Trao giải cuộc thi tiếng Anh TOEFL khu vực miền Bắc
Sáng nay (6/5), tại Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tiếng Anh TOEFL Primary Challenge và TOEFL Junior Challenge khu vực miền Bắc năm học 2017 – 2018.
Em Trần Ngọc Mai và Phạm Ngọc Bích xuất sắc giành Giải Nhất Quốc giaTOEFL Primary Challenge và TOEFL Junior Challenge năm học 2017-2018
Buổi lễ có sự tham dự của ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD& ĐT Hà Nội, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Hải Dương, cùng các Phòng GD&ĐT quận/huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội và các trường Tiểu học, THCS có học sinh đạt giải…
Theo ban tổ chức, năm nay, TOEFL Challenge khu vực miền Bắc đã thu hút được 17.290 thí sinh bậc Tiểu học và 10.200 thí sinh bậc THCS tham dự.
Theo ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: “Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, việc biết và sử dụng thành thạo tiếng Anh chính là chìa khóa mở ra con đường học vấn, nghiên cứu khoa học và mở ra con đường để bước vào môi trường hợp tác quốc tế.
Chính vì vậy, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khuyến khích giáo viên và học sinh tham gia các hoạt động sinh hoạt tiếng Anh nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh thành phố. Đây thật sự là một cơ hội quý giá để các em học sinh trải nghiệm bài thi tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc từ đó giúp tự xác định năng lực của bản thân so với các bạn đồng trang lứa tại Việt Nam và trên toàn thế giới”.
Video đang HOT
Ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội và ông Đoàn Hồng Nam – Chủ tịch IIG Việt Nam trao giải cho các thí sinh xuất sắc nhất tại cuộc thi TOEFL Primary Challenge và TOEFL Junior Challenge
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã vinh danh thí sinh nhỏ tuổi Trần Ngọc Mai – học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Hai Bà Trưng – Hà Nội) đã xuất sắc vượt qua hàng chục ngàn thí sinh tiểu học giành Giải Nhất Quốc gia cuộc thi TOEFL Primary Challenge năm học 2017 – 2018 và thí sinh Phạm Ngọc Bích – học sinh lớp 9E – Trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy – Hà Nội ) đã xuất sắc đạt Giải Nhất Quốc gia Cuộc thi TOEFL Junior Challengenăm học 2017-2018 sau khi vượt qua hơn 10.000 thí sinh THCS tham gia dự thi khu vực. Cả hai thí sinh này cũng sở hữu giải cao nhất của cuộc thi trong phạm vi thành phố Hà Nội.
Trong phần trao giải khu vực Hà Nội, ban tổ chức cuộc thi cũng đã vinh danh 12 Phòng GD&ĐT và 30 Trường Tiểu học và THCS có thí sinh đạt thành tích xuất sắc và có số lượng thí sinh tham dự hai cuộc thi đông nhất. Đồng thời, ban tổ chức cũng trao tặng Huy chương, Giấy khen cùng phần thưởng tiền mặt và hiện vật cho các thí sinh đạt giải.
Theo đó, các giải cá nhân cho học sinh Tiểu học (TOEFL Primary Challenge) gồm 01 giải Nhất thành phố, 10 giải Nhì thành phố, 29 giải Ba thành phố, 71 giải Khuyến khích thành phố và 3 giải Nhất khối 3,4,5. Các giải cá nhân cho học sinh THCS (TOEFL Junior Challenge) gồm: 01 giải Nhất thành phố, 11 giải Nhì thành phố, 19 giải Ba thành phố, 69 giải Khuyến khích thành phố và 4 giải Nhất khối 6,7,8,9.
