Trẻ được học gì ở Trường Thực nghiệm?
Theo dư luận đánh giá, Trường Thực nghiệm có cách giảng dạy khác lạ nên tạo cảm giác HS học mà như chơi. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng vì trường có môi trường học thoải mái nên dường như cái “nết” của trẻ đã có sự sai lệch so với chuẩn.
Trẻ thiếu sự “rèn nết”
Đã không ít lần chúng tôi ghé thăm trường Thực nghiệm nhưng dường như chưa lần nào một HS cấp tiểu học nào cất lời “chào cô, chào chú”. Có người sẽ nói: “Chuyện thường tình ấy mà, cứ để cho trẻ tự nhiên”. Vâng, cũng là trẻ nhưng ở các trường tiểu học khác ở Hà Nội lại rèn được cái nết: “Thấy người lớn tuổi phải chào hỏi”. Mà chẳng phải ở bậc tiểu học mà ngay mẫu giáo, nết này đã được rèn, ấy vậy mà HS Trường Thực Nghiệm lại quên!
Sáng nay, sau khi được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường, chúng tôi được mời tham dự một tiết dạy theo chương trình giáo dục công nghệ của HS lớp 1. Khác với trường công khác là thấy cô và khách thì HS đứng dậy chào, các em Trường Thực Nghiệm chỉ biết ngồi và “buôn chuyện”. Chỉ đến khi cô giáo yêu cầu thì lớp trưởng mới đứng lên nhắc các bạn HS thực hiện “lễ nghi” chào hỏi.
Mặc dù biết rằng giờ là thời điểm cuối năm học, công tác thi cử đã xong nên HS “xả hơi”. Tuy nhiên cái cảnh cô giảng bài trên bảng mà ở dưới trò quay ngang, quay dọc nói chuyện. Thậm chí, còn có em gác chân lên ghế. Khi cô hỏi thì nhao nhao xung phong trả lời khiến ai chứng kiến cũng phải giật mình. Có thể vì có “khách” nên cô không nặng lời mà chỉ đưa ra lời nhắc nhở nhẹ nhàng. Không biết khi không có khách thì lớp học sẽ ra sao?
Quang cảnh một tiết học của HS lớp 1 trường Thực Nghiệm.
Phương châm giáo dục của Trường Thực nghiệm là lấy học sinh làm trung tâm, tất cả hoạt động đều gắn với lợi ích của HS. Xây dựng một nhà trường thân thiện, HS được học và phát huy tốt các khả năng học tập của mình. Xây dựng mối quan hệ thầy trò gần gũi thân thiện, sự đoàn kết gắn bó giữa HS với nhau, để thực sự “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”, để đối với học sinh, “Đi học là hạnh phúc”. Tuy nhiên từ thực tế đến phương châm này dường như đang có sự “khấp khểnh”.
Phương pháp giáo dục: Mới nhưng không “độc”
Điều chúng tôi cảm nhận được khi tham dự tiết học theo phương pháp giáo dục công nghệ đó là sự cởi mở giữa cô và trò. Không xuất phát điểm từ những kiến thức nặng nề mà GV bắt đầu từ mức độ nhẹ nhàng thông qua các câu đố vui để qua đó xây dựng bài học.
Cô Nguyễn Bạch Yến, GV dạy lớp 1, người đã từng tham dạy cả chương trình Giáo dục đại trà và Giáo dục công nghệ tâm sự: “Tôi thấy dạy cả hai chương trình không có gì là khó, quan trọng vẫn là cách truyền đạt tới HS cũng như không gây áp lực học hành cho trẻ”.
Giải thích về việc nhiều bậc phụ huynh có con học trường công khi học chương trình đại trà kêu nặng và khó, cô Yến phân tích: Chúng ta hãy nhìn vào thực tế sẽ thấy rõ, hiện nay nhiều bậc phụ huynh cho con học trước chương trình. Khi vào học do biết trước nên nhiều trẻ có phần lơ là, mất tập trung nên cô đành phải ra bài ở mức độ khó hơn để các em phải chú ý học tập. Về nhà xem sách vở của con thấy bài khó thì phụ huynh lại tiếp tục cho con đi học thêm để nâng cao trình độ. Guồng quay nó cứ như vậy.
Một điều đặc biệt ở Trường Thực nghiệm là không bao giờ “chê” mà giáo viên chỉ “khen” và động viên trẻ. Chẳng hạn như khi một trẻ viết sai lỗi chính tả quá nhiều, thậm chí chữ còn xấu thì giáo viên nhận xét: “Chữ viết khá đẹp nhưng bài làm còn sai nhiều. Em cần tập đọc nhiều hơn”.
