Trẻ bị quấy rối tình dục ở trường dễ rơi vào hệ quả tiêu cực
Quấy rối tình dục đã âm thầm diễn ra trong các trường học nhưng vấn đề mới được chú ý xứng đáng sau một loạt sự cố gần đây. Theo TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, thành viên của Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE), trẻ bị quấy rối tình dục có thể rơi vào một loạt hệ quả tiêu cực như: sợ hãi, lo âu, stress…Thậm chí, nhiều trường hợp còn rối loạn stress sau sang chấn.
Làm gì để loại trừ từ gốc?
Theo TS Trần Thành Nam, quấy rối tình dục (QRTD) đã âm thầm diễn ra trong các trường học nhưng mới chỉ bắt đầu nhận được sự chú ý xứng đáng. Một số sự cố xảy ra gần đây làm các nhà giáo dục và cộng đồng thấy rõ rằng phải làm điều gì để loại trừ nó từ gốc.
Nghiên cứu cho thấy, những hành vi QRTD ở trường, nếu bị bỏ qua sẽ dẫn đến những hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng, thậm chí là bạo lực, tấn công tình dục trong tương lai.
“Một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, có đến 80% học sinh đến độ tuổi THPT đã từng trải qua ít nhất một hình thức QRTD trong thời gian học ở trường. Vấn đề phổ biến đến mức nhiều học sinh bình thường hóa nó, thậm chí coi nó là văn hóa của tuổi teen”, TS Nam cho hay.
Cũng theo chuyên gia tâm lý này, độ tuổi bị QRTD phổ biến nhất từ 15-24 tuổi, khi cơ thể của cá nhân phát triển mạnh sau giai đoạn dậy thì.
Quấy rối tình dục bằng lời nói
Người quấy rối có thể là một người hoặc nhóm người cùng giới hoặc khác giới, có thể là một người bạn quen biết hoặc một nhân viên trong trường nhưng phổ biến nhất là nhóm nam quấy rối tình dục một học sinh nữ.
Hình thức bị quấy rối phổ biến nhất thường là chú ý quá mức, nhìn chằm chằm, bình luận các bộ phận nhạy cảm hoặc giả vờ vô tình động chạm. Lý do mà những thủ phạm QRTD thường đưa ra là “để vui vẻ với nhau, chống lại sự nhàm chán của trường học”; “để tái khẳng định sức mạnh của đàn ông so với phụ nữ”, và để “bảo vệ những người yêu tiềm năng của các bạn mình”.
QRTD thường xảy ra ở trên sân trường ngoài giờ học, ở khu vực tập thể dục hoặc khu vực hồ bơi, ở bãi gửi xe và ở những khu vực khuất vắng người qua lại.
Video đang HOT
Trẻ có thể rơi vào hệ quả tiêu cực
Chia sẻ với PV Dân trí, TS Nam cho hay, QRTD học đường có thể ảnh hưởng để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh về môi trường an toàn. Nạn nhân trở nên quá nhạy cảm với các tình huống nguy cơ dẫn đến hạn chế năng lực của mình khi tham gia giao thông vào ban đêm, khi sử dụng phương tiện cộng cộng, khi ở trong khu nhà để xe…
Thậm chí, trẻ sẽ bị rơi vào một loạt hệ quả tiêu cực như sợ hãi, lo âu, stress, cảm giác xấu hổ, tội lỗi, cảm thấy bản thân thấp kém, giảm giá trị, mất lòng tin vào người khác, rối loạn chức năng tình dục… Thậm chí, nhiều trường hợp còn đáp ứng các tiêu chuẩn của rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)
Mặc dù QRTD là vấn đề phổ biến và có nguy cơ gây ra những hệ lụy nghiệm trọng nhưng theo chuyên gia tâm lý này, cộng đồng, thậm chí các em học sinh lại bình thường hóa và cho rằng, đó là chọc ghẹo hoặc tán tỉnh.
Một khảo sát nhỏ của chuyên gia này cùng các cộng sự trên 400 em học sinh THPT tại Hà Nội và Nam Định về việc nhận diện hành vi QRTD; Kết quả cho thấy, có đến 98% học sinh xác định hành vi nhóm khảo sát đưa ra là chọc ghẹo hoặc tán tỉnh.
Cần giúp các em phân biệt giữa trêu chọc thân thiện và bắt nạt tình dục, giữa tán tỉnh và quấy rối tình dục. (Ảnh minh họa)
Ở một số tình huống khác như: “Một đứa bạn gửi hình ảnh không mặc quần áo của nó cho tôi qua điện thoại làm tôi ngượng chín người khi vô tình mở ra”, có 18% vẫn cho rằng, đó là chọc ghẹo hoặc tán tỉnh.
“Cũng trong nghiên cứu của chúng tôi, khi học sinh được hỏi trong trường em có những quy định về QRTD học đường và chế tài xử lý không, có đến 88% học sinh báo cáo không có hoặc chưa từng nghe đến”, TS Nam cho biết.
Đặc biệt, cũng theo chuyên gia tâm lý này, học sinh ở các trường học hiện đang có nhu cầu cung cấp thông tin về QRTD học đường.
Nghiên cứu của TS tâm lý này cùng nhóm cộng sự cho thấy, có khoảng 88% học sinh cho rằng, cần phổ biến rộng rãi các quy tắc ứng xử và chính sách phòng chống QRTD học đường tới toàn thể học sinh trong trường.
Các em kỳ vọng bộ quy tắc liên quan đến QRTD học đường gồm có các phần: Định nghĩa về QRTD học đường; Các quy định về những hành vi có thể bị coi là QRTD học đường; Các hướng dẫn cho những nạn nhân của hành vi QRTD học đường; Tên, số điện thoại của cán bộ chịu trách nhiệm xử lý các khiếu nại về QRTD trong/ngoài trường học…
“Cần giúp các em phân biệt giữa trêu chọc thân thiện và bắt nạt tình dục, giữa tán tỉnh và QRTD. Chỉ ra cho các em biết cách ứng phó kiểu phớt lờ coi như không có chuyện gì xảy ra, chối bỏ xem nó là đùa vui hoặc tán tỉnh, né tránh không tiếp xúc chỉ làm cho tình huống tệ hơn.
Khi có quấy rối xảy ra, các em cần đương đầu, khẳng định hành vi đó không thể chấp nhận được. Nếu không dừng lại sẽ tố cáo với những người có trách nhiệm biết về hành vi quấy rối”, TS Nam khẳng định.
Hạnh Nguyên (ghi).
Theo Dân trí
Học sinh bị hiệu trưởng xâm hại: Cần giúp các em phục hồi lòng tự tin
TS tâm lý Lê Nguyên Phương cho hay, trẻ bị xâm hại tình dục hầu như sẽ bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý. Việc điều trị cho nạn nhân của hành động tấn công tình dục cần tập trung vào việc ngăn ngừa hay giảm thiểu các triệu chứng chấn thương, trầm cảm, lo âu, các bệnh tâm lý và thể chất...
Hậu quả nghiêm trọng
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và đọc Lệnh bắt tạm giam đối với ông Đinh Bằng My, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn trong vụ việc lạm dụng tình dục hàng chục học sinh của trường.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá đây là hành vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phải xử lý nghiêm và đây cũng là học xương máu của giáo dục giới tính.
Tuy nhiên, không chỉ là việc xử lý ông hiệu trưởng có hành vi đồi bại theo pháp luật, không chỉ "mất bò mới nhớ đến cái chuồng", cập rập với vấn đề giáo dục giới tính ... Các chuyên gia tâm lý lưu ý, vấn đề người lớn không được bỏ quên lúc này là hỗ trợ, tham vấn cho những học sinh là nạn nhân trong sự việc. Các em phải đối diện với sự hoảng sợ, những tổn thương về lâu dài rất cần được can thiệp.
TS Phạm Thị Thúy (HV Hành chính Quốc gia TPHCM) chỉ ra hàng loạt tổn thương lâu dài trẻ bị xâm hại tình dục gặp phải gồm tổn thương về thể chất, tinh thần, về mặt, xã hội, tâm lý, rối hành vi, lệch lạc tình dục.
Về tinh thần, trẻ có thể giận dữ, chán nản, không tin vào bản thân và người khác, sợ hãi, xấu hổ... Về tâm lý, trẻ có thể bị rối loạn tâm thần như trầm cảm hay rối loạn lo âu, ám ảnh và dễ gặp ác mộng.
"Trẻ cũng dễ gặp rối loạn hành vi như sống thu mình hay gây gổ quá mức, gặp khó khăn trong học tập, lạm dụng rượu bia, ma túy... Và đặc biệt, nhiều nạn nhân của xâm hại tình dục khi trưởng thành lại là người đi xâm hại tình dục hoặc có xu hướng tình dục đồng giới nếu kẻ xâm hại cùng giới tính với nạn nhân"- bà Phạm Thị Thúy cảnh báo.
Bà Phạm Thị Thúy cũng lưu ý người lớn phải hết sức tế nhị khi tiếp cận đối tượng trẻ bị xâm hại tình dục. Các em thường dấu kín việc bị xâm hại vì một số lý do như sợ phải nhớ lại hình ảnh xấu xa; các em cảm thấy xấu hổ, tội lỗi; sợ bị khiển trách, sợ bị bố mẹ, thầy cô, bạn bè bị chê cười và sẽ không còn yêu thương mình...
Ngôi trường nơi nhiều học sinh nam bị hiệu trưởng xâm hại tình dục
Giúp nạn nhân phục hồi lòng tự tin
TS tâm lý Lê Nguyên Phương cho hay, trẻ bị xâm hại tình dục hầu như sẽ bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý. Việc điều trị cho nạn nhân của hành động tấn công tình dục cần tập trung vào việc ngăn ngừa hay giảm thiểu các triệu chứng chấn thương, trầm cảm, lo âu, các bệnh tâm lý và thể chất...
Tuy nhiên, ông Phương cũng nhấn mạnh, bên cạnh đó, một việc cực kỳ quan trọng là phải tập trung giúp nạn nhân phục hồi lòng tự tin cũng như khả năng giao tiếp xã hội, đặc biệt tìm lại niềm tin trong quan hệ với bạn bè, người thân.
Các chuyên gia cùng có chung ý kiến, sự tổn thương, mất niềm tin của các em trong sự việc xảy ra tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn càng nặng nề khi người xâm hại các em là hiệu trưởng nhà trường.
TS Phạm Thị Thúy cho hay, sẽ có rất nhiều việc phải làm khi biết trẻ bị xâm hại tình dục. Bên cạnh việc đưa kẻ xấu ra công lý, bố mẹ, những người xung quanh cần biết cách bảo vệ trẻ. Tôn trọng cảm xúc, công nhận sự khó khăn con đã trải qua và không đặt những hỏi, những câu mang tính chất vấn khiến trẻ có cảm giác mình bị buộc tội sẽ thêm mặc cảm với bản thân. Các em rất cần được khuyến khích, động viên, nhất là cần được tham vấn tâm lý để vượt qua nỗi đau này.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Giáo viên cam kết không vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo Mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên cần nhận thức sâu sắc về việc giáo viên vi phạm đạo đức được dư luận báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua để liên hệ rút kinh nghiệm và cam kết không vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo. Ảnh minh họa Đó là một trong những nội dung...