Trải nghiệm của bà mẹ Mỹ khi nuôi dạy đứa con tài năng
Năm lớp 1, con trai Kim thường nổi cáu với bài tập ở lớp vì quá dễ. Cậu bé thường giả vờ ốm để không phải đi học.
Tác giả Kim Hildenbrand, bà mẹ ba con ở bang Washington (Mỹ) chia sẻ trên HuffPost cách đồng hành cùng con trai – đứa trẻ được chuyên gia xác nhận có năng khiếu thiên bẩm về trí tuệ.
Chúng tôi biết khá sớm rằng con trai mình có đôi chút khác biệt. Khi còn nhỏ, nó đã đến gần những đứa trẻ khác trên sân chơi và nói những câu đầy đủ ý tứ như: “Chào cậu. Tớ 18 tháng tuổi rồi. Cậu thì sao?”. Đến năm lên 3, thằng bé đã biết làm phép nhân chia. Một năm sau, nó đọc sách và viết truyện. Một ngày nọ, nó trở về nhà từ trường mầm non, say sưa nói về một món ăn vặt rất ngon và tả chính xác là có hình trụ. Cuối cùng, chúng tôi đã tìm hiểu được rằng thằng bé muốn nói đến món bánh tortilla cuộn.
“Nó hẳn là đứa trẻ tài năng!”, bạn bè tôi, những người có con lớn tuổi hơn thường nhận xét. Gia đình tôi, ngược lại, chưa từng nhắc đến từ này. “Tài năng” nghe có vẻ thật khoe khoang, điều đó không phù hợp với tính cách của chúng tôi. Cả ba đứa trẻ nhà tôi đều trông sáng sủa, và con thứ mà tôi đang nhắc đến chỉ chững chạc hơn bạn bè đồng trang lứa một chút thôi.
Cuối tuần đầu tiên của năm lớp 1, con trai tôi nói dứt khoát: “Con ghét trường học”.
Vài tháng trôi qua, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Thằng bé nổi điên với bài tập tô màu, cáu kỉnh khi chỉ được phép xem “những cuốn sách dễ ợt” trong thư viện. Nó nài nỉ chúng tôi giao cho những bài toán khó. Vào cuối tuần, nó tự làm bài tiểu luận nghiên cứu về những chủ đề kỳ lạ khiến bản thân tò mò: điện toán đám mây, những người bảo vệ Cung điện Buckingham, đảo Alcatraz.
Mỗi ngày thằng bé đều kêu ca về các hình phạt dành cho cả lớp. “Tại sao con phải vướng vào rắc rối khi con chẳng làm gì sai cả? Học lớp 1 còn dễ hơn học mẫu giáo, thế mà cô giáo toàn la mắng bọn con”, thằng bé vừa khóc vừa nói. Những ngày sau đó, nó thường giả ốm để ở nhà, không phải đi học.
Giờ con trai tôi 8 tuổi và học lớp 3, nhưng khi nghĩ đến nó, tôi vẫn thấy hình ảnh cậu bé 6 tuổi với đôi vai nhỏ bé gồng lên, nước mắt lưng tròng khi bước ra khỏi ngôi trường đó. Trông nó bất lực và vô vọng. Năm học đầu tiên đó tôi sẽ không bao giờ quên.
Con trai của Kim Hildenbrand. Ảnh: Kim Hildenbrand
Chúng tôi đã đề nghị gặp cô giáo lớp 1 của thằng bé, nhưng cô nói trao đổi qua email tiện hơn. Tôi gửi một bức thư chân thành và thống thiết, nói rõ mối bận tâm của mình, rằng thằng bé cảm thấy bài tập ở lớp quá dễ và không thích những hình phạt tập thể.
Tuy nhiên, câu trả lời của cô rất ngắn gọn, sử dụng thêm nhiều dấu ngoặc kép: Thằng bé có vẻ “nhạy cảm”, dường như “có vấn đề” mỗi khi giáo viên “nói chuyện” với lớp.
Tôi nhắc đến khả năng giao những bài tập khó hơn cho nó. Cô giáo gọi điện thoại cho tôi, thừa nhận bài tập hiện nay quá dễ, nhưng khẳng định mình đang làm những gì có thể với thời gian và nguồn lực hạn chế. “Tôi không thể đáp ứng được nhu cầu của thằng bé. Giáo trình của chúng tôi không phù hợp với nó”, cô nói.
