TPHCM từng áp dụng rộng rãi chương trình Công nghệ giáo dục
TPHCM từng triển khai rộng rãi chương trình Công nghệ Giáo dục ở các trường trong toàn thành phố. Nhưng đến nay, ngành GD-ĐT TPHCM quyết định không thực hiện chương trình này nữa.
Trước thông tin dư luận quanh chương trình Công nghệ Giáo dục (CNGD), nhất là quan tâm của người dân về việc TPHCM có áp dụng chương trình này hay không, Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản thông tin chính thức về vấn đề này.
TPHCM từng triển khai chương trình Công nghệ Giáo dục ở 23/24 quận huyện
Thông báo của Sở GD-ĐT TPHCM xác nhận, năm học 1985-1986, chương trình Thực nghiệm (sau này gọi là CNGD) được sự cho phép của Bộ GD-ĐT đã thực hiện tại Trường tiểu học Hòa Bình, Q.1 ở 2 lớp 1. Sau đó được tiếp tục thực hiện và chuyển về trường tiểu học Thực nghiệm, Q.1 (sau này là trường tiểu học Văn Hiến) từ năm học 1986-1987.
Tiếp đó, được triển khai thêm tại các Trường tiểu học Lương Định Của, Q. 3; Bàu Sen, Q. 5; Đinh Tiên Hoàng, Q.9 và Lê Văn Sĩ, Q. Tân Bình. Các trường dạy từ lớp 1 đến lớp 5 cả Tiếng Việt, Toán và sau này có thêm Giáo dục lối sống.
Đến năm 1989-1990, chương trình CNGD được triển khai đến các trường khác trong toàn thành phố, ở 23/24 quận huyện (trừ quận 4) trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc cho học sinh lớp 1 với chủ yếu là môn Tiếng Việt. Khi chương trình 2000 của Bộ triển khai thì chương trình CNGD cuốn chiếu và không còn thực hiện tại TPHCM.
Năm 2017 Bộ GD&ĐT có văn bản số 3877 triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu CNGD, trong đó Bộ nhấn mạnh đã tổ chức thẩm định tài liệu tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – CNGD để triển khai dạy học Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 ở các địa phương có nhu cầu trên nguyên tắc tự nguyện của học sinh và các nhà trường.
Đến nay, TPHCM đã ngưng áp dụng chương trình Giáo dục Công nghệ
Năm 2018, Bộ GD-ĐT có văn bản số 3674 về triển khai dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 – CNGD năm học 2018 – 2019, Bộ GD-ĐT khẳng định đã tổ chức thẩm định (vòng 2), đã chỉnh lí, bổ sung, hoàn thiện tài liệu.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Sở GD-ĐT TPHCM quyết định không triển khai chương trình công nghệ giáo dục.
Về lý do, Sở xét thấy việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII (sau này có thêm Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội khóa XIV và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ) về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gần kề và việc để giáo viên tiếp cận với chương trình khác trong khi dự kiến chương trình Giáo dục phổ thông sắp ban hành là chưa phù hợp.
Video đang HOT
Hoài Nam
Theo Dân trí
Cựu học sinh trường Thực nghiệm: "May mắn vì được hưởng phương pháp của GS. Hồ Ngọc Đại!"
"Bây giờ học sinh tiểu học phải học ngày, học đêm, học thêm. Còn lứa chúng tôi theo chương trình Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, kiến thức do thầy cô dạy ở trường bằng một phương pháp tốt. Về nhà, bố mẹ không cần dạy cái gì hết, chúng tôi được chơi hoặc học những kiến thức ngoài sách vở".
Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Hồng Vinh - một học sinh khóa 3 chương trình Công nghệ giáo dục (CNGD) của GS. Hồ Ngọc Đại ở trường Tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội).
Cần có đội ngũ chuyên môn phân tích, đánh giá
Là một học sinh khóa 2 chương trình CNGD của GS. Hồ Ngọc Đại, anh Trần Hồng Quang (đang hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, hiện là Tổng Lãnh sự danh dự Đại công quốc Luxembourg tại Hà Nội) nêu quan điểm: "Dư luận chỉ trích chương trình thực nghiệm Giáo dục công nghệ của GS. Hồ Ngọc Đại một cách bức xúc và gay gắt trong khi chỉ thông qua những điều mọi người thấy (hoặc chỉ nghe) về phương pháp dạy môn Tiếng Việt.
Nếu muốn nghiên cứu và tranh luận sâu cần có đội ngũ có chuyên môn phân tích và đánh giá, việc đánh giá không phải ngồi một nhóm với nhau rồi đưa ra kết luận. Cần có triển khai đánh giá thực tế phương pháp đó được áp dụng trong giảng dạy thế nào và phải đặt mình vào vị trí của trẻ 6 tuổi chứ không phải của người lớn đã có hoặc không có chuyên môn nhưng có... định kiến. Ngoài ra việc đánh giá phải có thời gian, một quá trình".
Anh Trần Hồng Quang (bên trái) là một học sinh khóa 2 chương trình Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại.
