Tranh cãi bùng nổ sau vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Iraq
Ngoại trưởng Mike Pompeo khởi đầu năm 2020 khó khăn khi chỉ sau 1 ngày của năm mới, ông đã buộc phải hoãn chuyến đi tới Kyiv, Ukraine trong tuần này để giải quyết cuộc khủng hoảng mới ở Iraq sau vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ, buộc cơ sở này phải đình chỉ các hoạt động lãnh sự.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad cũng vẫn chưa hoạt động trở lại sau tuyên bố đình chỉ tất cả các hoạt động lãnh sự công khai.
Người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq vào ngày 1-1- 2020. Ảnh: AP
Vì sao Ngoại trưởng Mỹ hoãn thăm Ukraine?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus tuyên bố, chuyến thăm bị hoãn lại “do yêu cầu Bộ trưởng phải có mặt ở Washington, DC để tiếp tục giám sát diễn biến ở Iraq và đảm bảo sự an toàn và an ninh của các công dân Mỹ ở Trung Đông”.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn và những người ủng hộ các lực lượng này chiếm giữ vòng ngoài tòa đại sứ Mỹ, phóng hỏa, ném đá và phá hoại các camera giám sát. Hàng trăm người biểu tình vây quanh Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad hôm 31-12-2019, sau vụ không kích đẫm máu của Washington vào 5 cứ điểm của lực lượng Kataeb Hezbollah – một nhóm dân quân thuộc lực lượng quân sự Hashd al-Shaabi của Iraq, còn gọi là Các lực lượng Động viên nhân dân Iraq (PMF) – ở Iraq và Syria, làm 25 tay súng của nhóm bán quân sự thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương nguy kịch. Cuộc tấn công và hậu quả của nó đã khiến Lầu Năm Góc điều hàng trăm binh sĩ đến Trung Đông và Ngoại trưởng Mike Pompeo hoãn chuyến đi Châu Âu và Trung Á.
Hiện những phiến quân được cho là do Iran hậu thuẫn rút khỏi khu vực Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Trong khi đó, người biểu tình ủng hộ Iran cũng chấm dứt cuộc biểu tình ngồi tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad của Iraq sau lời kêu gọi rút lui của PMF. Dòng người biểu tình lũ lượt rời khỏi Vùng Xanh được tăng cường an ninh, cũng là nơi có trụ sở Đại sứ quán Mỹ, dễ dàng như cách họ tới đây hôm 31-12. Nhiều xe tải cũng tới khu vực trên, mang đi lều trại và chướng ngại vật tạm thời được sử dụng trong cuộc biểu tình ngồi này.
Iran đứng sau?
Những động thái này đánh dấu kết thúc một cuộc khủng hoảng kéo dài 2 ngày được đánh dấu bằng vụ tấn công nhằm vào cơ quan ngoại giao lớn nhất của Mỹ và được củng cố nghiêm ngặt nhất trên thế giới – Vùng Xanh. Nhưng căng thẳng Mỹ-Iran vẫn ở mức cao và có thể bùng nổ bạo lực bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, trong tuyên bố hôm 2-1, Tehran nhấn mạnh không sợ bất kỳ cuộc xung đột nào với Mỹ. Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran đưa tin: Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tướng Hossein Salami ngày 2-1 tuyên bố, Tehran không hướng tới một cuộc chiến tranh nhưng không e sợ bất kỳ cuộc xung đột nào. “Chúng tôi không đưa đất nước tới chiến tranh, nhưng chúng tôi không sợ bất kỳ cuộc chiến nào và chúng tôi yêu cầu Mỹ nói chuyện đúng sự thật về quốc gia Iran. Chúng tôi có sức mạnh để phá vỡ các cuộc chiến đó và không hề cảm thấy lo lắng”, ông khẳng định.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc Iran đứng sau các cuộc biểu tình chống Mỹ ở Iraq và nói rằng, Tehran phải chịu trách nhiệm. Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz ngày 2-1 cũng chỉ trích vụ mà ông miêu tả là “vụ tấn công” của những người biểu tình Iraq vào Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad, cáo buộc Iran hỗ trợ các cuộc biểu tình này. Tehran kiên quyết bác bỏ những cáo buộc này. Bộ Ngoại giao Iran đã triệu một quan chức thuộc Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran, phái bộ đại diện cho các lợi ích của Mỹ ở Iran, để phản đối sự “hiếu chiến” của Washington tại nước láng giềng Iraq.
