Trẻ khuyết tật và khát khao hòa nhập trong môi trường phù hợp
Được đến trường, hòa nhập cùng chúng bạn là nhu cầu chính đáng của trẻ khuyết tật.
Dạy hòa nhập cho học sinh tiểu học tại huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.
Những năm qua, giáo dục trẻ khuyết tật Việt Nam được Nhà nước đặc biệt quan tâm và đạt thành tựu đáng ghi nhận, nhưng khó khăn, trăn trở cũng còn rất nhiều.
Nhu cầu chính đáng
Là người mẹ có con tự kỷ, hơn ai hết chị Nguyễn Thị Hoa (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thấm thía nỗi vất vả, khó khăn trong việc dạy dỗ. Với căn bệnh tăng động, giảm chú ý, bé Linh, con chị Hoa, luôn trong tình trạng khó tập trung và vận động chân tay liên tục. Khi học mầm non, do không tìm được trường phù hợp, chị Hoa cho con học tại một trường công lập.
Tại đây, vì tiếp thu chậm hơn so với các bạn nên hầu như con không học được, lúc nào cũng chơi một mình và ngồi một góc, nhìn xót xa vô cùng. “Mong con được hòa nhập, có thể chơi đùa với các bạn cùng trang lứa, đó là niềm mơ ước, khát khao của người mẹ có con không may mắc bệnh như mình; nhưng trong một môi trường không phù hợp, con không thể hòa nhập được” – chị Hoa chia sẻ.
Đến tuổi vào lớp 1, gia đình lên nhiều phương án để bé Linh được đến trường: Xin cho con học ở trường công lập gần nhà rồi thuê giáo viên đi kèm; cho con đến học một trường tư thục giáo dục đặc biệt… Và sự lựa chọn cuối cùng là Trường Tiểu học Bình Minh. Thật may mắn, tại đây Linh được học theo năng lực, hòa nhập với các bạn nên con rất vui; từ đó, biểu hiện cảm xúc tốt hơn, nói nhiều hơn và đặc biệt con vui vẻ trước giờ đến trường, hạnh phúc sau mỗi buổi học.
“Điều đó vô cùng quan trọng với những trẻ như bé Linh. Sự tiến bộ của con theo năm tháng càng khẳng định rằng, với trẻ khuyết tật luôn có nhu cầu, mong muốn và quyền lợi được đến trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn như vậy. Bạn tôi cũng có con tự kỷ.
Độ tuổi mẫu giáo cháu được đi học tại trường gần nhà. Đến năm 6 tuổi, do chưa biết nói, lại có vấn đề về hành vi, nên gia đình làm hồ sơ dự tuyển vào Trường Bình Minh không được. Một thời gian, gia đình cho cháu đến trung tâm học, nhưng sau 5 tháng phải bỏ vì chi phí quá cao. Cho đến nay, dù 10 tuổi nhưng cháu vẫn phải ở nhà với bà ngoại” – chị Hoa trăn trở.
Dạy theo chuyên đề “Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật” tại Trường TH Thị Xuân (TP Cao Bằng).
Video đang HOT
Còn nhiều khó khăn
Là cơ sở giáo dục chuyên biệt của Hà Nội, Trường Tiểu học Bình Minh luôn quá tải về số trẻ khuyết tật có nhu cầu nhập học.
“Nhu cầu trẻ được đến trường, được học hòa nhập vô cùng lớn. Phụ huynh nào cũng đều tìm mọi cách để con được đến trường; kể cả tuyển sinh đã xong nhưng vẫn có phụ huynh liên lạc với nhà trường để mong con được đi học” – cho biết điều này, theo Hiệu trưởng Lê Thanh Hà, mỗi năm Trường Tiểu học Bình Minh xin chỉ tiêu 1 lớp (20 em), song thực tế có gấp đôi số học sinh được nhập học.
Nếu trước đây, học sinh bình thường chiếm 2/3 tổng số học sinh toàn trường, nhưng nay tỷ lệ học sinh bình thường – học sinh khuyết tật đã là 50/50; và tương lai, nhu cầu học của học sinh khuyết tật sẽ tăng cao. Bởi vậy, nhà trường gặp khó khăn về nội dung chương trình, về mức độ khuyết tật của trẻ và cả cơ sở vật chất, phòng học.