Thứ 2, phương pháp giáo dục Thực nghiệm không phải là chỉ có môn Tiếng Việt hay Toán mà đây là việc tạo ra một môi trường tự do cho học sinh được phát huy những lợi thế, tiềm năng của bản thân. Học sinh được khuyến khích trước hết là biểu đạt ý kiến và cảm nhận của bản thân trong mọi khía cạnh của cuộc sống tại trường cũng như ở nhà và xã hội. Biết độc lập và biết yêu thương giúp đỡ người khác.
Dạy một đứa trẻ 6 tuổi những điều này không thể bằng lý thuyết được mà phải thông qua quá trình thực hành, đây là ý nghĩa của chữ Thực nghiệm chứ không phải là một thí nghiệm trên người như mọi người nghĩ.
Việc học sinh Thực nghiệm nhận mình là "chuột bạch" chỉ là sự hài hước (cũng là đặc tính của Thực nghiệm) và cũng thể hiện sự tự hào của bản thân chúng tôi trong quy trình thực hiện phương pháp dạy và học. Cần hiểu đây là việc có sự tham gia của cả học sinh chứ không chỉ là phương pháp dạy, nó là mối quan hệ tương tác giữa thầy và trò.
"Điều đọng lại trong mỗi người từng học ở Thực nghiệm là khác nhau. Với tôi, đó là nhận thức về việc chúng ta không ai giống ai, vậy cần học cách tôn trọng sự khác biệt các quyền và giá trị riêng của mỗi cá thể.
Học sinh Thực nghiệm là người bình thường, không có gì đặc biệt, nhưng môi trường học đó đã giúp học sinh nhận thức được những điều tưởng như đơn giản đó mà càng ngày càng thiếu vắng ở xã hội ta", anh Quang chia sẻ.
Phải chăng khâu đào tạo, tập huấn giáo viên hiện nay chưa bài bản?
Nhà báo Hà Việt Anh - nguyên Thư kí tòa soạn tạp chí Mẹ & Bé, một cựu học sinh trường Thực nghiệm cho rằng, ai có lên tiếng phủ nhận về chương trình Công nghệ giáo dục thì đó là quyền của họ. Tuy nhiên, chương trình và tinh thần của Công nghệ giáo dục đã mang đến cho nhiều thế hệ học sinh Thực nghiệm những trải nghiệm, giá trị khác biệt.
Nữ nhà báo chia sẻ: "Đã có ít nhất 40 khóa học sinh của trường Thực nghiệm đã theo học phương pháp này và chúng tôi không hề gặp bất cứ vấn đề gì, cha mẹ chúng tôi cũng hoàn toàn hài lòng với việc học của chúng tôi, chúng tôi vẫn sử dụng tiếng Việt trong đời sống và công việc hằng ngày rất bình thường, hiệu quả.
Xin hỏi các vị, khi có con đến tuổi đi học, cha mẹ mong nhất điều gì?
Theo tôi có 2 điều. Một là mong con được vui vẻ hạnh phúc, thích đi học, yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô, bạn bè. Hai là mong con biết tự lập, tự tin để vững vàng bước vào cuộc sống cam go. Cả 2 điều ấy CNGD đã làm được một cách xuất sắc. Hồi tôi còn bé, lúc nào chị em tôi cũng chỉ mong đến trường, mong gặp thầy, gặp bạn. Nhiều chục năm sau các con và cháu ruột tôi dù sốt 39 độ cũng nằng nặc đòi đi học.
Có thể chúng tôi chưa nổi tiếng và thành công như nhà toán học Ngô Bảo Châu, như bác sĩ - Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu hay nhiều học trò Thực nghiệm khác nhưng chúng tôi luôn tự tin vào bản thân, luôn sống tử tế và chan hòa với mọi người. Vì dù đi đâu làm gì chúng tôi cũng nhớ về những bài học về tình yêu thương, lòng biết ơn, tinh thần trách nhiệm, dám nói, dám làm... mà thầy Đại và các thầy cô giáo dù là dạy môn gì cũng luôn nuôi dưỡng trong chúng tôi những giá trị sống nhân văn qua từng tiết học.
Đành rằng cách đánh vần không làm cho con trẻ thông minh hay giỏi giang hơn người nhưng cũng nhờ vào phương pháp giáo dục (triết lí giáo dục) của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại và các cộng sự mà những lứa học sinh 40 năm vẫn mang tên "thực nghiệm" chúng tôi từ khi còn rất nhỏ đã biết tư duy logic, biết tập đi trên con đường của các nhà khoa học "thử - sai - thử lại", tự xây dựng kiến thức cho mình từ những gợi ý của thầy cô theo tôn chỉ: "thầy thiết kế - trò thi công", "lấy học trò làm trung tâm của bài giảng".
Những phương pháp tiếp cận kiến thức được học từ thuở thơ ấu dưới mái trường Thực nghiệm tôi đã mang theo mình tới tận những năm tháng du học tại ngôi trường số 1 của nước Nga, chúng đã giúp tôi rất nhiều trong học tập và nghiên cứu ngôn ngữ".
