Trao cơ hội để giáo viên thay đổi và sẵn sàng thay đổi
TS Nguyễn Ngọc Ân – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam – cho rằng: Trường học hạnh phúc là nơi học sinh, giáo viên muốn đến, thích đến, muốn cống hiến, được sáng tạo…
Tạo nên những trường học hạnh phúc không phải quá khó nhưng đòi hỏi từ cán bộ quản lý và giáo viên phải thay đổi, được trao cơ hội để thay đổi và sẵn sàng thay đổi.
Ảnh minh họa/ INT
Những giá trị cốt lõi
- Trường học hạnh phúc là mỗi học sinh đến trường phải hạnh phúc. Mỗi nhà trường, thầy cô giáo cần làm gì để mỗi ngày đến trường của học sinh thực sự là mỗi ngày vui, thưa ông?
- Học sinh được yêu thương và biết cách yêu thương đúng nghĩa; được an toàn và biết cách tạo sự an toàn cho người khác; hiểu và hiểu được người khác; được tôn trọng sự khác biệt và biết tôn trọng sự khác biệt của người khác; được ghi nhận giá trị bản thân và thấu hiệu được giá trị của những người xung quanh… đó là những việc mỗi thầy cô giáo nên làm và hướng dẫn học sinh cách làm.
Ngoài ra, không gian học tập sạch sẽ, thoáng mát, lớp học với những tiết học có nội dung gần gũi hấp dẫn; thầy cô với những mối quan tâm, chia sẻ, với các phương pháp dạy học lôi cuốn, vui vẻ; mối quan hệ bạn bè thân thiết, đoàn kết; lớp học với những hoạt động tập thể ấm áp, thân thiện… là những điều kiện để học sinh gắn bó, muốn đến trường, đến lớp. Chỉ có như thế thì trường học mới là cuộc sống – cuộc sống hạnh phúc của mỗi em học sinh.
- Cần làm gì để việc xây dựng trường học hạnh phúc thực sự đi vào cuộc sống giáo dục, không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào?
TS Nguyễn Ngọc Ân – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam
- Một xã hội tiến bộ và phát triển bền vững thì những cá nhân trong đó phải là những con người: Đồng cảm, khoan dung, có mối quan hệ tích cực, sáng tạo; những con người có khả năng, kỹ năng và sẵn sàng hợp tác; những con người biết “chung sống chung” một cách tốt đẹp… Đó là những giá trị chỉ có thể tạo dựng được ở những “trường học hạnh phúc”.
Hiểu đơn giản: Trường học hạnh phúc là nơi học sinh, giáo viên muốn đến, thích đến, muốn cống hiến, được sáng tạo… Tạo nên những trường học hạnh phúc không phải quá khó nhưng đỏi hỏi cán bộ quản lý và giáo viên phải thay đổi, được trao cơ hội để thay đổi và sẵn sàng thay đổi.
Video đang HOT
Tôi cũng muốn nhắc lại câu nói của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong lễ phát động xây dựng trường học hạnh phúc: “Thay bằng nguyền rủa bóng đêm thì hãy cùng nhau thắp lên một que diêm”.
Ảnh minh họa/ INT
Hỗ trợ một số trường khi triển khai
- Ngành Giáo dục đã có nhiều chương trình, hoạt động nhằm hướng đến một môi trường giáo dục hạnh phúc, vậy điểm khác biệt trong phát động xây dựng “trường học hạnh phúc” của Công đoàn Giáo dục Việt Nam là gì?
- Thời gian qua, các trường học đã và đang triển khai trường học thân thiện và một số mô hình khác nhằm xây dựng môi trường học tập an toàn, văn minh và tiến bộ. Công đoàn Giáo dục Việt Nam, với chức năng tham gia quản lý giáo dục và chăm lo, bảo vệ, chia sẻ khó khăn cho đội ngũ nhà giáo, người lao động trong ngành… Vì thế, việc hỗ trợ nhà giáo trong các nhà trường có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng và môi trường làm việc tiến bộ, hiệu quả là phương châm hành động của các cấp công đoàn trong ngành Giáo dục.