“Trẻ khuyết tật được đến trường là nhu cầu chính đáng và rất cần thiết. Các em được cùng học, cùng chơi, hòa nhập với các bạn sẽ phát triển tốt hơn. Thực tế, trường tôi chỉ có một số lớp có các học sinh như vậy học cùng nhau và các con rất hồn nhiên vô tư, không mặc cảm, không bị bỏ rơi. Năm trước, trường đón đoàn chuyên gia của Nhật Bản về thăm các lớp khuyết tật, họ đánh giá rất cao về học sinh khuyết tật của Việt Nam. Họ nói học sinh Việt Nam hồn nhiên, vô tư, không bị tự ti như học sinh khuyết tật ở Nhật Bản” – cô Lê Thanh Hà chia sẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Bộ GD&ĐT), giáo dục trẻ khuyết tật Việt Nam được Đảng và Nhà nước quan tâm trong cả quá trình phát triển giáo dục của đất nước. Điều đó thể hiện trong các văn bản pháp luật như: Hiến pháp, các bộ luật, nghị định, quyết định, thông tư… cũng như văn bản hướng dẫn trong kế hoạch giáo dục hàng năm của Bộ GD&ĐT, địa phương. Cơ sở pháp lý đã bảo đảm để giáo dục trẻ khuyết tật phát triển và trẻ khuyết tật có thể tham gia giáo dục có chất lượng như các bạn cùng tuổi không bị khuyết tật.
Tuy nhiên, hiện nay, tỉ lệ trẻ khuyết tật tham gia giáo dục thấp hơn nhiều so với tỉ lệ chung, số năm đi học của trẻ khuyết tật càng ít hơn và tỉ lệ trẻ khuyết tật có thể đi học tiếp ở các trình độ sau giáo dục phổ thông lại càng hiếm. Đa số trẻ khuyết tật mới được đi học ở cấp tiểu học, một số hoàn thành phổ cập giáo dục THCS nhưng sau đó lại trở về nhà và sống phụ thuộc.
Việt Nam có khoảng hơn 100 cơ sở chuyên biệt giáo dục trẻ khuyết tật (trường/trung tâm) thuộc sự quản lý của các bộ, ngành, tổ chức khác nhau và nhiều cơ sở tư nhân thực hiện can thiệp, giáo dục trẻ khuyết tật. Các cơ sở chuyên biệt cũng như cơ sở tư nhân thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật, hầu như chỉ tập trung ở các thành phố lớn hoặc thành thị.
Với mạng lưới như vậy, PGS Nguyễn Đức Minh cho rằng: Trẻ khuyết tật ở vùng nông thôn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa khó có cơ hội tham gia giáo dục. Quản lý hoạt động của các cơ sở tư nhân có thực hiện chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật đang là vấn đề cần quan tâm khi một số hiện tượng phi giáo dục được phát hiện gần đây.
Giờ học tại phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập ở Trường Tiểu học Hải Xuân (TP Móng Cái, Quảng Ninh). Ảnh: IT
Cần những giải pháp hữu hiệu
Giáo dục học sinh khuyết tật là một quá trình cần sự kiên trì, nhẫn nại và rất nhiều khó khăn. Giáo viên dạy học sinh khuyết tật bởi vậy cũng vô cùng vất vả. Tuy nhiên, điều cô Lê Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh trăn trở là hiện tại giáo viên đứng lớp dạy đối tượng học sinh này được hưởng 70% phụ cấp đứng lớp; lương khởi điểm cho giáo viên mới ra trường chưa được 5 triệu một tháng. Có lẽ vậy, học sinh ít đăng ký vào khoa giáo dục đặc biệt của trường sư phạm vì mảnh đất này ít màu mỡ lại đòi hỏi cao và lắm khó khăn.
“Tôi mong rằng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa tới chế độ, chính sách cho giáo viên dạy trẻ khuyết tật; cũng như quan tâm hơn tới trường lớp và chương trình dạy cho các trẻ này” – cô Lê Thanh Hà bày tỏ.
Dưới góc độ chuyên gia, PGS Nguyễn Đức Minh cho rằng: Để nâng cao hiệu quả giáo dục trẻ khuyết tật, giúp trẻ có thể tiếp tục học, được đào tạo nghề hướng đến sống tự lập, hòa nhập với cộng đồng, cần phải rà soát lại hệ thống văn bản pháp quy về giáo dục trẻ khuyết tật và thực trạng thực hiện các văn bản pháp quy trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt để có được những giải pháp chính sách hữu hiệu nhằm bảo đảm cho giáo dục trẻ khuyết tật Việt Nam đi đúng hướng với chất lượng cao.
4 giải pháp được PGS Nguyễn Đức Minh đề xuất: Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục trẻ khuyết tật nhằm khắc phục những hạn chế trong các văn bản hiện hành và tạo cơ chế, chính sách mở cho giáo dục trẻ khuyết tật. Xây dựng văn bản hướng dẫn hoạt động và quản lý các trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật và cơ sở tư nhân thực hiện can thiệp sớm và chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Xây dựng hệ thống văn bản khuyến khích sự tham gia vào giáo dục trẻ khuyết tật của các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế. Cuối cùng, tuyên truyền rộng rãi về quy định của luật và chính sách giáo dục trẻ khuyết tật.
Số liệu từ “Điều tra quốc gia về người khuyết tật” do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2016 – 2017 với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF cho thấy:
2,79% trẻ em Việt Nam độ tuổi 2 – 17 có khuyết tật; trong đó, 2,74% trong độ tuổi 2 – 4 và 2,81% trẻ em trong độ tuổi 5 – 17. Khoảng 2,94% trẻ em ở nông thôn và 2,42% trẻ em ở thành thị, 2,62% trẻ em dân tộc Kinh và 3,48% trẻ em các dân tộc khác có khuyết tật. Về giới tính, khoảng 3,0% trẻ em nam, 2,57% trẻ em nữ có khuyết tật.
Khoảng 0,5% người khuyết tật học trong lớp chuyên biệt cho người khuyết tật tại trường phổ thông; gần 1% người khuyết tật học ở trường chuyên biệt; Khoảng 55,5% người khuyết tật từ 5 – 24 tuổi đang đi học được miễn giảm học phí. Tỷ lệ đi học của trẻ có khuyết tật cấp THCS là 74,7% và trẻ không có khuyết tật là 94,3%.
Hà Nội: Trường Tiểu học Bình Minh - Mái trường chắp cánh tương lai cho những "mầm xanh" thiệt thòi
Bình Minh - với ý nghĩa ghi nhận với sự hiện diện của các tia sáng non nớt từ Mặt trời. Cũng giống như mái trường này, ghi nhận sự hiện diện đặc biệt của những em nhỏ bị khuyết một phần trí tuệ.
Hơn 27 năm trôi qua, dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả, nhưng mái trường mang tên Bình Minh ấy vẫn tồn tại kiên cường, để ôm ấp yêu thương nhiều hơn nữa những "mầm xanh" thiệt thòi, để chắp cánh tương lai cho các con, mở ra cho các con một chân trời mới.
Đội ngũ giáo viên trường tiểu học mầm xanh.
Với mong muốn xây dựng một mái nhà chung dành cho những "mầm xanh" thiệt thòi - những trẻ em không may mắn bị khuyết một phần trí tuệ; với khát vọng tiếp nối giấc mơ con chữ - giấc mơ tưởng chừng quá đỗi cao sang đối với những em bé này; vào năm học 1993-1994, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quyết định thành lập một mái trường đặc biệt, mang tên: Trường Tiểu học Bình Minh.
Bình Minh - với ý nghĩa ghi nhận với sự hiện diện của các tia sáng non nớt từ Mặt trời. Cũng giống như mái trường này, ghi nhận sự hiện diện đặc biệt của những em nhỏ bị khuyết một phần trí tuệ. Đã 27 năm trôi qua, dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả, nhưng mái trường mang tên Bình Minh ấy vẫn tồn tại kiên cường, để ôm ấp yêu thương nhiều hơn nữa những "mầm xanh" thiệt thòi, để chắp cánh tương lai cho các con, mở ra cho các con một chân trời mới.
Học sinh trường tiểu học Bình Minh.
Theo chia sẻ của nhà giáo Lê Thanh Hà - Hiệu trưởng nhà trường: Khi thành lập Trường Tiểu học Bình Minh, ngoài việc hình thành và phát triển các khối lớp tiểu học dành cho trẻ phát triển bình thường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn cho phép nhà trường thành lập thêm một khối lớp đặc biệt, đó là khối lớp dành cho trẻ em bị khuyết một phần trí tuệ.
Đối với khối lớp đặc biệt dành cho trẻ em bị khuyết một phần trí tuệ, trách nhiệm mà thành phố và ngành giáo dục giao cho trường là chăm sóc và dạy dỗ trẻ khuyết tật theo mô hình hòa nhập và hội nhập. Có điều thực tế khi ấy, trên địa bàn thành phố chưa có trường nào dạy cho trẻ khuyết một phần trí tuệ. Chương trình dạy học cho nhóm học sinh đặc biệt này cũng bị bỏ ngỏ.
