
Bộ GD&ĐT khẳng định: Sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình GDPT 2018 (được phân chia giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm) là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.
Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới ở cấp THPT. Trong tình hình còn nhiều khó khăn về các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện khác, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để có những biện pháp định hướng hỗ trợ học sinh chọn các tổ hợp môn học hợp lý, phù hợp với các điều kiện thực tiễn, phát huy hết được nhóm nhân lực nhà giáo dạy học môn Lịch sử; tiếp tục tăng cường tuyên truyền để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và xã hội hiểu sâu hơn về Chương trình GDPT 2018, nhận thức đúng, sâu sắc hơn về nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình. Bộ luôn lắng nghe ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt yêu cầu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...
Vai trò tổ chuyên môn trong bồi dưỡng giáo viên triển khai Chương trình mới Trong điều kiện dịch bệnh, các trường liên tục chuyển đổi hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp, việc bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên thực hiện chương trình SGK mới cũng linh hoạt cách thức tổ chức. Trường THCS Trưng Vương tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về phương pháp dạy học tích cực theo hình thức trực...