Trẻ học chữ trước khi vào lớp 1: Lợi bất cập hại
“Cho đi luyện chữ trước dễ làm cho trẻ mất tập trung khi bước vào học chính thức bởi tâm lý “biết rồi”. Điều nguy hại hơn cả đó là trẻ không được rèn luyện chữ một cách quy chuẩn nên giáo viên điều chỉnh lại sẽ rất khó khăn”.
Đó là cảnh báo của cô Phạm Thị Yến – Hiệu trường Trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội) về những hệ lụy trong việc cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1.
Chạy đua vì lo con “đuối”
Không có một yêu cầu trong sơ tuyển vào lớp 1 về luyện chữ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, ở các thành phố lớn “trào lưu” cho con “đọc thông, viết thạo” khá nở rộ. Trong suy nghĩ của phụ huynh, việc cho con biết trước sẽ là lợi thế khi con vào lớp 1.
Cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn (ảnh minh họa)
Bộ GD-ĐT cũng như Sở GD-ĐT địa phương luôn cảnh báo không nên cho trẻ học trước chương trình bởi ở độ tuổi này nếu gây “quá tải” sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Tuy vậy, tính riêng ở Hà Nội trong những năm trở lại đây ngày càng có nhiều các trung tâm nhận kèm dạy chữ, luyện toán cho trẻ 5 – 6 tuổi.
Video đang HOT
Chị Phương ở khu tập thể Hào Nam (Q. Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Mặc dù biết cho học trước là không nên nhưng với chương trình hiện nay ngay ở lớp 1 đã thấy “căng”. Do đó không cho con đi học trước đi lại thấy lo lắng”.
Trung tâm luyện chữ của cô giáo L.H ở phố Chùa Bộc nằm trên gác 2 của một khu tập thể. Với diện tích chừng 10m2 nhưng tiếp nhận khoảng 10-12 cháu. Trong số này có những cháu là trẻ 6 tuổi, chuẩn bị bước vào lớp 1. Với số lượng trẻ đông như vậy thì một mình cô L.H không thể quản lý “chu đáo” nên cô đã thuê một số sinh viên trường CĐ Sư phạm tham gia dạy. Cách thức luyện chữ đối với trẻ 6 tuổi khá đơn giản chủ yếu là chú trọng đến việc rèn tư thế ngồi cũng như cách cầm bút.
“Ở chương trình mẫu giáo mới thì cũng đã rèn cho các cháu các tư thế này rồi chính vì thế bọn mình ở đây chủ yếu là rèn lại kỹ năng mà thôi. Việc viết chữ cũng chỉ ở mức độ đơn giản, chủ yếu là qua nhận biết chữ các cháu tập tô lại” – cô L.H chia sẻ.
Không chỉ đưa con đến các trung tâm luyện chữ, giờ đây nhiều bậc phụ huynh còn lên các phương án “dầy công” hơn bằng cách xác định trường và giáo viên chủ nhiệm dự định cho con con theo học sau đó bố trí để con đến nhà cô luyện chữ.
Anh Lê Hoàng Nam ở quận Hoàng Mai chia sẻ: “Với cách này thì không sợ con học “lệch” so với cách giảng dạy của cô giáo. Bên cạnh đó con lại có dịp làm quen với cô giáo chủ nhiệm ngay từ đâu nên công việc học hành sau này sẽ thuận tiện hơn”.
Không cần thiết!
Theo cô Nguyễn Thị Vân Anh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Diệu, hàng năm tỷ lệ trẻ bước vào lớp 1 biết viết trước chiếm khoảng gần 50%. Tuy nhiên sau một thời gian học tập không phải tất cả những HS này đều trở nên xuất sắc.
Cũng theo cô Vân Anh, việc cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 là không cần thiết với lý do thông thường các trường tuyển sinh vào tháng 7. Kết thúc khâu tuyển sinh, các trường sẽ tổ chức cho HS làm quen với trường lớp cũng như ôn luyện lại các kỹ năng về cầm bút, tư thế ngồi… để khi bước vào năm học, các em sẽ không còn bỡ ngỡ.
