Tranh cãi về đỉnh Covid-19 ở Mỹ
Nhiều chuyên gia y tế Mỹ cho rằng đợt bùng phát Covid-19 ở nhiều bang đã chạm đỉnh, nhưng một số khác tin điều tồi tệ nhất còn chưa tới.
Số ca nhiễm mới giảm dần ở Florida và Arizona có thể là dấu hiệu cho thấy Covid-19 đã chạm đỉnh ở một số điểm nóng nghiêm trọng nhất của Mỹ, lặp lại mô hình dịch bệnh hồi đầu tháng 6. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cộng đồng hôm 23/7 cảnh báo nCoV vẫn ngoài tầm kiểm soát.
Mỹ ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên hôm 21/1. Chỉ 98 ngày sau, số ca nhiễm ở nước này đã chạm mốc một triệu. Tuy nhiên, con số này chỉ mất 16 ngày để tăng từ ba triệu lên 4 triệu. Tốc độ tăng ca nhiễm trung bình ở Mỹ hiện là 2.600 trường hợp/giờ, mức cao nhất thế giới, theo thống kê của Reuters.
Một phân tích mới về Covid-19 từ các chuyên gia y tế cho thấy các đợt bùng phát ở Mỹ đang có xu hướng dịch chuyển về phía bắc và vùng bờ biển, khi một loạt điểm nóng bắt đầu “nguội dần”, những điểm nóng mới lại xuất hiện. Thay vì làm phẳng đường cong dịch, Covid-19 ở Mỹ có thể đạt đỉnh với mức độ không thể khống chế hoặc liên tục tăng giảm vượt tầm kiểm soát.
“Đây là bức tranh Covid-19 ở các bang kiểm soát dịch không tốt”, Marta Wosinska, phó giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Duke-Margolis, ở Washington, thành viên nhóm phân tích, cho hay.
Tổng thống Donald Trump tại buổi họp báo Covid-19 ở Nhà Trắng, hôm 23/7. Ảnh: AP.
Một tháng trước, Tổng thống Donald Trump vẫn khăng khăng cho rằng Covid-19 đang “dần biến mất” ở Mỹ, nhưng giờ ông thừa nhận đây là dịch bệnh “quái ác và nguy hiểm”. Trump hôm 21/7 cam kết theo đuổi “chiến lược mạnh mẽ” để kiểm soát nCoV và đảm bảo phân phối nhanh đợt vaccine đầu tiên được sản xuất.
Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo về làn sóng ca nhiễm gia tăng ở nhiều bang. “Một số khu vực của đất nước đang chống dịch rất tốt, nhưng những nơi khác thì kém hơn. Có lẽ tình hình sẽ tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn”, Trump nói, đồng thời kêu gọi người trẻ Mỹ tránh đến những quán bar đông đúc, nơi nCoV dễ dàng lây lan.
Tuy nhiên, Trump vẫn cho rằng dịch chỉ bùng phát ở một số khu vực phía nam và tây nam, đồng thời bày tỏ thái độ lạc quan về đại dịch trong buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm 22/7.
“Ánh sáng đã bắt đầu xuất hiện”, Trump nói và chia sẻ về thỏa thuận trị giá gần hai tỷ USD với Pfizer nhằm cung cấp 100 triệu liều vaccine, hiện đang được công ty này phát triển.
Một số người khác như Thomas Lee, đối tác quản lý tại Fundstrat Global Advisors, công ty nghiên cứu độc lập ở New York, cũng lạc quan cho rằng số ca nhiễm mới ở Mỹ sẽ chỉ tăng trong 4 tuần nữa, đồng thời tỷ lệ nhập viện và tử vong hàng ngày có thể giảm dần. Lee cho rằng điều này cho phép Mỹ quay lại với các kế hoạch hồi đầu tháng 6, thời điểm Covid-19 có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, Tucker Doherty, biên tập viên của Politico cho rằng kịch bản hồi tháng 6 khác xa những gì Mỹ đang đối mặt hiện nay. Mỹ tháng này đã ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày gấp khoảng ba lần so với tháng 6, trong khi số ca nhập viện trên toàn quốc lên gần 60.000, tương đương khi dịch đạt đỉnh hồi tháng 4 với tâm dịch ở New York và một số trung tâm đô thị khác. Sau nhiều tuần chứng kiến ca nhiễm giảm, Mỹ tuần này đã ghi nhận lại hơn 1.000 ca tử vong mỗi ngày.
Morgan Stanley, ngân hàng đầu tư đa quốc gia tại New York, tuần này cũng cập nhật các mô hình Covid-19 và dự đoán số ca nhiễm nCoV ở Mỹ sẽ tăng lên ít nhất 6,5 triệu người. Công ty này cho rằng Covid-19 chỉ được kiểm soát ở 5 bang, trong khi 25 bang khác ghi nhận mức tăng kỷ lục mới.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Brett Giroir, trợ lý Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) hôm 23/7 chia sẻ các tín hiệu lạc quan. Ông cho biết tỷ lệ dương tính khi làm xét nghiệm nCoV, điều mà ông xem “chỉ số hàng đầu” về đại dịch”, đã bắt đầu giảm xuống từ tuần trước và hiện đang giảm trên khắp nước Mỹ.
“Chúng tôi đang thấy tỷ lệ nhiễm trung bình trong 7 ngày đang giảm xuống. Theo đó, chúng tôi dự đoán tỷ lệ nhập viện cũng sẽ bắt đầu giảm trong tuần tới hoặc sau đó. Tiếp theo, tỷ lệ tử vong cũng sẽ giảm trong hai, ba tuần tới. Điều này không có nghĩa là chúng tôi dự đoán dịch đã qua. Do đó, không ai được phép mất cảnh giác”, Giroir nói.
Dù Covid-19 ở Arizona, Texas và Florida đang có chuyển biến tích cực, tình hình ở một số bang khác như Idaho và Alabama vẫn rất ảm đạm.
22 bang đang đối mặt với làn sóng lây lan “không thể kiểm soát”, theo phân tích mới của Covid Exit Strategy, nhóm do các chuyên gia khủng hoảng và y tế cộng đồng thành lập. 15 bang khác đang chứng kiến xu hướng tăng ca nhiễm và tử vong, giảm khả năng tiếp nhận của bệnh viện.
Các chuyên gia y tế cộng đồng nói rằng nguyên nhân tiếp tục nằm ở việc thiếu chiến lược phối hợp giữa xét nghiệm, theo dõi lịch sử tiếp xúc và thông tin từ chính quyền.
Nhiều bang không có đủ nhân viên theo dõi lịch sử tiếp xúc, những người chịu trách nhiệm phát hiện các ca nghi nhiễm và thuyết phục họ cách ly. Công việc của họ gặp nhiều thách thức do việc xét nghiệm chậm trễ ở một số nơi, khi có thể mất tới hơn một tuần để có kết quả. Nếu những biện pháp y tế cộng đồng này không được thực hiện, Mỹ sẽ khó có thể làm phẳng đường cong dịch.
“Nhận kết quả xét nghiệm kịp thời là điều rất quan trọng đối với chiến lược kiểm soát dịch, dựa trên cách ly nhanh và truy vết lịch sử tiếp xúc”, Cyrus Shahpar, cựu nhà dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngựa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nói. “Chiến lược sẽ cần phải thay đổi nếu không có kết quả xét nghiệm kịp thời”.
Nhân viên y tế Mỹ tại một trạm xét nghiệm nCov lưu động ở Miami Beach, bang Florida, hôm 17/7. Ảnh: AP.
Số ca tử vong ở Mỹ đạt đỉnh hồi tháng 4 với trung bình 2.000 người/ngày, sau đó giảm dần còn trung bình 1.300 người/ngày vào tháng 5 và dưới 800 người/ngày trong tháng 6. Tuy nhiên, sau khi nhiều bang tái mở cửa mà không đảm bảo được quy định phòng dịch, số người chết trong hai tuần qua đã tăng trở lại ở 21 bang, trong đó có Arizona, Florida và Texas.
Các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo các bang không nên dỡ các biện pháp cách biệt cộng đồng quá nhanh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khác. Nhiều chuyên gia y tế, bao gồm một số người thuộc chính quyền Trump, nói rằng quyết định mở cửa nhanh của nhiều bang đã châm ngòi cho các đợt bùng phát gần đây, khiến họ buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế cứng rắn hơn. Giới chuyên gia cho rằng các bang phải mất nhiều tuần để có thể làm phẳng đường cong của dịch.
“Arizona, Florida và Texas sẽ phải đương đầu với dịch bệnh tỏng ít nhất 4 đến 6 tuần nữa, hoặc thậm chí là 8 tuần nếu bạn nhìn vào những gì thành phố New York từng trải qua”, Shahpar nói thêm.
New York bắt đầu bước dỡ bỏ các biện pháp giới hạn vì Covid-19 từ ngày 8/6 và đang chuyển sang giai đoạn mở cửa thứ 4, cũng là cuối cùng, trong tuần này. Tuy nhiên, thành phố này đã có cách tiếp cận rất thận trọng, khi trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh trong nhà để tránh bùng phát các ổ dịch mới như nhiều nơi khác ở Mỹ.
