Trắng đêm chữa cháy, chàng lính cứu hỏa vẫn đến trường thi đúng giờ
Sau một đêm làm nhiệm vụ đến hơn 5h, chàng lính cứu hỏa 21 tuổi đến trường thi làm bài tổ hợp Khoa học tự nhiên vào sáng 23/6. Chàng trai cho biết làm bài trên mức trung bình.
Tối 22/6, một trận cháy lớn xảy ra tại Cảng Sài Gòn (quận 4, TP.HCM). Theo lời kể của người dân địa phương, lửa bùng lên dữ dội. Đây có thể coi là trận cháy lịch sử ở đây từ sau năm 1975.
Dưới nỗ lực của Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy TP.HCM, đến khoảng 5h sáng 23/6, đám cháy cơ bản được khống chế.
Trang Thanh Nam, thí sinh 21 tuổi tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm nay, là một trong số những người lính cứu hỏa đã góp phần bảo vệ bình yên cho người dân quận 4 đêm qua.
Trang Thanh Nam nghỉ giải lao cùng đồng đội vào rạng sáng 23/6. Ảnh: Pháp luật TP.HCM.
Kết thúc hai môn thi Vật lý, Hóa học của môn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Nam vui vẻ chia sẻ: “Chiều em đã ôn bài lại rồi, buổi tối em rảnh và không làm gì hết. Trong khi em đang ngủ thì nghe tin có cháy cần cứu hỏa nên em lập tức đi theo đội làm nhiệm vụ”.
Nam dự định thi vào ĐH Phòng cháy Chữa cháy TP.HCM để theo đuổi đam mê. Như vậy, sau khi hoàn thành bài thi Toán vào chiều 22/6, trước khi nghỉ ngơi để chuẩn bị tốt nhất cho bài thi Khoa học tự nhiên vào sáng nay, chàng trai 9X lại chịu vất vả, nguy hiểm cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ.
Cách giờ thi chỉ còn vài tiếng, Nam vẫn có mặt tại hiện trường vụ cháy, ăn tạm ít bánh bao, mỳ tôm rồi lại quay trở lại với công việc.
Video đang HOT
Khoảng 6h sáng, thí sinh này mới về nhà để chuẩn bị đi thi. Mặc dù không được nghỉ ngơi tốt và đến trường thi khá gấp gáp, Nam tự tin cho biết mình làm bài trên trung bình.
Khi được hỏi về việc sao không xin phép cấp trên để ở nhà giữ sức mai đi thi, Nam trả lời: “Em nghĩ lúc đó anh em còn chiến đấu nên mình không thể về được. Đơn vị của em nhận tin cháy đặc biệt tại cảng Sài Gòn nên em đã nhanh chóng đến hiện trường cháy triển khai đường vòi để phun vào đám cháy, người này mệt thì người kia thay ra. Em thấy lúc đó mọi người liều mình chiến đấu với giặc lửa nên nghĩ mình là chiến sĩ chửa cháy, cần phải cống hiến, khi thì nghĩ là phải dập tắt đám cháy trước đã rồi sẽ tham gia kỳ thi sau”.
Theo Pháp Luật TP.HCM
Thi THPT quốc gia 2017: Lo ngại sự chủ quan của giám thị
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, trong quá trình diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, lo ngại nhất là sự chủ quan của cán bộ coi thi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga lo ngại tình trạng giám thị không đọc kỹ quy chế, không chú ý nghe tập huấn, đến khi gặp tình huống trong quá trình làm nhiệm vụ thì xử lý lúng túng, gây sự cố đáng tiếc.
PV có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bùi Văn Ga liên quan kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
- Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đã đến rất gần. Các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng đã kiểm tra tại một số địa phương. Đến nay, đánh giá của ông về chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia như thế nào?
Ban chỉ đạo thi/tuyển sinh của bộ đã đi kiểm tra tình hình tổ chức thi ở một số địa phương. Nhận định chung là các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thi gồm đầy đủ đại diện của các ban ngành và lãnh đạo các huyện, trường ĐH tham gia phối hợp.
Các địa phương cũng đã quan tâm đặc biệt đến công tác in sao đề thi, chuẩn bị chu đáo nhân lực và phương tiện kỹ thuật để đảm bảo in sao đúng kế hoạch và an toàn tuyệt đối.
Việc tập huấn cán bộ tham gia công tác thi năm nay cũng được thực hiện rất chu đáo. Các Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn nhiều lần, quán triệt những điểm mới, những điểm cần lưu ý khi tác nghiệp.
Qua kiểm tra, bộ cũng đã nhắc các địa phương tập huấn thêm một lần nữa ngay tại điểm thi ngày 21/6 tới để tránh những sai sót. Lo ngại nhất là sự chủ quan của cán bộ coi thi, không đọc kỹ qui chế, không chú ý nghe tập huấn, đến khi gặp tình huống trong quá trình làm nhiệm vụ thì xử lý lúng túng gây sự cố đáng tiếc...