Đồng với quan điểm này, cô Phạm Thị Yến chia sẻ thêm: “Nếu ngay từ lớp 1 mà trẻ đã có tính chủ quan thì sẽ rất nguy hiểm. Thực tế ở trường cho thấy có thể giai đoạn đầu những trẻ học chữ trước có lợi thế nhưng về sau bị đuối không theo kịp bởi trước đó các em đã có thói quen mất tập trung và khi vốn kiến thức học trước đã hết thì lại không thể bắt kịp với nhưng bạn chăm chú từ đầu năm học”.
Cô Yến cũng cho rằng, các bậc phụ huynh cần phải tỉnh táo mà nhìn nhận một cách thực tế bởi trước kia làm gì có chuyện học chữ trước nhưng trẻ vẫn phát triển bình thường và học tập tốt.
Khi đề cập đến việc cho trẻ học chữ trước, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội bộc bạch: “Hiện nay nhà trường và GV không được dạy thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1, nếu giáo viên có dạy thêm thì phải xin phép và được cấp phép mới được dạy. Còn việc dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1 ở ngoài xã hội thì chưa có quy định cấm mà đó là do nhu cầu của thị trường”.
Ông Tiến cũng cho hay, theo quy định của ngành giáo dục, vào lớp 1, cô giáo phải dạy cho trẻ từ đầu, từ cách cầm bút, tư thế ngồi, từ những nét móc, nét khuyết đơn giản… để bảo đảm hết học kỳ I trẻ đều biết đọc, biết viết. Việc học trước của trẻ sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan, không chú ý khi cô giáo giảng bài, tạo thói quen mất tập trung. Đặc biệt, trẻ học trước còn gây khó khăn cho GV dạy lớp 1, bởi trước đó đã học không đúng phương pháp, quy trình từ cách cầm bút, đặt bút, tư thế ngồi khiến GV rất mất công để chỉnh sửa…
“Hiện nay phụ huynh thường có tâm lý chạy đua với nhau nhưng lại không hiểu được khả năng của trẻ nhỏ. Khi vào lớp học, nhiệm vụ này thường được các GV chia nhỏ để trẻ quen dần còn việc đưa trẻ đến các lớp học thêm vô tình tạo sức ép cho trẻ khi mà chưa có sự sẵn sàng. Theo quan điểm của tôi thì tốt nhất trước khi cho trẻ vào lớp nên chuẩn bị cho trẻ tâm lý thích đến trường, có kỹ năng giao tiếp với bạn, có kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ khi trẻ gặp khó khăn, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng điều chỉnh nhận thức, hành vi… Đây là những kỹ năng giúp trẻ thành công học đường, những trẻ thiếu hụt kỹ năng này, đặc biệt là thiếu sự tự tin, khó hòa nhập có nguy cơ dễ gặp thất bại học đường” – ông Tiến nhấn mạnh.
Nguyễn Hùng
Theo dân trí
Đỡ căng thẳng vì không phải "tuổi đẹp"
Theo kế hoạch của nhiều sở GD-ĐT, từ đầu tháng 5 trở đi là thời điểm các địa phương (cấp tổ dân phố) trên địa bàn đi thu thập danh sách các cháu đủ tuổi (6 tuổi) để chuyển đến phòng giáo dục quận/huyện, thực hiện tuyển sinh vào lớp 1.
Trên thực tế, việc tuyển sinh vào lớp 1 chỉ "căng thẳng" khi vào trường trái tuyến, trường chuẩn, lớp tăng cường ngoại ngữ...
Một cảnh chen chúc nộp hồ sơ vào lớp 1 năm học 2011.
Lớp đại trà đỡ "căng"
Theo danh sách do các tổ dân phố thu thập, học sinh sẽ được theo học tại trường theo từng tuyến theo nguyên tắc trường gần nhà nhất, tạo điều kiện an toàn và thuận lợi cho trẻ. Ngoài ra, nếu đã nhận hết số trẻ tại địa phương theo tuyến, các trường sẽ còn một tỉ lệ nhất định để nhận trẻ trái tuyến.
