Top 6 mâm cúng ông Công ông Táo năm 2025 đủ đầy, đẹp mắt, dễ làm
Năm nay, tết ông Công ông Táo rơi vào thứ Tư, ngày 22/1/2025 Dương lịch.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, lễ cúng ông Công ông Táo thường diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp, tức 23/12 âm lịch hằng năm. Năm nay, tết ông Công ông Táo rơi vào thứ Tư, ngày 22/1/2025 dương lịch. Đây là ngày chính để thực hiện nghi lễ tiễn ông Công ông Táo về trời. Tuy nhiên, gia chủ có thể cúng ông Công ông Táo từ ngày 19/12 âm lịch.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, quan trọng nhất vẫn là thành tâm. Thông thường, mâm cúng sẽ có những lễ vật sau:
Một bình hoa, đĩa trái cây ngũ quả (thanh long, mãng cầu, trái dừa, đu đủ, xoài).
3 chén chè trôi nước, 3 đĩa mứt, 3 đĩa trà khô, nhang, đèn, rượu, kẹo, cốm, bánh. Hàng mã gồm một chút tiền, vàng…
Mâm cúng có thể chuẩn bị một số món ăn: Cơm, canh, cá, rau, củ kiệu, đĩa thịt luộc hoặc gà luộc, mắm, đĩa bánh chưng hay bánh tét…
Theo tín ngưỡng dân gian, mọi người còn dâng cúng cá chép sống, tượng trưng phương tiện để Táo quân cưỡi về trời. Khi làm lễ cúng hoàn tất, gia chủ thường phóng sinh cá chép.
Mâm cúng ông Công ông Táo 3 miền
GS. Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết, lễ cúng ông Công ông Táo không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy hay cúng bái những món vàng mã đắt tiền… Tùy điều kiện cụ thể, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng khác nhau.
Mâm cỗ cúng ông Táo theo truyền thống của người Bắc sẽ có những món cơ bản sau: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối; 1 con gà trống luộc được tỉa ớt hoặc hoa hồng (có thể thay thế bằng thịt lợn luộc); 1 bát canh mọc hoặc canh măng; 1 đĩa xào thập cẩm; 1 đĩa giò, chả rán hoặc thịt đông; 1 đĩa xôi gấc; 1 đĩa chè kho
Cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép là phương tiện để ông Táo lên trời. Nếu là cá chép sống, sau khi cúng, người dân sẽ mang đi phóng sinh.
Mâm cúng của người miền Trung không có áo mũ, vàng mã cho các Táo như miền Bắc nhưng người miền Trung thường dâng lên một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ, đốt vàng mã cùng nhiều lễ vật khác. Ngoài các món cơ bản, trong mâm cơm cũng có cá ngừ hay cá thu…
Theo sách “Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần” của Huỳnh Ngọc Trảng – Nguyễn Đại Phúc, NXB Văn hóa Văn nghệ, tục tiễn ông Táo về trời của người dân Nam Bộ phải có bộ giấy “cò bay ngựa chạy”, mang ý nghĩa ngựa chở ông Táo đi đường bộ rồi cò chở ông Táo bay về trời.
Gia chủ thường bày mâm cúng ông Táo tại bếp. Thủ tục cúng đơn giản, đặt lư hương với đĩa trái cây, bánh trái, chén chè trôi nước, đĩa kẹo làm từ mè đen và đậu phộng…
Tham khảo 6 mâm cúng ông Công ông Táo năm 2025 đủ đầy, đẹp mắt, dễ làm
Mâm cỗ cúng để tiễn ông Công ông Táo về trời thường được chuẩn bị vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Tuy nhiên cũng tùy vào điều kiện và hoàn cảnh gia đình, nhiều người chọn cúng trước 1-2 ngày. Được dịp này, chị em liền trổ tài đảm đang với những món ăn không chỉ ngon mà còn chú trọng tới khâu trang trí khiến cho mâm cỗ cúng ông Công ông Táo rất hấp dẫn.
Mâm cúng ông Công ông Táo 1
Chị San (Hoàn Kiếm, HN) cho biết trên Ngôi sao, chị thực hiện trước mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thay vì đúng ngày 23 tháng Chạp. Vào buổi sáng, chị liệt kê và mua sắm đủ các nguyên liệu cần thiết. Tới chiều, chị xin nghỉ sớm để làm 5 mâm cỗ. Tổng cộng, chị đã thực hiện 11 món cho mỗi mâm cỗ gồm: gà hấp lá chanh, tôm tẩm bột rán, bò sốt tiêu đen, nem bề bề, giò bê, nộm thập cẩm, khoai lang kén, cải chíp chần nấm, mầm đá xào tỏi, canh bóng ngũ sắc, xôi gấc.
Video đang HOT
Mâm cúng ông Công ông Táo 2
Món cải chíp, bò sốt tiêu đen với bánh bao được chị San bày biện giống ngoài nhà hàng. Riêng xôi gấc được bày theo 2 kiểu: hình cá chép và hình tròn. Để tạo hình cho xôi đẹp, chị San sẽ bới xôi vào bát tô to, san đều rồi mới úp ngược trở lại đĩa, tạo thành hình tròn. Món gà cũng được xếp trước vào bát tô rồi mới lật trở ra đĩa để tạo hình.
Mâm cúng ông Công ông Táo 3
Vì gia đình có nhiều việc nên chị Tống Lê Tâm (Hà Nội) làm lễ cúng ông Công, ông Táo từ mấy hôm trước. Chị đồ xôi và rán sơ qua nem từ tối hôm trước. Tới hôm làm lễ, chị chỉ cần đồ lại xôi, rán nem lần 2 để xôi dẻo và nem giòn hơn. Bí quyết để món nem giòn rụm của chị Tâm là: pha 1 bát nước nhỏ gồm 1/2 thìa đường vàng, 1/2 thìa dấm gạo rồi phết lên mặt vỏ nem.
Mâm cúng ông Công ông Táo 4
Chị Hoà Phạm, Hà Nội không phóng sinh cá chép sống mà chỉ tạo hình xôi gấc thành cá chép, dùng cá chép bằng giấy và hoá (đốt) cùng bộ lễ ông Công ông Táo. Để có được mâm cỗ cúng chỉ sau 2 tiếng đứng bếp, chị Hoà đã suy nghĩ thực đơn trước đó 1-2 ngày để tiết kiệm thời gian. Đến buổi tối rảnh rỗi, chị sơ chế trước món ăn như cuốn nem, ngâm gạo. Các thực phẩm tươi mà chị Hoà sử dụng đều là gia đình ở dưới quê gửi ra.
Mâm cúng ông Công ông Táo 5
Các món ăn trong mâm cỗ của chị Hoà gồm có: xôi gấc cá chép, tôm hấp rượu, sườn nướng, mực xào cần tây, bánh chưng (mua sẵn), canh bò nấu dưa, khoai tây chiên, gà luộc, đậu luộc, nem ghẹ.
Mâm cúng ông Công ông Táo 6
Chị Nhung, Long Biên, Hà Nội sửa soạn xong mâm cỗ cúng trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Trước đó, chị đi chợ từ sáng, lên thực đơn gồm: gà luộc, nem Hà Nội, giò lụa, giò mo cau, bắp bò ngâm mắm, thịt kho tàu, canh măng, canh mọc thập cẩm, nộm đu đủ, xôi gấc cá chép, rau cải chíp xốt nấm.
Khi làm cỗ, chị Nhung có thêm cô giúp việc làm phụ bếp. Chị sử dụng thêm khăn trải bàn hoạ tiết chim công, các loại hoa quả, cành đào để trang trí cho bữa cỗ.
Những mâm cúng ông Công ông Táo khác
Khắp các hội nhóm, những mâm cỗ cúng nhận được rất nhiều sự yêu thích trên mạng xã hội. (Ảnh: @Vũ Thanh Hoan, @Phạm Thu Huyền)
Mâm cỗ nào cũng được chuẩn bị đầy đủ, trang trọng để bày tỏ lòng thành kính của gia chủ. (Ảnh: @Huyền Thu, @Huyền An, @Duyên Nguyễn)
Mâm cỗ nào cũng như những tuyệt phẩm (Ảnh: @Phạm Thu Huyền, @Vũ Thanh Hoan, @ThuHuongVu)
Sự xuất hiện của những món ăn truyền thống như bánh chưng, giò chả, nem rán mang không khí Tết ùa về rộn ràng trong các gia đình. (Ảnh: @ Vũ Thanh Hoan, @Phạm Thu Huyền)
Những chú cá chép vàng uốn lượn bên những cánh đào phai. (Ảnh: @Huyền Thu, @Nhung Ngo)
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo đầy đủ gồm những gì?
Mâm cúng ông Công ông Táo thường bao gồm các lễ vật như bộ mũ áo, cá chép... và các món ăn chay hoặc mặn.
Lễ cúng ông Công ông Táo diễn ra vào dịp 23 tháng Chạp hàng năm. Theo quan niệm dân gian, đây là ngày Táo quân (gồm ba vị Táo: Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ) lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng về mọi việc trong gia đình suốt năm qua. Để tiễn ông Công ông Táo về trời, các gia đình thường chuẩn bị một mâm lễ cúng trang trọng và đầy đủ.
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo gồm những gì?
Thông thường, để tiễn Táo quân về trời, trên bàn thờ sẽ có các lễ vật cơ bản như:
Bộ mũ áo ông Công ông Táo: Đây là vật phẩm không thể thiếu, gồm bộ mũ của hai ông, một bà. Bộ mũ áo thường được làm bằng giấy trang kim màu sắc rực rỡ.
Cá chép: Cá chép được xem là phương tiện để ông Công ông Táo lên trời. Tùy vào vùng miền mà có thể là cá chép sống để phóng sinh hoặc cá chép giấy.
Vàng mã
Trầu cau, trái cây, hoa tươi.Rượu trắng, trà, gạo-muối (mỗi thứ một đĩa nhỏ).
Tùy vào điều kiện và quan niệm của từng gia đình mà mâm cúng ông Công ông Táo có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn. Một mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo thường bao gồm các món ăn truyền thống như:
- Bánh chưng hoặc bánh tét: Tùy theo vùng miền, bánh chưng hoặc bánh tét sẽ có mặt trong mâm cúng. Đây là món bánh truyền thống không chỉ mang đậm hương vị Tết mà còn tượng trưng cho đất trời, lòng biết ơn tổ tiên.
- Gà luộc: Gà trống luộc nguyên con tượng trưng cho sự khởi đầu mới, đem lại may mắn và thịnh vượng cho gia đình trong năm mới.
- Xôi gấc: Màu đỏ của xôi gấc tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc.
- Chả giò hoặc nem rán: Món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, thể hiện sự trọn vẹn và đầy đủ.
- Giò lụa: Món giò lụa mịn màng, tròn trịa thể hiện cho sự đủ đầy, no ấm.
- Thịt đông, thịt kho tàu: Đặc trưng với cái lạnh của mùa đông miền Bắc, món thịt đông có ý nghĩa đoàn tụ, quây quần. Mâm cỗ Tết của người miền Nam khi dọn lên không bao giờ thiếu đĩa thịt kho tàu vàng nâu sóng sánh.
- Canh: Thường là canh mọc, canh bóng hoặc canh miến, biểu tượng cho sự trong sạch và mới mẻ.
- Các món xào: Như bò xào, gà xào, tùy thuộc vào từng vùng miền và khẩu vị gia đình.
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo lên chầu trời đầy đủ, thịnh soạn. (Ảnh: Vũ Thu Hương)
Mâm cỗ chay cúng ông Công ông Táo thường bao gồm các món ăn làm từ đậu hoặc rau củ. Những món ăn này không những thanh đạm mà còn biểu trưng cho sự thanh tịnh và lòng thành kính.
Một mâm cỗ chay gồm những món ăn đặc trưng sau:
- Nem chay: Làm từ các loại rau củ như cà rốt, khoai môn, nấm mèo và bún tàu, gói trong bánh tráng và chiên giòn. Nem chay mang hương vị nhẹ nhàng, dễ ăn và hấp dẫn.
- Đậu hũ chiên sả: Đậu hũ được cắt miếng, ướp với sả băm nhỏ, sau đó chiên vàng. Món ăn này đơn giản, dễ thực hiện nhưng rất thơm ngon.
- Canh chay: Thường nấu từ các loại rau củ như cà rốt, su su, bông cải, và đậu que. Nước dùng từ rau củ giúp món canh có vị ngọt tự nhiên và thanh mát.
Những món chay thanh tịnh với nguyên liệu không quá cầu kỳ. (Ảnh: Linh Phan)
- Xôi gấc: Món xôi gấc có màu đỏ cam đặc trưng, thể hiện sự may mắn, thịnh vượng. Xôi ngọt nhẹ, dẻo thơm nhờ hạt nếp chất lượng và gấc chín.
- Rau củ xào: Các loại rau củ như bông cải, nấm, cà rốt được xào vừa chín tới, giữ được độ tươi ngon và vị ngọt tự nhiên.
- Chè: Có thể là chè đậu xanh, chè hoa cau hoặc chè trôi nước. Chè mang ý nghĩa ngọt ngào, mong muốn cho những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.
Gợi ý mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đầy đủ nhất, năm nay ai làm sớm có thể tham khảo ngay! Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo này không chỉ đầy đủ mà còn thơm ngon, đẹp mắt, ai thấy cũng phải khen không ngớt. Ngày 23 tháng Chạp, người Việt khắp nơi lại tất bật chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo để tiễn đưa các vị thần bếp về trời báo cáo Ngọc Hoàng. Đây không chỉ là dịp...