Điểm khác biệt là chúng tôi sẽ tác động trực tiếp tới giáo viên – thành tố quyết định sự thành công hay thất bại trong mỗi nhà trường để họ hiểu rõ trách nhiệm của mình; giúp họ có cách làm bằng các hướng dẫn cụ thể; chia sẻ, lan tỏa rộng rãi và khen thưởng kịp thời mỗi cá nhân, nhà trường khi họ tâm huyết và thực hiện thành công.
Ngoài ra, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng thay đổi cách truyền thông tới giáo viên bằng cách mời truyền thông cùng tham gia vào quá trình hướng dẫn chứ không chỉ thuần túy đưa tin. Cụ thể, chúng tôi phối hợp với VTV7 thực hiện các gala: “Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc” và tới đây là seri truyền hình thực tế: “Hiệu trưởng thay đổi vì trường học hạnh phúc”. Đặc biệt, chúng tôi cũng phối hợp VTV7 tổ chức cuộc thi: “Thầy cô trong mắt em” nhằm tạo cơ hội cho giáo viên thể hiện sự sáng tạo, lòng yêu nghề và ý thức nghề nghiệp trong các công việc thường ngày ở trường, ở lớp.
Với đặc thù của công đoàn, chúng tôi cũng nhận được sự hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ để triển khai trường học hạnh phúc một cách hiệu quả. Vừa qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Quỹ Hỗ trợ giáo dục phổ thông Việt Nam – theo đó: Quỹ sẽ hỗ trợ một số nhà trường khi bắt tay vào triển khai trường học hạnh phúc từ năm học 2019 – 2020.
- Xin cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Theo giaoducthoidai
Làm sao để học sinh háo hức với "giờ học hạnh phúc"?
Để hướng tới đích "Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc", nhiều giáo viên bắt đầu bằng những "giờ học hạnh phúc".
Theo đó, thầy, cô giáo đã thay đổi, lắng nghe học trò và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực để mang đến những tiết học hạnh phúc.
Giờ lên lớp của cô Nguyễn Thị Thanh Hoa. Ảnh: NVCC
Đổi mới, sáng tạo trong dạy học
Là một trong những giáo viên giỏi và vinh dự được nhận giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" năm 2019, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa - giáo viên Trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: Muốn đem lại hạnh phúc cho học sinh cần giảm áp lực, tạo hứng thú cho các em trong học tập. Đặc biệt, giáo viên cần tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ với trò.
Để hướng tới đích "Trường học hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc", cô Hoa đã bắt đầu bằng những "giờ học hạnh phúc". Theo đó, cô Hoa đã học hỏi để nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; sử dụng các phần mềm tin học để soạn bài giảng.
Những clip ngắn, đoạn phim hoạt hình với nhân vật quen thuộc đúng ý đồ của bài học được cô xây dựng. Cùng với đó, cô tổ chức cho học sinh sưu tầm thông tin, tham gia lồng tiếng các nhân vật yêu thích. Bằng cách làm này, các tiết học luôn trở nên vui vẻ, hạnh phúc, học sinh luôn háo hức chờ đón tiết học.
Ngoài ra, cô Hoa kết hợp với các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới, giúp học sinh có những tiết học thú vị, hiệu quả, nắm bắt và ghi nhớ nhanh kiến thức tại lớp. Cụ thể, cô sử dụng hiệu ứng trên phần mềm đồ họa và cài đặt vào PowerPoint khiến các môn học Địa lý, Lịch sử trở nên rõ ràng, dễ quan sát, dễ hiểu.
Tư liệu của các môn học được chọn lọc, cắt ghép và lồng tiếng thuyết minh rõ ràng, ngắn gọn dưới hình thức là một chuyến du lịch và hỏi đáp của các nhân vật hoạt hình. Học sinh vừa đọc sách giáo khoa, vừa xem clip và nghe thuyết minh nên nắm bắt thông tin rất nhanh.
Đối với học sinh tiếp thu chậm, ngoài việc "cầm tay chỉ việc", cô Hoa thiết kế phiếu bài tập riêng cho những học sinh này. Qua đó, giúp các em từng bước vươn lên trong học tập. Cô chia sẻ sẽ không ngừng học hỏi để tiếp tục đem đến cho học sinh những "giờ học hạnh phúc".
