Trải nghiệm thú vị từ các tiết học Lịch sử
Lịch sử là bộ môn KHXH quan trọng trong trường phổ thông. Dạy – học Lịch sử không chỉ trang bị cho học sinh về lịch sử dân tộc, nhân loại mà còn góp phần hoàn thiện nhân cách, bản lĩnh con người Việt Nam.
Giáo viên cần xác định rõ những nội dung kiến thức cơ bản nhất của từng bài. Ảnh minh họa/Internet
Đó là ý kiến của thầy Phạm Ngọc Thụ – giáo viên Lịch sử, Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội).
Khai phóng những giá trị của bài học
Theo thầy Thụ, bộ môn Lịch sử vốn có nhiều ưu thế để giáo dục truyền thống, tư tưởng, tình cảm đạo đức lối sống cho học sinh.
Học Lịch sử, học sinh không chỉ tiếp nhận những kiến thức về lịch sử của dân tộc mà còn hiểu được lịch sử thế giới, thấy được những tấm gương cần cù trong lao động sản xuất, anh dũng trong chiến đấu, thấy được sự tác động qua lại giữa các sự kiện hiện tượng lịch sử và thấy được sự vươn lên trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ nền độc lập của dân tộc…
Cũng theo thầy Thụ, Lịch sử cung cấp cho học sinh cái nhìn toàn diện, tổng thể về quy luật sự phát triển xã hội và những bài học kinh nghiệm được rút ra từ lịch sử. Qua những bài học, kiến thức học sinh lĩnh hội được, giáo viên đã tạo cho các em một thế giới quan khoa học, góp phần không nhỏ vào gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Tuy nhiên, thầy Thụ cho rằng, để bộ môn này thực đi vào tâm thức của học trò, giáo viên cần không ngừng đổi mới, sáng tạo trong các tiết dạy; bởi chương trình chỉ là nền tảng, là căn cốt để giáo viên phát huy, khai phóng những giá trị của bài học. Và thông qua việc đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo viên sẽ truyền cảm hứng, tình yêu với môn Lịch sử cho học trò.
Từ thực tế giảng dạy, thầy Thụ “bật mí” kinh nghiệm: Giáo viên cần xác định rõ những nội dung kiến thức cơ bản nhất của từng bài, từng chương để truyền đạt đến học sinh.
Video đang HOT
Thầy Phạm Ngọc Thụ (hàng thứ nhất, thứ ba từ phải sang trái) cùng các học trò. Ảnh: NVCCC
“Điều này không hề khó đối với bất kì giáo viên nào. Bởi những nội dung cơ bản của bài học đã có trong chuẩn kiến thức kĩ năng. Cái khó của giáo viên là phải nắm rõ nội dung của sách giáo khoa, hiểu được mục đích của bài học trong tổng thể chương trình để từ đó xác định dạy cái gì; dạy những nội dung nào và dùng cách thức nào để truyền đạt tri thức đến học sinh” – thầy Thụ trao đổi, đồng thời viện dẫn:
Ví như, trong chương trình Lịch sử lớp 11, bài 22: Xã hội Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp”. Ở bài này, giáo viên cần thấy rõ mối quan hệ từ chính sách khai thác thuộc địa dẫn đến những biến đổi về kinh tế, xã hội Việt Nam, những giai cấp và tầng lớp mới ra đời. Giai cấp, tầng lớp mới sẽ có suy nghĩ và hành động cứu nước theo con đường mới.
“Nếu không thấy được mối liên hệ giữa các đơn vị kiến thức của từng bài, từng chương thì giờ học lịch sử thật sự chỉ là những sự kiện hết sức khô cứng” – thầy Thụ thẳng thắn nói.
Dạy từ những điều ngoài sách vở
Cũng theo thầy Thụ, giáo viên cần cụ thể hóa các đơn vị kiến thức trong bài học bằng những sơ đồ hoặc khái quát dưới dạng các công thức, giúp học sinh dễ học, dễ nhớ. Với sơ đồ, học sinh dễ dàng trong việc xác định được những nội dung cơ bản của bài học và thấy được mối liên hệ tác động qua lại giữa các đơn vị kiến thức có trong sơ đồ.
Đồng thời các sơ đồ giúp cho tư duy học sinh, tránh được sự nhàm chán của các con số, các sự kiện ngày tháng…. Như vậy, việc truyền tải thông tin đến học sinh được dễ dàng hơn.
