TP.HCM có hơn 200 cầu 1.0 chờ… sập!
Vụ sập cầu Long Kiểng ở huyện Nhà Bè, TP.HCM đêm 19.1 thực sự khiến dư luận bức xúc, vì cầu yếu nhưng lực lượng chức năng vẫn “ngó lơ” xe vượt tải trọng vô tư chạy qua. Thế nhưng, trước thông tin toàn thành phố có đến hơn 200 cây cầu như cầu Long Kiểng được sở Giao thông vận tải TP.HCM đưa ra, dư luận kinh hãi.
Cầu cứu rát cổ
Trở lại hiện trường vụ sập cầu Long Kiểng, người dân nơi đây ai cũng có câu cửa miệng: đây là tai nạn được báo trước rồi! Đưa tay chỉ hàng loạt giàn thép lớn của cầu Long Kiểng đứt gãy trơ khung, bà Trần Thị Tươi, ấp 1, xã Phước Kiển, Nhà Bè, TP.HCM, bức xúc: cách đây đến chục năm, người dân đã nhận tiền đền bù dự án xây dựng mới cầu Long Kiểng, nhưng nay cầu sập dự án vẫn còn trên giấy.
Cầu sập, nhưng cơ quan chức năng còn chờ điều tra để quy trách nhiệm.
Theo bà Tươi, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè của bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân hồi cuối tháng 11 vừa qua, nhiều cử tri đã phản ánh những lo lắng của mình liên quan đến bốn cây cầu “chờ sập” ở huyện Nhà Bè, trong đó có cầu Long Kiểng. Hàng loạt giải pháp tháo gỡ bài bản được tình đến, như lắp camera “canh” xe vượt tải trọng qua cầu yếu. Ấy vậy mà sự thể đã không như mong đợi.
Theo ghi nhận, đường Lê Văn Lương từ đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM đến giáp ranh huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, ngoài cầu Long Kiểng còn có ba cây cầu sắt “chờ sập” khác đang được người dân cầu cứu. Đó là cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Đỉa, cầu Rạch Tôm. Những cây cầu này tồn tại từ 50 – 60 năm, đang xuống cấp từng ngày: trụ cầu, bệ đỡ bê tông nghiêng ngả; những thanh thép, hành lang bảo vệ lưới thép, mặt nền cầu đều đã gỉ sét, gãy… Điển hình cầu Rạch Dơi dài 128m (cấm xe tải do cầu không bảo đảm khả năng chịu lực), mỗi khi các phương tiện qua đây, cầu phát ra tiếng kêu rầm rầm. Những cây cầu sắt còn lại cũng là nỗi ám ảnh. Bề rộng mặt cầu chỉ cho phép một lượt xe ba gác hoặc xe hơi qua, nên các phương tiện phải xếp hàng để được qua cầu. Vì lẽ đó, cảnh kẹt xe diễn ra hàng ngày, nhất là giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều.
Phải đi qua cầu Rạch Tôm mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Hạnh, ngụ xã Nhơn Đức, cho biết vừa đi vừa run, nhiều khi phải xuống xe dắt bộ vì cầu quá hẹp, nhất là những khi trời mưa, mặt cầu trơn. “Chạy xe qua cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi hàng ngày, nhưng lần nào tôi cũng vừa đi vừa run bởi cầu đã quá yếu. Hơn nữa, mặt cầu hẹp, trơn và lại có độ dốc lớn, nên rất nguy hiểm khi trời mưa”, chị Nguyễn Thị Thảo, ngụ xã Nhơn Đức, nói.
Con số giật mình và trách nhiệm bị thoái thác
Sau vụ sập cầu Long kiểng, một thông tin được giám đốc sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đưa ra đã khiến không ít người khiếp đảm, đó là thành phố (TP) có 30 cầu yếu, không đồng bộ với giao thông trên tuyến do sở GTVT quản lý, đã được đưa vào danh mục ưu tiên, nhằm thực hiện đồng bộ đến năm 2020. Còn nếu tính cả trong các khu dân cư của toàn TP thì hiện có khoảng 200 cầu yếu và 55 cầu không đồng bộ tải trọng. Nói về lý do, dự án xây mới cầu Long Kiểng đã có từ chục năm trước, lãnh đạo sở GTVT TP.HCM viện dẫn dù đã có chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng từ năm 2001, nhưng chỉ có cầu Long Kiểng và Rạch Đỉa được duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án ở hai cầu này, các đơn vị cũng chưa cân đối được vốn và trước đó đã kêu gọi đầu tư theo hình thức BT. Hai cầu Long Kiểng và cầu Rạch Đỉa dự kiến sẽ được đưa vào xây mới trong năm 2018.
Video đang HOT
Bình luận về lý do trên, bà Tươi chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán. “Biết bao nhiêu con đường được đầu tư chỉ nhằm mục đích “này nọ” có tiền, còn những cây cầu chờ sập thì lại thiếu tiền, rồi bắt người dân đánh đu tính mạng và tài sản của mình là sao? Tính mạng con người bị đe doạ như vậy, sao không liệt dự án làm cầu chờ sập vào dạng cấp bách mà làm ngay và nhanh? Quả là khó hiểu và khó tin”, bà Tươi vừa hỏi, vừa khẳng định.
