Trang nhật ký của một nữ bác sĩ ở Vũ Hán
Bác sĩ Tra Quỳnh Phương kể lại những ngày làm nhiệm vụ ở Vũ Hán, có ngày vui khi nhận được đồ bảo hộ, có ngày buồn khi chứng kiến bệnh nhân không thể qua khỏi. Nhưng cô vẫn chiến đấu với niềm tin “chúng tôi không cô đơn” giữa cuộc chiến này.
Đã hơn 3 tuần kể từ ngày bác sĩ Tra Quỳnh Phương đến làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm tại Vũ Hán – Ảnh chụp màn hình Sina
Tra Quỳnh Phương (Zha Qiong Fang), 45 tuổi, là bác sĩ tại khoa hô hấp của Bệnh viện Nhân Tế liên kết với Học viện Y thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, là một trong những nhân viên y tế đầu tiên của Thượng Hải được cử tới thành phố Vũ Hán chống dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19).
Bác sĩ Tra làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Kim Ngân Đàm, Vũ Hán. Trang Trung Quốc Nhật Báo ngày 20-2 đã đăng lại nhật ký của nữ bác sĩ trong hơn 3 tuần công tác.
Ngày 28-1 (ngày thứ tư của tôi ở Vũ Hán): Công việc của chúng tôi đang tiến triển, thiết bị y tế đang được đưa nhanh tới các bệnh viện ở Vũ Hán, cho chúng tôi thêm nhiều lựa chọn để chữa trị cho bệnh nhân. Nhưng chúng tôi vẫn đối diện với áp lực quá lớn, 85% bệnh nhân mà đội của chúng tôi chịu trách nhiệm chăm sóc đang trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 29-1: Tôi đã thấy ánh nắng lần đầu tiên kể từ ngày chúng tôi đến thành phố này. Đây dường như là tín hiệu động viên trong cuộc chiến chống virus corona chủng mới.
Hôm nay, chúng tôi nhận 1.200 chiếc khẩu trang và 200 cặp kính bảo hộ từ một bệnh nhân cũ tại bệnh viện. Nữ bệnh nhân này biết được rằng chúng tôi sẽ tham gia cuộc chiến ở tuyến đầu nên đã mua nhiều thiết bị bảo hộ thông qua nhiều kênh khác nhau ở nước ngoài để tặng chúng tôi. Chúng tôi thật sự cảm động vì chúng đến đúng lúc. Các nguồn cung đang cạn kiệt.
Tôi cũng nhận được các cuộc gọi từ Câu lạc bộ bóng đá Thân Hoa Thượng Hải, từ trường Đại học Giao thông Thượng Hải và nhiều doanh nghiệp những ngày gần đây. Họ nói muốn mua và gửi vật tư bảo hộ cho chúng tôi.
Điều này cho thấy tình yêu thương không ích kỷ của con người giữa dịch bệnh. Chúng tôi không cảm thấy cô đơn vì cả xã hội đang cho chúng tôi sự ủng hộ mạnh mẽ.
Ngày mai, tôi làm ca đêm đầu tiên ở đây, từ 20h tối tới 8h sáng hôm sau, và tôi đang thấy lo. Ở Thượng Hải, giám đốc không xếp ca đêm nào cho tôi sau khi biết rằng tôi đang bị bệnh về thận. Nhưng nhóm được cứ tới Vũ Hán gồm nhiều bác sĩ cũng có các bệnh khác nhau như tiểu đường, tăng huyết áp. Tất cả chúng tôi cần phải cố lên!
Video đang HOT
Một nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ giao tiếp với bệnh nhân tại một phòng cách ly bên trong bệnh viện Kim Ngân Đàm tại Vũ Hán hôm 13-2 – Ảnh: REUTERS
Ngày 31-1: Một bệnh nhân 50 tuổi bị tụt huyết áp nhanh lúc 2h30 sáng. May mắn tình trạng sức khỏe của bà cải thiện sau khi được điều trị.
Sau đó, tôi chợp mắt một chút ngay tại bệnh viện. Đây là lần đầu tiên tôi vẫn đeo khẩu trang trong lúc ngủ, vì tôi không muốn tốn thời gian đeo cái mới trong trường hợp nhận được cuộc gọi khẩn cấp về một bệnh nhân nào đó.
Dịch bệnh đã khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu, nhưng chúng tôi sẽ không chùn bước. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để chiến thắng con virus này và giảm tối thiểu ảnh hưởng tới quốc gia.
Ngày 4-2: Người phụ nữ bị tụt huyết áp đã qua đời sau khi tình trạng của bà xấu đi nhanh chóng. Chồng bà khóc khi nói qua điện thoại, khiến tôi cảm thấy đau lòng. Vợ của ông đã bị nhiễm COVID-19 sau khi phẫu thuật ung thư ruột.