Ngoài ra, trong quá trình công tác, giáo viên cần cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức từ sách, báo, những tư liệu từ cuộc sống để gờ học thêm sinh động. Nếu giờ học chỉ có những kiến thức trong sách giáo khoa sẽ làm cho học sinh dễ nhàm chán.
Những câu chuyện cuộc sống, những điều ngoài sách vở mà các em chưa biết mới là yếu tố li kì, thu hút sự quan tâm và chú ý của học sinh. “Chẳng hạn, những câu chuyện về tù chính trị ở Côn Đảo, những hành động tra tấn dã man của những viên cai ngục khét tiếng Bảy Nhu ở nhà giam Phú Quốc hay những mẩu chuyện trong chiến tranh thế giới thứ hai sẽ làm cho bài học lịch sử thêm sức hấp dẫn đối với học sinh” – thầy Thụ trao đổi.
Thầy Thụ cùng các học trò chụp ảnh kỷ yếu. Ảnh: NVCC.
Nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức dạy học, người thầy cần giữ nhịp được giờ học, thầy Thụ chia sẻ: Có thể người thầy được phép “phiêu” một chút nhưng cần chú ý đến sự phân bố thời gian; chú ý đến cách đặt câu hỏi; cách vào bài để gây ấn tượng ban đầu đối với học sinh….
“Đôi khi trong quá trình dạy học, giáo viên hay mắc “bệnh” nói nhiều, nếu bắt học sinh nghe với âm lượng đều đều, sẽ làm cho các em rơi vào trạng thái được ru ngủ, các em thiếu sự quan tâm vào bài học…
Vì vậy, giáo viên cần định hướng suy nghĩ của học sinh quay trở lại bài học bằng những câu chuyện vui, hài hước hay những câu slogan ngắn gọn trong cuộc sống” – thầy Thụ cho hay.
“Để phát huy vai trò bộ môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông, mỗi người giáo viên cần có phong cách và cá tính riêng. Nhưng trên hết, vẫn cần sự tâm huyết và phải luôn ý thức đổi mới để mỗi giờ học Lịch sử thật sự là một sự trải nghiệm thú vị về cuộc sống” - thầy Phạm Ngọc Thụ.
Hướng ra nào cho môn lịch sử?: Học lịch sử cũng chính là tìm về bản sắc
Học lịch sử dân tộc là để hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, hiểu lý do tồn tại của dân tộc, từ đó biết rút kinh nghiệm trong quá khứ, sống tốt trong hiện tại và kiến tạo tương lai
Chương trình giáo dục phổ thông mới gây chú ý nhiều trong thời gian qua về môn lịch sử. Theo đó, ở cấp THCS, học sinh (HS) sẽ học môn lịch sử bắt buộc và sẽ được trang bị kiến thức cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến hiện đại. Riêng về lịch sử Việt Nam, chương trình bảo đảm HS được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.
Cần cung cấp kiến thức nền cơ bản
Chỉ nói riêng về lịch sử Việt Nam, ngay cả đối với người lớn, để hiểu toàn diện và đầy đủ là chuyện rất khó, huống chi là lứa tuổi của các em bậc THCS. Với những "tham vọng" như trên, liệu chương trình càng thêm nặng không, lứa tuổi 11-14 có thể tư duy như người lớn được không?
Còn ở bậc THPT, chương trình mới bố trí môn lịch sử nằm trong tổ hợp xã hội và thuộc môn tự chọn. Ở bậc này, nếu HS chọn học môn lịch sử, thì sẽ được học theo các chuyên đề có nội dung chuyên sâu, giúp HS hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản đã được học ở cấp THCS. Trên thực tế, việc học chuyên sâu các vấn đề lịch sử thì phải ở tầm sinh viên chuyên ngành lịch sử. Ở lứa tuổi THPT, sự chín chắn trong suy nghĩ chưa đạt tới, kiến thức nền chưa đủ, bắt các em phải "chuyên sâu" lịch sử, như vậy có phải thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn chăng?
Vậy nên, ở bậc phổ thông, HS cần được cung cấp những kiến thức nền cơ bản nhất để sau bậc phổ thông, các em sẽ bước vào chuyên sâu ở những chuyên ngành khác nhau. Đối với môn lịch sử cũng vậy, các em cần được cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về lịch sử Việt Nam. Từ cấp 1, có thể cho các em tiếp cận lịch sử Việt Nam thông qua những câu chuyện đơn giản về các nhân vật lịch sử (như kể chuyện đời xưa vậy). Từ lớp 6 đến 12, có thể bố trí môn lịch sử trải dài một cách có hệ thống, đơn giản, dễ hiểu, để mỗi năm HS sẽ được học một giai đoạn của lịch sử dân tộc. Rồi ở bậc đại học, bất kỳ chuyên ngành nào, ở năm đầu cũng nên có môn đại cương lịch sử Việt Nam. Bởi khi bước vào đại học, các em bước vào lứa tuổi trưởng thành, chín chắn hơn trong suy nghĩ, các em sẽ tiếp cận lịch sử với một tâm thế hoàn toàn khác, được giúp xâu chuỗi lại toàn bộ lịch sử dân tộc một cách có bài bản, hệ thống.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) trong giờ học môn lịch sử Ảnh: Tấn Thạnh
Gió càng mạnh, gốc phải càng sâu
Môn lịch sử thuộc về môn học không cho thấy kết quả rõ ràng ngay lập tức, mà cần có thời gian và sẽ cho kết quả một cách không ồn ào. Chúng ta cần nhắc lại với nhau rằng học lịch sử dân tộc là để hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, hiểu lý do tồn tại của dân tộc, hiểu vì sao mình lại như thế trong hiện tại, từ đó biết rút kinh nghiệm trong quá khứ mà sống tốt trong hiện tại và kiến tạo tương lai. Lịch sử dân tộc góp phần xây dựng tinh thần dân tộc, dạy cho chúng ta biết yêu nước non, thương giống nòi. Lịch sử dân tộc giữ vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của một nước - một sự phát triển có tiếp nối chứ không phải một sự phát triển bỏ gốc bỏ nguồn.
Làn sóng toàn cầu hóa trên thế giới ngày càng mạnh. Ở thời đại số, ranh giới của các nền văn hóa bỗng trở nên vô cùng mong manh. Trong bối cảnh đó, việc giữ gìn bản sắc của mỗi dân tộc trở nên vô cùng cấp thiết. Chúng ta cần nhắc lại với nhau rằng bản sắc của một dân tộc được hình thành không phải một ngày một bữa, mà phải được tích lũy theo dòng chảy của lịch sử dân tộc. Bởi thế mà học lịch sử cũng chính là tìm về bản sắc.
Cũng có lập luận cho rằng dù là môn tự chọn nhưng nếu HS thấy có ích thì sẽ chọn để học. Nhìn vào thực tế, ai cũng thấy lâu nay môn lịch sử là môn mà HS ít mặn mà. Không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước, tình hình tuổi trẻ và lịch sử dân tộc cũng không có gì khả quan. Thế nhưng, nếu cách dạy, giáo trình môn lịch sử còn chưa thu hút được tuổi trẻ thì chúng ta cải cách, đổi mới cách dạy cách học, không thể để những công dân của đất nước mờ mịt lịch sử dân tộc.
Cũng có ý kiến cho rằng chương trình mới là theo đúng xu thế quốc tế. Xin khẳng định ý kiến này không đúng bởi bảo tồn bản sắc và đa dạng văn hóa hiện là xu thế chung của nhân loại. Thực tế đã cho thấy những nước nghèo, kinh tế kém phát triển, khi mở cửa làm ăn với thế giới, đã phải đối mặt với sự tấn công ào ạt của các yếu tố văn hóa ngoại lai và phải khổ sở bảo tồn bản sắc dân tộc. Câu chuyện "sức mạnh mềm" đã trở nên quá quen thuộc trong thế giới hiện tại. Như vậy, nếu các quốc gia có nền kinh tế mạnh chú ý đến lịch sử dân tộc chỉ 1, thì những nước có nền kinh tế yếu hơn phải quan tâm đến lịch sử dân tộc đến 10. Khi cơn gió toàn cầu hóa càng mạnh thì cái gốc dân tộc phải càng sâu và chắc..
Xếp một môn học thuộc dạng bắt buộc, ngoài những cái khác, nó còn cho thấy vị trí quan trọng của môn học đó trong hệ thống giáo dục của một nước và tư duy giáo dục của một quốc gia.
TS lịch sử văn hóa LÊ HỒNG PHƯỚC, Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM
Trường học hạnh phúc khi thầy, cô giáo thay đổi Mấu chốt để xây dựng trường học hạnh phúc là thầy, cô giáo phải thay đổi, cán bộ quản lý phải thay đổi. Vậy hiệu trưởng có dám tự nhìn nhận, bước ra khỏi "vùng an toàn" và thay đổi hay không? Học sinh Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC. Truyền lửa cho học trò Cô Nguyễn Thị Thuỷ...