Trao truyền nét đẹp văn hóa dân tộc qua tiết học
Nhiều trường tổ chức đón Tết thông qua các hoạt động ý nghĩa: Gói bánh chưng, chơi trò chơi dân gian, múa hát, hội chợ… nhằm GD cho HS thêm yêu và trân trọng truyền thống văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc.
Chương trình “Hương sắc Việt Nam” của Trường THPT Hoàng Cầu.
Khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc
Từ tuần thứ 2 của tháng 12 (âm lịch), cô Mùa Thị Chứ – giáo viên Trường Tiểu học Pi Toong (Mường La, Sơn La) bắt đầu tổ chức cho học sinh nhiều hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về phong tục đón Tết cổ truyền như: Thờ cúng tổ tiên, gói bánh chưng, mừng tuổi đầu xuân, xin chữ đầu năm… Các hoạt động này, được cô lồng ghép trong các giờ sinh hoạt lớp, giờ học môn Đạo đức, Tiếng Việt. Từ đó mở rộng kiến thức và nâng cao kĩ năng cho học sinh.
“Trong giờ tiếng Việt, tôi cho học sinh đọc một đoạn văn viết về Tết Nguyên đán, sau đó hướng dẫn các em làm bài đọc hiểu; hoặc trong giờ đạo đức, tôi lồng ghép giáo dục học sinh về phong tục thờ cúng tổ tiên, mừng tuổi đầu năm… Qua đó, không chỉ giúp học trò nắm vững kiến thức bài học, mà còn hiểu được giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao phẩm chất, đạo đức; từ đó nêu cao tinh thần tự hào và tự tôn dân tộc” – cô Chứ dẫn giải.
Tại Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội), ngay từ đầu tháng 1, nhà trường tổ chức Chương trình “Hương sắc Việt Nam” với thông điệp “Thanh niên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, trong đó có Tết Nguyên đán. Chương trình có nhiều hoạt động ý nghĩa như: Múa hát tập thể, giao lưu văn hóa, viết thư pháp… Theo cô Hiệu trưởng Lưu Thị Lập, văn hóa Việt Nam luôn có giá trị trường tồn. Việc giáo dục cho học sinh giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết.
“Trong kế hoạch giáo dục toàn diện của Trường THPT Hoàng Cầu, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy – học, nhà trường còn quan tâm đến giáo dục học sinh những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; trong đó có Tết Nguyên đán. Qua đó, giúp các em nâng cao nhận thức về giá trị nhân văn Tết cổ truyền của dân tộc; đồng thời hiểu hơn về ý nghĩa sâu sắc của từng phong tục trong ngày Tết… Từ đó, các em thấy được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp đó” – cô Lập nhấn mạnh.
Chia sẻ về các hoạt động giáo dục của Trường THPT Hoàng Cầu, cô Lập cho hay: Có nhiều chương trình, hoạt động được nhà trường lồng ghép tổ chức như: Hoạt động ngoại khóa với hình thức sân khấu hóa theo từng chủ đề; tổ chức các trò chơi dân gian; trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền, tìm hiểu về phong tục trong ngày Tết, làm cây Điều ước, sáng tác thơ xuân…
“Ngoài ra, xuất phát từ yêu cầu, nội dung các môn học như: Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục công dân, Công nghệ…, chúng tôi khuyến khích giáo viên tích hợp giáo dục học sinh về giá trị văn hóa Tết cổ truyền dân tộc. Ví dụ, tích hợp trong môn Ngữ văn lớp 10 – phần Văn học dân gian; hoặc lồng ghép vào chủ đề đa dạng văn hóa, các di sản văn hóa thế giới trong môn tiếng Anh…. Qua đó, học sinh nhận thức được những giá trị trường tồn của văn hóa dân tộc. Từ đó, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp về Tết cổ truyền Việt Nam” – cô Lập trao đổi.
Video đang HOT
Trường Tiểu học Pi Toong mời phụ huynh đến giao lưu, giáo dục học sinh về văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh: NVCC
Đa dạng các hoạt động giáo dục
Theo TS Ngô Xuân Hiếu – Phó Trưởng bộ môn Quản lý giáo dục và Giáo dục đặc biệt (Trường ĐH Thủ đô Hà Nội), giáo dục cho học sinh về Tết cổ truyền là cần thiết, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, chúng ta giáo dục những gì và giáo dục như thế nào để cho học sinh hiểu, gìn giữ và tiếp tục duy trì, phát huy những nét đẹp văn hóa đó.
Cần khẳng định rằng, những hoạt động diễn ra trong ngày Tết đều có ý nghĩa và có giá trị với mỗi người dân Việt Nam. Nhưng nhiều HSSV chưa hiểu hết giá trị sâu sắc của mỗi hoạt động văn hóa này. Các em chủ yếu làm theo những gì ông bà, cha mẹ đã làm, ít ai hỏi về ý nghĩa của từng việc làm trong ngày Tết như: Dọn nhà cửa, treo câu đối đỏ, mua sắm cành đào, hai cây mía, hái lộc, mừng tuổi đầu xuân, hoặc phong tục “Mồng 1 Tết cha, mồng 2 Tết mẹ, mồng 3 Tết thầy”….
TS Ngô Xuân Hiếu nhấn mạnh: Đất nước ngày càng phát triển, khoa học tiến bộ. Theo vòng xoáy của kinh tế thị trường, ai nấy đều bận rộn với những áp lực của công việc và cơm áo, gạo tiền. Chính vì lẽ đó, chúng ta càng phải chia sẻ những nét đẹp văn hóa truyền thống Tết cổ truyền của dân tộc. Đó cũng là những giây phút lắng đọng, an nhiên và để mọi người gần gũi nhau hơn; đồng thời cũng là dịp quan trọng để gia đình và người thân bên cạnh nhau, dành cho nhau những lời nói yêu thương, những cử chỉ đẹp và những lời chúc tốt lành.
Theo TS Ngô Xuân Hiếu, tất cả bậc học cần được giáo dục về truyền thống văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc, nhưng yêu cầu, hình thức và cách thức tổ chức khác nhau. Ở lứa tuổi mầm non, giáo viên có thể kể những câu chuyện nhỏ về bánh chưng trong ngày Tết. Đến cấp tiểu học, có thể tăng dần lên bằng ý nghĩa của cành đào ngày Tết, phong tục chúc Tết, những việc làm nên kiêng trong ngày Tết. Đối với cấp THCS, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh tham gia vào các hoạt động trải nghiệm như: Gói bánh chưng, sáng tác thơ, hái hoa dân chủ hoặc cây Điều ước… Lên đến THPT và sinh viên đại học, có thể là những hoạt động sân khấu hóa hoặc trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động thiện nguyện…
Theo TS Ngô Xuân Hiếu, các trường nên tổ chức cho học sinh tham gia vào hoạt động trải nghiệm như: Gói bánh chưng, thi tìm hiểu về ngày Tết cổ truyền. Khuyến khích học sinh viết văn nghị luận, sáng tác thơ, văn về chủ đề về ngày Tết. Dù ở thời đại nào, đạo đức, tình yêu con người, thiên nhiên, quê hương đất nước luôn được duy trì và phát huy. Do vậy, chúng ta cần lan tỏa và giáo dục cho thế hệ trẻ, nhất là HSSV hiểu và trân quý những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc qua dạy tiếng Việt cho kiều bào
Nhiệm vụ gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước dành nhiều sự quan tâm và đặc biệt coi trọng, trong đó công tác dạy tiếng Việt cho các thế hệ kiều bào được xác định là khâu then chốt.
Từ việc hiểu và sử dụng được tiếng Việt, dù ở xa quê hương, các thế hệ người Việt ở nước ngoài được nuôi dưỡng tinh thần, gắn kết, lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước.
Ảnh minh họa
Điểm tựa vững chắc giữ gìn văn hóa truyền thống
Dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt cho thế hệ trẻ, đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp. Bởi, tiếng Việt vốn được xem là "căn cước" nhận diện người Việt Nam với thế giới, là sự hội tụ bản sắc, tinh hoa và văn minh của dân tộc. Đối với cộng đồng trên 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt còn là hồn cốt của người Việt, niềm tự hào dân tộc, góp phần tạo nên những giá trị trường tồn, nuôi dưỡng tinh thần, khí phách dân tộc, trở thành điểm tựa vững chắc giữ gìn văn hóa truyền thống.
Trên cơ sở xác định việc dạy và học, bảo tồn tiếng Việt là nguyện vọng chính đáng, nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1382/QĐ-TTg về Đề án "Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài". Đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 14/QĐ-TTg và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện nhiệm vụ Đề án "Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài".
"Đến nay, công tác dạy và học tiếng Việt, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc đã đạt được những kết quả tích cực" - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh Nghị quyết 36-CT/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Theo Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt cho thế hệ trẻ đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp trên thế giới, điển hình như Hoa Kỳ (với khoảng 200 trung tâm, cơ sở dạy tiếng Việt), Thái Lan (tổ chức 39 lớp học), Campuchia (thành lập 33 điểm trường, lớp), Lào (với 13 trường, trung tâm dạy tiếng Việt)... Tiêu biểu trong phong trào phải kể đến Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân tại Thủ đô Vacsava, Ba Lan.
Bà Nguyễn Việt Triều, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan cho biết, trường được thành lập năm 1999, xuất phát từ nguyện vọng con em sinh ra và lớn lên ở Ba Lan được học tiếng Việt, hiểu biết tiếng mẹ đẻ và giữ gìn văn hóa Việt Nam của một số phụ huynh.
Từ buổi đầu thành lập, trường chỉ có khoảng vài chục học sinh, đến nay, mỗi năm đã có khoảng 180 học sinh người Việt, trong độ tuổi từ 6-14 tham gia học tiếng Việt. Các em được chia thành hai khối: khối I gồm các lớp học năm thứ nhất và năm thứ hai với chương trình A, B; Khối II gồm các lớp học năm thứ ba, tư, năm với chương trình C, D, E.
