TQ xin lỗi phụ nữ bị ép phá thai, cấm cưỡng chế phá thai lấy chỉ tiêu
Giới chức Thiểm Tây nước này “ nghiêm cấm các địa phương thực hiện việc cưỡng chế phá thai để hoàn thành chỉ tiêu” là một điều đáng để dư luận suy nghẫm.
Liên quan tới vụ cưỡng chế một phụ nữ 27 tuổi phá bỏ bào thai đã 7 tháng gây phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc, chiều 14/6 Ủy ban Dân số kế hoạch tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã triệu tập họp khẩn cấp các đầu mối cán bộ toàn ngành trong tỉnh.
Bà Phùng Nguyệt Cúc triệu tập họp toàn ngành, tuyên bố nghiêm cấm cưỡng chế phá thai để hoàn thành chỉ tiêu, thành tích thi đua
Tại buổi họp này, bà Phùng Nguyệt Cúc, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số kế hoạch Thiểm Tây đã tuyên bố, nghiêm cấm tất cả các cơ quan phụ trách dân số – kế hoạch các địa phương không được thực hiện biện pháp cưỡng chế phá thai để chạy chỉ tiêu, lấy thành tích khảo hạch.
Bà Cúc cho hay, kể từ nay trở đi bất cứ cá nhân, tổ chức nào vi phạm quy định cấm cưỡng chế phá thai lớn sẽ đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý kỷ luật. Tất cả các đầu mối công tác dân số – kế hoạch ở Thiểm Tây phải rút kinh nghiệm sâu sắc từ bài học ở Tăng Gia vừa qua.
Chiều cùng ngày, Phó thị trưởng thành phố An Khang đã đến thăm và xin lỗi gia đình chị Phùng Kiến Mai, nạn nhân bị giới chức dân số địa phương cưỡng chế cướp đi sinh mạng của đứa con đã 7 tháng tuổi của vợ chồng chị.
Video đang HOT
Ông Đỗ Thọ Bình, Phó thị trưởng thành phố An Khang xin lỗi gia đình nạn nhân, hứa sẽ không né tránh, điều tra xử lý nghiêm các đối tượng tham gia cưỡng chế phá thai
Ông Đỗ Thọ Bình, Phó thị trưởng nói: “Hôm nay tôi thay mặt chính quyền thành phố đến thăm anh chị, đồng thời chân thành xin lỗi anh chị, hy vọng anh chị tha thứ cho chúng tôi!” Vị quan chức này cũng hứa sẽ không né tránh xử lý vụ việc, thành khẩn nhận trách nhiệm trước xã hội, người dân.
Vị Phó thị trưởng này cũng chỉ đạo bệnh viện nơi thực hiện vụ cưỡng chế khủng khiếp ấy phải chăm sóc, phục hồi sức khỏe cho chị Mai thật tốt.
Trước đó, 3 quan chức liên quan và phụ trách trực tiếp đến vụ cưỡng chế phá thai đối với chị Phùng Kiến Mai đã bị cách chức, tạm giam để điều tra làm rõ. Ông Bình cho hay, sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan làm rõ hành vi, trách nhiệm của những người chỉ đạo, tham gia vụ cưỡng chế phá thai này.
Giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, nghiêm cấm cưỡng chế phá thai vì để hoàn thành “chỉ tiêu”, một thứ “chỉ tiêu” quái gở mà địa phương này chạy theo đã gây ra nỗi đau cho gia đình nạn nhân và bức xúc xã hội (ảnh chụp màn hình bài báo)
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc ngày hôm nay không thấy nhắc đến phản ứng của gia đình nạn nhân, đặc biệt là vợ chồng anh Nguyên, chị Mai về những động thái vừa rồi từ phía nhà chức trách địa phương.
Đáng chú ý, việc truyền thông Trung Quốc đưa tin giới chức Thiểm Tây nước này “nghiêm cấm các địa phương thực hiện việc cưỡng chế phá thai để hoàn thành chỉ tiêu” là một điều đáng để dư luận suy nghẫm.
Điều đó cho thấy cái gọi là ban/ủy ban Dân số kế hoạch ở cấp địa phương Trung Quốc còn tồn tại nhiều vấn đề, không chỉ đơn giản là hoàn thành chỉ tiêu hay chạy theo thành tích.
Người ta có thể chạy theo thành tích hoặc ngụy tạo thành tích bằng nhiều cách, bằng con số, nhưng không thể có cái “chỉ tiêu” quái gở được đo bằng sinh mạng con người như những gì đã xảy ra với gia đình chị Mai.
Theo GDVN
Vụ cưỡng ép thai phụ bảy tháng phá thai ở Trung Quốc: Cuộc ngã giá trắng trợn
Vụ việc đã qua cơn sốc chấn động ban đầu trên các phương tiện truyền thông và trong dư luận. Nhưng diễn biến tiếp theo vẫn đầy kịch tính: chạy tội và ngã giá.
