Tràn lan clip bạo lực học đường: Dạy học sinh ứng xử thế nào trên mạng xã hội?
Sau những vụ học sinh đánh nhau vì mâu thuẫn trên mạng xã hội, hoặc quay clip đánh hội đồng bạn học rồi tung lên mạng… chuyên gia giáo dục cho rằng phải dạy các em về cách ứng xử với nhau trên không gian mạng.
Ngày 18/5, mạng xã hội xôn xao chia sẻ clip một nữ sinh mặc đồng phục trường THCS Đồng Khởi (phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TP.HCM) bị nhiều bạn nữ đánh hội đồng trong nhà vệ sinh.
Theo clip, nữ sinh T.M (học sinh lớp 7/4) bị nữ sinh B.T dùng tay nắm tóc kéo xuống sàn nhà vệ sinh, sau đó tát nhiều cái lên đầu. T.M sau đó tiếp tục bị một số nữ sinh khác nắm tóc và đánh lên đầu nhiều lần. Sự việc xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều nữ sinh khác nhưng không ai can ngăn, một số còn cổ vũ và cho rằng B.T “đánh quá nhẹ”.
Liên quan đến sự việc, cô Hoàng Mỹ Thu Giang -Phó hiệu trưởng trường THCS Đồng Khởi xác nhận có sự việc như trong đoạn video clip phản ánh. Hiện nhà trường đang làm báo cáo sự việc này lên Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1.
Nhà trường cũng đã mời phụ huynh các bên liên quan tới làm việc và lập biên bản sự việc. Em T.M vẫn đi học bình thường, em B.T đã bảo lưu kết quả học tập và nghỉ học.
Ở một diễn biến khác, ngày 17/5, chủ tài khoản facebook tên là V.H có đăng tải một clip quay cảnh 1 nữ sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng khiến người xem phẫn nộ.
Trên facebook, chị H. cho biết, nữ sinh bị đánh là con gái của chị học lớp 7A5, Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Nữ phụ huynh này cũng đề nghị mọi người chia sẻ clip để lên án hành động của nhóm nữ sinh đánh con của chị.
Video đang HOT
Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh
Chủ tài khoản V.H viết trên facebook: “Ngày hôm nay 17 tháng 5, con tôi học lớp 7a5 bị học sinh lớp 8 với lớp 9 đánh hội đồng. Con tôi ở trường Lương Thế Vinh và ở trên lớp mà thầy cô không chú ý đến học sinh, để học sinh thế, mọi người chia sẻ mạnh giúp em”.
Đoạn clip dài 1 phút 10 giây đã ghi lại cảnh 1 nữ sinh đi dép lê, mặc quần tây màu đen, áo sơ mi trắng, tóc dài bị một nhóm bạn nữ xúm lại đánh hội đồng. Vì bị đánh quá đau, nữ sinh chỉ biết ôm đầu, khụy gối xuống nền nhà khóc lóc, van xin và chịu trận. Trong khi đó, nhóm nữ sinh liên tục đấm đá vào người, giật tóc, thậm chí có 1 nữ sinh dùng vật nghi là dép hoặc chai nước đánh vào đầu khiến nữ sinh gào khóc.
Đoạn clip cũng cho thấy trong nhóm bạn đứng xung quanh có tiếng kích động đánh người, mặc nhiên không có ai can ngăn.
Về sự việc này, thầy Huỳnh Văn Thông – Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh xác nhận có xảy ra vụ việc tại trường. Những học sinh liên quan trong vụ việc đã được đề nghị làm bản tường trình. Hôm nay, 18/5, Ban giám hiệu trường sẽ làm việc với phụ huynh và các em học sinh có liên quan để giải quyết vụ việc.
Dạy học sinh ứng xử với nhau trên không gian mạng?
Theo chuyên gia tâm lý Hà Thái Hương – ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thì hiện nay mạng xã hội có những tác động không nhỏ đến cách hành xử của học sinh, nhất là theo hướng tiêu cực.
Để hạn chế tình trạng này, nhiều trường học đã đưa chuyên đề về ứng xử trên không gian mạng cũng như chuyên đề ứng xử cùng bộ quy tắc văn hóa học đường để giáo dục cho học sinh với mong muốn các em sử dụng mạng xã hội thông minh và an toàn.
“Các buổi chuyên đề với nội dung trên cung cấp cho học sinh kỹ năng sử dụng mạng xã hội để làm gì, mạng xã hội rộng lớn như thế nào, chia sẻ thông tin cá nhân an toàn, xây dựng hình ảnh cá nhân tích cực và ứng xử sao với những mâu thuẫn trên không gian mạng.
Tôi cho rằng việc hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội sao cho an toàn, lành mạnh là việc phải làm và cần làm ngay để tránh những hậu quả đáng tiếc như những vụ học sinh bị đánh hội đồng vì những mâu thuẫn ảo nhưng hậu quả lại là thật.
Cùng với đó, ngoài giáo dục kiến thức trong SGK học sinh cũng cần được trang bị kỹ năng ứng xử văn hóa học đường, đồng thời nhà trường cũng phải giúp học sinh ý thức được rằng phải sống với đời sống thực chứ đừng dành hết mọi niềm vui, nỗi buồn, lý tưởng sống vào mạng xã hội.
Tôi thấy hiện nay nhiều bạn trẻ đang sống rất bất ổn, các em cô độc, thiếu tình yêu thương, sự chia sẻ… trong đời sống hàng ngày nên tìm đến mạng xã hội và sẵn sàng tấn công nhau khi mâu thuẫn trên không gian ảo.