Nhà báo Hà Việt Anh cho biết, chương trình Công nghệ giáo dục đã mang đến cho nhiều thế hệ học sinh trường Thực nghiệm những giá trị, hành trang quý báu.
Theo chị Việt Anh, cá nhân chị không gặp bất cứ khó khăn, khúc mắc nào khi học chương trình CNGD của GS. Hồ Ngọc Đại.
"Có lẽ vì hồi ấy thầy cô dạy chúng tôi được GS.TSKH Hồ Ngọc Đại tập huấn và chia sẻ thường xuyên và các thầy cô cực kì tâm huyết và yêu trẻ. Có lẽ bây giờ một số người họ chỉ trích công nghệ giáo dục là do khâu đào tạo và tập huấn giáo viên chưa bài bản và thường xuyên dẫn đến việc giáo viên lúng túng, phụ huynh cũng không được truyền thông đầy đủ về phương pháp mà nhà trường sẽ áp dụng nên gây hoang mang và băn khoăn chăng?", nhà báo đặt câu hỏi.
Học sinh không phải gồng mình, vùi đầu vào sách vở
Là một học sinh khóa 3 chương trình CNGD của GS. Hồ Ngọc Đại ở trường Tiểu học Thực nghiệm (Hà Nội), anh Nguyễn Hồng Vinh cho hay: "Thực ra đến bây giờ những cựu học sinh Thực nghiệm như tôi đều đã trưởng thành, không đi học rất lâu rồi nhưng cả lứa có dịp trò chuyện chia sẻ lại thì đều cảm giác may mắn vì được hưởng phương pháp CNGD của GS. Hồ Ngọc Đại, được học môi trường nhẹ nhàng hơn so với học sinh cùng thời kỳ và so với học sinh tiểu học thời nay".
Khi được hỏi, liệu phụ huynh có lo lắng khi không thể kèm thêm được con ở nhà, việc dạy theo chương trình này là do thầy cô đảm nhiệm, anh Vinh nói: "Thực chất, lựa chọn của cho con đi học trường nào lớp 1 là do bố mẹ đưa ra. Các phụ huynh ở trường Thực nghiệm cũng đa phần hiểu được, tin tưởng mới lựa chọn như vậy".
Là một cựu học sinh Thực nghiệm, với trải nghiệm của mình, anh Vinh khẳng định, chương trình Giáo dục công nghệ của GS. Hồ Ngọc Đại rất hiệu quả, giúp học sinh không phải quá gồng mình, nặng nề vì việc học.
"Và giờ đây khi đã ngoài 40 tuổi, tôi thấy các bạn đi học cùng chương trình này của mình thời ấy đều lớn lên một cách "không đến nỗi nào". Có nghĩa, với một phương pháp dạy tốt, học sinh sẽ không phải lao tâm khổ tứ quá nhiều, hay vùi đầu vào sách vở ngày đêm nhưng vẫn có kết quả tốt.
Các cựu học sinh trường Thực Nghiệm theo học chương trình Công nghệ giáo dục tới thăm GS. Hồ Ngọc Đại. Nhiều người cho biết, họ may mắn vì được học chương trình Công nghệ giáo dục.
Do vậy, khi nghe đến những luồng ý kiến chỉ trích, "ném đá" về Tiếng Việt - CNGD trên mạng, tôi thực chất không quá quan tâm đến việc dư luận "hùa" theo phong trào. Cuối cùng, sự thật thế nào cũng là sự thật", anh Vinh chia sẻ.
Anh Vinh cho biết thêm: Ở trường Thực nghiệm, chúng tôi được học rất nhiều, trải nghiệm môi trường ấy hơn các trường đơn thuần khác, cho nên học sinh sau này trưởng thành có khả năng lên kế hoạch rất tốt, có tầm nhìn và ít bị giao động.
Giờ đây, đã trở thành một ông bố, anh Vinh cho rằng, các phụ huynh hiện đại nên để trẻ được lớn lên như những gì nó muốn, không nên can thiệp vào việc học của con mà cần định hướng cởi mở.
"Tại sao con mình phải giống mình, mà không phải là học cái nó thích, cách nó thích và trở thành người nó mong muốn trở thành. Đó là điều không ít người Việt khó chấp nhận", cựu học sinh Thực nghiệm bày tỏ.
Lệ Thu
Theo Dân trí
Câu chuyện "bé xách đỡ mẹ" trong sách Công nghệ giáo dục dạy trẻ tư duy phản biện Nguyễn Siêu (tốt nghiệp xuất sắc ĐH Vassar - Mỹ, hiện làm việc tại tập đoàn truyền thông lớn Paramount Network) cho biết, bản thân cũng từng được học câu chuyện "Bé xách đỡ mẹ" mà đang bị nhiều người phê phán là vô giáo dục. Tuy nhiên, chàng cựu học sinh Thực nghiệm khẳng định, bài đọc ấy không dạy cho trẻ...