Thai phụ Phùng Kiến Mai vẫn trong trạng thái sốc vì mất con - Ảnh: Weibo
Theo Trung Quốc Nhật Báo, chính quyền thị trấn Tăng Gia (tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) đã lên tiếng xin lỗi gia đình thai phụ Phùng Kiến Mai, người mẹ trẻ đã bị các quan chức địa phương ép phá thai do không có tiền nộp phạt. Cùng với lời xin lỗi, chính quyền đã đình chỉ ba quan chức thôn Ngự Bình, những người đã tham gia vụ cưỡng ép phá thai, trong đó có giám đốc Cục Kế hoạch hóa gia đình thôn Ngự Bình. Chính quyền thị trấn còn yêu cầu nhà chức trách thôn Ngự Bình điều tra toàn diện mọi hoạt động Kế hoạch hóa gia đình của thôn.
Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thiểm Tây đã cử một nhóm điều tra đến thôn Ngự Bình, và kêu gọi chính quyền địa phương trừng phạt nghiêm khắc các quan chức dính líu trong vụ cưỡng ép phá thai này. "Chính quyền thôn Ngự Bình đã vi phạm nghiêm trọng chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình của tỉnh và quốc gia, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội" - ủy ban này nhấn mạnh.
Vụ án hình sự
Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thiểm Tây thừa nhận hầu hết thông tin đăng tải về vụ cưỡng ép phá thai là đúng sự thật. Tuy nhiên, nhóm điều tra sẽ xác minh lại cáo buộc xem có đúng là các quan chức thôn Ngự Bình đã bắt giữ thai phụ bất hợp pháp, trước khi tiêm thuốc giết chết đứa trẻ bảy tháng tuổi trong bụng mẹ hay không. Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời luật sư nổi tiếng Trương Khải, người đã từ Bắc Kinh đến thôn Ngự Bình để đại diện cho gia đình nạn nhân, cho biết vụ cưỡng ép phá thai này phải được xem là một vụ án hình sự. Các quan chức đã cưỡng ép phá thai phải bị truy tố hình sự.
Báo chí địa phương cho biết các quan chức thôn Ngự Bình đã tiêm vào người thai phụ thuốc diệt khuẩn cực mạnh Lifannuo, loại thuốc mà chính quyền các địa phương Trung Quốc đã sử dụng ồ ạt vào cuối những năm 1980 để duy trì chính sách một con.
Thế nhưng, bất chấp tuyên bố của Ủy ban kế hoạch hóa gia đình Thiểm Tây, phó giám đốc Cục Kế hoạch hóa gia đình thị trấn Tăng Gia, như Tân Hoa xã cho biết, vẫn khăng khăng khẳng định chính quyền địa phương không hề cưỡng ép thai phụ phá thai. "Chúng tôi đã giáo dục cô ta trong nhiều ngày và cuối cùng cô ta đã đồng ý phá thai" - vị quan chức này nói, và còn viện dẫn luật pháp của Trung Quốc cho phép phá thai dưới 28 tuần để cho rằng việc phá thai là không vi phạm pháp luật (thực tế là luật Trung Quốc cấm phá thai từ 24 tuần trở đi). Dù vậy, ông này cũng thừa nhận là do không thực hiện được chỉ tiêu duy trì chính sách một con trong hai năm liên tiếp vừa qua, nên chính quyền Tăng Gia đã có hành xử "mạnh tay" hơn để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu này trong năm 2012.
800 USD đổi một mạng người?
Ban đầu các quan chức thôn Ngự Bình còn cáo buộc gia đình thai phụ là dựng chuyện và làm giả bức ảnh thai phụ nằm rũ rượi bên cạnh thi thể đứa con đã chết. Tuy nhiên, báo chí địa phương xác nhận chính bố chồng của thai phụ đã vào bệnh viện thăm con dâu và chụp bức ảnh này. Bản thân người chồng thai phụ còn giữ tin nhắn điện thoại của một quan chức Kế hoạch hóa gia đình thôn Ngự Bình, nội dung là đòi gia đình phải xì ra 6.320 USD nếu không sẽ bị phá thai.
Luật sư Trương Khải khẳng định những kẻ phạm tội phải bị trừng trị nghiêm khắc và chính quyền thôn Ngự Bình phải đền bù xứng đáng cho những mất mát và đau đớn mà gia đình thai phụ đã phải trải qua. Hiện các quan chức địa phương vẫn chưa cho luật sư này tiếp cận gia đình thai phụ.
Trong khi đó, theo nguồn tin của báo Telegraph, chính quyền thôn Ngự Bình đang thương lượng giá đền bù với gia đình thai phụ. Họ đưa giá ban đầu: chưa đầy 800 USD. Chồng thai phụ bác bỏ vì "tôi chỉ muốn những kẻ giết người phải đền tội", như anh phát biểu trên mạng Weibo. Nguồn tin từ Nhật Báo Thượng Hải cho biết trong lúc này thai phụ vẫn chưa hết bàng hoàng vì mất con. Báo này mô tả người mẹ này cứ thờ thẫn cả ngày. Có hôm trong cơn phẫn uất cô đã đập phá những cửa sổ của bệnh viện!
Theo Tuổi Trẻ
Cách chức 3 quan chức cưỡng chế phá thai 7 tháng tuổi Bào thai ở 7 tháng tuổi khi các cơ quan đã phát triển toàn diện, có thể tự chủ hô hấp khi ra khỏi cơ thể người mẹ là một sinh mạng, một con người. Việc giới chức thị trấn Tăng Gia cưỡng chế phá thai đối với chị Mai là phạm tội cố ý giết người, cần trừng trị nghiêm khắc. Truyền...