Tổng thống Obama kỳ vọng gì khi tới Ấn Độ?
Dư luận đang rất quan tâm tới chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Barack Obama trong các ngày 25-27/1. Với bản thân nhà lãnh đạo Mỹ, chuyến thăm đang hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong bối cảnh quan hệ với cả Nga và Trung Quốc đều căng thẳng.
Tổng thống Obama đã rời Mỹ trên chuyên cơ Air Force One, mang theo nhiều hy vọng cho việc thổi luồng gió mới vào quan hệ song phương Mỹ – Ấn (Ảnh: AFP)
Tổng thống Obama được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mời tới thăm New Delhi trong vai trò khách mời đặc biệt tại lễ kỷ niệm 66 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Mỹ được mời giữ vai trò này và cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm đất nước sông Hằng 2 lần khi còn đương chức.
Trong chuyến thăm trước đó diễn ra tháng 11/2010, Tổng thống Obama tới Ấn Độ trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế trầm trọng, xuất phát từ sự sụp đổ trên thị trường nhà đất thứ phát. Mặc dầu vậy, trong chuyến thăm, vị chủ nhân thứ 44 của Nhà Trắng vẫn công bố một loạt thỏa thuận hợp tác trị giá hơn 10 tỷ USD cùng cam kết thúc đẩy quan hệ song phương lên mức “đối tác xác định”.
Video đang HOT
Nhưng chuyến thăm lần này có nhiều điểm khác.
Về kinh tế, nước Mỹ đã có sự phục hồi ngoạn mục và trở thành điểm sáng duy nhất trên bức tranh kinh tế ảm đạm của thế giới năm 2014.
Tuy nhiên về tình hình địa chính trị khu vực và thế giới, nước Mỹ đang phải cùng lúc đối mặt với hai đối thủ mạnh là Nga và Trung Quốc.
Vì thế, chuyến thăm này có ý nghĩa rất lớn đối với chính quyền của Tổng thống Obama và chắc chắn ông sẽ phải đưa ra nhiều cam kết hào phóng với New Delhi, một đối tác quan trọng mà Washington rất cần “lấy lòng” để làm đối trọng với những thay đổi cục diện địa chính trị đang diễn ra nhanh chóng.
Theo kế hoạch, ngoài việc tham gia các hoạt động mang tính lễ nghi như dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ và tới Đài tưởng niệm lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi ở Rajghat, Tổng thống Obama sẽ cùng Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi tham dự Hội nghị bàn tròn các Tổng giám đốc doanh nghiệp Mỹ – Ấn để thúc đẩy các cơ hội hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ tập trung thảo luận về chống biến đổi khí hậu, hợp tác quốc phòng, hạt nhân dân sự và dặc biệt là ngăn chặn tấn công mạng. Hiện Mỹ đang rất lo ngại về các cuộc tấn công mạng do tin tặc Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên, IS và al-Qaeda tiến hành nhằm vào các hệ thống máy tính nhạy cảm của nước này. Trong khi đó, Ấn Độ lại là một trong những nước có nhiều kỹ sư máy tính tài năng, có thể giúp ngăn chặn phần nào nguy cơ này.
Nhiều thỏa thuận thương mại và hợp tác cũng sẽ được ký kết, cho thấy đây không chỉ là một chuyến thăm mang tính biểu tượng, mà còn tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, một mục đích lớn hơn nữa của Tổng thống Obama khi thực hiện chuyến thăm này là tìm cách lôi kéo Ấn Độ vào trục ảnh hưởng để đối trọng với mối quan hệ Nga – Trung ngày càng chặt chẽ và những thay đổi cục diện địa chính trị ở châu Á.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh tham vọng bá quyền ở châu Á để đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này. Hành động này của Trung Quốc từ lâu đã trở thành “cái gai” trong con mắt của Mỹ và cũng đi ngược lại các lợi ích chiến lược của Ấn Độ.
Với Nga, mặc dù Washington và Mátxcơva đang trong cuộc đối đầy gay gắt do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, song ông Obama thừa hiểu Ấn Độ không hề muốn Nga xích lại quá gần với Trung Quốc.
Do đó, đây là lý do để Tổng thống Obama thúc đẩy Thủ tướng Modi củng cố quan hệ tích cực hơn với Mỹ cũng như với các nước láng giềng. Nhà lãnh đạo Mỹ thà để New Delhi thân cận với Mátxcơva còn hơn phải chứng kiến gặp “Gấu – Rồng” tương hợp.
Tháng 9/2014, Thủ tướng Modi đã có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ, mở ra cơ hội quan trọng cho việc hồi sinh quan hệ song phương sau một thời kỳ sóng gió. Trong chuyến thăm, hai bên đã đưa ra những cam kết hợp tác đầy hứa hẹn với mong muốn đưa quan hệ Mỹ – Ấn bước sang giai đoạn mới. Sau 4 tháng, Tổng thống Obama tới Ấn Độ với mong muốn thúc đẩy các cam kết trước đó thành hành động cụ thể và tạo ra đối trọng kiềm chế mối quan hệ Nga – Trung, từ đó đảm bảo sự cân bằng cán cân truyền lực ở châu Á.
Đức Vũ
Theo Dantri