Trải nghiệm Samyang 24mm f/2.8 FE: Ống kính góc rộng giá rẻ, dùng có vui vẻ?
24mm f/2.8 FE là ống kính góc rộng mới nhất của hãng Samyang đến từ Hàn Quốc, bài viết sẽ chia sẻ những cảm nghĩ của mình sau khi sử dụng sản phẩm này trong 2 tuần!
Một trong những điểm yếu của dòng máy Sony nói riêng và máy ảnh không gương lật nói chung là hệ thống ống kính góc rộng không phong phú, mà những sản phẩm chất lượng cao thì lại có giá làm người dùng phải ‘toát mồ hôi’. Lấy ví dụ, chiếc Carl Zeiss 16-35mm f/4tuy có khẩu độ nhỏ nhưng cũng có giá lên tới hơn 20 triệu đồng, chiếc Sony 16-35mm f/2.8 GM có giá lên tới 50 triệu đồng, và chiếc Sony 24mm f/1.4 GM cũng mang mác 34 – 35 triệu đồng!
Sản phẩm có phụ kiện là một túi khóa kéo nhỏ gọn!
Và đó chính là lí do tại sao Samyang – một hãng ống kính từ Hàn Quốc ra mắt sản phẩm 24mm f/2.8 FE với mức giá chỉ khoảng 8 triệu đồng. Sản phẩm này có góc nhìn rộng 24mm, khẩu độ cũng khá lớn – f/2.8 và một thân hình vô cùng nhỏ gọn, nhưng liệu nhiêu đó đã đủ để người dùng bỏ tiền đầu tư?
Thiết kế
Có lẽ ta sẽ bắt đầu từ thiết kế bên ngoài trước. Samyang 24mm f/2.8 FE vô cùng nhỏ gọn, chỉ dài 370mm và nặng 93g!
Vỏ ngoài của sản phẩm được làm bằng nhựa, nhưng được hoàn thiện đủ tốt để không cho cảm giác quá rẻ tiền!
Phần nắp có rãnh cầm ở giữa khá giống với các sản phẩm của Sony hoặc Sigma, giúp người dùng mở ống kính mà không cần tháo loa chắn nắng.
Tất nhiên, vỏ ống kính được làm bằng nhựa nhưng phần ngàm gắn vẫn được làm bằng kim loại. Là một sản phẩm giá rẻ nên Samyang 24mm cũng không có các gioăng cao su để chống bụi và nước, nhưng khi gắn lên máy thì phần kết nối cũng rất chặt nên bụi bẩn cũng không hề dễ lọt qua.
Một trong những ưu điểm của các máy ảnh không gương lật đó là sự nhỏ nhắn, tính di động cao. Nhưng một khi đã gắn những ống kính loại lớn, thì ưu điểm này gần như biến mất hoàn toàn. Chính vì thế nên mình rất thích những loại ống kính nhỏ như thế này, đem trong balô cũng nhẹ mà sử dụng thực tế cũng thoải mái tay hơn.
Vì đây là một ống kính góc rộng nên phần chắn nắng của nó cũng được làm khá ngắn!
Một số thông số kĩ thuật của Samyang 24mm bao gồm hệ 7 thấu kính chia thành 7 nhóm, khoảng cách lấy nét gần nhất 24cm, kích thước kính lọc 49mm, 7 lá khẩu, góc nhìn trên Full-frame 84 độ và trên APS-C là 60 độ.
Sử dụng thực tế
Trước tiên ta sẽ bàn luận về tiêu cự. 24mm là một tiêu cự rộng rất tiêu chuẩn, chính vì vậy nên trở thành góc rộng nhất trên ống kính zoom đa dụng 24-70 f/2.8 và 24-105 f/4 của các hãng. Nhưng nếu sử dụng độc lập, không được zoom lên thì chắc chắn người dùng cũng sẽ phải làm quen trước khi sử dụng được thuần thục.
Mình là một người hay chụp ở tiêu cự 50mm, nên ‘bỗng dưng’ chuyển qua một góc rộng 24mm cũng thấy lạ lẫm phải dùng 2-3 ngày mới thấy quen. Đặc biệt là trong chụp ảnh đường phố, mình phải đứng rất gần với chủ thể chứ không thể đứng xa và ‘tỉa’ được, có lẽ đây cũng là một thử thách để rèn luyện bản thân!
Video đang HOT
f2.8 – 1/640s – ISO 200
Nhưng khi sử dụng trên các máy crop, thì ống kính cho góc nhìn khoảng 36mm, là một tiêu cự dễ sử dụng vào nhiều mục đích hơn. Hơn nữa đây cũng là một ống kính siêu nhỏ gọn, nên việc sử dụng nó trên các máy A6000, A6300 và A6500 cũng rất hợp lí.
Về tốc độ lấy nét, Samyang 24mm bắt nét khá nhanh, vì dù sao đây là một sản phẩm góc rộng với hệ thấu kính nhỏ nhẹ, nhưng nếu ’soi mói’ thật kĩ thì có vẻ chậm hơn 1 nhịp so với các ống kính từ Sony và Zeiss, nhưng vẫn có thể nói là đủ dùng cho nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Góc nhìn 24mm trên Full-frame và APS-C.
Những ống kính góc rộng thường khó thiết kế, nên thường có giá bán rất cao. Những sản phẩm góc rộng mà có giá rẻ thường đi kèm với chất lượng quang học kém. Với Samyang 24mm f/2.8 thì chất lượng ảnh có điểm tốt và có điểm chưa tốt.
Độ nét và tương phản của ống kính ở khẩu độ f/2.8 nằm ở mức trung bình, không thực sự xuất sắc, nhưng được cải thiện nhiều khi chuyển xuống khẩu độ f/4. Chính vì vậy nên trong điều kiện sử dụng đủ sáng, người dùng nên đóng khẩu để có chất lượng ảnh tốt nhất, và ‘để dành’ f/2.8 cho điều kiện trời tối, thiếu sáng.
Trước đây mình có sử dụng ống kính Samyang 35mm f/1.4, và nhận thấy màu sắc của nó và phiên bản 24mm này khá tương đồng: hơi ngả vàng nhẹ và có độ đậm cao. Nếu như chụp những thứ cần màu sắc chuẩn xác nhất có thể thì người dùng sẽ phải lấy lại cân bằng trắng, nhưng nếu như chụp đường phố, phong cảnh thì màu sắc đậm đà của ống kính này sẽ làm hài lòng đại đa số người dùng.
f/4 – 1/640 – ISO 640
Ống kính có góc rộng, nên không tránh khỏi hiện tượng méo hình (distortion) và tối góc (vignett). Samyang 24mm f/2.8 cũng gặp hiện tượng này, nhưng đủ nhẹ để có thể sửa được bằng phần mềm hậu kì như Lightroom.
Ảnh thử độ méo và tối góc của Samyang 24mm f/2.8, trước và sau khi sửa bằng Lightroom.
Một điểm đáng khen của ống kính đó là kiểm soát được viền tím khá tốt. Trong bài thử ở dưới, viền của những chiếc lá có xuất hiện một chút viền, nhưng thực sự là rất nhẹ cho một ống kính góc rộng, và lại một lần nữa – có thể sửa dễ dàng bằng phần mềm.
f/16 – 1/100s – ISO 200
Viền tím có xảy ra, nhưng không hề nhiều và có thể sửa một cách dễ dàng.
Khi chụp ở f16 và với nguồn sáng mạnh, ống kính sẽ cho hiện tượng sao (thuật ngữ đúng là sunburst). Thực sự mình không phải là chuyên gia ‘ngắm sao’, nên sẽ cung cấp hình ảnh để độc giả tự đánh giá:
f16 – 1/1250s – ISO 200
Sunburst có tới 14 cánh của Samyang 24mm f/2.8
Với khoảng cách lấy nét gần nhất là 24cm thì ống kính có khả năng chụp cận cảnh ở mức trung bình, không tệ và cũng không mấy ấn tượng. Nhưng với khoảng cách này và ở khẩu độ f/2.8 ta vẫn có thể thấy được vùng mờ (bokeh) của nó. Trong hình ảnh dưới, ta có thể thấy rõ bokeh của ống kính có các vân tròn đồng tâm, hay gọi là vân hành, tùy vào gu ảnh của từng người sẽ là đẹp hoặc xấu. Nhưng nói thật lòng thì đến 99,99% ảnh ở tiêu cự 24mm sẽ không có bokeh, nên đẹp hay xấu thì…không quan trọng cho lắm!
f/2.8 – 1/1000s – ISO 320
Bokeh của Samyang 24mm f/2.8 có ‘vân hành’
Điểm yếu lớn nhất trong chất lượng ảnh của Samyang 24mm đó là khả năng chống chói (flare). Mặc dù có chắn nắng, cùng một số lớp coating mặt ngoài nhưng ống kính vẫn bị flare nặng khi có nguồn sáng mạnh chiếu thẳng hoặc ở góc 90 độ. Tất nhiên hiện tượng này không xảy ra ở tất cả ảnh, nhưng cũng ngăn cản người dùng chụp những bức ảnh ngược nắng, hay trong điều kiện ánh sáng khó.
Hiện tượng chói nắng (flare) của ống kính khá nặng!
Ta có thể giảm flare bằng cách tăng tương phản và dùng công cụ giảm mờ (Dehaze), nhưng thực sự là không thể hết hoàn toàn được. Mong là ở phiên bản sắp tới hãng sẽ có chắn nắng hoặc lớp coating hiệu quả hơn!
Hình ảnh sau khi đã tăng tương phản và giảm mờ
Một vài ảnh chụp từ Samyang 24mm f/2.8:
f/4 – 1/500s – ISO 640
f/4 – 1/400s – ISO 640
f2.8 – 1/400s – ISO 320
f/2.8 – 1/800s – ISO 320
f/2.8 – 1/400s – ISO 320
Lời kết
Nhìn chung, 24mm f/2.8 FE là một sản phẩm đậm chất Samyang: đem lại cho người dùng rất nhiều tính năng ở một tầm giá rẻ, hay nói một cách khác là có tỉ lệ hiệu năng trên giá tiền cao. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là đây là một sản phẩm hoàn hảo, nó vẫn có những nhược điểm cần phải sửa chữa trong phiên bản kế nhiệm bao gồm độ tương phản thấp ở f/2.8 và khả năng chống chói kém. Nhưng nhìn chung, với mục đích sử dụng nghiệp dư (như mình) chụp chơi, hay bán chuyên thì Samyang f/2.8 FE vẫn là một sản phẩm đáng cân nhắc.
Ưu điểm
- Giá bán dễ tiếp cận (khoảng 8 triệu đồng)
- Hoàn thiện tốt, có tính di động cao
- Được tặng kèm túi đựng tiện dụng
- Chất lượng ảnh tốt sau f/4
- Có méo hình nhưng không bị quá nặng
- Không bị viền tím nhiều, và có thể sửa dễ dàng
- Màu sắc đậm đà, tươi sáng
Nhược điểm
- Lấy nét khá, nhưng thua các ống kính của hãng
- Gặp hiện tượng flare khi chụp ngược sáng
- Tại f/2.8, độ tương phản không cao
Theo Genk
Sigma không chịu thua thiệt, sẽ ra mắt máy ảnh không gương lật Full-frame với công nghệ Foveon
Sản phẩm này sẽ sử dụng L-mount, ngàm chung của Liên minh Sigma - Panasonic - Leica.
Cùng với việc tham gia "Liên minh L-mount" cùng với Leica và Panasonic, Sigma cũng đã công bố sẽ phát triển một chiếc máy ảnh không gương lật Full-frame cho riêng mình. Nhưng thay vì sử dụng cảm biến CMOS thông thường, Sigma sẽ áp dụng công nghệ cảm biến Foveon mà hãng đã phát triển bấy lâu nay.
Khác với cảm biến CMOS, cảm biến Foveon có tới 3 lớp màu xanh dương, xanh lá và đỏ chồng lên nhau. Mỗi khi chụp, các điểm ảnh sẽ nhận được nhiều thông tin hơn so với cảm biến thông thường, từ đó tạo nên một bức ảnh sắc nét và có màu sắc rực rỡ hơn. Loại cảm biến này đã được áp dụng trên các máy ảnh ngàm SA trước đây của Sigma, và cho chất lượng màu sắc cực kì ấn tượng nhưng gặp điểm yếu là không khử nhiễu tốt (do thuật toán chưa tốt và cảm biến kích thước nhỏ).
Chiếc máy này sẽ sử dụng L-mount, tuy vậy Sigma cho biết vẫn sẽ hỗ trợ các nhiếp ảnh gia đang dùng hệ thống máy ảnh ngàm SA của hãng. Những ai muốn chuyển qua ngàm L-mount có thể gửi ống kính của mình tới Sigma để thực hiện chuyển đổi với một mức phí nhỏ, nhưng nếu như vẫn muốn dùng các máy ảnh SA mount thì hãng vẫn sẽ ra mắt các ống kính mới, và tiếp tục bảo hành theo đúng chính sách. Song, hãng cũng sẽ không ra mắt máy ảnh mới dùng ngàm SA.
Chiếc Lumix S1R vừa được Panasonic công bố với ngàm L-mount
Chiếc máy ảnh Sigma Foveon dùng ngàm L-mount đang được phát triển, và sẽ được công bố chính thức vào năm sau - 2019.
Theo Genk
Fujifilm công bố GFX50R: Máy ảnh range-finder với cảm biến Medium format Đây có thể coi là phiên bản nhỏ gọn, giá rẻ của chiếc Fujifilm GFX50S. Sau những lời đồn đại trong tháng qua,Fujifilm cuối cùng cũng công bố chính thức chiếc máy ảnh không gương lật với cảm biến Medium format thứ 2 của mình, mang tên GFX50R. Đây có thể coi là một phiên bản rút gọn, với giá bán thấp hơn...