Tổng thống V. Putin, người cứu hộ động vật hoang dã nổi tiếng
Năm 2007, Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc họp bí mật với các nhà khoa học tại Điện Kremlin. Ông yêu cầu các viện sĩ Yuri Osipov, Dmitry Pavlov và Viện sĩ thông tấn Vyacheslav Roznov của Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN) thành lập một đoàn khảo sát để điều tra và cứu hộ động vật quý hiếm.
Ông Putin có kế hoạch tham gia và yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối ý định đó. Một năm sau, những hình ảnh về cứu hộ động vật của Tổng thống Nga đã được biết đến.
Thả hổ về với đời sống hoang dã
Đoàn khảo sát khoa học thuộc RAN có một dự án nghiên cứu riêng về hổ Amur – loài hổ lớn nhất và đẹp nhất – sống ở các vùng Primorsky, Khabarovsk và tỉnh Amur của Nga. Hổ Amur được ghi vào Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế và theo số liệu mới nhất năm 2005, số lượng ước tính còn khoảng 400-500 cá thể.
Tổng thống Putin thường xuyên tham gia chương trình cứu hộ hổ Amur. Ngày 31/8/2008, ông đã đến thăm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ussuri. Sau khi bắn con hổ cái Serga bằng súng gây mê, ông Putin cùng các nhà động vật học đã đeo cho nó chiếc vòng cổ có gắn thiết bị định vị vệ tinh.
Thấy đôi mắt con hổ còn mở, ông nói đùa với mọi người: “Mắt vẫn mở trừng trừng, nó nhớ mặt mọi người rồi đấy nhé!”. Sau đó, con Serga còn được đổi vòng cổ 2 lần. Nó vẫn sống ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ussuri, đã sinh 2 lứa và đang chuẩn bị lứa thứ 3.
Tổng thống Putin chăm sóc con nai sừng tấm Lusha tại trạm nghiên cứu sinh học.
Ngày 22/5/2014, trong chuyến thăm và làm việc tại Primorsky, Tổng thống Putin đã đến Khu Bảo tồn động vật hoang dã Zheludinsky. Ông cùng với các nhà động vật học đã thả 3 con hổ Boria, Kuzya và Ilona về với đời sống hoang dã sau khi gắn thiết bị định vị vệ tinh cho chúng.
Theo Trưởng đoàn khảo sát – Viện sĩ thông tấn V. Roznov, họ tìm thấy những con hổ này trong rừng Taiga. Chúng bị thương, còn hổ mẹ đã bị những kẻ săn trộm bắn chết. Các cán bộ của Trung tâm Phục hồi động vật hoang dã ở Primorye đã mất gần 2 năm để chuẩn bị mọi điều kiện cho chúng có thể trở về với tự nhiên.
Sau đó khoảng 2 tuần, 2 con hổ khác có tên Svetlaya và Ustin đã được thả vào rừng. Từ đó, các phương tiện truyền thông vẫn thường đưa tin về sự di chuyển của chúng.
Sau khi được thả, con Kuzya đã bơi qua sông Amur sang Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã được thông báo về sự hiện diện của nó. Kuzya bị “quy tội” phá chuồng gà, bắt bò của người dân địa phương. Trên thực tế, nó không giết một con vật nuôi nào.
Sau 2 tháng ở Trung Quốc, nó trở về Nga và sống tại vùng lân cận Khu Bảo tồn động vật hoang dã Zhuravli. Còn 2 con Boria và Ilona vẫn sống an toàn trong các khu rừng ở Amur. Chúng đã biết săn lợn rừng, chó sói và cả gấu. Con hổ cái Svetlaya đang cư trú ở Khu Bảo tồn Zhuravli, nơi có con Kuzya. Các nhà khoa học hy vọng chúng sẽ sớm thành một gia đình nhà hổ.
Video đang HOT
Tổng thống Putin đeo vòng cổ có gắn thiết bị định vị vệ tinh cho con hổ Serga.
Con Ustin cũng vượt sông biên giới và lạc vào các đảo không có thức ăn cho hổ trên đất Trung Quốc. Theo yêu cầu của các nhà khoa học Nga, các đồng nghiệp Trung Quốc đã cung cấp thức ăn là động vật hoang dã cho nó. Nhưng, Ustin lại đi bắt thú nuôi của người dân khiến nhà chức trách địa phương phải bồi thường. Ustin quen ăn thịt vật nuôi nên khi trở về Nga, nó được đưa trở lại Trung tâm Phục hồi động vật hoang dã ở Primorye và tham gia vào chương trình nhân giống hổ Amur. Nó đã được chuyển tới vườn thú ở Rostov để chung sống với con hổ cái Prima vào cuối tháng 2 vừa qua.
