Trách nhiệm lịch sử
Hội nghị lần thứ 18 của LHQ về biến đổi khí hậu đã bắt đầu tại Thủ đô Doha của Qatar với sự tham dự của gần 200 quốc gia với nỗ lực ngăn chặn nguy cơ thảm họa toàn cầu do “ hiệu ứng nhà kính”.
Khí thải công nghiệp đang làm tăng hiệu ứng nhà kính
Video đang HOT
Bình thường, Trái đất nhận năng lượng từ Mặt trời dưới dạng các bức xạ sóng ngắn làm bề mặt Trái đất nóng lên. Bề mặt Trái đất nóng lên lại bức xạ năng lượng vào khí quyển nhưng dưới dạng các bức xạ bước sóng dài, chủ yếu là các bức xạ nhiệt. Vì các bức xạ sóng dài không có khả năng xuyên qua “khí nhà kính” gồm chủ yếu là khí CO2, hơi nước…, nên bề mặt Trái đất tiếp tục ấm lên. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng nhà kính”.
Chính nhờ “hiệu ứng nhà kính” mà nhiệt độ của bề mặt Trái đất mới thuận hòa như hiện nay. Còn nếu không, nhiệt độ Trái đất sẽ tụt xuống – 22 độ C. Nhưng nếu tác động của “hiệu ứng nhà kính” quá giới hạn thì Trái đất sẽ nóng dần lên, gây biến đổi khí hậu với hệ quả vô cùng nghiêm trọng. Các nhà khoa học đã xác định nguyên nhân chính gây nên “hiệu ứng nhà kính” là lượng khí CO2 và các loại khí thải giữ nhiệt mà loài người thải ra liên tục tăng theo thời gian.
Theo ước tính, kể từ khi thế giới bước vào kỷ nguyên công nghiệp năm 1750, khoảng 375 tỷ tấn carbon đã được thải vào khí quyển như khí CO2, chủ yếu do quá trình đốt cháy các nhiên liệu trong lòng đất. Khoảng một nửa khối lượng khí CO2 này tiếp tục tồn tại trong không khí, làm tăng “hiệu ứng nhà kính”. Nếu như không ngăn chặn kịp thời, nhiệt độ Trái đất có thể tăng thêm 4 độ C vào năm 2060, kéo theo băng ở hai cực sẽ tan làm mực nước biển dâng lên, nhiều vùng trên Trái đất sẽ chìm dưới biển. Trong khi đó, nhiều vùng khác lại hạn hán, nước mặn thấm vào mạch nước ngầm, hủy hoại nông nghiệp và ảnh hưởng đến việc cung cấp nước ngọt…
Chính vì thế mà năm 1997, 193 nước thành viên Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã quyết định Nghị định thư Kyoto về cắt giảm “khí thải nhà kính”. Theo đó, 37 quốc gia gồm các nước công nghiệp và các nước đang chuyển sang nền kinh tế thị trường, phải cam kết và bắt buộc cắt giảm và hạn chế lượng khí thải, nhằm ngăn chặn những tác động nguy hiểm cho con người qua các địa tầng khí hậu.
Tuy nhiên, con đường đi tới mục tiêu mà Nghị định thư Kyoto đề ra không dễ dàng. Sau nhiều lần đàm phán mà không có đột phá nào, nhiệm vụ này ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái và việc Nga, Nhật Bản và Canada rút khỏi Nghị định thư Kyoto. Các nước này cho rằng việc gia hạn nghị định này sẽ trở nên vô nghĩa nếu các nước đang phát triển mạnh mẽ và tạo ra phần lớn lượng khí thải như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi không bị ràng buộc bởi bất cứ cam kết nào tương tự.
Chính vì thế mà trong 12 ngày họp tại Doha lần này, các đại biểu đến từ gần 200 nước trên thế giới phải tìm được tiếng nói chung trong việc gia hạn Nghị định thư Kyoto năm 1997. Trách nhiệm lịch sử trong việc cắt giảm khí thải, nguyên nhân chính dẫn đến “hiệu ứng nhà kính”, vẫn là chủ đề chính tại Hội nghị lần này. Người ta hy vọng Hội nghị sẽ đặt nền móng cho một hiệp định cắt giảm khí thải mở rộng đối với tất cả các nước, dự kiến khởi động đàm phán vào năm 2015 và có hiệu lực vào năm 2020. Tương lai của Trái đất phụ thuộc vào việc liệu các nước có giải quyết được thách thức căn bản của Nghị định thư Kyoto hay không.
Theo ANTD
Thiên tai - mặt trái của sự phát triển
Điều gì sẽ xảy ra với hành tinh chúng ta sau một thế kỷ nữa hoặc thậm chí sớm hơn? Câu hỏi này được các nhà khoa học và cả những người dân bình thường đặt ra ngày càng nhiều hơn.
Trái đất đang ngày càng nóng lên do hiệu ứng nhà kính.
Nhiệt độ sẽ tăng từ 2-4 độ C
Lũ lụt, bão, hạn hán đã trở thành tai họa thực sự của một loạt các quốc gia và châu lục. Trong 20 năm gần đây, tác động phóng xạ - chỉ số ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu- đã tăng 1/3 dưới tác động của các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Một trong những lý do chính là hoạt động kinh tế như vũ bão của con người. Kết luận này được đưa ra trong bản thông báo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và nó không khiến ta lạc quan.