Những khi không ở trường học, con trai tôi rất vui vẻ. Chúng tôi đùa nhau rằng thằng bé thực ra là người đàn ông 40 tuổi bị mắc kẹt trong cơ thể nhỏ bé.
Video đang HOT
Xen lẫn với những nỗi khốn khổ của năm học đầu tiên là nhiều kỷ niệm ngọt ngào và hài hước. Chẳng hạn, sau khi mất đi một chiếc răng, thằng bé viết một bức thư dài, bắt đầu bằng câu: “Thân gửi cô tiên răng, cháu xin lỗi phải báo với cô rằng cháu đã lỡ nuốt một chiếc răng”. Hay khi đi cắt tóc, nó yêu cầu thợ chọn cho mình kiểu tóc “thật người lớn”.
Để chuyện đi học không còn là nỗi ác mộng thường trực của thằng bé, chúng tôi đưa con đến gặp một nhà tâm lý học. Kết quả cho thấy thằng bé có năng khiếu thiên bẩm.
Chúng tôi tròn mắt. Ồ, con trai mình là đứa trẻ tài năng. Tôi có đang khoác lác không? Không. Tôi có tự nghĩ rằng nó đặc biệt hơn những đứa trẻ khác không? Không. Tôi có thích từ “tài năng” hay không? Không hẳn.
Tài năng không phải là điều gì đó đáng tự hào, chúng tôi không tạo ra nó. Đó là đặc điểm cố hữu, một dạng nhu cầu đặc biệt của trẻ, đi cùng với nó là rất nhiều nỗi lo.
Con trai tôi rất nhạy cảm và dễ xúc động. Khi cô giáo nói “Ai đó đã lấy bộ que tính trên bàn cô mất rồi, nên giờ chúng ta đều phải chịu đựng hậu quả”, hầu hết học sinh lớp 1 sẽ nói “Không phải em ạ” và không để tâm nữa. Tuy nhiên, thằng bé lại suy nghĩ về chuyện đó trong nhiều ngày và một đêm thầm thì với tôi lúc đi ngủ: “Mẹ ơi, chịu đựng có phải nghĩa là đau đớn về thể xác không ạ? Hay cô giáo con chọn từ không chính xác?”.
Thằng bé ý thức rất cao về sự công bằng. Khi người giám sát phòng ăn bắt tất cả học sinh gục đầu xuống bàn một lúc để phạt vì có nhiều em làm ồn, đa số trẻ đều tuân thủ rồi sau đó quên đi. Tuy nhiên, con trai tôi phàn nàn vào bữa tối rằng việc đó hạ thấp giá trị của mình.
Giống như một số trẻ tài năng, con trai tôi vật lộn với chủ nghĩa cầu toàn. Nó không thể chịu khi phải làm một việc mà biết rằng kết quả sẽ không hoàn hảo. Bên cạnh đó, thằng bé cũng khổ sở vì sự phát triển không đồng bộ, nghĩa là nó có thể hiểu phép toán logarit khi mới chỉ học lớp 1, nhưng gần như không thể tự buộc dây giày và đôi khi vẫn mặc quần ngược.
Thằng bé cảm thấy điều đó rất lạ lùng, “giống như người ngoài hành tinh”, theo cách nói của nó. Đôi khi, nó hòa đồng với người lớn hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Tôi đã nhìn thấy những sự tương tác kỳ cục ngay từ đầu. Con trai tôi thường bắt đầu chuyện trò với bạn bằng những câu như: “Cậu có thấy từ sự lặp lại (repetition) đã có sự lặp lại trong đó rồi không? Nó có hai lần chữ ti“. Nhưng không phải mọi cậu bé đều thích nói về những thứ kiểu vậy.
Thằng bé thích gánh cả thế giới lên vai. Nó lo lắng cho những người không có đủ thức ăn hay thiếu nước sạch, cứ như những cơn khủng hoảng của thế giới đều là vấn đề mà nó phải giải quyết. Khi giáo viên hứa với cả lớp rằng sẽ tài trợ một cái giếng cho một quốc gia thuộc thế giới thứ ba nếu tất cả học sinh cải thiện hành vi, con trai tôi hàng ngày đều bị giày vò bởi viễn cảnh thất bại. “Nếu các bạn lớp con thiếu tôn trọng giáo viên có nghĩa là bọn con đang cướp đi cơ hội giúp nhiều bạn nhỏ tiếp cận nguồn nước sạch”, nó nói.
Năm học lớp một cứ trở nên tồi tệ hơn. Hiệu trưởng nhìn tôi thảng thốt khi tôi giải thích rằng con trai thường xuyên cố nôn mửa để được ở nhà. “Ở trường, trông thằng bé có vẻ ổn. Có thể nó gặp chuyện gì đó ở nhà nên không vui”, bà kết luận.
Chúng tôi biết chắc rằng không thể để con ở lại trường đó nữa, nhưng phải làm gì đây? Giáo dục tại nhà không phải lựa chọn hấp dẫn. Trường tư thục dành cho trẻ tài năng mà nhà tâm lý học gợi ý cho chúng tôi cách nhà quá xa và học phí lên đến 25.000 USD một năm.
Phao cứu sinh đã xuất hiện theo cách không ngờ. Chúng tôi tìm ra một trường công có chương trình năng khiếu ở một thành phố nhỏ chỉ cách nhà 25 km. Thật kỳ diệu là họ có suất cho những học sinh ngoài địa bàn. Dù phải dành nhiều thời gian hơn để lái xe, cuộc sống trở nên bận rộn hơn một chút, tôi thấy nhẹ nhõm vì con trai không còn ghét đi học nữa.
Giờ thằng bé đã 8 tuổi, học lớp 3 và hạnh phúc hơn bao giờ hết. Bài tập ở lớp khiến nó cảm thấy được thử thách. Không còn những hình phạt tập thể. Giáo viên hiện tại là một trong những người nó yêu thích nhất thế gian. Mọi trải nghiệm với nhân viên trường học đều tuyệt vời. Ngôi trường thực sự là nơi lý tưởng, hiệu trưởng rất thân thiện và chu đáo.
Tuy nhiên, lòng tôi vẫn thấp thỏm mối lo lắng kinh điển của phụ huynh: Chúng tôi đã làm đủ hay chưa? Liệu đã khuyến khích con đủ nhiều và trao cho con những cơ hội tốt? Một số trẻ tài năng bằng tuổi con trai tôi đã đăng ký các lớp trình độ đại học, tham gia nhiều cuộc thi lớn và được ca ngợi trên mặt báo nhờ những dự án nghiên cứu ấn tượng. Trong khi đó, con trai tôi vẫn chơi trò Minecraft và đạp xe sau giờ học.
Hành trình nuôi dạy trẻ tài năng rất cô đơn. Tôi không thể nói một cách chính xác về những khó khăn của mình. Phàn nàn vì con quá thông minh ư? Kêu ca vì địa phương không có đội cờ vua dành cho trẻ 8 tuổi?
Tôi ý thức rõ rằng nhiều người xem cha mẹ của trẻ tài năng như những người thật đặc biệt. Vấn đề là không ai trong chúng ta có thể lựa chọn điều này. Khi một người bạn nói với tôi rằng con gái cô ấy thiếu vài điểm nên không thể theo chương trình tài năng, tôi đã cố ngăn mình thốt ra câu: “Cậu thật may mắn!”.
Gần đây, chúng tôi phát hiện rằng hai đứa trẻ còn lại cũng có năng khiếu bẩm sinh, dù không lộ rõ như con thứ. Chúng đều vui vẻ, học tập sôi nổi ở trường và đang tìm những bài tập khó hơn để làm. Nhưng tôi khá lo lắng về tương lai. Khi nghĩ đến thực tế rằng vợ chồng tôi có ba đứa trẻ tài tăng chứ không phải một, tôi tự hỏi: Làm bố mẹ là như thế này ư? Mọi chuyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều? Phải tham dự những cuộc họp đầy căng thẳng ở trường của con? Thường xuyên lo lắng làm không đủ tốt?
Tôi ngưỡng mộ sự thông minh của con trai và sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì. Tôi muốn con hạnh phúc, yêu đời và cảm thấy mãn nguyện. Thằng bé là một đứa trẻ tuyệt vời, tôi háo hức chứng kiến nó trưởng thành từng ngày. Nhưng tôi sẽ không giả vờ rằng việc có một đứa trẻ tài năng là điều dễ dàng trong cuộc sống.
Thùy Linh
Theo VNE
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thiếu gần 76 nghìn giáo viên nhưng vẫn thừa cục bộ?
