Trách nhiệm không chỉ của ngành giáo dục
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục đề ra trong năm học 2019-2020 là tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (HSSV).
Muốn làm được điều đó, trước hết cần xây dựng một môi trường học đường an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề cần sự chung tay và trách nhiệm của cả xã hội.
Những con số không vui
Theo thống kê được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đưa ra, trong 5 năm gần đây đã xảy ra hơn 8.000 vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến người có độ tuổi dưới 22. Trong đó, các hành vi gây rối trật tự công công là hơn 900 vụ, tội phạm ma túy hơn 300 vụ, trộm cắp, cướp tài sản hơn 6.000 vụ… trong số đó, có cả HSSV. Thậm chí, còn có tình trạng học sinh gây gổ, xích mích với chính thầy, cô giáo của mình. Điều lo ngại hơn là bạo lực học đường trong thanh niên nói chung, HSSV nói riêng không còn đơn thuần là hành vi gây rối, xích mích, mà đang có biểu hiện trở thành một hiện tượng xã hội đáng báo động.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) sinh hoạt văn nghệ.
Video đang HOT
Nguyên nhân gây ra lo ngại về những tác động xấu đến học đường lại xuất phát từ những việc tưởng rất nhỏ, như: Có khoảng 24% số vụ đánh nhau trong trường học chỉ vì học sinh không ưa nhau; vì bị khiêu khích chiếm 16%; vì lý do xích mích tình cảm là 13,3%; do người khác nhờ đánh là 20% hoặc lý do “thích thì đánh” chiếm 12%…
Bạo lực học đường được cho mới chỉ là phần bề nổi đáng lo ngại hiện nay. Phần “tảng băng chìm” chính là sự xuất hiện những xu hướng văn hóa không lạnh mạnh đã len lỏi trong HSSV, đặc biệt là những tác động nguy hại từ mạng xã hội. Hiện tượng lôi kéo, kích động HSSV tham gia các hoạt động phản cảm, thiếu văn hóa đã xuất hiện. Thậm chí có sinh viên bị các thế lực thù địch lợi dụng, đưa ra những quan điểm, phát ngôn bịa đặt, gây thù ghét, phản cảm, bất an trong dư luận và trên mạng xã hội.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và công tác HSSV (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: “Trách nhiệm chính là của ngành giáo dục. Tuy nhiên, ngành cũng mong muốn nhận được sự chung tay chia sẻ của cộng đồng xã hội, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, ban, ngành chức năng và chính quyền các địa phương”.
Môi trường học đường là tổng hòa các yếu tố cấu thành nên mối quan hệ xã hội để bảo đảm hoạt động giáo dục, đào tạo cả bên trong và bên ngoài trường học. Trong đó, đối tượng trực tiếp được tiếp nhận, thụ hưởng từ môi trường này là HSSV. Tại đây, sẽ có các mối quan hệ đan xen giữa học sinh với giáo viên; học sinh với phụ huynh của mình và học sinh đối với xã hội… PGS, TS. Nguyễn Dục Quang, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng: “Phát triển văn hóa học đường là yếu tố rất cơ bản để giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV và phòng, chống tệ nạn trong học đường. Tuy nhiên, muốn hình thành được văn hóa học đường lại phải có sự ảnh hưởng ba bên, từ gia đình, nhà trường và xã hội. Ba yếu tố này phải luôn hỗ trợ, kết hợp lẫn nhau”.
Sự phối hợp đó cũng đã được thực chứng trong công tác phối hợp xây dựng môi trường học đường tại các cơ sở giáo dục địa phương. Ông Phạm Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) chia sẻ: “Văn hóa ứng xử trong trường học diễn ra ở mọi hoạt động của nhà trường và cá nhân liên quan”. Cũng vì vậy, theo ông, để xây dựng môi trường văn hóa học đường cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chính vì xác định điều đó, nhiều năm nay Trường THCS Lập Lễ đã thực hiện tốt công tác phối hợp với địa phương để bảo đảm an ninh, an toàn trong và ngoài trường học; phối hợp với hội đồng đội địa phương trong giáo dục đạo đức, lối sống cho các em; huy động cha mẹ học sinh xây dựng văn hóa ứng xử mẫu mực để làm gương cho học sinh… Những điều đó đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh ở ngôi trường này.
