TP.HCM: Đề xuất thêm chính sách đãi ngộ cho giáo viên môn đặc thù
Tình trạng thiếu giáo viên ở TP.HCM, đặc biệt là giáo viên các môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh, Tin học…
đã kéo dài nhiều năm nay do thiếu nguồn tuyền, chế độ đãi ngộ thấp.
TP Hồ Chí Minh đang thiếu nhiều giáo viên các môn nghệ thuật. (Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)
Gần kết thúc học kỳ 1, năm học 2022-2023 nhưng Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thiếu lượng lớn giáo viên để có thể đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở các bậc học.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 78.486 giáo viên từ bậc mầm non đến trung học phổ thông. Đầu năm học, thành phố đã tuyển được 3.244 giáo viên mới nhưng hiện vẫn thiếu 5.939 giáo viên theo biên chế.
Trong đó, chỉ riêng bậc trung học phổ thông thiếu số ít giáo viên còn lại khối mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thiếu cả ngàn giáo viên ở mỗi bậc. Các vị trí giáo viên thiếu nhiều nhất là Công nghệ, Tin học, các môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật).
Trên cơ sở tiếp tục rà soát, nắm lại nhu cầu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức tuyển dụng giáo viên đợt 2 trong năm học này, vào khoảng tháng 2/2023.
Các đơn vị được phân cấp tuyển dụng và tự chủ tài chính tiếp tục tổ chức tuyển dụng theo khả năng, nhu cầu.
Tình trạng thiếu giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài nhiều năm nay, bên cạnh nguyên nhân thiếu nguồn tuyển, chế độ đãi ngộ thấp trong khi đó yêu cầu công việc khá cao là nguyên nhân chính khiến việc tuyển dụng giáo viên rất khó khăn, nhất là những bộ môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh, Tin học.
Đơn cử, với sinh viên mới tốt nghiệp cùng trình độ ở các ngành Tin học, tiếng Anh, nếu tuyển dụng vào cơ quan khác thì có mức lương cơ bản cao hơn (thấp nhất là 4.680.000 đồng, bằng mức lương tối thiểu vùng hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi trúng tuyển vào viên chức giáo dục nhận mức lương tập sự là 3.853.000 đồng).
Video đang HOT
Mặt khác, hiện yêu cầu về trình độ chuyên môn với giáo viên bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều từ cử nhân trở lên.
Theo quy định hiện hành, định mức tiết dạy của giáo viên các môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Tin học và Công nghệ, tiếng Anh đang có sự chênh lệch giữa các bậc học, cụ thể giáo viên tiểu học phải dạy 23 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/tuần, trong khi giáo viên trung học phổ thông 17 tiết/tuần.
Giải quyết các vướng mắc nêu trên để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển dụng giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đang phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng đề án “Xây dựng chế độ chính sách đối với viên chức là giáo viên cấp tiểu học các bộ môn tiếng Anh, Tin học, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.”
Sở cũng đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh định mức số tiết dạy của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đối với giáo viên các bộ môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Tin học và Công nghệ, tiếng Anh như định mức tiết dạy của giáo viên trung học phổ thông.
Trước mắt, nhằm đảm bảo hoạt động dạy học trong điều kiện thiếu giáo viên, các trường chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết với các Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Sư phạm-Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo giáo viên.
Năm học 2022-2023 các trường này đã tuyển được 750 sinh viên ngành đào tạo giáo viên theo nhu cầu của thành phố (sinh viên có hộ khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh)./.
Nghệ An: Nhiều địa phương có biên chế nhưng vẫn khó tuyển dụng giáo viên
Mặc dù được giao chỉ tiêu biên chế nhưng với nhiều địa phương ở Nghệ An để tuyển dụng đủ giáo viên cũng không phải dễ dàng bởi mỗi địa phương có những đặc thù riêng.
Giải bài toán thiếu giáo viên
Trường Tiểu học Nghi Phong (Nghi Lộc) có 25 lớp, nhưng chỉ có 30 giáo viên văn hóa, tỷ lệ giáo viên đứng lớp còn rất thấp so với yêu cầu. Để phần nào giúp cho việc tổ chức dạy học được đảm bảo, hiện nay nhà trường đang phải hợp đồng 5 giáo viên, gồm 2 giáo viên văn hóa, 1 giáo viên Tổng phụ trách Đội, 1 giáo viên Tin học và 1 giáo viên Tiếng Anh. Ngoài ra, nhà trường đang có 4 giáo viên biệt phái từ bậc THCS xuống với thời gian biệt phái từ 1 - 2 năm, gồm 2 giáo viên Tiếng Anh và 2 giáo viên văn hóa.