Đối với hoạt động nhóm, cô yêu cầu học sinh ghi lại kết quả thảo luận bằng nhiều hình thức khác nhau như: Sơ đồ tư duy, hình vẽ, tranh ảnh, viết ý, kết hợp với phần hỏi đáp, bổ sung giữa các nhóm học nên các em rất hào hứng và thỏa sức sáng tạo.
Bên cạnh những "giờ học hạnh phúc", cô Hoa luôn giáo dục học sinh về ý nghĩa của việc học, từ đó các em có động lực tích cực trong học tập. Cô đưa ra các hình thức thi đua trong lớp, giúp học sinh hào hứng trong mỗi giờ lên lớp.
Xây dựng Trường học hạnh phúc bắt đầu từ những giờ học hạnh phúc. Ảnh: Sỹ Điền
Chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực
Từng tham gia Chương trình "Thầy cô chúng ta đã thay đổi", cô Hà Thu Hiền - giáo viên môn Toán, Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: Ông cha ta có câu: "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi".
Đó là phương châm giáo dục theo truyền thống trong nhiều gia đình ở Việt Nam trước đây và cách giáo dục này được một bộ phận các thầy cô giáo áp dụng trong lớp học của mình. Dẫu biết rằng, các thầy cô đều xuất phát từ tâm nguyện muốn học trò của mình trở thành những con người tích cực.
Nhưng trong thời đại ngày nay, cách giáo dục truyền thống đó không mang lại hiệu quả cao, thậm chí đôi khi còn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua.
Cô Hiền đã biết cách chuyển hóa cảm xúc tiêu cực và học cách thay đổi bản thân, cho dù đó là hành trình chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng cô tin, từ những thay đổi nho nhỏ ban đầu, cô sẽ có đủ dũng cảm và kiên trì để tiếp tục hành trình này. Cô sẽ tiến gần hơn ước mơ của mình đó là, ước mơ tạo ra được những tiết học Toán hạnh phúc, mà ở đó tất cả học sinh đều thấy vui vẻ, yêu thích mỗi khi học môn Toán.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Lớp học hạnh phúc khi giáo viên có được cảm giác hạnh phúc. Học sinh hạnh phúc là đích đến của Lớp học hạnh phúc.
Vì thế trong quá trình giảng dạy và giáo dục học sinh, giáo viên bắt buộc phải duy trì được cảm xúc tích cực, biết cách chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực; đồng thời giáo viên phải có các kỹ năng cần thiết để thúc đẩy quá trình hợp tác tốt đẹp giữa người dạy và người học.
Bên cạnh đó, giáo viên phải biết sử dụng công cụ giáo dục. Đó là các biện pháp kỷ luật tích cực. "Tuy nhiên, kỷ luật phải được hiểu là quá trình tạo dựng môi trường lớp học thân thiện và hạn chế sử dụng kỷ luật như một động từ để trách phạt hoặc giải quyết hành động tức thì" - ông Nguyễn Ngọc Ân nhấn mạnh.
Có quá nhiều thứ hấp dẫn, thu hút học sinh hơn các bài giảng đơn điệu của thầy cô trên lớp; đặc biệt các trang dạy học trực tuyến đang dần chiếm ưu thế. Mặt khác, trải nghiệm thực tế của học sinh còn hạn chế, một số phần kiến thức còn trừu tượng, khó hiểu đối với các em... Vì thế nếu giáo viên không cập nhật, tự bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên và không đổi mới, sáng tạo trong dạy học sẽ bị tụt hậu. - Cô Nguyễn Thị Thanh Hoa
Hải Minh
Theo giaoducthoidai
Cán bộ, giáo viên đồng lòng, đổi mới giáo dục sẽ thành công Các cơ sở giáo dục đã và đang chủ động đón đầu Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng tích cực đổi mới phương pháp dạy học và quản trị hoạt động dạy học. Kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, khi cán bộ quản lý, giáo viên đồng lòng, đổi...