Chồng bà – hiện bị cách ly tại một bệnh viện địa phương sau khi nhiễm COVID-19 – không thể đến để từ biệt vợ. Con gái bà cũng không đến được vì cô đang sống bên ngoài thành phố Vũ Hán, và Vũ Hán vẫn bị phong tỏa. Hơn 1.000 gia đình đã mất những người họ yêu thương do COVID-19.
Ngày 5-2: Tôi đã gặp một trong các đồng nghiệp ở Thượng Hải. Người này đang làm nhiệm vụ tại một bệnh viện khác ở Vũ Hán. Anh ấy cho biết đã làm việc từ sáng tới gần nửa đêm hôm qua. Anh ấy cũng kể lại đã được một phóng viên phỏng vấn sáng nay. Anh ấy không kiềm được nước mắt khi chứng kiến nỗi đau mà người dân ở Vũ Hán đang trải qua.
Tối nay, cả hai chúng tôi đều làm ca đêm, anh ấy thì làm 12 tiếng đồng hồ còn tôi thì 14 tiếng, không có nước uống hay thức ăn. Chúng tôi mong may mắn lại sẽ đến.
Ngày 11-2: Tin buồn. Hai bệnh nhân mà đội chúng tôi phụ trách chăm sóc đã tử vong. Một người 93 tuổi, đã có nhiều bệnh kinh niên. Người còn lại trong độ tuổi 50, liên tục tháo khẩu trang và không chịu ăn uống.
Điều này khiến tinh thần của tôi đi xuống một lần nữa, mặc dù chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ cuộc chiến để cứu người này.
Chỉ có 4 nữ bác sĩ trong đội gồm 20 người của chúng tôi. Nhưng thật trùng hợp, có 3 nữ bác sĩ, gồm cả tôi, sẽ làm ca đêm tối nay. Để khích lệ nhau, chúng tôi đã chụp ảnh nhóm ở hành lang bệnh viện trước khi bắt đầu làm việc.
Tôi hi vọng không bệnh nhân nào có tình trạng xấu đi vào tối nay.
Ngày 16-2 (Ngày thứ 23 của tôi ở Vũ Hán): Hôm qua lúc bàn giao ca tối, tôi bảo với bác sĩ thay ca rằng các bệnh nhân mà đội chúng tôi chăm sóc vẫn trong tình trạng ổn định, chỉ có bệnh nhân ở giường số 5 không ổn. Vừa thay đồ xong và đi xuống lầu, tôi nghe tin tim của bệnh nhân này đã ngừng đập.
Lúc 20h tối qua, các bác si trong nhóm thông báo: Người nhà bệnh nhân đã đồng ý cho mổ thi thể, đã ký tên. Ôi chuyện gì thế này? Bệnh nhân giường 5 đã tử vong rồi sao? Bệnh nhân giường 5 là một ông lão. Trong ấn tượng của tôi, ông ấy là người khá nôn nóng. Người nhà ông cũng là người dân bình thường…
Theo tuoitre.vn
Bác sĩ Đổng Tông Kỳ: Thiên thần áo trắng bất chấp tuổi tác kiên quyết ngồi xe lăn chiến đấu với dịch SARS 2003 và dịch viêm phổi Vũ Hán 2020
Hơn 17 năm trước, bác sĩ Đổng Tông Kỳ đã lãnh đạo đội ngũ y tế chống lại dịch SARS. Hiện tại, ông vẫn quyết trở thành một chiến sĩ áo trắng đối đầu với corona.
Khi nhắc đến bệnh viêm phổi do Virus corona , một số người vì sợ rắc rối đã chọn né tránh. Nhưng vẫn còn nhiều bác sĩ và y tá khắp Trung Quốc lựa chọn đến giúp đỡ Vũ Hán. Đây là một trong những điều tuyệt vời nhất khi nhắc đến mùa dịch này.
Khi vừa khi tin dịch Viêm phổi Vũ Hán bùng phát nghiêm trọng và đội ngũ y tế ở đây bị hạn chế, giáo sư bác sĩ Đổng Tông Kỳ đã quyết định "tái xuất". Ngay cả khi ông gặp bất tiện khi phải ngồi xe lăn để di chuyển, ông vẫn khăng khăng muốn "ra trận". Gần như cả đời cống hiến cho y học, bác sĩ Đổng Tông Kỳ chia sẻ, bản thân ông làm tất cả đều vì người bệnh, cả đời chữa bệnh giúp người đã thành thói quen, trong thời điểm nguy cấp như hiện tại, ông không thể giương mắt ra nhìn.
