TP.HCM: Sẽ có mức trần học phí đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về việc ban hành quy định liên quan đến quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Ảnh minh họa
Theo nội dung tờ trình, đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường , mỗi lớp học thêm trong nhà trường không quá 45 học sinh.
Tùy tình hình thực tế có thể tổ chức dạy thêm, học thêm trên nguyên tắc không gây ảnh hưởng, đan xen với các lớp học chính khóa, không tổ chức dạy thêm, học thêm vào các ngày Chủ nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết.
Mỗi học sinh học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần và không quá 18 tiết/tuần. Đảm bảo việc chọn lựa giáo viên và môn học theo nguyện vọng của học viên tham gia học thêm.
Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường, nhưng không vượt quá mức trần được quy định.
Nhà trường thu, chi và công khai thanh toán, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường. Giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm. Mức chi và ti lệ phân bổ chi phải được thông qua hội đồng trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị.
Đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm.
Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm. Công khai mức thu tiền học thêm, khi thu phải cấp biên lai thu tiền cho từng học sinh theo quy định.
Video đang HOT
Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm phải cam kết với UBND phường – xã, thị trấn nơi đặt địa điểm dạy thêm, học thêm đảm bảo an toàn cho người dạy và người học; an toàn phòng cháy chữa cháy; không gây ách tắc giao thông, giữ gìn trật tự, an ninh; đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tờ trình cũng ghi rõ quy định về trách nhiệm của hiệu trưởng và thủ trưởng các cơ sở GD: Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT, các quy định của UBND TP và các quy định khác có liên quan của pháp luật;
Phổ biến các văn bản liên quan dạy thêm, học thêm cho cán bộ, giáo viên thuộc đơn vị; giám sát việc chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm, xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào;
Quản lý và đảm bảo quyền của người học thêm, dạy thêm. Nếu tạm ngưng hoặc chấm dứt dạy thêm phải thông báo công khai cho người học thêm biết trước ít nhất 30 ngày. Hoàn trả các khoản đã thu của người học thêm tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện, thanh toán đầy đủ kinh phí với người dạy thêm và các tổ chức, cá nhân liên quan…
Sở GD&ĐT cũng đề nghị Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT hướng dẫn mức thu (quy định rõ mức trần học phí đối với trường hợp dạy thêm, học thêm trong nhà trường), nội dung chi tiền học thêm và kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý tài chính, công tác thu, chi từ hoạt động dạy thêm, học thêm.
Đề nghị Thanh tra TP thanh tra hành chính đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của UBND TP về các vấn đề có liên quan đến việc tổ chức dạy thêm, học thêm.
Thảo Nguyên
Theo GDTĐ
Gỡ nút thắt trong quản lý dạy thêm, học thêm: Cần giải pháp từ gốc
Quản lý việc dạy thêm, học thêm không phải đến bây giờ mới được đề cập. Tuy nhiên, vấn đề này luôn "nóng", thu hút sự quan tâm của dư luận bởi đây được coi là căn bệnh khó chữa của ngành giáo dục.
Thấu triệt vấn đề có thể thấy, nguyên nhân bắt nguồn từ chính những kẽ hở trong quản lý dạy thêm, học thêm. Nói cách khác, để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm đòi hỏi các đơn vị quản lý phải có những giải pháp từ gốc...
Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm về dạy thêm. (Ảnh minh họa: P.T)
Nhiều biện pháp siết chặt
Hà Nội được biết đến là một trong những địa phương có quy mô giáo dục thuộc "top" lớn nhất cả nước. Theo thống kê, năm học 2019 - 2020, Hà Nội có 2.746 trường học các cấp với hơn 2 triệu học sinh, tăng 40.000 so với năm học trước. Với quy mô lớn như vậy nên việc đối mặt với những tiêu cực, đặc biệt là việc dạy thêm, học thêm cần được đẩy mạnh chấn chỉnh.
Thực tế cho thấy, cách đây ít năm, mặc dù đã có hành lang pháp lý để giải quyết vấn đề song không ít cơ sở giáo dục đã tìm cách "lách luật" bằng nhiều chiêu trò tinh vi. Chẳng hạn, để hợp thức hóa việc dạy thêm trong hè, không ít cơ sở đào tạo đã lách bằng hình thức chiêu sinh học sinh thông qua các lớp dạy kỹ năng sống, bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao...
Tuy nhiên, khi triển khai dạy thì giáo viên vẫn dạy các môn chủ lực như Toán, Anh và tiếng Việt. Mỗi buổi học như vậy đều được "chèn" thêm một tiết nghệ thuật. Lại có cơ sở còn thành lập các Câu lạc bộ môn học. Sẽ không có gì đáng nói nếu như về bản chất thực tế thì những Câu lạc bộ này vẫn là dạy thêm các kiến thức nâng cao một vài môn học nào đó. Đối tượng học thêm là những học sinh khá, giỏi.
