Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới: Người quyết định thành công là giáo viên
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT) mới – nhận định, giáo viên là yếu tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục.
Giáo viên là yếu tố quyết định sự thành công của CTGDPT mới. (Ảnh minh họa)
Không còn “cầm tay chỉ việc”
Thưa GS, việc xây dựng CTGDPT mới có ý nghĩa như thế nào trong công cuộc đổi mới giáo dục?
- Những người biên soạn chương trình cố gắng hết mức để xây dựng một chương trình vừa kế thừa được nhiều nhất những ưu điểm của các chương trình đã có từ trước tới nay, vừa tiếp thu được nhiều nhất những điểm mới của chương trình các nước tiên tiến, nhưng cũng không quyết định được thành công. Người thật sự quyết định thành công của chương trình là giáo viên.
Thực tế, chỉ ngay sau một tháng triển khai CTGDPT mới, không ít giáo viên gặp khó khăn vì cho rằng cho rằng chương trình khá nặng. Là Tổng chủ biên chương trình, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Từ trước đến nay, giáo viên chỉ biết chủ yếu một SGK trong giảng dạy. Với chương trình mới có nhiều bộ SGK, trước mắt, giáo viên chưa quen thì có thể dựa vào SGK. Nhưng dần dần, các thầy cô phải chọn lọc từ những kiến thức khác nhau để tự tạo ra một giáo án phù hợp với từng đối tượng.
Tuy nhiên, giáo viên tiểu học quen với chương trình cũ trong một thời gian khá dài, quen được “cầm tay chỉ việc” nên bây giờ làm chủ động không biết mình làm thế có được không, lại e dè rụt rè, dù về nghiệp vụ hầu hết tốt.
Giờ chương trình mở, yêu cầu giáo viên phải tự chủ động nên ngại, họ cần có thời gian để dần thay đổi. Quan trọng nhất là các cô nắm được mục tiêu chương trình đầu ra là gì, đối với mỗi bài, người ta yêu cầu cái gì? Một bài học âm thì chỉ cần làm hết bài đó nhận được cái âm, cái chữ là đạt. Còn dạy học sinh thế nào để đạt được là do thầy cô.
Video đang HOT
Thầy trò vùng sâu, vùng khó khăn… phải chật vật chạy cho kịp chương tình, sách giáo khoa lớp 1. Phải chăng chương trình, SGK chưa tính đến yếu tố vùng miền?
- Giáo viên kêu nặng do chưa quen chương trình, SGK mới, hoặc yêu cầu học sinh cao, chưa quán triệt được dạy học phân hóa. Chương trình “mở”, SKG “mở” để thỏa mãn nhiều đối tượng khác nhau, không như ngày xưa là dạy học đồng loạt, giờ dạy học thích nghi với nhiều vùng miền khác nhau, thích nghi với nhiều đối tượng khác nhau trong một lớp.
Thế nên, những nơi nào học sinh tiếp thu nhanh như ở nội đô Hà Nội, TP. HCM các thầy cô cứ việc dạy theo gợi ý của sách giáo viên là 2 tiết, còn nơi nào mà học sinh chậm hơn, hoặc học sinh đông thì kéo dài thêm 1 tiết hay nửa tiết miễn là dạy xong…
GV phải dạy tùy theo đối tượng, tùy khả năng từng em chứ không gây áp lực cho phụ huynh khi bản thân các cô chưa nắm chắc vấn đề đó nên cảm thấy khó. Giáo viên hiểu được như thế để đỡ gây áp lực cho phụ huynh và học sinh. Các cô không nên đưa ra những yêu cầu cao mà chỉ cần đúng chuẩn.
Không gây áp lực cho giáo viên
Thưa GS, việc giáo viên kêu khó, liệu có phải do có một bộ phận không có động lực để đổi mới? Làm thế nào để có thể tạo động lực cho giáo viên tốt hơn?
- Chương trình mới yêu cầu giáo viên đổi mới, dạy học sinh theo hướng phát triển năng lực. Chương trình mới đòi hỏi học sinh phải hoạt động tích cực thì sĩ số lớp phải ít. Khi đó, giáo viên mới đủ điều kiện để quan tâm hướng dẫn học sinh hoạt động. Trước hết, để tạo điều kiện cho giáo viên thì đừng để lớp đông quá quy định tối đa là 35 học sinh.
Một lớp có tới 60 học sinh thì giáo viên “sống” sao nổi, cũng không có thêm một đồng thù lao nào vì dạy vượt số lượng học sinh quy định, điều đó là không đúng. Nếu là Bộ Nội vụ, đầu tiên tôi sẽ có chế độ chính sách tốt cho giáo viên, tăng lương cho giáo viên, bởi chế độ tiền lương cho giáo viên tiểu học, nhất là giáo viên vùng vùng cao hiện còn nhiều bất cập.
Để khắc phục tình trạng học sinh quá đông trong một lớp, chúng ta phải trông chờ vào sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, số người nhập cư đông. Đó là khó khăn của chính quyền thành phố. Chúng tôi cũng mong Chính phủ có giải pháp hỗ trợ.
Thứ hai là, không gây áp lực cho giáo viên từ cấp quản lý, cho đến phụ huynh học sinh và xã hội, đừng gây áp lực cho việc giáo viên. Tôi nghĩ giáo viên họ bị áp lực, căng thẳng lắm, nên mình cần động viên các thầy cô, không nên vội phán xét. Đặc biệt, từ cấp quản lý đừng có gây áp lực về thi đua, thành tích, ví dụ như lấy vở sạch chữ đẹp làm tiêu chuẩn thi đua…
Bên cạnh đó muốn thành công mình phải có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện cho giáo viên làm việc chứ không quan tâm cũng khó vì lớp đông quá, trường có điều kiện kém quá thì đó là vấn đề.
Tôi rất mong là xã hội ủng hộ, bởi đổi mới vì chính quyền lợi của con em mình. Cần phải có cơ chế chính sách cho các thầy các cô, khi người ta vẫn phải lo cơm áo thì làm sao có thời gian đầu tư cho việc dạy học. Các thầy cô ngày xưa đồng lương cũng tạm đủ sống và thời bao cấp người ta cũng bằng lòng với cái nghèo, còn giờ kinh tế thị trường, họ không thể bằng lòng với cái nghèo. Nếu tiền lương không đủ sống, họ phải tìm cách xoay sở…
Vậy theo ông, đâu là vấn đề mấu chốt để giáo viên có động lực thực hiện đổi mới CTGDPT mới?
- Theo tôi, trước hết, phải xây dựng được chương trình giáo dục thật sự mới mẻ, biên soạn được những bộ sách giáo khoa mới thật sự có chất lượng. Đó là yếu tố đầu tiên tạo hứng khởi cho giáo viên.
Thứ hai, phải tập huấn giáo viên thật chu đáo, tập huấn không chỉ để bồi dưỡng chuyên môn mà còn để truyền được cảm hứng thật sự cho giáo viên về đổi mới giáo dục.
Thứ ba, nếu chưa thể có chính sách, chế độ gì đột phá để động viên giáo viên thì Nhà nước cũng cần cải thiện điều kiện dạy và học, để anh chị em làm việc có hiệu quả hơn. Chỉ cần thấy đổi mới có hiệu quả, giáo viên sẽ có cảm hứng, sáng tạo và quyết tâm đưa đổi mới đến thành công.
Linh hoạt đổi mới phương pháp dạy học lớp 1
Sau nửa năm thực hiện chương trình, SGK mới, nhiều giáo viên, hiệu trưởng cho biết, phương pháp dạy học truyền thống "thầy nói trò nghe" đã được thay bằng phương pháp dạy học tích cực.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tràng An trong giờ học
Những giờ học hào hứng
Giờ học Âm nhạc lớp 1, Trường Tiểu học Tràng An (Hà Nội) khá sôi nổi khi cô giáo đệm đàn, học sinh hát. Đạo cụ của giờ học gồm có trống, hoa giấy, bộ gõ... Từng nhóm học sinh giơ tay lên biểu diễn trên nền nhạc của giáo viên. Để tạo sự vui nhộn, hào hứng cho học sinh, giáo viên cho phép các em ngẫu hứng múa minh họa.
Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An, nói rằng, giáo viên phải tích cực đổi mới kỹ thuật dạy học; Mỗi tuần, tổ giáo viên lớp 1 đều tổ chức sinh hoạt chuyên môn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Trường phân mỗi giáo viên phụ trách chuyên môn sâu 1 môn học cụ thể để chia sẻ phương pháp dạy học hay về môn đó. Theo bà Liên, SGK lớp 1 phải sau một năm mới rút ra được kinh nghiệm.
"Tuy nhiên, cái khó hiện nay là đồ dùng, thiết bị dạy học cho cả cô và trò đều chưa có. Ngoài tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên phải tự chế tạo đồ dùng nên vất vả hơn", bà nói.
Cô Nguyễn Thị Khánh Ly, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội), cho rằng, liên tục đổi mới phương pháp dạy học để học sinh luôn hứng thú. Ví dụ, trong các giờ học Tiếng Việt, học sinh lên bảng tập đóng vai, hóa thân vào các nhân vật trong truyện. Sau đó, mới dẫn dắt học sinh đi đến việc tìm tiếng, vần, từ mới trong bài học. Cuối giờ, biết học sinh rất thích tô màu, cô giáo cho các em vẽ tranh tư duy và tô màu sắc tùy hứng. Qua đó, học sinh học âm - vần rất vui vẻ.
Ông Trần Huy Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân (Hà Tĩnh), cho biết, sau gần nửa năm dạy SGK mới, giáo viên cần phải nỗ lực hơn nhưng cũng đã "vào guồng", chuẩn kiến thức, kỹ năng học sinh đều đạt được. "Nếu trước đây, cô đọc trò viết, cô nói trò nghe thì dạy học theo phương pháp mới, giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, gợi mở để khuyến khích học sinh chủ động tự học, tự làm từ đó lĩnh hội kiến thức", ông Hợi nói.
Giáo viên được quyền linh hoạt
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD&ĐT, cho biết, phương pháp dạy học tích cực được Bộ hướng dẫn các cơ sở giáo dục áp dụng nhiều năm nay, và được áp dụng triệt để trong chương trình, SGK mới.
Nguyên tắc của đổi mới phương pháp dạy học là thầy cô phải giao nhiệm vụ rõ ràng cho học sinh và được quyền áp dụng linh hoạt các phương pháp dạy. "Giáo viên đóng vai trò quan sát, hỗ trợ những vướng mắc, khó khăn của học sinh để giúp các em hoàn thành nhiệm vụ. Dần dần, học sinh sẽ được hình thành thói quen và lĩnh hội kiến thức cũng như có thể áp dụng kiến thức vào thực tế", ông Thành nói.
Ông Thành cho rằng, phương pháp dạy học này sẽ có hiệu quả hơn khi vận dụng hình thức khen thưởng, động viên học sinh. Theo ông trong đổi mới phương pháp dạy học, phụ huynh đóng vai trò quan trọng, giúp hướng dẫn các con có thể áp dụng kiến thức học vào thực tiễn, không nên làm thay con.
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Tân, giáo viên trẻ nhanh nhạy nên đổi mới rất nhanh, giáo viên nhiều tuổi buộc phải nỗ lực hơn. Với phương pháp tổ chức dạy học linh hoạt, đổi mới trong từng tiết, từng bài, từng môn cụ thể, cường độ làm việc của giáo viên lớn hơn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của thiết bị dạy học hiện đại như máy chiếu, giáo viên lên kho dữ liệu dạy học tải các hình ảnh về trình chiếu, nên không phải viết bảng nhiều. Nhờ đó, giáo viên có thêm thời gian kiểm tra, hướng dẫn học sinh...
Làm người thầy thời nay không dễ! Với những áp lực đè nặng trên vai, làm người thầy thời nay không dễ, vì có thể 'trồng người' tốt nhưng cũng đầy 'khả năng' tạo ra những tâm hồn tổn thương lâu dài. Thực tế người thầy thời nay và cả học sinh đang bị quá tải. Cả thầy lẫn trò đều mệt mỏi với áp lực, về sách giáo khoa...