KHẢ ANH
Theo cadn.com.vn
Nỗi đau Iraq: Hậu quả Washington đặt ngược dây cháy chậm
Đại sứ quán Mỹ ở Iraq bị đốt trong bối cảnh Baghdad lên án Washington vi phạm chủ quyền quốc gia đã chứng minh việc đặt ngược dây cháy chậm.
Video đang HOT
Đại sứ quán Mỹ bị đốt, sau khi Washington vi phạm chủ quyền của Iraq
Ngày 1/1/2020, phát biểu với bào giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo đã hoãn chuyến thăm Ukraine và các nước trong không gian hậu Xô Viết khác, để tập trung vào tình hình ở Iraq.
"Ông Pompeo đã quyết định hoãn chuyến thăm tới Ukraine, Belarus, Kazakhstan, Uzbekistan và Cyprus do phải ở lại Washington để tiếp tục theo dõi tình hình Iraq và đảm bảo an toàn, an ninh của người Mỹ ở Trung Đông", Reuters tường thuật.
Trước đó, trong ngày 31/12/2019 - ngày cuối cùng của năm 2019, hàng nghìn người biểu tình đã vây kín Đại sứ quán Mỹ ở Vùng Xanh. Những người quá khích đã lao ô tô tới phá cổng, tràn vào bên trong sứ quán, đốt phá các khu vực.
Phòng tiếp tân, kiểm tra an ninh của Đại sứ quán Mỹ ở Iraq bị thiêu rụi
Loạt hình ảnh từ hiện trường Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad cho thấy khu vực kiểm tra an ninh của cơ quan đại diện ngoại giao nhà nước Mỹ ở Iraq cùng nhiều hạng mục khác đã bị thiêu rụi.
Trước tình hình bất ổn ở Iraq, những ngày qua Mỹ đã triển khai hàng trăm quân nhân tới đẩy lùi người biểu tình, trong đó gồm 100 lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng phản ứng nhanh của Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ đóng tại Kuwait.
Các vụ biểu tình chống Mỹ nổ ra sau khi it nhất 25 binh sĩ thuộc lực lượng dân quân Kata'ib Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Iraq bị thiệt mạng và 50 người khác bị thương trong một đợt không kích bất ngờ do quân đội Mỹ tiến hành đêm 29/12/2019.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman lý giải hành động là để trả đũa việc Kata'ib Hezbollah nã tên lửa vào căn cứ quân sự của Iraq, khiến một lính Mỹ thiệt mạng, vài người khác bị thương.
Kata'ib Hezbollah là nhóm dân quân Hồi giáo dòng Shiite được Iran huấn luyện và hỗ trợ đắc lực quân đội Iraq chiến đấu chống khủng bố IS. Đáng nói là nhóm cũng được chính quyền Baghdad công nhận.
Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi mô tả hành vi của Mỹ là tàn độc, vi phạm chủ quyền của Iraq nên không thể chấp nhận được. Baghdad cáo buộc vụ không kích đã cho thấy Mỹ luôn hành động theo mục đích riêng, không vì lợi ích của người Iraq.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thì cáo buộc Iran xúi giục bạo lực tại Đại sứ quán Mỹ và Tehran sẽ phải chịu trách nhiệm. Iran triệu đặc phái viên Thụy Sĩ, người đại diện cho lợi ích của Mỹ tại Tehran, để lên án "ngôn từ hiếu chiến" từ Washington.
Việc Đại sứ quán Mỹ bị đốt trong bối cảnh đất nước Iraq thời hậu Saddam rơi vào vòng xoáy bất ổn và hỗn loạn, khiến dư luận nhớ lại thảm hoạ ngoại giao của Mỹ xảy ra tại Libya 7 năm về trước.
Đó là ngày 11/12/2012, Đại sứ quán Mỹ ở Benghazi bị tấn công bởi các chiến binh Hồi giáo cực đoan và giết chết Đại sứ Ohn Christopher Stevens. Khi đó Libya cũng hỗn loạn và Washington cũng bế tắc trước câu hỏi : Ai đang kiểm soát Libya?
Hậu quả của việc Washington đặt ngược dây cháy chậm
Kể từ khi Mỹ tấn công, lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein năm 2003 cho đến nay, đất nước Iraq chưa bao giờ ổn định. Sự bất ổn triền miên diễn ra trong cả đời sống xã hội lẫn đời sống chính trị Iraq.
Sai lầm của Mỹ đưa Iraq vào vòng xoáy vô định và bạo lực
Đất nước Iraq vẫn vô định trong vòng xoáy bạo lực sau 16 năm được Washington khai sáng, rồi Washington cũng phải trả giá trong vòng xoáy vô định ấy, có nguyên nhân khởi phát chính ngay từ công cuộc "xoá độc tài-gieo dân chủ" của Mỹ ở Iraq.
Theo giới phân tích, Washington đã sai lầm xuyên suốt quá trình "xoá độc tài-gieo dân chủ" ở Iraq và cuối cùng họ cũng phải trả giá bằng thảm hoạ ngoại giao. Có thể nhận diện đây là hậu quả của việc Washington đặt ngược dây cháy chậm. Bởi :
Washington đã cố ghép dân chủ kiểu Mỹ với các giá trị tinh thần của đạo Hồi, khi xây dựng nền tảng vận hành của hệ thống trị Iraq dựa trên giá trị Mỹ. Đây là sai lầm căn bản của Washington.
Có thể khẳng định, nguyên tắc vận hành của hệ thống chính trị Mỹ - nguyên tắc dân chủ dựa trên nền tảng Nhân Quyền - không mang tính phổ quát, vì nó xóa nhòa tính đặc thù được hình thành bởi những yếu tố tự nhiên, xã hội khác của mỗi quốc gia.
Nguyên tắc này đối lập với nguyên tắc vận hành hệ thống chính trị của các quốc gia trong thế giới Hồi giáo, trong đó có vấn đề ảnh hưởng của giáo luật đối với pháp luật trong điều hành và quản lý đất nước. Đây là rào cản mang tính mặc định.
Sự khiên cưỡng trong công cuộc "xoá độc tài-gieo dân chủ" là nguyên nhân bất ổn của đất nước Iraq, và cũng báo trước thất bại của Washington trong ván cờ thế kỷ này. Vì vậy, việc họ phải nhận thảm hoạ ngoại giao ở Baghdad không có gì bất ngờ.
Theo lịch sử các học thuyết chính trị, Mỹ phải giúp xây dựng nền tảng vận hành của hệ thống chính trị Iraq trên nền tảng giá trị tinh thần của đạo Hồi, sau đó xây dựng cơ chế khai thác giá trị tinh thần của đạo Hồi phục vụ cho việc gieo dân chủ ở Iraq.
Tuy nhiên, Washington đã đảo ngược quy trình, phá bỏ rào cản mặc định, hành động trái nguyên lý và quy luật, từ đó đưa Iraq vào vòng xoáy vô định, rồi Mỹ cũng đã bị cuốn vào vòng xoáy vô định ấy và đương nhiên phải trả giá.
Washington cố mang trụ cột xây dựng trên nền tảng giá trị Mỹ sang Iraq, cắm trên nền tảng giá trị tinh thần của đạo Hồi, khi định hình cho Iraq thời hậu Saddam bằng một bản Hiến pháp xác lập định chế quyền lực thay cho cơ chế vận hành.
Hiện nay, chính trường Mỹ đang nghiêng ngả vì việc luận tội Tổng thống Trump. Ông Trump bị cho là có hành động vi hiến, nên phe Dân chủ quyết luận tội, nhưng phe Cộng hoà tuyên bố ngăn cản để đảm bảo vị thế của mình.
Washington lật ngược quy trình xây dựng nền tảng quyền lực ờ Iraq
Trong trường hợp này, Hiến pháp Mỹ - một trong 3 trụ cột chính tạo nên giá trị Mỹ - chỉ còn là cái bình phong cho các hai phe Cộng hoà và Dân chủ lợi dụng để che đậy ý chí chính trị của họ. Ở đây, rõ ràng, lợi ích dân tộc đã bị đặt sau lợi ích phe phái.