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra thi tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Tiền Phong.
- Qua thực tế tại một số tỉnh, thành có thể thấy vẫn còn một số vấn đề chưa yên tâm liên quan bảo mật đề thi và tổ chức coi thi; một số điểm thi khá biệt lập như điểm thi trên đảo Quan Lạn, đảo Cô Tô của Quảng Ninh... Chỉ đạo của bộ cũng như khắc phục của địa phương về vấn đề này như thế nào?
Công tác in sao, vận chuyển, bảo quản đề thi được thực hiện theo qui trình nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đề thi. Tất cả người được giao nhiệm vụ liên quan đề thi đều biết rằng đề thi của kỳ thi THPT quốc gia khi chưa sử dụng là tài liệu mật nên khi thực hiện nhiệm vụ phải hết sức cẩn trọng. Những điểm thi xa nơi in sao phải nhận cùng lúc tất cả đề thi để tập kết về điểm thi.
Tại đây, đề thi được những người có trách nhiệm gìn giữ cả ngày lẫn đêm. Qua các đợt kiểm tra, ban chỉ đạo thi/tuyển sinh của bộ cũng lưu ý các địa phương tổ chức điểm thi thuận lợi nhất cho thí sinh ở những vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, cù lao...
Các địa phương cũng đã dự phòng phương án xử lý những tình huống khi có thiên tai, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đề thi cũng như việc đi lại của thí sinh, cán bộ coi thi tại những điểm thi này.
- Đến thời điểm này, Ban chỉ đạo thi của Bộ GD&ĐT cũng như của các tỉnh thành còn điều gì chưa thực sự yên tâm, đặc biệt trong việc coi thi ở các bài thi tổ hợp?
Sự khác biệt chủ yếu liên quan quy định coi thi các bài thi tổ hợp. Đây là điểm mới năm nay mà bộ yêu cầu các sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐSP tập huấn kỹ cán bộ làm nhiệm vụ coi thi. Những lưu ý quan trọng liên quan cách thức phát đề thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, kiểm tra mã đề thi của thí sinh, thu đề thi, giấy nháp các môn thi thành phần (trừ môn thi cuối của bài thi tổ hợp).
Theo quy chế, khoảng thời gian từ khi kết thúc môn thi thành phần thứ nhất đến khi bắt đầu làm bài thi môn thành phần thứ hai là 20 phút. Khoảng thời gian này khá dài để giám thị và thí sinh thực hiện các công việc chuẩn bị môn thi tiếp theo.
Thí sinh tự do có thể không thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp nên quy chế qui định các điểm thi bố trí phòng thi riêng cho những thí sinh này.
- Trước đây, địa phương đã chủ trì kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều ý kiến nghi ngờ độ tin cậy của kỳ thi. Năm nay khi giao cho địa phương chịu trách nhiệm chính tổ chức kỳ thi liệu kết quả của kỳ thi có đảm bảo tin cậy, khách quan để các trường ĐH sử dụng trong tuyển sinh?
So với kỳ thi tốt nghiệp THPT mà địa phương chủ trì những năm trước, phương thức tổ chức, điều kiện kỹ thuật thực hiện kỳ thi THPT quốc gia năm nay khác rất nhiều. Trừ môn văn, các môn còn lại đều thi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng; chấm thi được thực hiện bằng máy quét; hội đồng thi, công tác coi thi có sự phối hợp giữa giáo viên phổ thông và giảng viên đại học.
Mỗi phòng thi năm nay chỉ có 24 thí sinh, ít hơn những năm trước (30-40 thí sinh/phòng thi) nên các cán bộ coi thi có thể quán xuyến phòng thi tốt hơn.
Ngoài ra, chính thí sinh cũng tham gia giám sát tính nghiêm túc của kỳ thi. Cũng như những năm trước, qui chế năm nay qui định thí sinh có thể mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Thí sinh có thể sử dụng phương tiện kỹ thuật được phép mang vào phòng thi này để ghi nhận chứng cứ và chuyển cho những người có trách nhiệm xử lý.
Tất cả điều kiện đó đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, kết quả khách quan, trung thực để các trường ĐH có thể yên tâm sử dụng kết quả để xét tuyển.
Theo Nghiêm Huê / Tiền Phong
Hà Nội in sao đề thi THPT quốc gia như thế nào? Hà Nội sẽ cần tới 77.000 đề tự luận, 400.000 đề trắc nghiệm với kinh phí dự trù 2,592 tỷ đồng. Công tác in sao đề thi được chú trọng và dự kiến giao cho ĐH Bách khoa Hà Nội. Sáng 5/5, UBND TP Hà Nội tổ chức họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội. Theo Ông Ngô Văn...