Vào chuồng báo
Ngày 4/2/2014, Tổng thống Putin đã đến thăm Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi loài báo Ba Tư ở Sochi. Tại đây, ông đã trực tiếp vào chuồng nuôi báo. Con báo 6 tháng tuổi có tên Grom mất bình tĩnh khi thấy nhiều người đến gần. Nó lao về phía các nhà báo, cào xước tay một phóng viên ảnh, cắn vào đầu gối người quay phim. Mọi người phải lùi lại. Chỉ có Putin là làm quen được với nó. Ông cho con báo nằm trên đùi và vuốt ve nó.
Theo người đứng đầu Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi loài báo Umar Semenov, đây là lần đầu tiên Tổng thống Putin gặp con báo này. Nó không được huấn luyện. Loài báo thường cảm nhận được năng lực toát ra từ con người. Con Grom tin tưởng ông Putin và cảm thấy được bảo vệ. Grom sẽ không được trả về tự nhiên vì đã quen với con người. Trong tương lai, nó có thể được đưa sang châu Âu để cải tạo hệ gien. Các con khác sẽ được thả về rừng vì vậy chúng không được gần gũi với con người.
Tổng thống Putin và con báo Grom vào năm 2014.
Trước đó vào ngày 20/3/2011, tại Khu Bảo tồn Sayano-Shushenskaya, V. Putin được giới thiệu về con báo tuyết đực có tên là Mongol, 10 tuổi, bị thương do nạn săn bắn trộm. Ông đã đến tận khu nuôi dưỡng để xem xét. Sau chuyến thăm đó của Tổng thống Putin, con Mongol được trả về tự nhiên cùng với chiếc vòng cổ có gắn thiết bị định vị vệ tinh.
Báo tuyết là loài thú có trong Sách đỏ của Nga theo số liệu ước tính vào năm 2002, loài này còn khoảng 150-200 cá thể.
Dẫn đường cho đàn sếu trắng
Ngày 6/9/2012, trên bán đảo Yamal tây bắc Seberi, Putin đã tham gia chương trình thực nghiệm thuộc Dự án cứu hộ loài sếu trắng quý hiếm có trong Sách đỏ. Nhiệm vụ của chương trình là hướng dẫn đàn sếu biết bay đến nơi tránh rét. Tổng thống Putin đã mặc bộ quần áo màu trắng để tạo cảm giác gần gũi với đàn sếu, ông lái tàu lượn dẫn đường đưa đàn sếu bay đi tránh rét. Trong những lần bay, nhiều con sếu đã bay theo tàu lượn của V. Putin.
Dự án khôi phục số lượng sếu trắng đã được thực hiện từ những năm 70, thế kỷ XX. Theo Tatiana Kashentseva, người đứng đầu trại nuôi thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Oka, thời tiết và các vấn đề ngoại giao vào năm 2012 không cho phép đưa đàn sếu đi trú đông bằng cơ giới, chỉ một mình con sếu trắng có tên Para tự nhập vào đàn sếu xám tự nhiên cùng di cư đến Kazakhstan.
Tại một điểm dừng, đàn sếu bị bầy chó tấn công. Những con sếu xám đã bay tiếp được, riêng con Para bị thương phải ở lại. Vì nó có các dấu hiệu đặc biệt, nên đã được chuyển trả lại cho Nga. Năm 2013, có 3 con sếu trắng được thả về tự nhiên, nhưng sau đó, một con lại được đưa trở lại trại nuôi. Hiện nay, nó đang được nuôi ở vườn thú Limpopo ở Nizhny Novgorod của Nga.
Tổng thống Putin chuẩn bị bay dẫn đầu đàn sếu trắng bằng tàu lượn.
Gia cố thiết bị định vị cho cá voi trắng
Ngày 31/7/2009, trong chuyến công tác tại vùng Khabarovsk, Tổng thống Putin đã đến thăm đảo Chkalov ở biển Okhotsk. Ông mặc một bộ quần áo chống nước và lội xuống biển ngang đến thắt lưng để cùng các cán bộ khoa học gia cố thiết bị định vị vệ tinh cho con cá voi trắng có tên Dasha đang được các ngư dân giữ trong tấm lưới đặc biệt.
Vừa vuốt ve nó, ông vừa hỏi đùa: “Liệu nó có xơi chúng ta không đấy?”.