Trả lời câu hỏi trách nhiệm trong vụ sập cầu Long Kiểng, đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo sở GTVT TP.HCM vẫn biện giải theo kiểu nước đôi: “Về trách nhiệm của ngành, chúng tôi cũng đang chờ kết quả điều tra từ cơ quan công an huyện Nhà Bè, đánh giá của đơn vị giám sát, tư vấn và sẽ làm rõ trách nhiệm đối với đơn vị được giao tại khu vực để xảy ra sự cố trên”.
“Trách nhiệm thấy rõ vậy còn cần gì kết luận”, bà Tươi bực tức. Theo bà, dù bà ít học nhưng bà vẫn biết ở nhiều nước khi xảy ra tai nạn ở ngành nào, ở địa phương nào là người đứng đầu ngành đó, địa phương đó đều đứng ra nhận lỗi, nhận trách nhiệm và ráo riết khắc phục hậu quả. Vậy mà đến này, sở GTVT và địa phương nơi xảy ra sập cầu vẫn cứ phải đợi kết quả, là điều không thể chấp nhận được. Bởi ai cũng thấy, để cho cái xe ben vượt quá tải trọng cầu đến năm lần qua cầu là do không giám sát, xử phạt, ngăn chặn, để cho hàng trăm cầu yếu từng ngày đe doạ tính mạng người… là trách nhiệm của ngành giao thông và chính quyền sở tại, chứ đừng có đổ hết lỗi cho tài xế xe ben làm liều!
Theo Giang Thanh – Đằng Giang ( Thế Giới Tiếp Thị)
Rùng mình hình ảnh nhịp cầu bị uốn cong như lò xo sau vụ sập cầu
Nhìn vị trí cầu Long Kiểng bị sập, nhiều người dân địa phương bàng hoàng, rùng mình và cho rằng rất may mắn khi cầu sập trong đêm khuya.
Sáng 20.1, hiện trường vụ sập cầu Long Kiểng (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, TP.HCM) vẫn đang được cơ quan chức năng phong tỏa để đánh giá, khắc phục sự cố. Phía hai bên đầu cầu, nhiều công an, bảo vệ dân phố có mặt để hướng dẫn người dân lưu thông hướng khác.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, sự cố sập cầu xảy ra ở nhịp thông thuyền. Nhịp cầu này và 2 hệ thống ống nước, cáp điện bị hư hỏng, không có thiệt hại về người.
Nhịp cầu thông thuyền bị uốn cong, vặn vẹo sau sự cố. Trước đó, vào khuya 19.1, tài xế Nguyễn Thanh Lâm (30 tuổi, quê Đồng Nai) chạy xe tải chở đá xây dựng lưu thông trên cầu Long Kiểng, khi đến nhịp cầu trên thì cầu bị sập. Chiếc xe tải rơi xuống sông, 4 người đi xe máy phía sau thoát chết trong gang tấc. Tài xế xe tải cũng thoát nạn.
Anh Đinh Hoàng Lực (35 tuổi) chạy xe máy phía sau xe tải kịp thời bò lên mặt cầu khi nhịp cầu bị sập. Nguyên nhân sập cầu ban đầu được xác định là do xe tải chở đá vượt gần 5 lần tải trọng của cầu.
Theo nhiều nhân chứng, trước khi cầu sập họ đã cảnh báo tài xế Lâm rằng cầu yếu không thể đi được nhưng nam tài xế vẫn bỏ ngoài tai.
Một phần mặt cầu bị nghiêng. "Tai nạn xảy ra là điều chẳng ai muốn nhưng nói thật cầu sập lúc nửa đêm như vậy quả là một điều may mắn. Nó xảy ra buổi chiều hoặc đầu giờ tối thì hậu quả sẽ rất thảm khốc vì có rất nhiều học sinh qua lại. Nhìn nhịp cầu bị uốn cong như lò xo mà lạnh cả người", chị Nguyễn Thị Quyên có nhà gần cầu Long Kiểng nhận xét.
Cầu Long Kiểng đã được Sở GTVT TP duyệt đề án, xây cầu mới vì cầu đã xuống cấp. Hiện dự án đang giao cho UBND huyện Nhà Bè giải phóng mặt bằng để thực hiện trong năm 2018. Trong ảnh là nhiều thanh cầu hoen gỉ, mục nát.
Khu vực phần trụ cầu xuất hiện nhiều vết nứt.
Dù đã xuống cấp nghiêm trọng, cây cầu hơn nửa thế kỷ phải gồng mình gánh thêm hai đường ống nước cùng hàng trăm dây cáp điện, cáp viễn thông chằng chịt. "Vào đêm khuya rất nhiều xe tải lén chạy qua cầu. Chúng tôi phát hiện nhưng chỉ cảnh báo chứ không thể ngăn cản được họ", một người dân địa phương cho biết.
Theo người đứng đầu Sở GTVT TP.HCM, phương án khắc phục là sẽ tháo dỡ toàn bộ phần nhịp cầu bị sập để thay nhịp mới và sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm nay trong thời gian chờ xây cầu mới.
Theo Danviet
Ảnh: Cảnh sát trắng đêm phong tỏa hiện trường cầu sập, ô tô rơi xuống sông Nghe tiếng hét lớn, nhiều người chạy ra cầu hơn nửa thế kỷ ở Sài Gòn kiểm tra thì tá hỏa phát hiện cầu đã sập, ô tô đang chìm xuống sông. Rạng sáng 20.1, lực lượng chức năng huyện Nhà Bè, TP.HCM vẫn đang phong tỏa nghiêm ngặt hiện trường vụ sập cầu Long Kiểng (xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè). Khu...