Video đang HOT
Giáo viên Trường Thực Nghiệm không bao giờ “chê” HS mà chỉ “khen” HS.
Bên cạnh đó, việc Trường Thực Nghiệm được ưa chuộng cũng xuất phát sự sáng tạo của GV khi tạo ra sự kết nối giữa phụ huynh và con em họ. Nói Trường Thực nghiệm không ra bài tập cho HS tiểu học thì có phần không đúng. Thực tế trường vẫn ra bài tập nhưng dưới hình thức là nhắc nhở trẻ và tạo cho trẻ thói quan yêu cầu phụ huynh cũng tham gia. Ví dụ như, em cần học thuộc các bảng cộng, bảng trừ đã học để tính nhẩm tốt hơn Em nhờ bố mẹ cho em dạng bài A sau đó em tự làm…
Một kiểu ra bài tập về nhà sáng tạo cho HS lớp 1 của GV Trường Thực nghiệm.
Các phương pháp này nói là mới thì cũng đúng vì hầu hết các trường công chưa thực hiện được nhưng “độc” thì không phải. Không khó để triển khai nhưng có lẽ trường công gặp khó bởi nguyên nhân xuất phát từ phía nhu cầu phụ huynh.
Cô giáo L.T.V.A – GV Trường tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội) cho biết: “Khi không ra bài tập về nhà thì phụ huynh có khi lại lên trường thắc mắc và còn yêu cầu giáo viên phải ra bài. Theo tôi dù phụ huynh có yêu cầu thì thầy cô cũng chỉ giao bài ở mức độ vừa phải bởi HS khi học 2 buổi/ngày đã được “nạp” đủ kiến thức”.
Hoạt động giáo dục của trường Thực nghiệm như thế nào? Trả lời riêng với Dân trí, bà Lê Thị Mai Hương – Phó hiệu trưởng Trường Thực nghiệm cho biết: khâu tổ chức hoạt động giáo dục của nhà trường chủ yếu qua các bước sau. Thứ nhất về mặt hoạt động quản lí thì phân cấp chịu trách nhiệm từng khâu, hợp tác chặt chẽ giữa các bộ phận: Ban giám hiệu, Tổ chuyên môn, tổ chủ nhiệm… và có sự liên hệ chặt chẽ với hội cha mẹ HS trường. Thứ hai là về mặt hoạt động giáo dục thực hiện theo đúng chương trình được triển khai, không quá tải, không dạy thêm, tổ chức những giờ tự học giúp học sinh làm một phần bài về nhà. Về các hoạt động ngoại khóa thì tổ chức phong phú và phù hợp lứa tuổi, phát huy tính sáng tạo của HS. Bên cạnh đó, luôn có kế hoạch trong mọi hoạt động, theo dõi kiểm soát quá trình thực hiện và rút kinh nghiệm sau mỗi hoạt động. Cũng theo cô Hương, yếu tố cần để triển khai mô hình này hiệu quả là cần đội ngũ cán bộ, GV có trình độ, có phẩm chất năng lực, có tâm với trẻ. Cần có những quy định, quy chế hoạt động phù hợp và hiệu quả. Trước câu hỏi “HS vào trường được tách học hai chương trình, vậy vấn đề này phụ huynh có biết hay không?”, phó hiệu trưởng Mai Hương cho biết: “Phụ huynh khi cho con em vào học trong nhà trường là đã chấp nhận để con được giáo dục theo chương trình triển khai, kể cả đại trà và chương trình CNGD. Nhà trường có trách nhiệm giáo dục để học sinh tiếp nhận được kiến thức theo yêu cầu và tham gia hòa nhập tốt khi lên các bậc học cao hơn”. Bà Hương cũng đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh cho con vào Trường Thực Nghiệm cần quan tâm đến con nhiều hơn một cách tích cực, phụ huynh cũng có trách nhiệm trong việc làm bài của con ở nhà và khuyến khích con đặt câu hỏi nếu con chưa hiểu. Không nên sốt ruột hay ép con phải nhanh chóng đạt kết quả tốt hay mang các bạn ra để so sánh, tạo áp lực cho con”.
Nguyễn Hùng
Theo dân trí
Giẫm đạp xin học: Tại ai?
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học-Bộ GD&ĐT cho rằng, không nên trầm trọng hóa vụ đạp cổng trường Thực nghiệm vì đây là lỗi của phụ huynh. "Chính phụ huynh đã gây khó cho ngành giáo dục, rồi quay lại chê ngành giáo dục. Chê thế nhưng bố trí chỗ học lại không học".