Nhiều chuyên gia lạc quan rằng việc Trump thừa nhận tác dụng của khẩu trang hồi tuần này, sau nhiều tháng phản đối, có thể giúp tình hình được cải thiện hơn.
“Dù hơi muộn, việc Tổng thống nói rằng đeo khẩu trang là hành động quan trọng và yêu nước vẫn được xem là thay đổi hết sức quan trọng”, Andrew Schwab, người phụ trách về chính sách của United States of Care, tổ chức phi chính phủ về chăm sóc sức khỏe cho người dân Mỹ, nhận định.
Trump đối đầu cố vấn y tế giữa Covid-19
Khi Covid-19 bùng phát trở lại, Trump không còn che giấu những bất đồng giữa ông với đội ngũ cố vấn, chuyên gia y tế hàng đầu của Nhà Trắng.
5 tháng kể từ khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump và các chuyên gia y tế làm việc cho chính quyền của ông đã chuyển từ những bất đồng âm thầm sau hậu trường sang tranh cãi công khai về dịch bệnh.
Kết quả là các chuyên gia y tế Mỹ không khỏi cảm thấy mất tinh thần khi họ vừa phải nỗ lực chống lại cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng nhất thế hệ, vừa phải đối phó với những ý tưởng bất chợt của Tổng thống, người ít quan tâm hay thực sự thấu hiểu công việc họ đang làm.
Cố vấn y tế Anthony Fauci (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 13/4. Ảnh: AFP.
Việc Trump không tin hay nghe theo lời khuyên từ những người có chuyên môn như tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu nước Mỹ về bệnh truyền nhiễm, không phải điều mới lạ.
Trump đã không còn tham dự các phiên họp của nhóm chuyên trách chống Covid-19 trong vài tháng qua. Các cuộc họp của nhóm gần đây diễn ra với tần suất thưa hơn và được tổ chức bên ngoài Nhà Trắng.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Trump còn tin tưởng tiến sĩ Fauci không, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany hôm qua chỉ trả lời rằng Trump "tin tưởng vào những kết luận mà đội ngũ chuyên gia y tế của chúng ta đưa ra".
Tuy nhiên, Trump đã không ít lần phàn nàn với các cố vấn trong các cuộc họp về việc mỗi lần xuất hiện trên truyền hình, tiến sĩ Fauci đều đưa ra thông điệp mâu thuẫn với những gì ông truyền đạt. Hồi tháng ba, Trump đã giận dữ khi Fauci dự đoán về diễn biến dịch bệnh kém lạc quan hơn so với ông, song Tổng thống Mỹ vẫn tránh công khai thể hiện sự phật ý với cố vấn y tế hàng đầu Nhà Trắng.
Trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV tăng trở lại và cách Trump phản ứng với dịch bệnh đang làm lu mờ triển vọng tái đắc cử của ông, Tổng thống Mỹ đã đưa những bất đồng giữa ông với tiến sĩ Fauci và cả Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) lên một cấp độ mới, công khai hơn, trực diện hơn.
Bước phát triển này thực sự gây thất vọng với những người đang mong chờ rằng chính quyền liên bang sẽ phối hợp ăn ý, chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Thay vào đó, Trump đang phát đi tín hiệu rằng sau nhiều tháng tranh cãi nội bộ và chỉ khiển trách riêng với các quan chức hay cơ quan được giao nhiệm vụ chống Covid-19, ông giờ đây sẵn sàng công khai chất vấn và bỏ qua những lời khuyên từ họ.
"Tôi không đồng tình với ông ấy", Trump hôm 7/7 trả lời khi được hỏi về bình luận của Fauci rằng Mỹ vẫn "chìm trong đợt sóng đầu tiên" của Covid-19. Tổng thống Mỹ cho biết ngay từ đầu, ông nên bỏ ngoài tai ý kiến từ các chuyên gia và chỉ tin vào bản năng, trực giác của mình.
"Tiến sĩ Fauci ban đầu nói không nên đeo khẩu trang và giờ lại bảo nên đeo", Trump trả lời phỏng vấn kênh Gray Television. "Ông ấy còn nói vô số thứ khác. Đừng đóng cửa với Trung Quốc. Đừng cấm Trung Quốc. Dù sao thì tôi vẫn làm điều đó. Tôi không nghe theo lời các chuyên gia của mình mà vẫn cấm đi lại từ Trung Quốc. Chúng ta đáng lẽ sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ hơn nhiều. Bạn sẽ không thể tin được có bao nhiêu người chết nếu chúng ta không ban lệnh cấm".
Tuy nhiên, những chỉ trích của Trump đối với Fauci không hoàn toàn chính xác. Tiến sĩ này đưa ra lời khuyên không đeo khẩu trang vào lúc cả nước đang thiếu vật tư y tế nghiêm trọng và thực tế, Fauci đã công khai ủng hộ lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ Trung Quốc vào thời điểm nó vừa được công bố.