Cuộc thi tiếng Anh TOEFL Primary và TOEFL Junior Challenge được ra mắt lần đầu cách đây 6 năm do Tổ chức Giáo dục IIG Việt Nam phối hợp với các Sở GD&ĐT trên cả nước tổ chức. Từ đó đến nay, hai cuộc thi đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các cấp quản lý, nhà trường cùng phụ huynh và học sinh. Trong năm nay, TOEFL Challenge khu vực miền Bắc thu hút 17.290 thí sinh bậc Tiểu học và 10.200 thí sinh bậc THCS tham dự vòng 1 – vòng thi được Ban Tổ chức triển khai hoàn toàn miễn phí, với mong muốn mang đến cơ hội tiếp cận và trải nghiệm sân chơi bổ ích này tới tất cả các em học sinh ở mọi hoàn cảnh trong xã hội.
Minh Vân
Theo giaoducthoidai.vn
"Hậu trường" đào tạo song bằng tại Hà Nội
Năm học 2017 - 2018, lần đầu tiên Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai chương trình đào tạo song bằng tú tài học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-level).
Các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đã cùng thảo luận, hợp tác làm việc để làm sao lên được một khung chương trình chuẩn, tuyển chọn giáo viên... sát sao theo dõi từng bước đi của học sinh để có những điều chỉnh kịp thời. "Hậu trường" xây dựng chương trình song bằng tại Hà Nội cho thấy những cẩn trọng cần thiết, tinh thần trách nhiệm trong quản lý, đào tạo của lãnh đạo ngành Giáo dục Hà Nội.
Lên sơ đồ chương trình để giảm thiểu kiến thức chồng chéo
Năm 2017, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai dạy song bằng ở Trường THPT Chu Văn An và Trường Tiểu học Sài Đồng. Ba điểm mạnh của các chương trình dạy song bằng được đưa ra: Thứ nhất, học sinh có thể nói được hai ngôn ngữ song song. Các em không chỉ học tiếng Anh mà còn học các môn học bằng tiếng Anh, vừa có kiến thức môn học bằng tiếng Anh, vừa có khả năng nói tiếng Anh một cách thông thạo. Thứ hai, học sinh có một nhận thức mang tầm quốc tế, không chỉ hiểu biết về đất nước mà còn có hiểu biết về thế giới. Thứ ba, học sinh đạt chuẩn quốc tế. Học sinh sẽ có chứng chỉ quốc tế của Cambrigde mà tất cả các trường trên thế giới đều đón nhận.
Để dạy được hai chương trình này, nếu gộp một cách cơ học, dạy song song sẽ mất rất nhiều thời gian cho các em học sinh và có nhiều kiến thức bị chồng chéo. Giải pháp đưa ra là cần tích hợp làm sao để học sinh học được cả nội dung hai chương trình, những phần gì chung thì lược bỏ, đảm bảo làm sao khi các em học xong chương trình, việc thi lấy bằng THPT quốc gia các em thi bình thường như những học sinh khác. Bên cạnh đó cũng đảm bảo chương trình tú tài của Anh quốc A-level.
Đây là bài toán không hề đơn giản, về các chương, các bài có thể chủ đề, nội dung giống nhau nhưng phương pháp giảng dạy khác nhau. Ông Lee Davis - Phó Giám đốc phân khúc Giáo dục thuộc Tổ chức Giáo dục Quốc tế Cambridge - chia sẻ khi triển khai chương trình song bằng có một thách thức rất lớn khi kết hợp hai chương trình giáo dục quốc gia Việt Nam và chương trình Cambridge với nhau. Các chuyên gia đã lên một sơ đồ rõ ràng về sự giống nhau giữa hai chương trình để có thể cắt bớt hoặc giảm thiểu những kiến thức chồng chéo; cùng đó tìm ra những điểm giống nhau để học sinh chỉ học một trong hai chương trình mà vẫn đủ hiểu cả hai.
Ngạc nhiên về trình độ học sinh chương trình song bằng Việt Nam
Theo TS Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện Hà Nội có Trường THPT Chu Văn An và Trường Tiểu học Sài Đồng đang triển khai chương trình song bằng. Các em học sinh hiện nay tại các nhà trường học cả hai chương trình trên dưới 40 tiết/tuần. Phân phối chương trình hiện nay đang triển khai mỗi ngày học 7 tiết. Trường Chu Văn An đang dạy 42 tiết/tuần.
Khó khăn nhất khi dạy Cambrigde ở những trường học của Việt Nam hiện nay là về trang thiết bị cơ sở vật chất, đòi hỏi thí nghiệm nhiều, phương pháp học tiếp cận cũng khác cách học của Việt Nam hiện nay - Học sinh chủ động, tích cực hơn. Khi các em học THCS được tuyển vào lớp Cambridge năm học 2017 - 2018 được học 3 tháng để bổ trợ kiến thức, giúp các em nhìn ra một số khái niệm, một số thuật ngữ về ngôn ngữ. Do cách thức học, phương pháp học thay đổi nên một số học sinh cảm thấy khá căng thẳng những ngày đầu, sau đó các em dần quen và cảm thấy phù hợp. Hiện lớp học song bằng đầu tiên của Trường THPT Chu Văn An có 49 học sinh, 1 học sinh xin ra khỏi lớp với lý do em không có nhu cầu du học và cũng muốn tập trung học để thi trường ĐH trong nước.
Yêu cầu về giáo viên dạy chương trình song bằng rất cao: Có kinh nghiệm, có năng lực để dạy học sinh tiếp thu kiến thức nhanh nhất, hỗ trợ các em hiệu quả nhất. Công tác chủ nhiệm lớp được đặc biệt chú trọng, thường xuyên thông tin tới gia đình học sinh. Các giáo viên được tuyển chọn kỹ lưỡng, trải qua chương trình tập huấn của Cambridge để hiểu về chương trình và phương pháp giảng dạy tích cực trên lớp học.
"Chúng tôi rất ấn tượng về cách chương trình này được áp dụng tại Việt Nam một cách hiệu quả. Chất lượng học sinh học song bằng của Việt Nam rất tốt. Nếu so sánh với các trường học chương trình Cambridge trên thế giới, trình độ học sinh Việt Nam ngang bằng hoặc thậm chí là tốt hơn. Tôi cũng đã gặp gỡ một số học sinh tham gia học song bằng tại Việt Nam. Điều khiến tôi ấn tượng là các em rất chăm chỉ và luôn hướng tới mục tiêu một cách rõ ràng" - TS Ben Schmidt - Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Thái Bình dương Tổ chức Giáo dục Cambridge - hào hứng nhận xét về những kết quả thu được từ các lớp học song bằng đầu tiên tại Hà Nội.
Năm học 2018 - 2019, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ triển khai tiếp chương trình song bằng tại Trường THPT Amsterdam và 7 trường THCS. "Việc triển khai chương trình này sẽ rất thận trọng trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đảm bảo đúng yêu cầu của đối tác đặt ra" - lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh.
Tổ chức Giáo dục Quốc tế Cambridge cam kết có trách nhiệm đào tạo đội ngũ giáo viên tại địa phương để dạy chương trình Cambridge. Mục tiêu hướng đến là thành lập một trung tâm đào tạo giáo viên của Cambridge đặt ngay tại Việt Nam để có thể đào tạo ra những giáo viên của Việt Nam nhưng đạt chuẩn quốc tế của Cambridge.
Mỹ Linh
Theo giaoducthoidai.vn
Hậu Giang: 332 sản phẩm dự thi tự làm thiết bị dạy học và đồ dùng học tập Trong 2 ngày 3 và 4-5, Sở GD&ĐT Hậu Giang tổ chức Hội thi giáo viên, học sinh tự làm thiết bị dạy học và đồ dùng học tập cấp tỉnh năm học 2017-2018, tại Trường Tiểu học Him Lam, thành phố Vị Thanh. Có 332 sản phẩm, mô hình thiết bị dạy học và đồ dùng học tập tự làm của giáo...