Thưa ông, ở cương vị nhà quản lý giáo dục, chứng kiến cảnh phụ huynh chen lấn, xô đẩy đăng ký cho con vào lớp 1 của trường Thực nghiệm Hà Nội, ông nghĩ thế nào?
Đấy là việc không nên. Còn quản lý như thế nào là do cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm, phòng giáo dục, hiệu trưởng trường đấy chịu trách nhiệm.
Nhưng dư luận lại cho đó là hồi chuông báo động cho mô hình giáo dục bậc tiểu học?
Đừng vì một trường mà mình quy kết như thế. Cần phải hiểu câu chuyện: Một trường ở vị trí đẹp, cơ sở vật chất đầy đủ thì đó là một quy luật rất tự nhiên. Nhất là khi khả năng có hạn, nhu cầu lại lớn, phụ huynh nào cũng muốn cho con có điều kiện học hành tốt. Đừng làm trầm trọng hóa! Có thể hình dung câu chuyện bán một mặt hàng đẹp, rẻ thì người ta sẽ đến.
Việc phụ huynh phải thức trắng đêm đăng ký cho con vào lớp 1 không xảy ra ở một trường và đây cũng không phải là năm đầu tiên?
Theo Luật Giáo dục, trẻ em 6 tuổi được đến trường, mặc nhiên được đến đấy học tập. Và tại sao người ta lại chen lấn? Là vì chỗ đấy cấp chỗ học. Trường Thực nghiệm không gắn với địa bàn mà thực nghiệm đào tạo là chính. Cho nên họ không chịu trách nhiệm về địa bàn nào. Người dân ở đâu cứ đến đó nộp hồ sơ thì tình hình sẽ xáo trộn thôi. Đừng nhìn mọi việc trầm trọng.
Nhu cầu muốn cho con vào trường tốt là có thực. Phụ huynh cứ phải chạy trường này, trường nọ phải chăng còn do việc phân luồng học sinh và chất lượng giáo dục không đồng đều?
Phân luồng hợp lý là mỗi cháu có một chỗ học ở nơi mình sinh sống. Còn mỗi người có một quan điểm riêng, tôi không nói là sai hay đúng. Còn chuyện giáo viên chưa đồng đều, ai dám chắc tất cả giáo viên là chưa tốt, chưa đồng đều? Nếu vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Chuẩn giáo viên là việc của địa phương. Chất lượng các trường không đồng đều không thể nói là do Bộ. Bộ chỉ lo quản lý, Hà Nội lo việc của Hà Nội, Cao Bằng lo chuyện Cao Bằng. Ngay cả nước Mỹ cũng không thể nói là đồng đều.
Hôm nay, Giáo sư Hồ Ngọc Đại có phát biểu với báo chí rằng: Sự việc phụ huynh phải chen lấn nộp đơn cho con vào lớp 1 có trách nhiệm của Bộ? Trong đó có cả vấn đề chương trình giảng dạy hay sách giáo khoa ở cấp tiểu học chậm thay đổi?
Về việc giáo sư Đại nói, tôi chỉ nói thế này: Hôm nay tuyển sinh ở trường Thực nghiệm, ngày mai ở trường công lập và nhiều trường khác nữa cũng sẽ có tình trạng cung không đáp ứng được cầu. Về vấn đề sách giáo khoa, theo quy trình chu kỳ 10 hoặc 15 năm thì có thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Nhưng đến khi nào trường Thực nghiệm mới hết thực nghiệm, như vậy là quá lâu (Trường thành lập từ năm 1978)?
Anh nên đặt câu hỏi đó cho Viện Khoa học Giáo dục (trường Thực nghiệm trực thuộc Viện này từ năm 2008- PV). Lúc nào chín mùi thì các anh ấy đặt vấn đề.
Ông vừa nói cung không đủ cầu, vậy thì làm sao đảm bảo trẻ đến 6 tuổi có đủ chỗ học. Nói thế có mâu thuẫn?
Chả có mâu thuẫn gì. Chỗ này có rồi nhưng anh lại chê không học, anh chạy vào chỗ không dành cho anh. Tôi chỉ đảm bảo nhu cầu cần thiết, tối thiểu cho các cháu học. Nhưng phụ huynh không cho các cháu học chỗ đó. Chính phụ huynh gây khó cho ngành giáo dục, rồi quay lại chê ngành giáo dục. Chê thế nhưng bố trí chỗ học lại không học.