Giáo sư, bác sĩ Đổng Tông Kỳ năm nay 86 tuổi, là giáo sư chủ nhiệm khoa hô hấp, chuyên chẩn đoán và điều trị các bệnh nội khoa nhi, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. Ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Y khoa Quảng Châu vào năm 1957 và công tác tại Bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán ngay từ khi tốt nghiệp. Ông từng đảm nhận vị trí Phó khoa Hô hấp của Viện Nhi Trung Quốc và Phó khoa Nhi của Hiệp hội Y khoa và Cấp cứu Trung Quốc. Với kinh nghiệm lâu dài, ông được nhận được nhiều giải thưởng danh dự về y học trong sự nghiệp y học của mình.
Ông đã nghỉ hưu trước 70 tuổi vì bệnh tật nhưng vì dịch corona xuất hiện, ông đã trở lại làm việc tại bệnh viện.
Vào ngày đầu tiên thành phố Vũ Hán tuyên bố "nội bất xuất, ngoại bất nhập" 23/1, trong khi nhiều gia đình đang chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán thì giáo sư bác sĩ Đổng Tông Kỳ vẫn ngồi xe lăn điện đến Bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán như thường lệ. Ông cho biết, chứng kiến các đồng nghiệp vẫn ngày đêm chiến đấu với virus corona, ông không yên tâm nghỉ ngơi tại nhà, nên đã lựa chọn bảo vệ sức khỏe của những đứa trẻ đó.
Trước khi nghỉ hưu, ông luôn đi bộ đến nơi làm việc dù bệnh viện cách nhà rất xa, một người bình thường đi bộ mất 10 phút trong khi ông phải đi hơn 30 phút. Tuy nhiên, vào năm ngoái, khi đã lớn tuổi, ông quyết định mua một chiếc xe lăn điện để tiện việc đi lại.
Không muốn để bệnh nhận đợi lâu, chưa đến 8 giờ sáng, giáo sư bác sĩ Đổng Tông Kỳ đã đến phòng khám để chuẩn bị làm việc. Ông khoác lên mình bộ trang phục bảo hộ dày và bao tay chắc chắn như các nhân viên y tế khác. Dù bộ trang phục khó cử động với một người lớn tuổi nhưng vì bệnh nhân, ông có thể chịu đựng được.
Bệnh nhân đầu tiên của ngày 23/1 là một bé trai bị ho mãn tính, được bà nội 58 tuổi đưa đi khám. May mắn là tình trạng của đứa trẻ không nghiêm trọng lắm. Giáo sư bác sĩ Đổng Tông Kỳ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ năm 2013 và việc phải mang khẩu trang N95 dày trong một thời gian dài khiến ông cảm thấy hơi khó thở. Nhưng khi được người khác kể về bệnh trạng, ông luôn ngồi thẳng lưng nghiêm chỉnh và lắng nghe cẩn thận.
Hơn 12 giờ trưa, ông rời khỏi phòng khám sau khi hoàn tất khám cho 26 bệnh nhân. Theo các nhân viên y tế ở Bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán, vì quá trình mặc và cởi trang phục bảo hộ khá rắc rối nên ông hạn chế uống nước và ít khi đi vệ sinh.
Ông chia sẻ, trong tình hình dịch bệnh như hiện tại, không chỉ ông mà tất cả nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán cũng quyết định làm việc và đối mặt với nó.
Hơn 17 năm trước, giáo sư bác sĩ Đổng Tông Kỳ dù đã nghỉ hưu cũng vẫn lãnh đạo đội ngũ y tế "chiến đấu" chống lại dịch SARS. Hiện tại, khi đã 86 tuổi, ông vẫn "bám chặt" tiền tuyến, trở thành một chiến sĩ áo trắng đáng kính.
Sau đại dịch SARS 2003, giáo sư bác sĩ Đổng Tông Kỳ đã cho xuất bản 1 bài báo với nội dung Phòng chống và bảo vệ sức khỏe hệ Hô hấp. Năm 2004, ông tiếp tục viết bài báo có têu đề "Phòng ngừa và điều trị các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp", đề cập đến ít nhất 5/20 loại virus có liên quan mật thiết đến các bệnh đường Hô hấp, trong đó có virus SARS. Bài viết có đoạn chỉ ra rằng, cuộc chiến của con người và bệnh truyền nhiễm còn lâu mới kết thúc.
Nguồn: Sina, Sohu
Theo gioitre.vietnamnet.vn
Người cha tình nguyện tham gia chống SARS, 17 năm sau lại động viên con gái ra tiền tuyến chiến đấu với dịch corona bằng chiếc vali "gia truyền" Chiếc vali theo bác sĩ Vương Vệ Quốc 17 năm trước giờ đã được trao lại cho con gái ông, người đang chiến đấu cứu người ở Vũ Hán. Ngày 2/2, bác sĩ đã nghỉ hưu Vương Vệ Quốc đã tiễn con gái rời nhà đi công tác ở vùng dịch. Điều đặc biệt, hành lý người con gái mang theo bên mình...