Hiến pháp Iraq - do Mỹ định hình - quy định Tổng thống phải thuộc về người Kurd, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội phải thuộc về lực lượng Hồi giáo dòng Shiite, được Mỹ xem là một cách phân chia quyền lực cân bằng tại Iraq.
Nhìn qua có vẻ đây là một cơ cấu hợp lý, đảm bảo nhà nước Iraq là đại diện cho toàn xã hội nên xã hội sẽ ổn định, nhà nước có quyền lực. Tuy nhiên, phân tích kỹ thì đây là nguyên nhân chính gây bất ổn cho đời sống chính trị và đời sống xã hội Iraq.
Đơn giản là việc phân chia quyền lực ở Iraq bị chi phối bởi lợi ích phe phái chính trị, mà ở đó lực lượng Hồi giáo dòng Sunni vốn chi phối đời sống chính trị Iraq ở thời Saddam Hussein gần như mất hẳn trong cơ cấu quyền lực.
Song đáng nói hơn là với cơ cấu phân chia quyền lực mà Washington giúp xây dững cho Iraq lại bằng định chế thay vì theo cơ chế, khiến lợi ích quốc gia của Iraq luôn nghiêng ngả theo mâu thuẫn lợi ích giữa các phe phái trên chính trường nước này.
Washington xây dựng chính trị không chủ nghĩa, khi không giúp xây dựng chủ thuyết chính trị cho lực lượng thân Mỹ, từ đó vô hiệu hoá luôn cả sức mạnh Mỹ, lợi ích Mỹ lẫn giá trị Mỹ.
Chủ thuyết chính trị là yếu tố quan trọng nhất trong việc liên kết giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, từ đó cấu thành nên sức mạnh quốc gia. Các đảng phái chính trị chỉ có cương lĩnh chính trị, chương trình hành động chứ không có chủ thuyết.
Chủ thuyết chính trị là giá trị tinh thần của cả cộng đồng dân tộc, phát huy được bản sắc của văn hoá dân tộc, từ đó mới có khai quật sức mạnh quốc gia. Từ chủ thuyết chính trị sẽ tạo hình nên ý thức hệ cốt lõi cho một quốc gia.
Các lực lượng chính trị dựa vào chủ thuyết để xây dựng cương lĩnh chính trị, chương trình hành động, từ đó mới kỳ vọng được nhân dân uỷ thác quyền lực. Đây là nguyên lý về sự ra đời, tồn tại và vận hành của nhà nước - thực thể đại diện thể chế chính trị.
Khi thiếu chủ thuyết chính trị thì Quyền - sức mạnh nhà nước - không gắn liền với Lực - quyền lực nhân dân. Rõ ràng giúp các lực thân Mỹ xây dựng chủ thuyết chính trị là cực kỳ quan trọng với Washington trong việc sắp đặt bàn cờ chính trị Iraq.
Hậu quả của chính trị không chủ thuyết khiến Washington trao quyền kiểm soát ván cờ cho kẻ thù
Vậy nhưng Washington không làm điều quan trọng này, mà lý do được cho là Mỹ muốn làm chủ ván cờ do mình tạo ra trong khoảng thời gian không xác định. Nghĩa là giúp xây dựng chủ thuyết chẳng khác nào Mỹ "cầm súng bắn vào chân mình".
Điều đó cũng đồng nghĩa Iraq bất định và hỗn loạn là mục đích của Mỹ, vì nó tốt cho cả sức mạnh Mỹ, lợi ích Mỹ, giá trị Mỹ. Hẳn cũng không sai, chỉ có điều nó chẳng khác nào đặt ngược dây cháy chậm, mà người đốt dây sẽ không còn là Mỹ nữa.
Và việc Đại sứ quán Mỹ ở Iraq bị đốt trong bối cảnh Baghdad lên án Washington vi phạm chủ quyền quốc gia đã chứng minh việc đặt ngược dây cháy chậm có tác hại như thế nào với Washington.
Ngọc Việt
Theo baodatviet.vn
Nguy cơ đụng độ Mỹ-Iran Tuy người biểu tình đã rút khỏi khu vực đại sứ quán Mỹ ở Iraq, nhưng diễn biến này lần nữa cho thấy tầm ảnh hưởng của Iran tại quốc gia láng giềng; đồng thời đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc đấu không có hồi kết giữa Washington và Tehran. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, người biểu tình Iraq...