Từ năm 2018, trường đã hoàn thành biên soạn một bộ giáo trình riêng có tên gọi "Em học tiếng Việt", gồm 14 quyển với các chương trình A, B, C, D, E nhằm đảm bảo phù hợp với môi trường và điều kiện thời gian của con em cộng đồng người Việt tại Ba Lan.
"Sau hơn 21 năm thành lập, nhà trường đã có được được một đội ngũ giáo viên và Ban lãnh đạo nhiệt tình, tâm huyết trong công việc, có kinh nghiệm tổ chức, quản lý việc dạy và học tiếng Việt. Nhận thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ trong giáo dục thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, các phụ huynh, các tổ chức Hội đoàn, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan luôn tạo điều kiện giữ gìn tiếng Việt, bảo tồn bản sắc văn hóa Việt nơi xa xứ", bà Nguyễn Việt Triều chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan chia sẻ thêm, trong bối cảnh dịch COVID-19, nhà trường đã chủ động chuyển sang phương thức giảng dạy và học trực tuyến. Không chỉ khắc phục những khó khăn trước mắt do dịch bệnh gây ra, mô hình học trực tuyến đã thu hút được nhiều học sinh tham gia. "Học trực tuyến không phụ thuộc khoảng cách địa lý nên không chỉ học sinh ở Thủ đô Vacsava mà các em đến từ địa bàn khác, thậm chí các nước khác như Anh, Hoa Kỳ đều tham gia học. Đây là sự thành công bước đầu của Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan, góp phần giúp các thế hệ con em người Việt ở nước ngoài biết giữ gìn được tiếng Việt và văn hóa Việt, những tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam", bà Nguyễn Việt Triều nhấn mạnh.
Thúc đẩy mạnh mẽ phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài
Với vai trò cầu nối giữa cộng đồng ta ở nước ngoài và trong nước, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ sách giáo khoa, học liệu với tổng số hơn 70.000 cuốn sách giáo khoa cấp I, bộ sách "Tiếng Việt vui", "Quê Việt", truyện tranh lịch sử và dân gian cho thiếu nhi, cung cấp trang thiết bị giảng dạy, học tập đáp ứng phần nào nguyện vọng của kiều bào ta ở khắp năm châu, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.
Từ năm 2013 đến nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các khóa tập huấn bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên kiều bào. Đến nay, gần 300 giáo viên kiều bào được tập huấn về nghiệp vụ sư phạm, trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng ở sở tại. Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài hiện chia theo khung năng lực tiếng Việt 6 bậc, tạo cơ sở chung cho việc xây dựng, phát triển, cập nhật tài liệu dạy học và tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt.
Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan trong nước, công tác hỗ trợ dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng kiều bào ta đã được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau dưới sự hỗ trợ tích cực và hưởng ứng mạnh mẽ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước, Hội Người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng kiều bào. Các tổ chức thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của kiều bào về tầm quan trọng, lợi ích của việc học tiếng Việt; vận động bà con khuyến khích con em tham gia học tiếng Việt.
Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện còn tích cực vận động chính quyền các cấp sở tại hỗ trợ cơ sở dạy tiếng Việt của kiều bào, từng bước đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục của các nước. Điển hình, tại Lào, Hội người Việt Nam tại Thủ đô Viêng Chăn, đã chuyển đổi Trường Việt kiều Nguyễn Du thành trường Song ngữ Lào -Việt, tăng số học bổng tại Việt Nam cho con em kiều bào tại Lào, thỏa thuận với Chính phủ Lào xây dựng một số cơ sở trường học cho con em kiều bào từ nguồn viện trợ... Tại Đài Loan (Trung Quốc), từ năm 2018, chính quyền sở tại đã quyết định đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các trường phổ thông như một ngoại ngữ tự chọn.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dù ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, hướng về quê hương, đất nước, ý thức được tầm quan trọng của tiếng Việt trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam.
Với nỗ lực của các cơ quan, tổ chức trong nước và hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào đang được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp và chuẩn hóa, góp phần bảo tồn ngôn ngữ dân tộc, tạo sợi dây gắn kết người Việt trẻ với quê hương, duy trì, phát huy bản sắc dân tộc trong các thế hệ kiều bào.
Gần 2.000 học sinh Phú Thọ tham gia ngày hội hướng nghiệp chào Xuân Tân Sửu Ngày 23/1, Trường THPT Việt Trì, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp Hướng nghiệp tỉnh Phú Thọ phối hợp tổ chức "Ngày hội hướng nghiệp, khởi nghiệp chào Xuân Tân Sửu 2021". Ngày hội thu hút gần 2.000 học sinh tham gia. Ngày hội hướng nghiệp, khởi nghiệp chào Xuân Tân Sửu 2021 có sự tham gia của 1.744 học sinh. Đây là...