Ở cấp tiểu học, hiện nay Hà Nội có hơn 300 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 44,6%. Theo tính toán của lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm 2012 việc tuyển sinh vào lớp 1 sẽ đỡ căng thẳng hơn, vì lứa tuyển sinh năm nay là trẻ sinh năm 2006 - năm Bính Tuất - không phải là năm "đẹp" nên các gia đình không đua nhau đẻ. Tuy nhiên, với một số trường tiểu học danh tiếng thì việc "chạy đua" để có một suất học trái tuyến là việc vẫn xảy ra.
Nhận định này cũng được lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đồng tình. Trong khi với hầu hết các lớp đại trà, việc ra lớp một với trẻ sinh năm 2006 vào niên học tới thì được dự đoán là khá bình yên vì không có sự "gia tăng dân số" bất thường như những năm đẹp (năm 2000 hoặc năm "heo vàng" 2007...), thì "tỉ lệ nhỏ" nhận trái tuyến là một trong "kẽ hở" khiến nạn chạy vào trường trái tuyến, đặc biệt là vào những trường đạt chuẩn quốc gia và các lớp tăng cường ngoại ngữ ở từng trường xảy ra tình trạng căng thẳng.
Phụ huynh: Nạn nhân và nguyên nhân
Độ tuổi "chạy trường" nhiều nhất lại rơi vào lứa tuổi tiểu học (lớp 1). Việc chạy trường thường xảy ra ở những quận, huyện trung tâm, trong khi những quận, huyện ngoại thành thì hầu như mọi việc rất yên ổn, thậm chí cá biệt ở một số địa phương, giáo viên phải đến tận nhà để động viên gia đình cho trẻ đến trường đúng độ tuổi.
Khi nhìn nhận vấn nạn chạy trường, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM - ông Nguyễn Hoài Chương - cũng đã phải "thở dài": Ngành đã tự thân vận động cũng như phối hợp cả với các cơ quan chức năng khác (công an, truyền thông...) để đưa ra không ít giải pháp dẹp vấn nạn này. Từ việc áp dụng tuyển sinh theo hộ khẩu đến những chương trình trường tổ chức cho phụ huynh đến tham quan, mục sở thị tại trường. Tuy nhiên, cũng chưa rốt ráo được.
Cũng theo vị phó giám đốc này, mỗi đầu niên học là lãnh đạo ngành giáo dục phải đau đầu về chuyện nhờ vả, gửi gắm vào trường điểm, trường chuẩn, lớp tăng cường tiếng Anh... Ông Chương cũng phân tích: "Phải thừa nhận rằng, tâm lý của phụ huynh đóng một vai trò rất quan trọng trong giải quyết vấn nạn này. Xin đưa ra một minh chứng, trong hai năm gần đây, ở TPHCM cứ mỗi khi một trường nào đó được công nhận là trường chuẩn quốc gia là y như rằng, niên học ngay sau đó "sốt" nạn chạy trường. Vẫn là trường đó, đội ngũ giáo viên đó, chất lượng dạy như thế, nhưng nếu chưa "có tiếng trường chuẩn" thì vẫn... bình yên".
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội thì chia sẻ, mặc dù biết rõ mười mươi "mánh" chạy trường bằng cách chuyển hộ khẩu, nhưng việc này ngoài tầm giải quyết của ngành giáo dục, mà phụ thuộc vào quy định của địa bàn đó.
Hay như quy định "ngầm" về suất của giáo viên tại những trường hay được phụ huynh "chạy" mà ai cũng biết là có.
Không phủ nhận vai trò của ngành giáo dục phải từng bước "giải quyết" những "gút mắc" để khống chế nạn chạy trường ở mức tối thiểu, nhưng trong vấn nạn này, ở một chừng mực nào đó, có thể nói phụ huynh vừa là nạn nhân, đồng thời cũng là nguyên nhân.
Theo Ngân Anh - Thể Uyên
Lao Động
Gian nan băng rừng tìm chữ Từ sáng tinh mơ, từng tốp học sinh con em người đồng bào dân tộc thiểu số H'mông buôn Đắk Sar (xã Đắk Nuê, huyện Lắk, Đắk Lắk) gian nan vượt hơn 12 km đường bộ hiểm trở đến điểm trường Đlei (xã Đắk Nuê) học chữ. Đó là cảnh tượng quen thuộc với những em học sinh (HS) nơi đây suốt hơn...