Những chỉ trích Trump nhằm vào Fauci phản ánh niềm tin của Tổng thống Mỹ rằng các chuyên gia y tế mà ông tập hợp ở giai đoạn dịch mới bùng phát đã khiến ông có những bước đi sai lầm. Đây cũng là quan điểm được thúc đẩy bởi một số hãng truyền thông bảo thủ.
Một ngày sau khi chỉ trích Fauci, Trump cáo buộc CDC đã đưa ra "những hướng dẫn rất đắt đỏ và khó khăn về việc mở cửa trường học", khẳng định ông không đồng tình với những đề xuất từ cơ quan phòng chống dịch này.
"Muốn tiến hành mở cửa nhưng họ lại yêu cầu trường học làm những điều rất phi thực tế", Trump viết trên Twitter. "Tôi chắc chắn sẽ gặp họ!!!".
Vài giờ sau, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cho hay CDC sẽ ra hướng dẫn mới vào tuần tới về việc tái mở cửa trường học và thêm rằng CDC không nên được nhìn nhận như rào cản ngăn trẻ em quay lại lớp học.
Trong giai đoạn đầu khủng hoảng Covid-19, những bất đồng giữa Trump với các quan chức y tế như Fauci không được thể hiện rõ ràng. Sau khi Fauci công khai thể hiện quan điểm trái ngược với Trump trong các vấn đề như sử dụng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine để chữa Covid-19 hay thời gian phát triển thành công vaccine, Trump vẫn kiềm chế thể hiện nỗi giận dữ, khẳng định ông tôn trọng các chuyên gia y tế và vẫn nghe theo lời khuyên từ họ.
Khi Fauci và tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên phản ứng với Covid-19 của Nhà Trắng, hồi đầu tháng 4 khuyên Trump tiếp tục duy trì các biện pháp phong tỏa, ông chấp nhận. Nhưng đây có lẽ là đỉnh điểm sức chịu đựng của ông.
Từ đó đến nay, Trump liên tục xem nhẹ những khuyến nghị từ các chuyên gia và đưa ra những thông tin mâu thuẫn về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh cũng như dự đoán cho những tháng sắp tới.
Rạn nứt giữa Nhà Trắng với CDC không chỉ giới hạn ở Tổng thống Trump. Một số quan chức Cánh Tây đã cáo buộc CDC phá hỏng những nỗ lực ban đầu của chính phủ nhằm tăng cường năng lực xét nghiệm nCoV. Số khác hoài nghi về dữ liệu họ nhận được từ CDC và cả tiến sĩ Birx, cho rằng chúng không đầy đủ hoặc bị trì hoãn.
Tuần qua, trong lúc chính quyền cố gắng hết sức thúc đẩy việc mở cửa trở lại trường học, CDC công bố một số hướng dẫn giữ an toàn cho học sinh, sinh viên, bao gồm sắp xếp lại các lớp học nhằm duy trì cách biệt cộng đồng và nâng cấp hệ thống thông gió. Dù vậy, giám đốc CDC Robert Redfield nhấn mạnh hướng dẫn của họ không nên bị coi là rào cản đối với việc mở cửa trường học.
Trong một cuộc họp bàn tròn về mở cửa trường học và hàng loạt dòng tweet sau đó, Trump đã gọi việc mở cửa trường học là vấn đề chính trị, đồng thời cho biết sẽ thuyết phục các thống đốc cho phép học sinh, sinh viên quay lại lớp học.
Sau sự kiện trên, một số lãnh đạo CDC lên tiếng bày tỏ thất vọng rằng việc mở cửa trở lại trường học đã bị chính trị hóa. "Chúng tôi thực sự đã dành thời gian nghiên cứu và đưa ra khuyến nghị dựa trên khoa học. Nhưng vì Tổng thống đã biến việc mở cửa thành vấn đề chính trị nên chúng có lẽ sẽ không được thực hiện", một quan chức cấp cao CDC nói.
Mỹ đề nghị gửi chuyên gia hỗ trợ chống virus, Trung Quốc vẫn phớt lờ Hơn 1 tháng sau đề nghị gửi chuyên gia đến Trung Quốc giúp đỡ, lời đề nghị của Mỹ vẫn chưa được Bắc Kinh chấp thuận. Trung Quốc vẫn chưa mời các chuyên gia y tế Mỹ giúp đỡ trong cuộc chiến chống virus corona mới mặc dù Mỹ đã đưa ra lời đề nghị hơn một tháng trước, CNN dẫn lời Bộ...