Trong số những giáo viên đang hợp đồng, trường được hỗ trợ một phần tiền chi trả lương từ ngân sách huyện với số tiền 4 triệu đồng/giáo viên. Phần còn lại, nhà trường đang phải tự chi trả từ nguồn thu dạy học buổi thứ 2 của nhà trường và còn khá nhiều chật vật.
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nghi Phong (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà
Chia sẻ về những khó khăn hiện nay, cô giáo Nguyễn Thị Minh Thương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Phong cho biết: Trường chúng tôi đang thiếu giáo viên trầm trọng, vì hiện nay, nếu tính cả giáo viên hợp đồng thì tỷ lệ mới đạt 1,25 giáo viên/lớp. Năm tới, nếu giáo viên biệt phái hết thời gian công tác thì nhiều môn học sẽ không còn giáo viên đứng lớp. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã nhiều lần đề xuất với huyện bổ sung thêm giáo viên cho nhà trường và nếu tính đủ theo quy định thì cần khoảng 7 giáo viên nữa mới đủ định biên.
Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra trên địa bàn huyện Nghi Lộc nhiều năm nay, thậm chí ở bậc tiểu học có thời điểm chỉ có 1 giáo viên/lớp, trong khi quy định để dạy học 2 buổi/ngày là 1,5 giáo viên/lớp. Với số lượng thiếu rất lớn, nên dù mới đây, UBND tỉnh đã giao bổ sung cho huyện 171 biên chế thì chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Trong đợt tuyển dụng này chúng tôi được bổ sung 133 giáo viên mầm non. Ngoài tuyển dụng ưu tiên 19 giáo viên thuộc diện 06, 09 thì chúng tôi sẽ được tuyển dụng thêm 114 giáo viên mới bậc mầm non. Điều này, rất cần thiết trong thời điểm hiện nay và nếu tuyển đủ chúng tôi sẽ nâng được tỷ lệ giáo viên mầm non của huyện từ 1,2 lên 1,6 giáo viên/lớp, chưa đủ theo định biên như quy định, nhưng về cơ bản sẽ giúp được các nhà trường giải quyết được bài toán thiếu giáo viên hiện nay.
Ở bậc tiểu học, nếu chỉ có 29 biên chế thì chưa đủ, nhưng phần nào cũng giúp các nhà trường có thêm giáo viên đứng lớp và chúng tôi đang tham mưu tuyển dụng giáo viên văn hóa và ưu tiên thêm giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Ở bậc THCS, chúng tôi sẽ tham mưu để tuyển dụng giáo viên Sinh học, Hóa học để đủ giáo viên đứng lớp theo chương trình mới.
Thiếu giáo viên đứng lớp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học của các nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà.
Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra tại tất cả 21 huyện, thành, thị trên toàn tỉnh, bởi hiện nay Nghệ An đang thiếu trên 5.000 giáo viên. Trong bối cảnh đó, việc UBND tỉnh vừa bổ sung hơn 2.800 biên chế từ bậc tiểu học đến bậc THPT đã giúp cho nhiều địa phương trong việc bố trí giáo viên đứng lớp ở các nhà trường. Thời điểm này, các địa phương cũng đang cân đối số lượng biên chế được giao, nhu cầu thực tế tại các địa phương để xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên và dự kiến sẽ bắt đầu tuyển dụng từ năm 2023 sau khi đã được Sở Nội vụ thẩm định và được UBND tỉnh phê duyệt. Mặc dù vậy, việc tuyển dụng cũng cần phải cân nhắc, bởi mỗi địa phương có những đặc thù riêng.
Cân nhắc trong quá trình tuyển dụng
Trước đó, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3298/QĐ-UBND bổ sung 2.820 biên chế giáo viên năm học 2022 - 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản hướng dẫn tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục. Trong đó, có lưu ý một số đối tượng cần được quan tâm, ưu tiên hoặc các đối tượng không đủ bằng cấp theo quy định.
Giờ học của học sinh Trường THCS thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn). Ảnh: Mỹ Hà
Qua quá trình triển khai, mỗi địa phương lại có những đặc thù riêng, vì vậy, việc tuyển dụng giáo viên cũng đang được thực hiện một cách cân nhắc. Tại huyện Yên Thành, qua trao đổi, ông Trần Xuân Tĩnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Huyện Yên Thành được giao bổ sung 292 biên chế và chúng tôi đang đề xuất, tham mưu với huyện để tuyển đủ giáo viên. Trong đó, sẽ tuyển dụng 238 giáo viên mầm non hợp đồng 06, 09. Với giáo viên tiểu học, ngoài giáo viên văn hóa, chúng tôi sẽ tuyển dụng các giáo viên môn đặc thù như Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật. Tuy nhiên, việc tuyển dụng khó có thể tuyển dụng mới, bởi trước mắt huyện Yên Thành đang có hơn 100 giáo viên hợp đồng và ưu tiên tuyển dụng trong số này. Riêng bậc THCS, dù có chỉ tiêu nhưng sẽ không tuyển dụng, vì thực tế hiện nay huyện đang thừa hơn 100 giáo viên THCS.
Việc tuyển dụng giáo viên THCS cũng sẽ khó thực hiện ở nhiều địa phương khác dù hiện nay hầu hết các huyện đều được giao chỉ tiêu. Lý do hiện nay, bậc THCS đang thừa khá nhiều, thậm chí có những huyện như Thanh Chương năm nay phải điều khoảng 50% giáo viên thừa ở bậc THCS xuống dạy ở bậc tiểu học. Chính vì lẽ đó, dù có chỉ tiêu giáo viên ở bậc THCS nhưng huyện Thanh Chương cũng rất khó tuyển dụng.
Nhiều địa phương đang thừa giáo viên THCS nên sẽ khó tuyển dụng mới. Ảnh: Mỹ Hà
Quy trình tuyển dụng cũng đang được các địa phương xem xét trên tổng số biên chế chung toàn huyện và đang phải tính tới cả việc tinh giản giáo viên. Tại huyện Tân Kỳ, qua trao đổi, đại diện Phòng Nội vụ cho biết: Việc tuyển dụng phải đúng quy trình, trong đó, ưu tiên giáo viên 06, 09 ở bậc mầm non. Ở các bậc học còn lại, dù có chỉ tiêu nhưng chúng tôi đang phải cân nhắc. Bởi lẽ, theo quy định, ngành Giáo dục, trong đó, có huyện Tân Kỳ mỗi năm phải tinh giản 10% giáo viên (tương đương mỗi năm khoảng 45 người). Tuy nhiên, nếu số tinh giản không đủ, sẽ tác động đến định mức biên chế chung và chúng tôi chỉ tuyển dụng trong số định mức biên chế cho phép. Nếu tuyển dụng quá theo quy định, nguồn chi trả lương gặp nhiều khó khăn.
Đến thời điểm này, Kỳ Sơn là huyện đã hoàn thành khá sớm việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng biên chế theo chỉ tiêu mà UBND tỉnh vừa bổ sung cho huyện. Tuy vậy, sau khi thông qua huyện và chuyển xuống Sở Nội vụ, kế hoạch tuyển dụng đang yêu cầu được điều chỉnh lại để phù hợp với định biên chung của huyện.
Qua trao đổi, ông Lầu Bá Thái - Phó Phòng Nội vụ huyện cho biết: Toàn huyện Kỳ Sơn có gần 1.900 giáo viên và từ nay đến năm 2026 huyện cần tinh giản 208 người, trung bình mỗi năm gần 50 người. Qua rà soát bước đầu, năm 2023, số giáo viên về hưu hoặc nghỉ theo Nghị định 108 chỉ khoảng 10 người. Thế nên, nếu tuyển mới, chúng tôi sẽ thừa định biên và không có ngân sách để chi trả lương.
Việc thiếu giáo viên đặc thù đang diễn ra tại nhiều địa phương. Trong ảnh: Giờ học Âm nhạc của học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà
Ngoài khó khăn trên, huyện Kỳ Sơn cũng đang gặp những đặc thù riêng như dù được bổ sung 23 biên chế giáo viên tiểu học và huyện đã dự kiến tuyển dụng giáo viên Tin học và Tiếng Anh, nhưng cơ hội rất khó vì không có hồ sơ đăng ký. Giáo viên mầm non diện 06, 09 có 22 người, nhưng chỉ có 3 người đủ bằng cấp theo quy định. 19 người còn lại hiện đang học và cuối năm 2023 mới có bằng. Trước thực tế này, Phó phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn nói thêm: Chúng tôi sẽ giữ chỉ tiêu giáo viên mầm non cho các giáo viên 06,09 và không tuyển mới. Nhưng các giáo viên còn lại, chúng tôi mong có những cơ chế riêng, vì hiện nay nếu theo đúng quy định sẽ không có ứng viên lên Kỳ Sơn. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp ngành Tin Học, Tiếng Anh trên địa bàn còn nhiều, nhưng lại chưa có bằng đại học theo như quy định mới.
Với những khó khăn trên, rõ ràng dù đã có biên chế nhưng việc tuyển dụng sẽ không thể thực hiện sớm mà cần phải rà soát, sắp xếp để phù hợp với từng địa phương và phù hợp với các quy định theo các văn bản hướng dẫn. Việc cân nhắc này cũng là cần thiết để đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Giáo viên vùng khó đề nghị có thêm chính sách để phát triển giáo dục Các thầy cô đề nghị trang bị cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu dạy và học, thêm chính sách hỗ trợ kinh phí học tập cho học sinh và chế độ đãi ngộ cho giáo viên ở vùng khó khăn. Điều kiện dạy và học ở các khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)...