Việc phát huy tốt vai trò của nhà trường là trung tâm để kết nối, vận động gia đình, xã hội cùng chung tay tham gia xây dựng môi trường văn hóa học đường an toàn, lành mạnh đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai thực hiện. Ông Bùi Văn Linh khẳng định: “Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đã phát động các phong trào thi đua, như: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… Trong đó, chú trọng vào văn hóa ứng xử trong cán bộ, nhà giáo, nhân viên, HSSV. Cùng với các giải pháp về quản lý nhà nước và tinh thần chia sẻ trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương sẽ góp phần tạo ra một môi trường giáo dục tốt”.
Bài và ảnh: MINH ANH
Theo QĐND
Xây dựng mô hình trong giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV
Sáng nay, (13/9) tại Đà Nẵng, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên (Bộ GD&ĐT) tổ chức Hội thảo bàn về giải pháp xây dựng, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình trong giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV.
Hội thảo đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội và Mô hình Câu lạc bộ rèn luyện kỹ năng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV.
Hơn 30 báo cáo tham luận tại Hội thảo đến từ các Sở GD&ĐT, trường ĐH, các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục... tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính: Nghiên cứu lý luận để định hình mô hình nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giáo dục đạo đức lối sống HS; từ đó đề xuất mô hình, tiêu chí đánh giá và giải pháp phối hợp nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho HS và mô hình phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho SV.
Thực tiễn vận hành mô hình nhà trường - gia đình - xã hội thông qua khảo sát diện rộng đối với 7 tỉnh, thành phố đại diện cho 7 vùng kinh tế của cả nước cũng được phân tích thấu đáo, cho thấy một số bất cập căn bản của thực trạng phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội hiện nay trong việc giáo dục đạo đức, lối sống HSSV.
Một số báo cáo đề cập đến các mô hình mang tính nổi bật, điển hình được các Sở GD&ĐT lựa chọn từ cấp tiểu học đến cấp trung cấp dựa trên sự đa dạng của các loại hình trường đến từ các vùng khác nhau trên cả nước như Cao Bằng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Trà Vinh... và các loại hình khác nhau như trường phổ thông dân tộc nội trú, trường liên cấp, trường chuyên ở các địa phương.
Đặc biệt ở bậc ĐH, CĐ có đa dạng các mô hình từ ĐH đào tạo chuyên ngành đến các trường ĐH đa ngành, ĐH đa vùng đặc trưng cho cả nước như ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên; các trường Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Bách khoa Hà Nội, Ngoại thương... Đây là những mô hình điển hình trong đạo đức, lối sống cho HSSV, nhất là công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức lối sống hiện nay.
Ngoài phiên chung, Hội thảo còn chia làm hai phiên thảo luận với các nhóm vấn đề: Thực trạng của công tác phối hợp hiện nay và đề xuất hoàn thiện mô hình phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục đạo đức lối sống HSSV trong thời gian tới; Cách thức, tiêu chí đánh giá kết quả tổ chức hoạt động của mô hình phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội và Mô hình Câu lạc bộ rèn luyện kỹ năng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV cũng như các giải pháp để nhân rộng mô hình nói trên.
Hội thảo do Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Ban chủ nhiệm Đề tài KHGD/16.20.ĐT. 024 thuộc Chương trình khoa học giáo dục cấp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 phối hợp tổ chức.
Hà Nguyên
Theo GDTĐ
Cần thiết tích hợp giáo dục đạo đức, kỹ năng sống vào chương trình môn học Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh là 1 trong 9 nhiệm vụ sẽ tập trung thực hiện trong năm học mới. Để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, cần tích hợp giáo dục (GD) kỹ năng sống cho HS vào chương trình môn học. Ảnh minh...