Ông V. Putin còn tự tay cho cá voi trắng ăn. Các nhà khoa học khẳng định chưa bao giờ trực tiếp cho nó lấy thức ăn từ tay họ như thế. Nó nuốt chửng con cá hồi hồng từ tay Tổng thống một cách thích thú. Putin khuyên: “Cứ nói thật nhẹ nhàng, dịu dàng với nó, là được đấy”.
V. Putin cho cá voi trắng ăn trong chuyến thăm đảo Chkalov.
Theo các cán bộ đoàn khảo sát của RAN, các nhà khoa học thường nhận được thông tin về sự di chuyển của cá voi trắng thông qua thiết bị định vị vệ tinh. Tuy nhiên, ngày 8/3/2010, thiết bị phát tín hiệu của con Dasha và một con khác đột nhiên im lặng. Mùa hè năm 2013, tại vịnh Sakhalin, các nhà khoa học đã bắt được một con cá voi trắng có gắn thiết bị định vị vệ tinh không còn hoạt động. Họ đã tháo thiết bị và thả nó về với biển.
Kết quả phân tích gien và kiểm tra số của thiết bị định vị cho thấy đó là Dasha, con cá voi trắng đã được Tổng thống Putin cùng các nhà khoa học gia cố thiết bị định vị vào tháng 7/2009.
Trong tương lai, Tổng thống Putin vẫn sẽ tiếp tục tham gia vào hoạt động của đoàn khảo sát của RAN, cũng như vào các đoàn thăm dò của Hiệp hội Địa lý Nga.
Theo Hoàng Tuất/Lenta
An ninh Thế giới
Hai người Việt bị bắt ở Nga vì buôn thịt hổ quý
Khám xét nơi ở của hai người đàn ông này trên phố Tikhoreski Bulvar, cơ quan chức năng phát hiện hai tủ lạnh chứa đầy thịt hổ.
Hãng tin Vesti đưa tin, Cảnh sát Nga đã bắt giữ hai người đàn ông Việt Nam tại chợ Liublino ở Moscow khi hai người này ngang nhiên rao bán đầu hổ Amur trên mạng internet.
Nhân viên cảnh sát đã cải trang thành người mua hàng và hẹn gặp hai người đàn ông Việt Nam tại chợ. Họ chống trả khá quyết liệt trước khi bị khống chế.
Khám xét nơi ở của hai người đàn ông này trên phố Tikhoreski Bulvar, cơ quan chức năng phát hiện hai tủ lạnh chứa đầy thịt hổ. Tại thị trường chợ đen, mỗi kg thịt hổ có giá trên 100.000 rúp (hơn 2.000 USD). Hiện cảnh sát đang tiến hành xác minh nguồn gốc của chỗ thịt hổ trên.
Một trong hai người bị bắt giữ khi đang giao đầu hổ Amur cho nhân viên cảnh sát cải trang.
Ngoài ra, trong lúc kiểm tra hai tủ lạnh, cảnh sát còn phát hiện một túi nilon đen được để riêng. Ban đầu, người ta lầm tưởng bên trong chiếc túi là một bàn chân hổ đông lạnh nhưng qua phân tích thì xác định được đó là bàn tay của một loài linh trưởng.
Trước đó, ngày 9/2, hãng tin Interfax cho biết cơ quan báo chí Bộ Nội vụ Nga đã thông báo về vụ bắt giữ một người Việt với tội danh bán thịt hổ Amur và báo Viễn Đông nằm trong Sách Đỏ tại nhà hàng ở Moscow.
Trước đó, người Việt nói trên bị phát hiện chứa chấp bất hợp pháp 50 kg thịt và da hổ Amur cùng báo Viễn Đông trong nhà hàng ở gần chợ Gardener và ở km 14 gần đường vành đai Moscow.
Cả hai loại động vật trên được xếp trong Sách Đỏ của Nga về nguy cơ tuyệt chủng. Việc bắt giữ này được tiến hành để phòng ngừa nghi can có thể bỏ trốn, theo Bộ Nội vụ Nga.
Chủ quán người Việt bán thịt hổ và báo.
Nhân viên điều tra đã thu giữ nhiều tấm da hổ và báo, cho thấy nhà hàng của người Việt này bán thịt hổ, báo làm đặc sản.
Người này bị truy tố theo khoản 1 Điều 258.1 Bộ Luật Hình sự của Nga (săn bắn và buôn bán bất hợp pháp các động vật hoang dã có giá trị cao nằm trong Sách Đỏ và được bảo hộ bởi các công ước quốc tế mà Nga ký kết).
An Huy (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt