Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội: Được trợ giúp để học tập tốt
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một bộ phận không nhỏ trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Để trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Hà Nội có điều kiện học tập tốt, các cơ quan chức năng của thành phố, gia đình, cộng đồng, nhà hảo tâm đã, đang đồng hành, trợ giúp các em từ những điều nhỏ nhất.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội được học tập trong phòng học trực tuyến tại trung tâm.
Tiếp sức cho trẻ em nghèo vào năm học mới
Là cầu nối giữa những tấm lòng hảo tâm với trẻ em nghèo, Phó Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) Kiều Thị Hương cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các nhà hảo tâm trợ cấp khó khăn, hỗ trợ kinh phí học tập, trao học bổng, tặng xe đạp… cho hàng trăm lượt trẻ em, giúp các em vững tin bước vào năm học mới”.
Đón nhận nguồn hỗ trợ với số tiền 5 triệu đồng từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội, em Trần Ngọc Ánh (sinh năm 2008, ở thôn Nghè, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ) có hoàn cảnh gia đình khó khăn chia sẻ: “Vào năm học mới, 3 chị em chúng cháu nhận được nhiều sự giúp đỡ, nên đã có đủ sách vở, thiết bị học tập”.
Cũng với quyết tâm “trong bất cứ hoàn cảnh nào, không để học sinh bị bỏ lại phía sau”, ngay khi bước vào năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tiếp tục kêu gọi các đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành hưởng ứng Chương trình “Máy tính cho em”. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ dưới nhiều hình thức, đưa hàng nghìn thiết bị hỗ trợ học trực tuyến đến với học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Điển hình như Trường Tiểu học Ngọc Tảo cùng các tổ chức, cá nhân ở xã Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) đã chung tay triển khai chương trình “Đồng hành chia sẻ mùa khai giảng năm học 2021-2022″. Nhờ vậy, nhiều học sinh trên địa bàn xã Ngọc Tảo đã có thiết bị để học trực tuyến. Anh Đỗ Văn Thành, phụ huynh học sinh Đỗ Thị Ánh Tuyết, lớp 5, Trường Tiểu học Ngọc Tảo, bộc bạch: “Nhờ sự quan tâm của nhà trường, con tôi đã có đầy đủ thiết bị học tập như bạn bè”. Cùng cách làm, theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đại Thịnh (huyện Mê Linh) Đường Anh Tú, từ việc thành lập “Ban vận động ủng hộ thiết bị dạy học”, nhà trường đã kêu gọi được sự ủng hộ của cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh…, giúp nhiều học sinh có thiết bị học tập trực tuyến khi vào năm học mới.
Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố cũng có nhiều hình thức trợ giúp, tiếp sức cho trẻ em nghèo đến trường. Tại xã miền núi Khánh Thượng (huyện Ba Vì), Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Thịnh cho hay, 100% học sinh trong độ tuổi đi học trên địa bàn xã đã được tạo điều kiện thuận lợi để học tập, không có học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Trợ giúp, quan tâm đầy đủ đến mọi trẻ em
Cán bộ Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội trao hỗ trợ kinh phí học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa) trước thềm năm học mới.
Cùng với trẻ em ngoài cộng đồng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng nhận được sự quan tâm và trợ giúp đầy đủ trước thềm năm học mới.
Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) Phạm Đình Giang thông tin, đơn vị đang nuôi dưỡng thường xuyên gần 70 trẻ em có HIV. Năm học 2021-2022, cơ sở có hơn 40 em trong độ tuổi đến trường. Đến thời điểm này, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trang bị đầy đủ sách vở, phòng học, thiết bị học tập trực tuyến cho các em.
Tương tự, Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) – nơi đang nuôi dưỡng 66 trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng ngoài cộng đồng – cũng không để em nào phải thiếu thốn về điều kiện học tập. Em Nguyễn Châu Anh, một người con của Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội, hiện là học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở Lý Nam Đế (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Chúng cháu có phòng học trực tuyến với đầy đủ máy tính. Sau những giờ học căng thẳng, chúng cháu được lên thư viện đọc sách, tham gia các hoạt động vui chơi”.