Qua câu chuyện trường Thực nghiệm, quan điểm xử lý vấn đề này như thế nào. Không lẽ năm nào cũng kêu gọi để thay đổi tâm lý phụ huynh, để rồi năm sau sẽ tiếp cảnh chạy trường, chạy lớp?
Vẫn phải tuyên truyền. Chẳng ai muốn xảy ra việc đó. Còn cách làm thế nào, cơ quan chủ quản (trường Thực nghiệm) phải nghĩ ra cách làm chứ. Hôm trước lộn xộn, hôm sau Bộ có can thiệp gì đâu mà nó lại bình thường. Tốt nhất đến chỗ đó (trường Thực nghiệm- PV) hỏi họ, vì sao hôm trước cồng kềnh, hôm sau lại bình thường?
Cảnh phụ huynh "hành xác" để xin cho con vào học trường PTCS Thực nghiệm
Theo dự báo của ông, liệu năm nay có tình trạng quá tải học sinh vào lớp 1?
Đúng ra nó không bị thế (quá tải-pv), có thống kê độ tuổi vào lớp 1 rồi. Đô thị hóa, lập ra các khu công nghiệp nên như vậy. Trường, lớp học ở làng, xã vắng trong khi ở các thành phố lại đông. Chính quyền thành phố phải lo việc đó chứ Bộ không lo chuyện đó. Bộ không thể nhảy vào để điều học sinh Hà Nội sang Vĩnh Phúc.
Nhưng nếu phải hội ý với TP Hà Nội, ngành giáo dục sẽ đưa ra giải pháp gì?
Đó phải là tự họ, chứ sao mình xui cho họ được. Phải căn cứ trên điều kiện kinh tế xã hội, đất để xây trường, nguồn vốn, đội ngũ giáo viên và giải quyết. Bộ chỉ hướng dẫn chung, chuẩn chung, nhảy vào việc đó thì sao lo được việc khác.
Như vậy, quy hoạch tiểu học thuộc nhiệm vụ của ai?
Phân cấp rất cụ thể. Bộ lo chương trình, sách giáo khoa, chuẩn kỹ năng, hướng dẫn tổ chức lớp học, đánh giá... Bộ chỉ lo cái lớn. Còn quy hoạch là bài toán của địa phương. Bạn đừng hỏi việc của sở và thành phố mà Bộ phải trả lời. Chúng tôi không thể trả lời.
Sách giáo khoa là trách nhiệm của Bộ, vậy Bộ trả lời thế nào về đề xuất xóa độc quyền sách giáo khoa ?
Xóa bỏ thế nào thì bạn phải hỏi cấp cao hơn nhé! Còn chúng tôi là Vụ. Vụ chúng tôi không trả lời những câu hỏi lớn như vậy. Tất cả chúng ta đều có mong muốn tốt đẹp hơn. Nhưng lộ trình ấy căn cứ vào lộ trình của Chính phủ, cấp bộ, còn cấp vụ không thể trả lời câu đó. Không được phép trả lời câu đó, phải là ông Bộ trưởng chứ.
Nếu bây giờ ông có con ở tuổi đi học lớp 1, ông có đăng ký cho con vào trường điểm không?
Tôi chả dại gì cho con vào đó, nó vất vả và tạo sức ép. Tôi khuyên mọi người đừng nghe nhau nói trường này, trường kia tốt rồi quá kỳ vọng. Trẻ em ở lớp 1 hãy để phát triển tự nhiên, đừng tạo sức ép cho nó, để rồi hết chạy trường, có người chạy cả cô. Chúng tôi rất chia sẻ với phụ huynh, song đừng thái quá, lo quá.
Trường nào ở Hà Nội có được cơ ngơi như trường Thực nghiệm? Bao nhiêu đất ở Hà Nội có được như trường Thực nghiệm? Phải chăng phụ huynh thích vào trường Thực nghiệm còn vì trường có cả cái sân chơi rộng rãi ấy và ở trung tâm? Bảo Bộ xây trường sao được. TP phải xây chứ.
Cảm ơn ông!
Theo VNN
Trường Thực nghiệm: Từ sự khác biệt đến "độ nóng" tuyển sinh Khi được hỏi về Trường Thực nghiệm, nhiều phụ huynh có chung câu trả lời: "Tôi nghe nói tốt lắm, học mà cứ như chơi vậy. Bên cạnh đó chi phí học tập lại khá mềm". Sự thật đúng như vậy nhưng ẩn chứa sau đó còn nhiều điều mà không phải ai cũng hiểu. Phụ huynh chờ đợi để mua đơn dự...