Trước "bài toán" khó và trách nhiệm nặng nề nêu trên, để Trường Tiểu học Bình Minh có thể phát triển, không còn đơn thuần là nơi trông trẻ, mà hướng đến một mô hình chuyên biệt hơn, lãnh đạo nhà trường đã dồn không ít tâm huyết của mình vào công tác nghiên cứu, tìm tòi những phương cách phù hợp nhất để chăm sóc những "mầm xanh" đặc biệt này.
Xác định chỉ có yêu thương mới giúp được những đứa trẻ đặc biệt hòa nhập được với cuộc sống bình thường. Vì thế, ngay khi nhận học sinh vào học, nhà trường đã giúp đỡ các bậc cha mẹ biết chấp nhận thực tế của con mình; đồng thời hỗ trợ, trợ giúp con trong hành trình đầy gian lao này. Nhà trường giữ mối liên hệ gắn kết với cha mẹ học sinh, truyền cho họ nguồn năng lượng tích cực khi tin tưởng rằng "trẻ sẽ vượt qua được". Dù chậm phát triển, nhưng trẻ vẫn có khả năng đạt được những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời.
Tiếp theo, nhà trường đã có những đánh giá đúng mức độ chậm phát triển trí tuệ của trẻ và có những hướng dẫn can thiệp đặc biệt. Nhà trường đã sử dụng các phương pháp như: phương pháp làm mẫu, phương pháp dùng lời đàm thoại, phương pháp nhắc đi nhắc lại nhiều lần, phương pháp động viên khuyến khích, cho trẻ thực hành trong thực tế, phương pháp chăm sóc cá biệt, phối hợp nhiều phương pháp tác động lên nhiều giác quan của trẻ...
Với mỗi học sinh đặc biệt trong khối khuyết tật tại Trường Tiểu học Bình Minh, nhà trường xác định không thể áp dụng cùng một nội dung, phương pháp nào, mà cần phải linh hoạt điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn phát triển của học sinh và theo từng năm học...
Nhà trường đã dựa vào chỉ số IQ, chia ra thành 06 nhóm lớp để chăm sóc và dạy học. Điều này tạo cơ hội cho những đứa trẻ đặc biệt có cơ hội được trải nghiệm trong môi trường hòa nhập với nhiều hoạt động, giúp các con học hỏi cách giao tiếp, cách tương tác, các kỹ năng xã hội cùng các bạn đồng trang lứa.
Ở Trường Tiểu học Bình Minh, các thầy cô luôn theo sát từng bước phát triển của trẻ, những biến đổi cho dù là nhỏ nhất ở các em cũng nhanh chóng được phát hiện, để từ đó có hướng đào tạo tốt hơn. Nhà trường cũng xác định mỗi em học sinh của trường đều "đặc biệt", mọi sinh hoạt cá nhân cũng như sự nhận biết về cuộc sống của các em còn vô cùng khó khăn. Giáo viên phải dạy các em từ việc xúc cơm, rửa tay đến cách cầm bút, sau đó mới nghĩ đến việc dạy văn hóa.
Do cách làm đúng và định hướng phát triển nhà trường phù hợp, mang lại hiệu quả cao, cho nên đến hôm nay, nhà trường đã chắp cánh ước mơ cho rất nhiều thế hệ học trò, giúp các em có đủ vốn sống, kỹ năng và cả sự tự tin, để từng bước hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, Trường Tiểu học Bình Minh là một trong số ít trường tiểu học ở Hà Nội có những lớp học dành riêng cho học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ. Trường có 10 lớp dành cho học sinh khuyết tật với gần 250 em học sinh.
Trong 27 năm qua, các thầy cô giáo của Trường Tiểu học Bình Minh đã dùng chính trái tim mình để dạy và ở bên đồng hành cùng các "mầm xanh" thiệt thòi. Chính tình cảm yêu thương chân thành của các thầy cô, đã khiến con đường hòa nhập cộng đồng của các em trở nên gần hơn. Xin được gửi lời tri ân tới các thầy cô. Chúc các thầy cô luôn vui khỏe, hạnh phúc, đủ tâm - trí - lực trên hành trình "trồng người" đầy vất vả của mình!
[Infographic] Những vấn đề tuyển sinh lớp Một Dưới đây là những vấn đề về tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2020-2021 vào các trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội mà cha mẹ học sinh có con sinh năm 2014 cần đặc biệt lưu ý.