Top 10 con trùm ấn tượng nhưng lại “chết yểu” khiến game thủ tiếc nuối vô cùng
Thường thì những kẻ phản diện ấn tượng nhất trong game là những nhân vật được nhà phát triển tạo dựng rất kì công và độc đáo.
Ngoài ra thì diễn xuất, tính cách của những nhân vật này cũng được đầu tư công phu, tỉ mỉ, nên khi người chơi có được cơ hội ra tay nghĩa hiệp thì sẽ rất là háo hức và thích thú.
Nhưng không phải game nào cũng chừa thứ tốt nhất cho phần cuối. Thay vào đó là quyết định cho những nhân vật phản diện này “ chết yểu”, và đôi lúc điều này sẽ phản tác dụng. Có thể nhà phát triển đã đánh giá sai về sức hấp dẫn, độ ngầu của những nhân vật này. Và sau khi diệt xong thì game trở nên nhạt nhõe, vô nghĩa, rỗng tuếch, khiến fan tìm mọi cách để đem nhân vật phản diện trở lại.
Sau đây là danh sách 10 con trùm ấn tượng nhưng lại “chết yểu” khiến game thủ tiếc nuối vô cùng.
Jul ‘Mdama – Halo 5: Guardians
Jul ‘Mdama là một Elite với chức vụ Chỉ huy tối cao (Supreme Leader) của tụi Covenant, từng xuất hiện lần đầu trong truyện Halo: Glasslands và sau đó là trong phần chơi chiến dịch Spartan Ops của Halo 4. Và cũng vì chỉ xuất hiện ít lần nên Jul ‘Mdama được xem như là một chiến lược gia vô cùng nguy hiểm. Do đó, khúc đầu game Halo 5: Guardians, khi nhân vật này xuất hiện thì người chơi chắc mẩm hắn ta sẽ là một đối thủ đáng gờm về sau đây.
Tuy nhiên, chỉ sau 20 phút trong phần chơi chiến dịch là Jul ‘Mdama đã bị nhân vật chính Locke tiêu diệt trong vòng 1 nốt nhạc. Thậm chí, đó cũng chỉ là một cảnh cutscene thôi chứ cũng chẳng phải là màn chơi nữa. Vì nhân vật này chết quá nhanh nên bạn cũng chẳng kịp biết được hắn là người như thế nào, mặc dù theo phần lore (tạm dịch: truyền thuyết) thì có cả một câu chuyện rất thú vị để kể về nhân vật này. Đáng lý ra thì Jul ‘Mdama nên bị đánh bại trong một trận chiến hoành tráng mới phải.
Jack Baker là một trong những nhân vật phản diện đáng sợ nhất trong dòng game Resident Evil, đặc biệt là trong phần Resident Evil 7 VR (nếu bạn đủ can đảm để chơi). Jack thường xuyên xuất hiện trong game, khiến người chơi nghĩ rằng nhân vật này là con trùm cuối trong game. Tuy nhiên, trước khi cốt truyện trong Resident Evil 7 kết thúc thì Jack đã bị bắn hạ trước đó vài tiếng rồi. Đó là sau khi Jack biến thành một con ác quỷ khổng lồ và sau đó bị nhân vật chính Ethan hại chết.
Phần game sau đó bắt đầu nhàm chán hẳn: những trường đoạn “shoot ‘em up” thì kéo dài liên miên, khúc vượt qua bãi mìn thì cũng chả có gì hấp dẫn, và màn đấu trùm cuối Eveline tất nhiên là “nhạt như nước ốc”. Mặc dù câu chuyện đằng sau nhân vật Jack nghe rất là bi thương, và theo lý thuyết thì hắn ta có quay trở lại trong phần mở rộng End of Zoe, Resident Evil 7 lại bắt đầu có dấu hiệu tẻ nhạt sau khi Ethan tiêu diệt hắn. Lẽ ra đây phải là con trùm cuối mới đúng.
Đây là một đấu sĩ vô cùng hung tàn với khả năng biến hình và hút linh hồn của đối phương, và cũng chính vì thế mà fan rất yêu thích nhân vật này. Tuy nhiên, Shang Tsung lại phải bỏ mạng khi phần chơi theo cốt truyện (story mode) mới đi được 2/3 đoạn đường, khiến game thủ vô cùng bực tức.
Để tăng sức mạnh cho Sindel, “sếp” của Shang Tsung là Shao Kahn đã đem anh ta ra làm vật tế, lấy tất cả linh hồn mà Shang đã thu thập được suốt hàng thế kỉ qua để nhập vào Sindel, giúp Shao Kahn hoàn thành mục tiêu nhanh hơn.
Tất nhiên là không có nhân vật nào trong Mortal Kombat là chết vĩnh viễn, nhưng khi nhìn thấy Shang Tsung bị diệt ngay trước đoạn cao trào của game thì rất là cụt hứng. Đã thế, Mortal Kombat X còn không có sự xuất hiện của nhân vật này, và Shang chỉ tái xuất trong phần 11 khi mua thêm gói mở rộng (DLC).
Psycho Mantis – Metal Gear Solid
Dòng game Metal Gear Solid có rất nhiều nhân vật phản diện đáng nhớ, và đầu bảng là Psycho Mantis (cùng với The Boss và The End) xuất hiện trong phần Metal Gear Solid đầu tiên. Mặc dù lúc đầu game thì nhà phát triển đã rất thành công trong việc tạo dựng Mantis với hình tượng là một kẻ vô cùng nguy hiểm và là một đối thủ đáng gờm, khi người chơi chỉ mới đi được 1/3 phần chiến dịch thì Mantis đã xuất hiện và đối đầu với nhân vật chính Snake.
Đồng ý rằng màn đấu trùm này rất là hoành-tá-tràng: Mantis dùng kỹ năng của mình để ném đồ vật vào Snake, chiếm quyền kiểm soát người bạn đồng hành Meryl, ấn tượng hơn nữa là hắn ta có khả năng đọc thẻ nhớ của người chơi và chiếm luôn quyền điều khiển tay cầm. Đây là một trong những con trùm sáng tạo nhất trong lịch sử gaming, nhưng vì hắn ta “chết yểu” nên 2/3 còn lại của game người chơi sẽ có cảm giác hụt hẫng, thiếu vắng một điều gì đó. Cũng may mắn là những phần game sau này cũng an ủi người chơi, cho Mantis xuất hiện lại trong phần 4 và phần 5 (tiền truyện).
Professor Nakayama – Borderlands 2
Khác với những nhân vật trên kia, Giáo sư Nakayama khá hài hước trong Borderlands 2 lại có phần… đáng chết. Nhân vật này có thân hình gầy nhom, xuất hiện trong bản mở rộng Sir Hammerlock’s Big Game Hunt, và luôn có ý định diệt các Vault Hunters để trả thù cho thần tượng của mình là Handsome Jack.
Và vì thế, Nakayama có vẻ như là một con trùm cuối rất là thử thách và “khó xơi”, nhưng khi hắn ta mới vừa xuất hiện, chuẩn bị giao chiến thì lại trượt chân té xuống cầu thang và bị gãy cổ, chết ngay tắp lự mà người chơi chả kịp làm gì cả. Nakayama chết quá nhanh và quá sớm, chỉ vừa mới “lên đỉnh” thôi là đã tuột cầu thang gãy cổ cái rắc, khiến game thủ hơi bị cụt hứng. Đã thế, nhiệm vụ này còn chơi chữ với cái tên “The Fall of Nakayama” (“Fall” trong câu ngày vừa có nghĩa là “hạ bệ”, vừa có nghĩa là “té”). Tuyệt vời!
Stefano Valentini – The Evil Within 2
Đây ắt hẳn là nhân vật phản diện thú vị nhất trong The Evil Within 2. Hắn ta là một nhiếp ảnh gia bị điên và thực chất là một kẻ sát nhân hàng loạt, rất thích thú với việc chụp lại cảnh mà nạn nhân bị diệt chết. Bên cạnh vẻ ngoài hào nhoáng, lòe loẹt và màn đấu trùm đầy tính siêu thực với nhân vật chính Sebastian, thì phải công nhận Stefano có phong cách và tính cách phong phú hơn hẳn so với những nhân vật phản diện còn lại trong game.
Vì thế, lúc Stefano bị Sebastian diệt khi mới chơi được cốt truyện thì game thủ đã tỏ ra vô cùng tiếc nuối, nhất là khi nửa phần còn lại của game vô cùng nhàm chán và có cảm giác dài lê thê. Lẽ ra nên để Stefano vào phần hạ màn mới phải.
Sherudo Garo – Time Crisis
Sherudo Garo là một cựu độc tài của quốc gia Sercia. Hắn ta đã bắt cóc con gái của tổng thống để cố gắng lấy lại vị thế độc tài của mình trong xã hội. Mặc dù cốt truyện của Time Crisis không có gì quá phức tạp, những đoạn cutscene ngắn trong game đã giúp làm nổi bật lên sự ngớ ngẩn của nhân vật này: cách ăn mặc của hắn nhìn rất là buồn cười với bộ suit màu trắng và áo sơ-mi màu cam, có xu hướng hay phóng dao bừa bãi, và rất thích cường điệu hóa trong lúc nói chuyện.
Mặc dù Garo có vẻ như là con trùm cuối trong game, thực chất hắn ta đã bị bắn hạ trước đó khá lâu, cụ thể là trong phần cuối của màn thứ 2, và đây cũng chính là khúc giữa của cốt truyện trong game. Cái chết của Garo rất là ngoạn mục: bị bắn chết khi đang cố gắng phóng dao vào người bạn (đây cũng là một minh chứng điển hình cho câu nói “đừng mang dao đến cuộc đấu súng”), nhưng sau khi tên này chết thì “cánh tay phải” của hắn là Wild Dog lên nắm quyền, và đây lại chính là con trùm cuối trong Time Crisis.
Higgs – Death Stranding
Nhân vật Higgs bí ẩn trong Death Stranding cũng khá là thú vị, với sự kết hợp tài tình giữa tạo hình vô cùng tinh tế và khả năng diễn xuất tuyệt vời của Troy Baker. Cứ ngỡ đây là con trùm cuối trong game, nhưng chỉ mới đến chương thứ 9 (trong 14 chương) là nhân vật chính Sam đã phải solo với Higgs rồi. Higgs thất thế trong trận đấu này, và hắn ta quyết định tự sát để không bị mắc kẹt lại bãi biển (The Beach).
Màn đấu trùm này diễn ra trước khi Death Stranding kết thúc khoảng 4-5 tiếng, và mặc dù game có thời lượng ít nhất là 30 tiếng, Higgs tự sát cũng đồng nghĩa với việc 5 chương còn lại trong game sẽ không có sự hiện diện của nhân vật đặc sắc này nữa.
Vaas – Far Cry 3
Vaas Montenegro trong Far Cry 3 thường được nhắc đến như là một trong những nhân vật phản diện ấn tượng nhất trong làng game từ trước đến nay. Ubisoft cũng làm rất tốt khâu marketing, tập trung nhấn mạnh và khắc họa rõ nét nhân vật này trước khi game ra mắt.
Và cũng chính vì thế mà fan tỏ ra khá là thất vọng, hụt hẫng khi Vass bị diệt chết khi chỉ mới đi được 2/3 chặng đường trong game. Thậm chí, màn “đấu trùm” Vass cũng rất là cụt hứng, tụt mood, khi người chơi không được trực tiếp ra tay mà bị ép buộc phải nhìn Vass bị đâm chết trong một đoạn… cutscene.
Bởi vì Vass là một nhân vật đã thổi hồn cho Far Cry 3, nên cũng không quá khó hiểu khi phần chơi sau đó trở nên vô hồn, thiếu cảm xúc. Ngay cả màn đấu trùm cuối Hoyt Volker cũng chả bù đắp được khoảng trống mà Vass đã để lại sau khi bị sát hại. Vass là một kẻ phản diện, một kẻ ác nhân đúng nghĩa, và nên có được đặc quyền sống sót đến cuối game để trở thành con trùm đúng nghĩa.
Kronya – Fire Emblem: Three Houses
Mặc dù khâu marketing tập trung tâng bốc cho Kronya rất nhiều, đến khi vào trong game chơi rồi thì mới vỡ lẽ ra là nhân vật này đóng vai trò không quá to lớn như người chơi nghĩ. Trong chương 9, Kronya đã giả dạng thành Monica để ra tay sát hại cha của nhân vật chính một cách vô cùng tàn nhẫn. Đây cũng chính là lúc mà người chơi nghĩ rằng Kronya là một trong những đối thủ đáng gờm trong Fire Emblem: Three Houses.
Nhưng ngay trong chương sau, ả ta đã bị đánh bại trong một màn đấu trùm, sau đó bị Solon lấy đi trái tim. Và đó cũng là tất cả những gì mà nhà phát triển muốn truyền đạt cho game thủ thông qua nhân vật này – một yếu tố phụ để thu hút người chơi bên cạnh cốt truyện chính.
Tạo hình của Kronya là một nhân vật khá là sexy với xu hướng bạo lực, và game thủ cũng sẽ vô cùng thỏa mãn khi đánh bại được kẻ phản diện này về sau game. Nhưng chưa chơi được nửa game là Kronya đã bị kẻ khác moi tim chết queo luôn rồi, khiến game thủ bất ngờ đến sững sờ, và cũng chả có gì gọi là thỏa mãn ở đây cả.
Theo gearvn
Top 12 tựa game có màn "lừa tình" game thủ một cách ngoạn mục
Sự kiện "No Man's Sky" đã cho chúng ta thấy được một điều rằng game thủ thích tâng bốc mọi thứ lên, và đội ngũ marketing thì cũng hay phô diễn game quá mức, cho nên khi nó ra mắt thì trông chả giống gì so với lúc được quảng cáo cả.
Và không chỉ riêng No Man's Sky, đã có nhiều trường hợp tương tự khác đã xảy ra: game thì được tâng bốc, quảng bá là hình đẹp, nội dung có chiều sâu; game thủ xem xong thì bị "cuốn" vào game, và càng đặt nhiều kì vọng vào tựa game; cho đến khi game ra mắt thì nó lại một trời một vực với lúc quảng cáo, không giống gì với game thủ mong đợi.
Sau đây là danh sách 12 tựa game đã "lừa tình" game thủ một cách ngoạn mục.
Killzone 2
Khi PS3 ra mắt, nhiều người cho rằng Sony đã hơi bị "quá chén". Không chỉ Sony đã định giá mẫu PS3 60GB đến 600USD (khoảng 14.000.000VNĐ), mà họ còn chủ động giả mạo trailer gameplay của phần Killzone mới bằng một video cutscene đã được render sẵn từ trước.
Thậm chí, đại diện của Sony còn khẳng định rằng clip đó là gameplay thực tế mà mọi người sẽ được trải nghiệm khi game ra mắt. Và sau đó studio phát triển game là Guerilla Games đã đính chính lại rằng video đó là chất lượng gameplay mà họ đang hướng tới, và hi vọng rằng nó sẽ chạy được trên PS3.
Rốt cuộc cả 2 bên đều giữ im lặng, quyệt định không đổ lỗi cho nhau. Và khi game ra mắt vào năm 2007 thì nó nhìn hoàn toàn khác xa so với trailer gameplay kia. Hên là do lúc đó mạng xã hội chưa phổ biến, nên Sony và Guerilla Games đã né được vụ rùm beng này.
The Division
Ban đầu The Division được quảng bá là một tựa game thuộc thể loại bắn súng chiến thuật, chứ không phải là bắn súng loot đồ. Nhưng sau đó có lẽ vì Ubisoft ngửi được mùi tiền từ việc mua các vật phẩm trong game (microtransaction), cùng với xì-tai chơi đi chơi lại một màn để lấy được món đồ ưng ý trong Destiny, nên họ đã quyết định thêm cơ chế loot đồ vào trong The Division.
Chưa hết, đồ họa trong game cũng bị hạ một bậc so với trailer được công bố lúc trước, và tính năng cho phép game thủ "nhập bọn" dù xài console, điện thoại, hay tablet cũng bị dỡ bỏ khỏi game.
Kết quả là hôm ra mắt The Divison bán được rất nhiều bản, nhưng chỉ sau 2 tháng thì số lượng người chơi đã hao hụt tới 93%.
Aliens: Colonial Marines
Aliens: Colonial Marines là một tựa game được ra mắt trong tình trạng chưa được hoàn thiện, nửa nạc nửa mỡ. Kiểu như là bạn bị dí deadline sát đít, xong sau đó quyết định buông bỏ tất cả và đưa ra một thành phẩm không đâu vào đâu, kiểu như cho có vậy thôi.
Những gì mà tựa game này quảng bá trước công chúng đều hoàn toàn không giống gì so với phiên bản chính thức. Thậm chí, nó khác nhau đến mức công ty đã bị kiện vì phát hành game không đúng với những gì đã được quảng cáo. Nôm na là quảng cáo sai sự thật.
Vụ kiện này đã khiến CEO của Gearbox phải thốt lên rằng nó "tốn thời gian vô ích". Giá như game hoàn thiện như bản trailer thì mọi chuyện đã đâu đi đến mức này.
Halo 5: Guardians
Hạ cấp (downgrade) đồ họa trong game là một chuyện, nhưng quảng cáo game theo một đường rồi bản game chính thức đi theo một nẻo thì nó là vấn đề khá là to bự đó.
Ban đầu, đội ngũ marketing giới thiệu trong Halo 5, huyền thoại Master Chief sẽ đối đầu với một nhân vật mới là Spartan Locke vì xung đột tư tưởng, và thậm chí cả 2 còn có ý định trừ khử lẫn nhau. Tuy nhiên, trong bản game chính thức thì "mâu thuẫn" đó chỉ đơn giản là Master Chief làm trái lệnh cấp trên và bị bắt phải quay về báo cáo. Khôi hài hơn nữa là khi gặp Locke thì cả 2 đã thỏa hiệp với nhau ngay tắp lự, không hề có cuộc đụng độ nào xảy ra ở đây cả.
Bioshock: Infinite
Bioshock Infinite được phát triển trong tình trạng đầy chông gai và đã nhiều lần bị thay đổi phong cách đồ họa. Thế nên kết quả là trailer năm 2010 khác hẳn so với những gì game thủ nhận được vào năm 2013.
Cái khác biệt rõ nhất là trong trailer, những kỹ năng của Elizabeth nhìn rất hoành tráng, xoay chuyển không gian, thời gian dễ như trở bàn tay; và thiết kế màn chơi, kẻ địch trong game cũng rất đa dạng, phong phú.
Còn trong game chính thức, mặc dù một vài tính năng trên vận được giữ lại, nhưng hầu hết chúng đều bị bắt giảm đi rất nhiều, không "wow" như là trong trailer. Bioshock Infinite vẫn là một game hay, nhưng đáng lẽ ra nó còn xịn hơn thế nữa.
Destiny
Tựa game này ngốn kinh phí đến tận 500.000USD, và cho đến trước ngày ra mắt một năm thì nó vẫn còn bị chỉnh đi sửa lại, khiến đội ngũ studio phải chạy thục mạng để kịp deadline.
Lý do khiến Destiny trở nên tầm thường khi ra mắt, và sau này phải nhờ vào DLC mới khá lên được, là bởi vì các nhà lập trình đã cố gắng nhồi nhét vài năm thời gian phát triển game vào trong 1 năm duy nhất. Sau đó họ mới bắt đầu sửa lỗi dần dần sau khi "tàu đã rời bến".
Kết quả là cơ chế game được làm khá tốt, nhưng về mặt nội dung thì... lại là một câu chuyện khác. Nghe đồn Destiny vẫn còn DLC chưa được ra mắt, nhưng có lẽ Bungie đã quyết định bấm nút reset và làm hẳn luôn phần 2 cho lành.
Splinter Cell: Conviction
Khi được giới thiệu thì Conviction có đầy đủ phân cảnh hành động đỉnh cao, y như phim điện ảnh, chẳng hạn như Sam Fisher quăng kẻ địch từ phòng này qua phòng khác, lật bàn ghế để núp khỏi làn lửa đạn. Mục đích là để thu hút nhiều đối tượng game thủ hơn, và đây là mục đích tốt. Nhưng khi game ra mắt thì những phân đoạn hành động này lại không hề có trong game, khiến game thủ vô cùng hụt hẫng.
No Man's Sky
No Man's Sky thì chắc anh em ít nhiều cũng đã nghe đến rồi. Những yếu tố hấp dẫn được giới thiệu hồi năm 2013 thì khi ra mắt, game thủ không hề thấy bóng dáng của những yếu tố đó đâu, hoặc là yếu tố đó có nhưng bị đã bị "nerf" đi rất nhiều.
Trên diễn đàn Reddit thậm chí còn có cả một danh sách liệt kê những yếu tố bị loại bỏ khỏi game. Chẳng hạn như tính năng tàu chiến, mật độ thảm thực vật, và nhất là chế độ chơi mạng là hoàn toàn mất hút. Sau đó, game thủ còn phát hiện ra rằng game thậm chí còn không có đoạn code hỗ trợ cho chế độ chơi mạng, hoặc ít nhất là cho người chơi gặp gỡ nhau.
Sau này thì game đã đỡ hơn nhiều rồi, nhưng nhìn lại thời điểm lúc nó mới ra mắt thì thật sự là một thảm họa, khiến biết bao game thủ phải "thả phẫn nộ".
Watch Dogs
Watch Dogs thì quá nổi tiếng về vụ "lừa tình" game thủ rồi, cụ thể là mảng đồ họa trong game bị downgrade thảm hại.
Trong trailer thì Watch Dogs có ánh sáng rất chân thực và bề mặt vật thể rất chi tiết. Nhưng đến khi game ra mắt thì mọi thứ quay ngoắt 180 độ. Ubisoft còn khăng khăng rằng họ không hề downgrade phiên bản chính thức, cho đến khi game thủ PC truy xuất ngược lại tập tin game và tìm cách khôi phục Watch Dogs về trạng thái như trong trailer.
Đó là chư kể nội dung game cũng rất nhàm chán, lặp đi lặp lại, cứ bấm vài ba nút là auto xong. Trong khi trailer thì quảng bá rầm rộ rằng bạn có thể làm được mọi thứ, hack bất kì thiết bị điện tử nào mà bạn muốn. Đúng là "hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều".
The Xbox Kinect
Mặc dù đây không phải là game, nhưng nó cũng nằm trong danh sách quảng bá một đường mà thành phẩm một nẻo trong làng game.
Khi giới thiệu tính năng của Xbox Kinect ra mắt cùng với Xbox One thì Microsoft đã dùng một đoạn video được dựng từ trước chứ không phải trình diễn theo thời gian thực. Y như là trường hợp của Killzone 2: "chúng tôi hy vọng là nó sẽ làm được như thế".
Thực tế thì cả 2 phiên bản Xbox Kinect đều không hoạt động giống như trong quảng cáo, và Microsoft đã nhận ra lỗi sai, không bán kèm Kinect với những phiên bản Xbox One sau này. Và cũng không một ai nhắc đến thiết bị này nữa.
Metal Gear Solid 2: Sons Of Liberty
Metal Gear Solid 2 là một cú lừa ngoạn mục đối với cộng đồng game thủ nói chung và fan gạo cội của dòng game Metal Gear nói riêng.
Cốt truyện của Metal Gear Solid 2 đáng lẽ ra phải tập trung vào Solid Snake, nâng nhân vật này lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, Kojima lại "troll" game thủ bằng cách cho Raiden "chiếm diễn đàn", và bắt game thủ ngồi nghe thuyết giảng hết 45 phút về việc vì sao Raiden lại xứng đáng với vị trí này.
The Witcher 3: Wild Hunt
Không thể phủ nhận The Witcher 3: Wild Hunt là một tuyệt tác. Nhưng đồ họa trong phiên bản cuối cùng lại không bằng so với bản trailer được quảng bá hồi năm 2013.
Tất nhiên, đã có nhiều game thủ phản ánh về sự khác biệt này, và đại diện của CD Projekt RED cũng đã giải thích rằng lúc trailer đó ra mắt là game còn trong gia đoạn phát triển, và trong quá trình hoàn thiện game về sau thì họ nhận ra rằng nó không tiến triển theo đúng dự định của họ, cho nên CD Projekt RED không hề có chủ đích hạ cấp đồ họa mà đó là do tình thế bắt buộc họ phải làm vậy.
Game thủ cũng không thể trách CD Projekt RED được, vì bản chất của việc phát triển một tựa game là rất phức tạp và khó lường trước được điều gì sẽ xảy ra. Vì thế, CD Projekt RED khẳng định họ vô tội trong chuyện này. Dù vậy, việc chất lượng đồ họa bị giảm là một điều rõ ràng, và game thủ không thích điều này chút nào vì bất kì lý do nào đi chăng nữa.
Theo gearvn
Top 10 nhân vật phản diện tàn bạo nhất thập kỷ Cũng giống như trong phim điện ảnh, đằng sau mỗi anh hùng trong game là một nhân vật phản diện. Sự hiện diện của cái ác trong game không chỉ giúp tạo dựng tình huống, phát triển cốt truyện mà còn khiến game thủ cảm thấy thôi thúc, bị lôi cuốn vào cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa chính...