Tranh luận học thuật: Đội tù nhân đánh bại Đại học Harvard
Các tù nhân tham gia một sáng kiến của Đại học Bard đã đánh bại một đội của các sinh viên Đại học Harvard danh giá trong cuộc tranh luận học thuật.
Một lớp học cho tù nhân của chương trình Bard. Ảnh: todayscatholicnews.org
Vài tháng sau khi giành chức vô địch Mỹ trong những cuộc tranh luận học thuật, đội của Đại học Harvard đã thua trước đội các tù nhân New York.
Cuộc đọ sức diễn ra ở Trung tâm cải tạo đông New York, một nhà tù an ninh tối đa mà các tù nhân có thể theo học các khóa do Đại học Bard mở ở đây. Họ cũng đã lập một đội tranh luận có tiếng. Tháng trước, họ thách đấu đội Harvard, vốn là đương kim vô địch quốc gia, trong một trận giao hữu.
Toàn bộ ban giám khảo 3 người đều chấm điểm cho đội Bard thắng.
“Tranh luận giúp các sinh viên nắm rõ những lập luận mà họ không nhất thiết phải đồng tình”, Max Kenner, sáng lập viên và giám đốc điều hành của dự án giáo dục tù nhân của Bard, nói với báo Anh The Guardian. “Nó cũng thúc đẩy người tham gia không chỉ hùng biện hơn, mà còn biết thông cảm hơn, đó là lý do chúng tôi tổ chức cuộc tranh luận này”.
Chủ đề của cuộc tranh luận là các trường công nên được phép từ chối đơn xin nhập học của các học sinh không có đủ hồ sơ học bạ, và đội Đại học Bard được giao bảo vệ lập luận phản đối điều đó.
Video đang HOT
Đội Bard (trái) đã đánh bại đội Harvard trong cuộc tranh luận. Ảnh: thefreethoughtproject.com
Một trong 3 giám khảo, Mary Nugent, nói trên báo Mỹ The Wall Street Journalrằng đội Bard đã đưa ra những bằng chứng và lập luận thuyết phục hơn, trong khi đội Harvard không cân nhắc hết các khía cạnh của vấn đề.
Trên trang Facebook của họ, đội Harvard thừa nhận thất bại và chúc mừng đối thủ. “Ít có đội nào mà chúng tôi thấy tự hào khi để thua trong một tranh luận so với đội tranh luận rất thông minh và hùng biện mà chúng tôi phải đối mặt tuần trước, và chúng tôi hết sức cám ơn trường Bard và Trung tâm cải tạo đông New York đã tổ chức sự kiện này”, tin nhắn trên Facebook viết.
Đây không phải chiến thắng vang dội đầu tiên của đội tù nhân. Trước đó, họ từng đánh bại đội của học viện quân sự quốc gia Mỹ West Point và đội Đại học Vermont, đều là những trường lừng lẫy. Họ thua trong trận “lượt về” với West Point hồi tháng 4 và giờ là hai đội kình địch nổi tiếng. Các cuộc tranh luận đội tù nhân – đại học Bard và West Point giờ sẽ trở thành sự kiện thường niên, với cuộc đối đầu tiếp theo là vào mùa xuân sang năm.
Kenner nói sáng kiến của Bard đã được mở rộng ra 6 trại giam khác ở New York từ năm 2001 tới nay với mục tiêu giúp các tù nhân lấy bằng khoa học xã hội khi họ ở tù, giúp cho quá trình hòa nhập với xã hội sau này.
“Chúng tôi không có mục đích trình diễn hay cải thiện hệ thống tư pháp hình sự”, Kenner nói. “Chỉ là muốn giúp các tù nhân hòa nhập tốt hơn, nhất là cho những ai sẵn lòng làm việc chăm chỉ không kém gì các sinh viên đại học”.
Trong số những tù nhân tham gia chương trình của Bard sau đó có bằng cấp, không tới 2% trở lại nhà tù trong vòng 3 năm sau khi mãn án. Tỷ lệ này là cực thấp so với tỷ lệ trung bình 40% của các tù nhân thông thường.
Đội Bard (phải) và đội của Học viện West Point là kỳ phùng địch thủ – Ảnh: Bard.org.