Khí hậu nóng lên là chủ đề yêu thích của những người hoài nghi, dự đoán trái đất và những cư dân sinh sống trên hành tinh này sẽ có một tương lai ảm đạm. Không hiếm khi, dự báo về ngày tận thế lại ẩn chứa nhiều mối đe dọa hơn so với sự tồn tại trên thực tế. Sự biến đổi khí hậu không thể cứu vãn là kịch bản của nhiều bộ phim gieo vào trong lòng khán giả, nếu không phải là sự hoảng loạn thì cũng là những cảm giác về một thảm họa đang sắp xảy đến. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta không tính đến những kẻ lợi dụng vấn đề này vào các mục đích thương mại hoặc cá nhân, cảnh tượng vẽ ra trước mắt cũng không phải màu hồng. Theo một nghiên cứu của WMO, mức độ tập trung của các loại khí nhà kính trong khí quyển hiện đang rất cao.
Người đứng đầu tổ chức WMO- ông Michel Jarraud- xác nhận: "Hàng tỉ tấn khí carbon dioxide sẽ tồn đọng trong bầu khí quyển thêm nhiều thế kỷ nữa, sẽ khiến nhiệt độ ngày càng tăng lên và gây tác động tiêu cực đến tất cả các khía cạnh sống trên trái đất". Chỉ trong vài tuần gần đây, đã xuất hiện một số nghiên cứu về tác động của con người đối với môi trường.
Lãnh đạo chương trình "Khí hậu và Năng lượng" của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã WWF - ông Alexei Kokorin- chia sẻ: Không chỉ Liên Hợp Quốc, mà cả Ngân hàng Thế giới (WB) đã đi đến kết luận về ảnh hưởng của các yếu tố con người lên thiên nhiên. Trong đó, dự báo của WB là khốc liệt nhất. Theo dự báo này, tất cả những thay đổi ngày càng tiêu cực hơn so với dự kiến trong những dự báo khác, tức là nhiệt độ trung bình tăng 2 độ C tính đến giữa thế kỷ.
Trên thực tế, nhiệt độ sẽ tăng lên 4 độ C. Điều này sẽ gây tác động xấu lên nền kinh tế và sự phát triển của tất cả các quốc gia.
Chúng ta có thể làm gì?
Trước tiên, phải cắt giảm lượng lớn khí thải carbon dioxide được đưa vào bầu khí quyển khi đốt bất kỳ nhiên liệu hóa thạch nào. "Tất cả các quốc gia cần phải áp dụng cam kết khắt khe để giảm lượng khí thải".
Cần lưu ý rằng, Nghị định thư Kyoto về vấn đề này sẽ hết hiệu lực vào tháng 12. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều đồng thuận gia hạn nghị định thư. Ví dụ, Canada đã rút lui, còn Mỹ- mặc dù ký kết nghị định thư, nhưng chưa phê chuẩn. Một số quốc gia bao gồm cả Trung Quốc- ngay từ ban đầu đã hoàn toàn phớt lờ sáng kiến này. Vì vậy, số phận tương lai của nghị định thư vẫn còn hết sức mơ hồ.
Trong khi đó, các hiện tượng bất thường vẫn đang gia tăng theo cấp số nhân. Cố vấn Viện Hàn lâm Khoa học Nga Alexei Yablokov nhận định: "Chỉ riêng ở Nga, những hiện tượng bất thường đã tăng gấp đôi trong 15 năm qua. Tất nhiên, không phải mọi bất thường đều liên quan đến ảnh hưởng của con người, nhưng hầu hết trong số đó gián tiếp liên quan đến các hoạt động của con người. Rất hợp lý khi kết luận tần số và cường độ của các hiện tượng bất thường sẽ gia tăng, cũng như những thiệt hại do các hiện tượng này đem lại. Ví dụ, do nhiệt độ gia tăng, mỗi năm mực nước ở các đại dương cũng lên theo. Sau 100 năm, mực nước này sẽ tăng lên 1m và điều này sẽ trở thành thảm họa không chỉ với các quốc đảo".
Về bản chất, loài người đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: Làm thế nào để phát triển và cung cấp năng lượng mà không gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với thiên nhiên? Hiện vấn đề không được giải quyết theo hướng có lợi cho thiên nhiên.
Có lẽ, trong tương lai gần, một sự thay đổi căn bản về khái niệm phát triển là không thể xảy ra. Quả thật, khai thác hydrocarbon gia tăng và năng lượng thay thế vẫn còn rất ít. Như vậy, có lẽ trong vài thập kỷ nữa, chiến tranh giành lãnh thổ và ảnh hưởng giữa các quốc gia sẽ trở nên vô nghĩa. Người dân trên hành tinh sẽ buộc phải đoàn kết trong cuộc đấu tranh chủ yếu vì sự sống còn của loài người. Một số nhà khoa học tin rằng, hiện nhất thiết phải đưa vào quản lý khủng hoảng sinh quyển; nếu không sẽ là quá trễ.
Trong 20 năm gần đây, tác động phóng xạ - chỉ số ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu- đã tăng 1/3 dưới tác động của các loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Một trong những lý do chính là hoạt động kinh tế như vũ bão của con người. Lũ lụt, bão, hạn hán đã trở thành tai họa thực sự của một loạt các quốc gia và châu lục
Theo laodong
Lời giải cho nạn thiếu đói Trong bối cảnh nạn thiếu lương thực vẫn đang đe dọa nhiều nước trên thế giới, người ta hy vọng kỹ thuật hạt nhân có thể giúp nhân loại đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường. Nạn đói đe dọa nghiêm trọng đời sống người dân Niger Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế...