Tổng hợp các triệu chứng bệnh viêm xoang thường gặp nhất
Viêm xoang là bệnh lý tai mũi họng rất thường gặp. Bệnh có thể được phát hiện sớm nhờ có các triệu chứng điển hình như đau nhức xoang, chảy mũi, ngạt mũi, mất ngửi,… và các biểu hiện cận lâm sàng khác như trên nội soi, X-Quang hay chọc dò xoang…
Viêm xoang là bệnh lý thuộc chuyên khoa tai mũi họng rất thường gặp trên thực tế. Bệnh có thể bị gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau như vi khuẩn, virus, chấn thương, dị hình mũi xoang,… Cơ thể con người có 4 cặp xoang nằm ở vùng mặt và hộp sọ (xoang hàm, xoang trán, xoang sàng và xoang bướm), tình trạng viêm xoang có thể chỉ xảy ra ở một xoang đơn độc nhưng cũng có thể gặp ở nhiều xoang cùng lúc.
Bệnh viêm xoang mặc dù không quá gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng lại gây ảnh hưởng và làm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị suy giảm rất nhiều.
Do đó, nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh để có thể thăm khám và điều trị kịp thời là cách hiệu quả nhất để hạn chế các biến chứng và ảnh hưởng do viêm xoang gây nên.
1. Các triệu chứng bệnh viêm xoang trên lâm sàng
Nhìn chung, triệu chứng bệnh viêm xoang trên lâm sàng ở bệnh nhân viêm xoang có thể thay đổi ít nhiều giữa các bệnh nhân tùy thuộc theo xoang bị viêm và tính chất viêm xoang là viêm xoang cấp (dưới 4 tuần) hay là viêm xoang mãn (trên 12 tuần). Tuy nhiên, các triệu chứng hầu hết đều có thể phát hiện khá dễ dàng và thường thôi thúc bệnh nhân phải đi khám sớm do ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh.
1.1. Đau nhức vùng xoang và các vùng ngoài xoang
Đau nhức tại xoang là một trong các triệu chứng điển hình nhất và thường gặp nhất ở bệnh nhân viêm xoang. Nguyên nhân gây nên tình trạng đau tại xoang có thể là do sự phản ứng viêm kích thích các thụ thể thần kinh hoặc do viêm là ứ trệ dịch nên làm tăng áp lực trong xoang gây đau.
Đau là triệu chứng bệnh viêm xoang thường gặp nhất – Ảnh Internet
Tùy theo xoang bị viêm là xoang nào mà đau do triệu chứng bệnh viêm xoang có thể xuất hiện ở các vị trí khác nhau như:
- Viêm xoang hàm: Người bệnh cảm thấy đau vùng má cạnh hai bên mũi. Khi ấn điểm hố nanh (nằm trên đường đi ngang qua hai lỗ mũi cách cánh mũi 1cm) thì bệnh nhân cảm thấy đau chói.
- Viêm xoang trán: Người bệnh cảm thấy đau vùng trán, vùng giữa hai cung mày. Ấn vào hố nằm ở trên đầu trong cung mày bệnh nhân cảm thấy đau.
- Viêm xoang sàng trước: Đau trong triệu chứng bệnh viêm xoang sàng biểu hiện bằng cảm giác đau ở vùng xung quanh hai hốc mắt. Ấn hố ở dưới đầu trong cung mày bệnh nhân đau. Đau tăng lên khi bệnh nhân tập trung nhìn.
- Viêm xoang bướm và viêm xoang sàng sau: bệnh nhân thường có cảm giác đau sâu ở bên trong, đau có thể khu trú, nhưng đôi khi cũng có thể lan ra sau gáy, lan ra nửa đầu,… Đau tăng lên khi bệnh nhân tập trung làm bệnh nhân lười suy nghĩ.
Ngoài đau nhức tại các vị trí xoang bị viêm, người bệnh còn có thể gặp tình trạng đau nhức tại một số cơ quan lân cận của xoang như đau đầu, đau tai, đau răng,…
1.2. Chảy mũi là triệu chứng bệnh viêm xoang
Một triệu chứng bệnh viêm xoang rất hay gặp khác chính là chảy mũi. Chảy mũi gặp ở hầu hết các bệnh nhân bị viêm xoang. Tính chất của tình trạng chảy mũi phụ thuộc nhiều vào xoang bị viêm và nguyên nhân gây viêm xoang.
Đối với trường hợp viêm các xoang thuộc nhóm xoang trước như xoang hàm, xoang trán, xoang sàng trước thì dịch sẽ chảy ra lỗ mũi trước. Còn khi viêm các xoang thuộc nhóm xoang sau thì dịch sẽ chảy ra cửa mũi sau, dịch chảy ra cửa mũi sau có thể khiến bệnh nhân bị kích thích và gây ho liên tục.
Video đang HOT
Dịch chảy ra do triệu chứng bệnh viêm xoang có thể là dịch trong nếu do nguyên nhân virus, dịch màu vàng xanh và đôi khi có mùi thối nếu có vi khuẩn gây viêm. Trong một số trường hợp, tình trạng viêm làm tổn thương các mạch máu thì có thể thấy được máu có lẫn trong dịch mũi.
Bệnh viêm xoang có thể khiến bệnh nhân bị chảy mũi liên tục – Ảnh Internet
1.3. Ngẹt mũi do viêm xoang
Ngoài những triệu chứng kể trên thì nghẹt mũi cũng là triệu chứng thường xuyên gặp phải ở người bệnh.
Người ta giải thích cho tình trạng nghẹt mũi do triệu chứng bệnh viêm xoang ở bệnh nhân rằng, tình trạng viêm xoang làm phù nề các tổ chức niêm mạc, trong đó có niêm mạc mũi. Điều này làm cho khả năng kích thước đường dẫn khí trong mũi thu nhỏ và khí lưu thông khó khăn hơn gây nên nghẹt mũi.
Nghẹt mũi gây nhiều khó chịu cho người bệnh, làm người bệnh phát âm bằng giọng mũi kín. Nghẹt mũi cũng khiến người bệnh phải há miệng liên tục để thở do đó làm họng bị khô và người bệnh rất dễ bị viêm họng tái đi tái lại.
1.4. Rối loạn khứu giác
Các triệu chứng bệnh viêm xoang ở người bệnh cũng có thể biểu hiện bằng một tình trạng rối loạn khứu giác, thường gặp nhất là tình trạng giảm hoặc mất khả năng ngửi mùi ở con người.
Thông thường rối loạn khứu giác do triệu chứng bệnh viêm xoang chỉ là một tình trạng tạm thời và có thể được cải thiện và phục hồi khi mà tình trạng viêm xoang được điều trị tốt.
Vì vậy, một số bệnh nhân bị viêm xoang có than phiền rằng họ thường xuyên cảm thấy có mùi thối trong mũi. Tuy nhiên trong trường hợp này, mùi thối mà bệnh nhân ngửi thấy thường không phải là tình trạng rối loạn khứu giác do triệu chứng bệnh viêm xoang mà là do mùi của dịch thoát ra từ xoang gây ra mùi này.
1.5. Sốt do viêm xoang
Khá nhiều bệnh nhân viêm xoang có thể có biểu hiện sốt. Sốt có thể trung bình nhưng cũng có thể là sốt cao nếu do nguyên nhân nhiễm trùng gây nên. Sốt kèm theo đau kéo dài liên tục có thể khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi và bơ phờ.
Triệu chứng sốt có thể gặp ở bệnh nhân viêm xoang – Ảnh Internet
1.6. Nóng đỏ da tại xoang viêm
Đối với các xoang nằm nông dưới da như xoang hàm trên và xoang trán, thì trong các đợt viêm cấp bệnh nhân có thể biểu hiện bằng tình trạng đỏ và nóng tại vùng da phủ trên vị trí của xoang. Tuy nhiên đây không phải là một triệu chứng bệnh viêm xoang quá điển hình và giúp ích không nhiều trên thực tế.
1.7. Một số các dấu hiệu bệnh viêm xoang trên lâm sàng khác
Ngoài các triệu chứng lâm sàng kể trên, người bệnh còn có thể thể gặp một số dấu hiệu bệnh viêm xoang trên lâm sàng khác như hắt hơi liên tục, không thể tập trung, mờ mắt có thể xuất hiện nếu tình trạng viêm làm ảnh hưởng dây thần kinh thị giác,… Hoặc cũng có thể có các triệu chứng lâm sàng của bệnh lý nhiễm khuẩn ban đầu gây biến chứng viêm xoang như đau răng, viêm họng, viêm amydal,…
2. Các triệu chứng cận lâm sàng bệnh viêm xoang
Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng thì để chẩn đoán chính xác bệnh lý viêm xoang thì việc sử dụng thêm các triệu chứng cận lâm sàng là không thể thiếu. Những triệu chứng cận lâm sàng được được sử dụng để chẩn đoán viêm xoang như soi mũi, chup X-Quang hoặc CT-Scan, chọc dò xoang.
2.1. Soi mũi
Soi mũi là một nội dung quan trọng trong các triệu chứng bệnh viêm xoang, bác sĩ sẽ dùng thiệt bị chuyên dụng là một ống có gắn camera ở đầu, sau đó đưa vào mũi để quan sát các cấu trúc trong mũi một cách gián tiếp thông qua màn hình hiển thị.
Thông qua soi mũi, bác sĩ có thể quan sát được các tổn thương và biểu hiện thực tế tại vùng mũi xoang của bệnh nhân mà khi quan sát bằng mắt thường không thể nhận biết được.
Các hình ảnh thường gặp do triệu chứng bệnh viêm xoang khi soi mũi bao gồm hình ảnh phù nề, quá phát niêm mạc mũi và cuốn mũi, tăng tiết dịch tại mũi, lắng đọng chất tiết tạo thành vảy bám vào cuốn mũi, các dị hình dị dạng ở mũi xoang, tình trạng đáp ứng của cuốn mũi đối với thuốc co mạch, polyp ở mũi và tình trạng chèn ép của polyp đối với các cơ quan khác.
Soi mũi giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương do viêm xoang không thể thấy bằng mắt thường – Ảnh Internet
2.2. Chụp X-Quang
Chụp X-Quang là một cận lâm sàng thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh viêm xoang. Thông qua hình ảnh trên phim X-Quang người ta có thể nhận biết được các triệu chứng bệnh viêm xoang đặc trưng như mờ vùng xoang, polyp xoang,… Phim Hirtz và phim Blondeau là hai phim thường dùng trong chẩn đoán bệnh viêm xoang.
Tuy nhiên, X-Quang không phải là cận lâm sàng có giá trị quyết định trong chẩn đoán viêm xoang, mức độ tổn thương trên X-Quang có thể không tương xứng với lâm sàng của người bệnh.
Để thể hiện hình ảnh viêm xoang rõ ràng hơn, ngày nay người ta có thể tiến hành chụp CT-Scan cho bệnh nhân.
Hình ảnh X-Quang thường xuyên được sử dụng trong chẩn đoán viêm xoang – Ảnh Internet
2.3. Chọc dò xoang
Trong một số trường hợp, chọc dò xoang có thể được sử dụng để chẩn đoán viêm xoang, thường áp dụng cho bệnh nhân viêm xoang mãn tính (kéo dài trên 12 tuần). Khi chọc dò xoang và hút ra mủ thì người bệnh được kết luận là có viêm xoang.
2.4. Một số dấu hiệu bệnh viêm xoang các trên cận lâm sàng
Người bệnh viêm xoang có thể biểu hiện bằng một số triệu chứng trên cận lâm sàng khác như xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu tăng (NEU thường tăng ưu thế do nguyên nhân vi khuẩn, LYM thường tăng ưu thế nếu do nguyên nhân virus), hoặc xét nghiệm nuôi cấy dịch tiết để làm kháng sinh đồ nếu đáp ứng kém với điều trị.
Nhìn chung, nếu nắm bắt được các triệu chứng của bệnh viêm xoang một cách chính xác thì việc xác định bệnh là tương đối dễ dàng. Đây là cơ sở để đưa ra phương pháp điều trị sớm và hợp lý nhằm giảm thiểu các nguy cơ biến chứng của bệnh.
Viêm xoang nhiễm khuẩn và những điều cần biết
Viêm xoang nhiễm khuẩn là tình trạng niêm mạc phủ trong xoang bị viêm do tác nhân vi khuẩn gây nên.
Ngoài các biểu hiện đặc trưng của viêm xoang như sốt, chảy mũi, ngạt mũ, đau xoang,... thì bệnh nhân còn có thể có triệu chứng tại ổ nhiễm khuẩn ban đầu. Bệnh bắt buộc phải sử dụng kháng sinh trong điều trị.
1. Viêm xoang nhiễm khuẩn là gì
Viêm xoang là bệnh lý tai mũi họng rất phổ biến trên lâm sàng. Bệnh có thể gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như dị ứng, bất thường cấu trúc mũi xoang, trào ngược dạ dày thực quản, nhiễm khuẩn,... Trong đó, viêm xoang nhiễm khuẩn là tình trạng thường gặp hàng đầu, đặc trưng bởi niêm mạc xoang bị viêm do vi khuẩn xâm nhập.
Vi khuẩn có thể xâm nhập tới xoang do nhiều con đường khác nhau để phát triển và gây viêm xoang do nhiễm khuẩn chẳng hạn như xâm nhập trực tiếp, theo các đường lân cận từ các cơ quan đang bị nhiễm khuẩn (mũi, họng,...), bội nhiễm trên một tình trạng viêm do virus đang xảy ra.
Những loại vi khuẩn thường gây viêm xoang nhiễm khuẩn ở người thường được ghi nhận trên thực tế kể đến như Streptococcus Pneumonia, Haemophilus Influenza, và Moraxella Catarrahalis,...
Viêm xoang nhiễm khuẩn có thể biểu hiện bằng nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau như bệnh diễn tiến kéo dài không thuyên giảm (>10 ngày), các triệu chứng biểu hiện rầm rộ (sốt cao, nước mũi vàng, xanh, đau nhiều,...), hoặc sốt tái phát sau khi đã ngưng sốt vài ngày,...
Viêm xoang nhiễm khuẩn nguyên nhân viêm xoang thường gặp hàng đầu
2. Triệu chứng của viêm xoang nhiễm khuẩn
Cũng tương tự như các tình trạng viêm xoang do các nguyên nhân khác, viêm xoang nhiễm khuẩn cũng có các triệu chứng điển hình của bệnh lý viêm xoang khi người bệnh mắc phải. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Triệu chứng tại chỗ: Đau vùng xoang bị viêm (xoang hàm trên, xoang trán), đau các điểm đau đặc trưng của xoang khi ấn vào (xoang hàm - điểm trên đường ngang qua cửa mũi trước cách cánh mũi 1cm, xoang sàng- hố nằm dưới đầu trong cung mày, xoang trán- hố nằm trên đầu trong cung mày), có thể có nóng hoặc đỏ da ngoài vùng xoang, chảy mũi (nước mũi có thể có mủ xanh hoặc vàng, có thể có mùi thối, rỉ máu, thấy chảy nhiều hơn ở bên có xoang bị viêm),...
Soi mũi có thể thấy các cuốn mũi sưng nề, chấy nhầy phủ các cuốn mũi hoặc đọng lại ở các cuốn mũi, chảy ra cửa mũi trước hoặc sau tùy xoang bị viêm.
- Triệu chứng toàn thân: Bệnh nhân khi bị viêm xoang thường có sốt, đau đầu, mệt mỏi,...
- Triệu chững xét nghiệm: Bệnh nhân viêm xoang do nhiễm khuẩn thường có bạch cầu tăng trong đó chủ yếu là tăng bạch cầu đa nhân trung tính, hình ảnh mờ xoang trên phim Xquang, CT-Scan hoặc phim MRI.
Bên cạnh các triệu chứng của bệnh viêm xoang, người bệnh viêm xoang nhiễm khuẩn còn có thể biểu hiện bằng các triệu chứng của bệnh ban đầu như viêm họng, viêm amydal, viêm mũi, đau răng,...
Triệu chứng của viêm xoang nhiễm khuẩn - Ảnh Internet
3. Điều trị viêm xoang nhiễm khuẩn như thế nào?
Đối với viêm xoang nhiễm khuẩn, ngoài các biện pháp điều trị chung cho bệnh viêm xoang như làm thông thoáng mũi xoang, vệ sinh mũi xoang, xông nước nóng có menthol, kháng viêm,... thì việc sử dụng kháng sinh là bắt buộc.
Kháng sinh thường được lựa chọn để sử dụng cho bệnh nhân viêm xoang nhiễm khuẩn là amoxicillin/acid clavulanic. Đôi khi có thể dùng cefuromxim, ceftriaxone,... Thời gian điều trị thường kéo dài từ 5-7 ngày, có thể lên đến 10-14 ngày và phối hợp nhiều loại kháng sinh nếu bệnh nặng.
Nếu tình trạng bệnh của bệnh nhân không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị kháng sinh thì cần làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn gây bệnh hoặc có thể được chỉ định làm phẫu thuật điều trị trong trường hợp cần thiết.
Có thể thấy rằng, vi khuẩn là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất và thường gây nên tình trạng nặng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, viêm xoang do nhiễm khuẩn hoàn toàn có thể được điều trị hiệu quả nếu được nhận biết sớm và chính xác. Do đó, ngay khi có các triệu chứng bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bởi các bác sĩ có chuyên môn.
Viêm mũi dị ứng lúc giao mùa: Chuyên gia nói về dấu hiệu và cách điều trị Chị Hương - Hoài Đức, Hà Nội cho biết gia đình chị đã khổ sở vì viêm mũi dị ứng. Chị và 2 con gái cứ đến giao mùa là bị viêm mũi dị ứng rất khó chịu. Ban đầu, chị Hương sợ bị xoang nhưng khi kiểm tra sức khỏe thì chỉ là viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên,bệnh lai rai lâu...