Trả lại điểm, trả lại giảng đường
Hơn nửa năm kể từ khi vụ việc gian lận điểm thi chấn động tại Hòa Bình bị phanh phui, dư luận thở phào khi hôm qua Bộ GD-ĐT chính thức thông tin, đã trả lại được điểm thực cho các thí sinh gian lận.
Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, có 64 thí sinh (63 của năm 2018 và 1 của năm 2017) bị sửa điểm thi, trong đó 56 thí sinh có bài thi trắc nghiệm bị sửa. Đặc biệt, có thí sinh được nâng điểm tổng cộng 3 môn tới 26,45 điểm. Sở GD-ĐT Hòa Bình phải có trách nhiệm cập nhật lại kết quả thi, xét lại tốt nghiệp, thông báo điểm thi đúng đến trường đại học mà các thí sinh gian lận đang học.
Tôi không thể tưởng tượng nổi, thí sinh “ngồi nhầm chỗ” được nâng tới 26,45 điểm/3 môn sẽ học được những gì trên giảng đường ĐH danh giá. Bởi nếu 3 môn đó trùng với tổ hợp xét tuyển ĐH đăng ký, thí sinh này chỉ đạt điểm thực tối đa là… 3,55 điểm/3 môn!
Giả sử những thí sinh gian lận nói trên không bị phát hiện, với não trạng mua điểm bằng tiền như gia đình họ đã làm, không có gì đảm bảo họ sẽ không tiếp tục tìm cách “mua” bằng cấp, chức tước sau này. Thế mới biết tiêu cực, gian lận trong giáo dục nói riêng và xã hội nói chung làm đảo lộn các giá trị đến chừng nào.
Điểm liệt, trượt tốt nghiệp THPT bỗng chốc có thể lên ngôi thủ khoa đầu vào ĐH ! Mải chơi, lêu lổng, không chịu học hành, bố mẹ bỏ tiền mua điểm cao chót vót, thậm chí mua quá tay đến mức vô lý nên mới bị lộ. Theo kết quả điều tra, một trong 3 cán bộ trong tổ chấm thi trắc nghiệm của Sở GD-ĐT Hòa Bình đã hưởng lợi bất chính tới 550 triệu đồng nhờ sửa điểm bài thi.
Video đang HOT
Đáng chú ý, bị can Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, sở GD-ĐT Hòa Bình, còn thú nhận đã từng nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho chính cháu mình trong kỳ thi THPT QG năm 2017. Như vậy dư luận có quyền đặt câu hỏi về tính công bằng, khách quan của các kỳ thi trước, ít ra là tại Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình ?
Gian lận thi cử tại các địa phương đã bị phanh phui. Kẻ có tội sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, trách nhiệm chỉ đạo, điều hành kỳ thi của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở GD-ĐT, lãnh đạo Hội đồng thi địa phương cũng rất cần được làm rõ. Để xảy ra tiêu cực, mua bán điểm, gian lận “tày trời” như vậy, không lẽ họ vô can ?
Sắp tới, cùng với kết quả tìm lại điểm thi thực ở Sơn La, sẽ có hàng loạt thí sinh “ngồi nhầm chỗ” phải dời khỏi giảng đường đại học, thậm chí trượt cả tốt nghiệp THPT. Những thí sinh gian lận – sinh viên dởm này đang chiếm chỗ của chừng đó thí sinh bị trượt oan trong kỳ thi năm ngoái. Câu hỏi đặt ra, liệu Bộ GD-ĐT và các trường ĐH liên quan có cách nào trả lại quyền lợi chính đáng cho các em ? Hãy trả lại chỗ ngồi trên giảng đường cho những thí sinh xứng đáng!
Theo Tiền phong
Đuổi học 64 SV trong vụ sửa điểm thi, các trường có được gọi bổ sung?
Trong vụ gian lận thi cử tại Hoà Bình, cơ quan điều tra kết luận có 64 thí sinh được hưởng lợi từ việc sửa điểm thi THPT quốc gia. Dư luận đặt câu hỏi những thí sinh này đã "cướp" đi cơ hội của 64 thí sinh khác. Vậy, các trường có được phép gọi bổ sung hay không?
Từ dữ liệu kết quả điểm thi bất thường, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tìm ra nhiều sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hoà Bình.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục Đào tạo - GDĐT) cho biết, qua điều tra của cơ quan công an, có 64 thí sinh (gồm 63 thí sinh của năm 2018 và 1 thí sinh của năm 2017) đã có sự thay đổi điểm thi. Điểm chấm thẩm định đã giảm xuống thấp hơn so với số điểm đã công bố. Thậm chí, có thí sinh được nâng khống 26,45 điểm.
Sau khi có kết luận điểu tra, Bộ GDĐT đã có công văn yêu cầu Sở GDĐT Hòa Bình theo quy định của quy chế cập nhật kết quả chấm thẩm định của 64 thí sinh lên hệ thống phần mềm quản lý thi và tiến hành xét công nhận tốt nghiệp lại.
Đồng thời, gửi kết quả chấm thẩm định thông báo đến các trường đại học, cao đẳng mà các thí sinh liên quan đang theo học để xử lý theo quy định.
Bộ GDĐT cũng đã có công văn gửi tới Cục Nhà trường Bộ quốc phòng, Cục Đào tạo Bộ công an và các trường đại học, cao đẳng để chủ động liên hệ tới Sở GDĐT Hòa Bình nhằm cập nhật kết quả chấm thẩm định của các thí sinh nói trên.
Trước câu hỏi những thí sinh liên quan tới sai phạm này đã "cướp" đi cơ hội của 64 thí sinh khác, các em học sinh thiệt thòi còn cơ hội nào không, nhà trường có được gọi bổ sung hay không, ông Mai Văn Trinh chia sẻ quyền quyết định thuộc về các trường đại học, vì hiện nay các trường đã được tự chủ trong việc tuyển sinh.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng. Ảnh: ĐT
Nhiều trường đại học trong cả nước cũng đã bắt đầu chuẩn bị công tác rà soát sinh viên đang học tại trường đến từ tỉnh Hoà Bình năm học 2018-2019.
PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết, trường sẽ tiến hành rà soát đối tượng sinh viên đang học năm thứ nhất đã thi THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình.
Còn theo một cán bộ phụ trách đào tạo của Học viện Ngân hàng, đơn vị này sẽ tiến hành rà soát sau khi có danh sách từ Sở GDĐT Hòa Bình gửi đến các trường. Đơn vị này sẽ tiến hành lọc trên phần mềm để rà soát các đối tượng. Nếu phát hiện có thí sinh gian lận thi cử, nhà trường bắt buộc sẽ phải thực hiện theo quy chế tuyển sinh để trả lại điểm thật cho các em. Nếu điểm thật các em đủ vẫn có cơ hội học ở các lĩnh vực khác để đảm bảo tương lai.
"Khi thi THPT quốc gia, các em đã đủ tuổi để biết được hậu quả nếu mình gian lận thi cử. Vì thế, các em phải mạnh mẽ đón nhận mọi chuyện", vị này cho hay.
HUYÊN NGUYỄN
Theo laodong
Rà soát thí sinh Hòa Bình được nâng điểm đỗ quân đội và công an Bộ GD-ĐT yêu cầu Cục nhà trường, Bộ Quốc Phòng và Cục đào tạo, Bộ Công an chỉ đạo các trường thuộc phạm vi quản lý rà soát lại kết quả xét tuyển đại học 2017, 2018 sau khi có kết quả nâng điểm ở Hòa Bình. Sau khi Bộ Công an có kết luận về gian lận thi cử ở Hòa Bình,...