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), tính trên cả nước hiện còn thiếu 75.989 giáo viên ở các cấp học. Tuy nhiên, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn là bài toán khó, mình Bộ GDĐT vào cuộc là chưa đủ.
Trong năm 2018, nhiều địa phương xảy ra hiện tượng hàng loạt giáo viên bị mất việc do địa phương tuyển dụng thừa. Ảnh: Hữu Long.
Băn khoăn thừa thiếu giáo viên
Chiều 9.1, Bộ GDĐT tổ chức hội nghị trực tuyến trên toàn quốc với lãnh đạo UBND và ngành GDĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, để bàn về việc chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đội ngũ giáo viên đóng vai trò quan trọng để "con thuyền đổi mới giáo dục" cập bến thành công. Chương trình mới hướng đến việc giảm tải cho cả học sinh và giáo viên, nhưng một trong những vấn đề cần có sự phối hợp giải quyết là tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ và công tác bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Liên quan đến vấn đề thừa thiếu giáo viên, theo báo cáo của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GDĐT), so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người. Trong đó, cấp mầm non là 43.732 người, tiểu học: 18.953, THCS: 10.143, THPT: 3.161 người.
Số lượng giáo viên hiện tại và còn thiếu ở các cấp học tính đến tháng 8.2018.
Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh.
Để giải quyết triệt tình trạng này, Bộ GDĐT cho rằng mình bộ vào cuộc chưa đủ, mà cần sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, địa phương.
Về phía ngành giáo dục, Bộ GDĐT yêu cầu ngành GDĐT các địa phương căn cứ vào hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục của mỗi cấp học trong chương trình mới tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên hiện có ở từng trường để dự kiến số lượng giáo viên còn thiếu, số lượng giáo viên dôi dư theo từng môn học, cấp học làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, điều chuyển, sắp xếp giáo viên hợp lý. Không để tình trạng thiếu giáo viên khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình mới, nhất là giáo viên dạy những môn học mới.
Đặc biệt, Bộ GDĐT sẽ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước, đặc biệt là các môn học mới. Đồng thời giao các trường đào tạo giáo viên chuyên ngành tiếng Anh, tin học ở tiểu học. Trong chương trình mới, những môn học này đã chuyển từ tự chọn sang bắt buộc nên sẽ cần nhiều giáo viên.
Liệu giáo viên có thất nghiệp?
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT, ngoài 5 môn học bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh), các môn còn lại (Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2) sẽ được phân theo các nhóm để học sinh tự chọn.
Tại hội nghị trực tuyến, đại diện Sở GDĐT Hải Phòng đặt ra băn khoăn: Điều này liệu có ảnh hưởng đến việc làm của giáo viên? Những môn học không được học sinh lựa chọn thì giáo viên bộ môn đó sẽ làm gì? Việc tích hợp một số môn ở cấp THCS liệu có khiến nhiều thầy cô có nguy cơ thất nghiệp?
Đây cũng là vấn đề được đại diện nhiều địa phương đặt ra.
Về điều này, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - khẳng định, khi triển khai thực hiện chương trình mới, với một số môn tích hợp, hay môn tự chọn, đội ngũ giáo viên sẽ có sự dao động không đáng kể. Bởi chương trình mới không bỏ đi môn học nào mà chỉ có sự cơ cấu, sắp xếp lại.
Ông Minh cho rằng, giáo viên không nên quá lo lắng, bởi không có giáo viên nào thiếu việc làm, mà các thầy cô sẽ được bồi dưỡng để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới. Việc bồi dưỡng sẽ được Bộ GDĐT tiến hành online, đảm bảo các thầy cô có thể học tập nâng cao trình độ mọi lúc mọi nơi.
ĐẶNG CHUNG
Theo laodong
Tiến sĩ 9x Việt tại Singapore tối ưu hoá thành công pin lưu trữ năng lượng tái tạo Tiến sĩ Nguyễn Duy Tâm (ĐH Nanyang, Singapore) giải quyết bài toán khó về lưu trữ và sử dụng năng lượng Mặt trời ở quy mô công nghiệp, cùng với một số giải pháp đồng bộ để giảm thiểu sự tiêu hao năng lượng điện tiêu thụ cho việc chống nóng và giảm hiệu ứng nhà kính... Tiến sĩ về lĩnh vực lưu...