Còn Giám đốc Làng trẻ em Birla (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) Trịnh Thanh Huyền cho biết: “Các cháu sống trong làng luôn được những người mẹ thứ hai yêu thương, chăm sóc như con ruột; được các nhà trường nơi các cháu theo học trợ giúp về nhiều mặt, nên việc học tập trực tuyến trong năm học mới diễn ra thuận lợi”.
Ở các trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, như tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Hà Nội (xã Thụy An, huyện Ba Vì), Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ), Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai)…, các em cũng vừa được điều trị phục hồi chức năng, vừa được học tập đầy đủ.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện số trẻ em cần được trợ giúp trên địa bàn thành phố tăng lên. Hiện tại, thành phố còn hơn 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn (tăng khoảng 7.000 trẻ so với đầu năm 2021) và hơn 6.000 trẻ em bị khuyết tật. Cùng với đó là hàng vạn trẻ em dễ rơi vào cảnh nghèo, tái nghèo.
“Để trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được học tập đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đang nỗ lực phối hợp với các sở, ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn huy động các nguồn lực để trợ giúp kịp thời về nhiều mặt cho các em”, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương nhấn mạnh.
Nhiều trẻ em nghèo không đủ điều kiện học trực tuyến
Giữa đại dịch, niềm vui của các học trò nghèo là nhận được những quan tâm, có sóng và máy tính để thuận tiện học hành.
"Cô ơi, nhà con mất mạng rồi" là cách để Long Nhật xin cô rời buổi học online để nhường điện thoại cho chị Minh Anh. "Có hôm người này được học, có hôm người kia được học" - em Nguyễn Minh Anh - Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ.
Đó cũng là tình trạng của hai anh em Sĩ và Mơ. Các em cũng gặp khó khăn khi học trực tuyến.
Em Nguyễn Tiến Sĩ - Quận Long Biên, Hà Nội - cho hay: "Giờ học của con tầm 45 phút thì con sẽ học 30 phút rồi thoát ra cho em nó học. Nếu bỏ lỡ buổi học thì con sẽ sang nhờ bạn cho mượn sách chép lại".
Chắc hẳn, sẽ có nhiều người hỏi: Tại sao gia đình không mua thêm chiếc điện thoại nữa để đảm bảo việc học cho con. Thế nhưng, cả hai gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn. Hai ông bố, gà trống nuôi con. Một người là lái xe ôm, một người đi nhặt rác kiếm thêm thu nhập. Dịch bệnh khiến họ mất luôn nguồn thu nhập mỗi tháng.
Nhật, Minh Anh, Sĩ và Mơ còn may mắn hơn Vinh. Bố đã mất, bạn nhỏ này sống cùng ông bà nội đã già yếu. Vinh không có điện thoại hay máy tính để học. Không có thiết bị học đã khó, nhưng có thiết bị mà cũng có lúc không biết sử dụng.
Ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết: "Thực hiện Chỉ thị, Bộ đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông phát động chương trình với mục tiêu hỗ trợ và cung cấp máy tính cho các em học sinh ở các vùng khó khăn đang thực hiện giãn cách xã hội".
Khó ở đâu gỡ ở đó, những chương trình quyên góp thiết bị học tập cho các em học sinh nghèo và kèm theo cả người hướng dẫn cũng đã diễn ra. Giữa đại dịch, niềm vui của các học trò nghèo là nhận được những quan tâm, có sóng và máy tính để thuận tiện học hành.
Trao yêu thương từ chương trình "Máy tính cho em" Mùa tựu trường năm nay đặc biệt khi các cấp học tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước triển khai học trực tuyến. Đằng sau sự nỗ lực của thầy và trò khi bước vào chương trình học tập mới thì điểm sáng những ngày đầu năm học chính là tinh thần sẻ chia với chương trình "Máy tính cho...