Trắng tay trong chớp mắt vì trận lũ “nghìn năm có một” ở Trung Quốc
Đợt mưa lũ lịch sử tuần qua ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã cuốn trôi nhà cửa và cả kế sinh nhai của nhiều người dân nơi đây.
Ông Cheng gom xác lợn chết sau trận lũ (Ảnh: Reuters).
Cheng, một nông dân 47 tuổi ở làng Wangfan, thành phố Tân Hương, Trung Quốc, bì bõm lội trong dòng nước vẫn còn ngập đến đầu gối để thu gom những xác những con lợn vừa chết đuối sau trận lũ lụt vừa qua. Hơn 100 con lợn trong trang trại của Cheng bị chết đuối vì nước lũ dâng ngập, một số con sống sót nhưng triển vọng cũng không khá hơn.
“Tôi chờ nước rút đi để xem cần làm gì với những con lợn còn lại. Chúng đã ngâm mình trong nước vài ngày. Tôi nghĩ sẽ không còn con nào sống sót”, ông Cheng nói.
Trang trại của Cheng là một trong hàng nghìn trang trại chăn nuôi ở tỉnh Hà Nam – địa phương nổi tiếng về nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Hà Nam, đặc biệt là thành phố Trịnh Châu, vừa trải qua một đợt mưa lũ nghiêm trọng mà truyền thông địa phương mô tả là “nghìn năm có một”. Đợt mưa lũ đã khiến ít nhất 69 người thiệt mạng, 5 người mất tích, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người, làm sập khoảng 9.000 ngôi nhà, phá hủy nhiều cầu đường.
“Trong chốc lát, kế sinh nhai của chúng tôi bị cuốn trôi sạch. Chúng tôi không còn kỹ năng nào khác, cũng không còn tiền để nuôi lợn nữa. Cảm giác như trời vừa sập xuống”, ông Cheng ngậm ngùi chia sẻ.
Ở làng Wangfan, nơi cách Trịnh Châu khoảng 90 km về phía bắc, hầu hết 3.000 hộ gia đình ở đây đều chăn nuôi lợn hoặc gà hoặc trồng màu. Người dân nơi đây đang bắt đầu dọn dẹp sau lũ. Xác động vật trôi nổi khắp nơi, họ phải gom lại, buộc vào thân cây. Cả ngôi làng bốc lên một mùi hôi thối do xác động vật thối rữa.
Ít nhất 200.000 con gà và khoảng 6.000 con lợn, tương đương nửa đàn gia súc, gia cầm của làng, đã chết sau trận lũ.
Mưa lũ cũng gây thiệt hại cho gần 1.700 trang trại quy mô lớn hơn trên khắp Hà Nam, giết chết hơn 1 triệu động vật. Cheng cho biết, anh có thể thiệt hại khoảng 30.000 Nhân dân tệ (6.300 USD) và anh lo ngại rằng sẽ không được chính quyền hỗ trợ.
Kế sinh nhai là một chuyện, mưa lũ cũng kéo theo những lo ngại bùng phát dịch bệnh. Mùa hè năm ngoái, mưa lũ ở miền nam Trung Quốc được cho là tác nhân gây ra các ổ dịch tả lợn châu Phi.
Ông Pan Chenjun, chuyên gia phân tích cấp cao của ngân hàng Rabobank, nhận định vấn đề dịch bệnh còn nghiêm trọng hơn nhiều so với vấn đề thiệt hại trực tiếp. Tuần trước, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã chỉ đạo các chính quyền địa phương về cách ngăn chặn dịch bệnh đối với động vật sau lũ lụt, trong đó có các biện pháp tiêu hủy xác động vật và khử khuẩn các trang trại.
Mặc dù vậy, người nông dân ở Wangfan không chắc liệu họ có tiếp tục công việc chăn nuôi này nữa hay không. “Sau nhiều năm gây dựng, chỉ trong chớp mắt, mọi thứ bị cuốn trôi. Tôi không còn muốn chăn nuôi lợn nữa”, ông Zhang Guangsi, một người làng mất một nửa đàn lợn trong đợt mưa lũ vừa qua, cho biết.
Dù hoạt động sản xuất thịt lợn của Trung Quốc ngày càng được tăng cường trong những năm gần đây, nhưng hàng triệu nông dân hoạt động nhỏ lẻ vẫn đóng vai trò lớn trong việc sản xuất loại thịt được ưa thích tại Trung Quốc này.
Kinh hoàng cảnh lũ cuốn trôi hàng loạt ô tô ở Trung Quốc
Người dân khốn khổ trong thảm cảnh mưa lũ ở Trung Quốc
Hàng loạt ngôi làng ở Hà Nam, Trung Quốc vẫn đang bị cô lập trong biển nước vì trận lũ lụt kinh hoàng "nghìn năm có một", và hàng nghìn người dân vẫn mòn mỏi chờ giải cứu.
Thảm cảnh chìm trong biển nước vì trận lũ "nghìn năm có một" ở Trung Quốc
Nhiều ngôi làng ở tỉnh Hà Nam vẫn đang ngập trong biển nước (Ảnh: SCMP).
Zhang Wen ngồi trên nóc nhà, ôm 2 con nhỏ. Nước lũ đã nhấn chìm toàn bộ ngôi làng và Zhang quyết định sẽ bơi ra ngoài.
Người dân ở làng Xiayuan thuộc quận Weihui, thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam đang trông đợi mòn mỏi để được giải cứu sau khi trận lũ lịch sử quét qua tỉnh này. 56 người đã thiệt mạng và ngôi làng trên gần như đã bị cô lập với thế giới bên ngoài vì biển nước.
Ngày 23/7, Zhang đã bơi được ra bên ngoài ngôi làng, trên người mặc đúng một chiếc quần. Anh lấy những gói mì tôm mà một người họ hàng mang đến tiếp tế và bắt đầu ăn chúng. Đây là bữa ăn đầu tiên của anh trong 2 ngày.
"Tôi muốn tìm một cái thuyền Kayak và trở về nhà để đón gia đình tôi", Zhang nói.
Con đường duy nhất dẫn tới làng Xiayuan đã ngập trong nước lũ cao quá đầu Zhang. Đội cứu hộ chưa thể đưa hết mọi người ra bên ngoài vì họ mới vừa tiếp cận được ngôi làng. Nhiều người vẫn còn cảm thấy đầy hoảng loạn.
Các nỗ lực sơ tán và cứu hộ vẫn đang được tiến hành (Ảnh: SCMP).
Do nguồn lực cứu hộ còn hạn chế, xe tải và thuyền kayak đã được triển khai để đưa trẻ con và người lớn tuổi ra trước, và hàng nghìn người dân làng kiệt quệ vì trận lũ phải tiếp tục ngồi chờ.
Cảnh tượng như ở làng Xiayuan đã xuất hiện ở nhiều khu vực khác ở Hà Nam sau trận mưa lụt kinh hoàng tuần này. Ít nhất 7 hồ chứa bị tràn, nước chảy ra khỏi các kênh thủy lợi đổ tới sông Wei, nhấn chìm các ngôi làng ở hạ lưu.
Tháo chạy trong đêm
Nhiều người dân vẫn còn đang "sốc" vì trận lũ ập tới bất ngờ và dữ dội (Ảnh: SCMP).
Trước khi trận lũ kinh hoàng xuất hiện, Dong Changwen chưa bao giờ nghĩ rằng, mưa sẽ đẩy cô rơi vào tình huống sinh tử. Căn nhà một tầng của cô ở làng Nanguanying, quận Hui, cách Tân Hương 26 km, được bao quanh bởi các khu đất nông nghiệp chuyên để canh tác.
Tuy nhiên, vào đêm 21/7, người phụ nữ 34 tuổi và con trai một tuổi không thể ngủ vì nghe thấy tiếng mưa rất lớn. Cô cũng chăm chú lắng nghe tín hiệu cảnh báo từ chính quyền địa phương thông qua loa phóng thanh.
Vào 3h sáng, nước bắt đầu tràn vào nhà Dong, nhanh chóng ngập lên mắt cá chân. Ba giờ đồng hồ sau, khi cô và chồng bế con thoát ra ngoài, ngôi làng quen thuộc trước mắt trở thành cảnh tượng "đáng sợ".
"Nước ngập tới hông tôi. Tôi phải đưa con tới nhà người họ hàng có nhà 2 tầng. Đó là cách duy nhất con được an toàn. Tôi mất cả giờ đồng hồ để đi quãng đường 200 m ra khỏi làng. Thông thường tôi chỉ mất vài phút", Dong kể lại.
Từ 8h ngày 17/7 tới 18h ngày 22/7, Tân Hương ghi nhận lượng mưa 907 mm, mức cao kỷ lục trong lịch sử, với lượng mưa trút xuống trong một giờ đồng hồ đạt đỉnh là 149,9 mm.
Nhiều người vẫn còn đang mất liên lạc sau trận lũ (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Với nguồn lực cứu hộ còn hạn chế, trẻ nhỏ và người cao tuổi được ưu tiên. Vì vậy, nhiều người phải trèo lên mái nhà để ngồi chờ sự trợ giúp.
Dong ước tính khoảng 2.000 người đã bị kẹt lại trong làng Nanguanying. Ngôi làng chưa bao giờ bị ngập và người dân không thể ngờ tới diễn biến này sẽ xảy ra.
Trận lũ lịch sử, "nghìn năm có một" ở Hà Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới 3 triệu người khi các thành phố, làng mạc bị ngập trong nước, đường xá bị phá hủy và lở đất xảy ra.
Khi trả lời phỏng vấn SCMP , Dong đã đứng hàng giờ đồng hồ trên con đường gần làng cô - nơi đã biến thành một hòn đảo bị cô lập vì nước lũ. Dong chưa ăn uống bất cứ thứ gì trong nhiều giờ.
Tuy nhiên, Dong vẫn may mắn vì gia đình chị vẫn an toàn. Nhiều người đã mất liên lạc trong trận lũ kinh hoàng. Một cư dân tên Jingzi cho biết ông bà của cô, những người sống tại quận Fengquan của Tân Hương đã bị mắc kẹt trong nhà và chưa có tin tức gì từ tối 21/7.
Trung Quốc dùng cầu phao sơ tán người dân ở Tân Hương (Ảnh: VCG).
Tỉnh Hà Nam (Henan) hứng chịu mưa lũ lịch sử những ngày qua (Đồ họa: BBC).
Trung Quốc vạch 3 lằn ranh đỏ với Mỹ trong cuộc họp căng thẳng Trung Quốc đã đưa ra hai danh sách cho phía Mỹ gồm những hành động Washington cần chấm dứt và các vụ việc mà Bắc Kinh quan ngại, cảnh báo Mỹ không vượt qua những lằn ranh đỏ đó. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) hội đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman ngày 26/7 tại Thiên Tân (Ảnh: Reuters)....