Chương trình của Bard do các nhà tài trợ tư nhân bỏ tiền, mở hơn 60 lớp mỗi học kỳ ở các trại tù từ an ninh trung bình tới anninh tối đa ở bang New York. Tù nhân với bằng cấp 3 hay tương đương có thể nộp đơn xin học, trải qua thủ tục thông thường gồm bài luận và phỏng vấn. Tỷ lệ chọi là rất cao, khoảng 10 tù nhân nộp đơn thì chỉ một người được nhận.
Carlos Polanco, một sinh viên 31 tuổi của Bard ở khu Queens và là thành viên của đội tranh luận vừa đánh bại đội Harvard, nói: “Chúng tôi rất biết ơn vì cơ hội này, chúng tôi tin tưởng ở bản thân hơn”.
Giải thích về kết quả rất thú vị của cuộc tranh luận, báo Mỹ The Washington Post viết: “Tưởng như đó là chuyện cổ tích thần kỳ, nhưng thực ra, cuộc đấu không phải là không cân sức như nhiều người vẫn nghĩ”.
Tờ báo giải thích rằng việc giả định ngay từ đầu rằng tù nhân là những người không thông minh là sai. Không hề có mối liên hệ nào giữa IQ của một người và khả năng phạm tội và bị bắt giam của người đó.
Đội Bard, dù ngồi tù, đã ra một album nhạc của riêng họ, viết sách, điều hành một doanh nghiệp cho tù nhân rất phát đạt và là những bậc thầy của nghệ thuật thiền định kiểu Ấn Độ Vipassana.
Vụ vượt ngục táo tợn, tinh vi và cực kỳ thông minh ở Trại cải tạo Clinton, Dannemora, New York hồi đầu năm nay cũng cho thấy tù nhân không chỉ thông minh, mà còn có thể biết cách ứng dụng dễ dàng những hiểu biết của họ vào đời sống thực. Họ cũng kiên nhẫn và tỉ mỉ hơn so với những người đang sống tự do bên ngoài.
Richard Matt, cầm đầu nhóm vượt ngục, đã đàu được một đường hầm thông qua học lóm các kỹ năng xây dựng và thi công công trình từ một cuốn sách hướng dẫn trong tù.
Trở lại với cuộc tranh luận, để chuẩn bị, các tù nhân của đội Bard cũng đã phải thu thập kiến thức theo cách cổ truyền: không tiếp cận internet, theo WSJ. Năm 2015 này, bạn có thể thắng được cuộc đua nào nếu không thể nối mạng?
Khó khăn hơn, những yêu cầu sách vở và báo chí của họ phải được ban giám đốc nhà tù thông qua và các thủ tục có thể vài tuần. Nhưng điều đó vô tình lại thuận lợi cho họ. Họ phải cân nhắc rất kỹ và tìm ra một chiến thuật hợp lý nhất, trong khi đội Harvard có thể bị chìm ngập trong bể thông tin và tranh cãi.
Trong cuộc tranh luận, cũng phải thấy rằng các tù nhân có vốn sống xã hội vượt xa các sinh viên đại học, không chỉ về tuổi đời, mà cả về trải nghiệm và khả năng thuyết phục người khác. “Nếu chúng tôi thắng, nhiều người sẽ phải tự hỏi chuyện gì đang xảy ra”, Alex Hall, tù nhân 31 tuổi bị kết án giết người, nói với WSJ. “Chúng tôi có thể không có tài năng bẩm sinh, nhưng làm việc rất chăm chỉ”.
“Họ đã khiến chúng tôi trở tay không kịp”, Anais Carell, sinh viên năm nhất 20 tuổi quê ở Chicago thuộc đội Harvard, nói với WSJ.
Kenner tất nhiên là rất tự hào. Ông khoe một số học trò trong chương trình của mình sau đó được nhận vào các trường Ivy League như Yale và Columbia. “Các tù nhân tận dụng tối đa và nâng niu từng cơ hội mà họ có”, ông nói. Trong lớp học, họ không hề xử sự như những tội phạm hình sự. “Học sinh trong nhà tù còn nghiêm túc hơn ở ngoài, chăm chỉ và sinh động hơn”, Kenner nói với AP. “Họ cực kỳ nghiêm túc, vì họ biết cơ hội chỉ đến một lần”.
Theo Zing