Để giải quyết tình trạng này bố mẹ phải thường xuyên quan tâm đến hành vi của các con nhất là những hành động ứng xử của con trên mạng xã hội”.
Cũng theo chuyên gia này, hơn ai hết bố mẹ phải nắm bắt diễn biến tâm lý từng ngày của các con, khi các con có biểu hiện lạ ắt phụ huynh phải biết và sớm phối hợp với thầy cô chủ nhiệm hoặc bạn bè các em để cùng can thiệp giải quyết, ngăn chặn.
Sau đó mới là vai trò định hướng, giáo dục từ phía nhà trường để hướng dẫn con hành động nào là đúng, hành động nào là sai.
“Tuổi dậy thì đúng là có những bất ổn trong diễn biến tâm lý nhưng nếu gia đình và nhà trường có giải pháp đúng thì chắc chắn sẽ dìu dắt các em đi đúng hướng và không còn những học sinh là nạn nhân của những vụ bắt nạt trên không gian mạng”, chuyên gia Hà Thái Hương nói.
Ngăn chặn bạo lực học đường bằng cách nào?
Thời gian qua, nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra gây hoang mang, lo lắng cho phụ huynh học sinh.
Khi vụ việc bạo lực học đường xảy ra, không chỉ đơn thuần là mâu thuẫn nội bộ của những học sinh cùng lớp hoặc cùng trường mà còn là của cả học sinh đã bỏ học; có trường hợp, học sinh trong trường rủ rê, lôi kéo hoặc nhờ vả đối tượng xã hội đen vào tận trường học để đe dọa, đánh đập học sinh.
Nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra có sử dụng các loại hung khí nguy hiểm gây ra thương tích cho học sinh.
Nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra xuất phát từ những mâu thuẫn trên mạng xã hội, học sinh có hành vi chửi bới, thách đố và hẹn gặp để giải quyết mâu thuẫn đều thông qua mạng xã hội. Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của những học sinh nam mà còn là của học sinh nữ. Nhiều vụ việc học sinh nữ đánh nhau được quay clip và tung lên mạng, cho thấy ý thức của một bộ phận học sinh là rất kém, cá biệt, có hành vi cổ vũ, kích động cho hành vi bạo lực của các học sinh.
Bạo lực học đường ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của nhiều học sinh. Do tâm sinh lý học sinh phát triển chưa ổn định, có thể nhìn nhận vấn đề bạo lực học đường ở nhiều khía cạnh khác nhau như có em thì chủ động ghi lại cảnh đánh nhau để kỷ niệm; có em thì tung trên mạng xã hội để chia sẻ, bình luận; có em thì đứng nhìn vụ việc bạo lực xảy ra một cách vô cảm, không can ngăn; có em thì hùa vào để kích động, "tiếp sức" cho những người trong cuộc tiếp tục kéo dài hành vi bạo lực hoặc kích động trả đũa,... Và đa số học sinh còn lại thì cảm thấy bất an, không yên tâm khi đến trường và trong số đó tự trấn an mình bằng cách nhờ người khác để bảo vệ mình khi bị học sinh khác đe dọa hoặc nhiều em có biểu hiện hoảng sợ, lo lắng, trầm cảm,... khi bị bắt nạt dẫn đến việc học hành sa sút.
Đối với nhà trường, khi vụ việc bạo lực học đường xảy ra, nguyên nhân một phần xuất phát từ việc thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý; việc nắm bắt tình hình, tư tưởng của học sinh chưa tốt, chưa phát huy được vai trò của ban cán sự lớp, ban đại diện phụ huynh học sinh và giáo viên chủ nhiệm trong việc phát hiện mâu thuẫn, xích mích của các học sinh trong lớp học để chủ động xử lý kịp thời. Lực lượng bảo vệ trường học còn mỏng, thiếu và yếu, chủ yếu là hợp đồng thời vụ với những người lớn tuổi, thiếu chuyên nghiệp trong việc xử lý những vụ việc bạo lực học đường; công tác giáo dục, tư vấn tâm lý học sinh trong trường học chưa phát huy hiệu quả,...
Đối với những học sinh có hành vi bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng thì phải có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên hạn chế kỷ luật buộc thôi học đối với các em, vì đây chưa phải là biện pháp giáo dục tốt nhất, nếu không thận trọng có thể làm thay đổi cuộc đời các em theo chiều hướng tiêu cực. Thay vào đó, nên tích cực giáo dục, bồi dưỡng và tạo điều kiện để các em tự nhận ra và khắc phục lỗi lầm của mình. Bên cạnh đó, nhà trường cần thường xuyên phối hợp với phụ huynh học sinh để tăng cường biện pháp quản lý, nhắc nhở, nhất là giải pháp tư vấn tâm lý học đường để có thể hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của các em, giúp các em giải tỏa những mâu thuẫn, xích mích với các học sinh khác,... Mặt khác, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, nhất là các quy định của pháp luật liên quan đến các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hoặc hành vi làm nhục người khác,... Đặc biệt, cần phải giáo dục để các em hiểu biết về mạng xã hội, đồng thời, tư vấn, hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, trách nhiệm nhằm góp phần ngăn chặn các vụ việc bạo lực học đường có thể xảy ra như hiện nay.
2 nhóm nữ sinh hẹn đánh nhau, tung clip lên mạng, trường xử lý thế nào? Trưa ngày 13/4, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh hai nhóm nữ sinh đánh nhau. Trong quá trình 2 nhóm nữ sinh đánh nhau có nhiều học sinh hò reo, cổ vũ. Sự việc được xác định xảy ra tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), 2 nhóm nữ sinh đánh nhau đang theo học tại khối lớp...