Nhìn rõ những chiêu trò này, vừa qua, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 với từng cấp học trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã đề nghị các trường quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm. Cụ thể, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng đã khẳng định hiệu trưởng trường nào để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm về công tác quản lý.
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng lưu ý các trường tiểu học cần quan tâm đến việc phân công giáo viên dạy lớp 1. Bởi đây là lớp đầu tiên của cấp tiểu học, có vai trò quan trọng trong hành trình học tập của học sinh, do đó các trường cần phải bố trí giáo viên có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết, trách nhiệm.
Riêng với cấp Trung học Cơ sở, Giám đốc Chử Xuân Dũng yêu cầu các trường cần quản lý nghiêm việc dạy thêm, học thêm, tránh để xảy ra tình trạng biến tướng như giáo viên đưa học sinh của mình học thêm ở trung tâm do các cô dạy.
Mấu chốt nằm ở khâu quản lý
Có thể nói, dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng và có thật của cả người dạy và người học. Nếu tổ chức đúng nguyên tắc, việc dạy thêm, học thêm sẽ mang lại mục tiêu củng cố, nâng cao kiến thức cho học sinh. Thực tế, thời gian qua, việc cấp giấy phép dạy thêm quá dễ dàng đã tạo kẽ hở cho nạn dạy thêm, học thêm biến tướng phát triển. Một số thầy cô giáo với mục đích vụ lợi, đã chèn ép, dùng đủ chiêu trò ép buộc học sinh phải học thêm.
Điều này đi ngược lại với nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh và học sinh về dạy thêm, học thêm. Đáng nói, trong cái vòng xoáy dạy thêm, học thêm, học sinh sẽ trở thành nạn nhân cho thành tích, lợi ích của nhà trường, của giáo viên và cả sự kỳ vọng của cha mẹ.
Ở góc độ quản lý có thể thấy, thực tế việc quản lý dạy thêm, học thêm tại trường không khó, nan giải nhất là việc kiểm soát các trường hợp dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường bởi hình thức tổ chức đa dạng, vừa mang tính chất gia đình, vừa mang tính chất xã hội...
Thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô nói riêng đã có những biện pháp "mạnh tay" để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định đã được triển khai. Trong đó có tăng cường thanh kiểm tra, lập đường dây nóng, quy trách nhiệm người đứng đầu...
Phương châm xử lý này cũng đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng. Dễ thấy, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu dừng nhận hồ sơ xin cấp giấy phép dạy học thêm ngoài trường. Cụ thể, ngày 26/8/2019, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã ký ban hành Văn bản số 2499/QĐ-BGDĐT, công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Theo đó, để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định, với vai trò quản lý Nhà nước về giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt việc quản lí hoạt động dạy thêm, học thêm đảm bảo đúng quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện dạy và học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa hiện hành, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; nghiêm cấm việc "bớt lại nội dung" khi dạy trên lớp trong giờ chính khóa khiến học sinh không tiếp thu được đầy đủ kiến thức, tạo ra "nhu cầu" phải đi học thêm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại một số cơ sở giáo dục việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm các trường, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định hiện hành.
Những động thái vào cuộc tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong công tác quản lý việc dạy thêm, học thêm là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm, thiết nghĩ, công tác kiểm tra, thanh tra dạy học thêm cần làm đồng bộ, thống nhất, tránh tình trạng nơi nặng, nơi nhẹ, khiến kỷ cương trường học bị lỏng lẻo, khinh nhờn.
Bên cạnh đó, cần lên án và xử lý nghiêm những trường hợp nhà trường, thầy cô giáo chèn ép, dùng đủ chiêu trò ép buộc học sinh phải học thêm. Các chủ thể như học sinh, phụ huynh, các cấp quản lý giáo dục cùng thay đổi nhận thức và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thì mới giảm thiểu được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.
Để kịp thời tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh về các dấu hiệu tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo năm học 2019-2020, trong đó có công tác thu, chi và dạy thêm, học thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thành lập và công bố công khai số điện thoại đường dây nóng 0888.996.970 và địa chỉ email: sogiaoduc@hanoiedu.vn. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ khẩn trương xác minh, có phản hồi công khai và xử lý nghiêm khắc với các sai phạm sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân, phụ huynh học sinh...
Phạm Thảo
Theo laodongthudo
Dạy thêm, học thêm không còn cấp phép nữa thì quản lý như thế nào? Cần lên án và xử lý nghiêm những trường hợp nhà trường, thầy cô giáo chèn ép, dùng đủ chiêu trò ép buộc học sinh phải học thêm, chỉ với mục đích vụ lợi. LTS: Thẳng thắn đặt ra câu hỏi "Dạy thêm, học thêm không còn cấp phép nữa thì quản lý như thế nào?", tác giả Sông Trà đã có bài...